Ngày 10/05/2024, trong cuộc họp giữa các quan chức Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, ông Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) – thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc – đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Hoa Kỳ lần đầu tiên cho bố trí một hệ thống tên lửa tầm trung tại Philippines. Một động thái khiến nhiều nước trong khu vực lo sợ trước nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột vũ trang.
Hệ thống bệ phóng tên lửa tầm trung Typhoon MRC (Medium-range capability missile system). Ảnh do quân đội Mỹ cung cấp. © Wikipedia
Theo báo South China Morning Post, hệ thống tên lửa mà ông Tôn Vệ Đông nói đến là Typhoon Medium Range Capability (MRC) do hãng Lockheed thiết kế, một thành phần cốt lõi của Lực lượng Đặc nhiệm đa miền mới của quân đội Mỹ, một đơn vị được thành lập vào năm 2017 để chống lại các mối đe dọa hỗn hợp đến từ Nga và Trung Quốc.
MRC bao gồm bốn bệ phóng dùng cho các loại tên lửa Standard Missile 6 (SM-6), có thể gắn đầu đạn quy ước hay hạt nhân, có khả năng bắn chặn tên lửa và tấn công các mục tiêu hải quân cách xa đến 370 km, cũng như là cho loại tên lửa tấn công hành trình phóng đi từ mặt đất Tomahawk, có tầm bắn lên đến 1600 km. Hệ thống tên lửa này đã được Mỹ cho lắp đặt tạm thời trong đợt tập trận chung mang tên "Balitakan" với Philippines, kéo dài từ ngày 22/4 đến 10/05/2024. Philippines hiện đang có những căng thẳng với Trung Quốc tại những vùng biển có tranh chấp.
Trung Quốc tất nhiên đã phản đối mạnh mẽ việc đặt hệ thống vũ khí này ngay trước cửa nhà mình khi mà đảo Luçon (Philippines) chỉ cách tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) tầm 900 km. Theo ông Tôn, việc triển khai loại vũ khí này đặt ra "mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của các nước trong khu vực, đồng thời làm suy yếu nghiêm trọng nền hòa bình và ổn định trong khu vực".
Chiến lược vành đai hỏa lực
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ cho triển khai hệ thống vũ khí Typhoon trong một cuộc tập trận tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương kể từ khi Mỹ rút khỏi hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung vào năm 2019. Một thỏa thuận đã được Mỹ và Liên Xô phê chuẩn vào tháng 6/1988, cấm cả hai nước phát triển và triển khai tên lửa đạn đạo cũng như là tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 – 5.500 km.
Trên trang Conflit (ngày 02/05/2024), ông Alex Wang, một nhà quan sát địa chính trị độc lập tại Pháp, nhận định rằng khi bố trí hệ thống vũ khí này tại Philippines, Hoa Kỳ đã bắn đi thông điệp rõ ràng : Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí tấn công nhắm vào các vị trí của Trung Quốc ở Biển Đông, ở miền nam Trung Quốc, dọc theo eo biển Đài Loan và thậm chí cả ở vùng Viễn Đông của Nga.
Nhà quan sát này nhắc lại, năm 2022, Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (Centre for Strategic and Budgetary Assessments – CBA) công bố một nghiên cứu chi tiết đề tựa : "Vành đai hỏa lực : Một chiến lược tên lửa quy ước cho thế giới thời kỳ hậu hiệp ước INF". Trong theo sơ đồ chiến lược, Mỹ thiết lập các vành đai tên lửa, vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Trung Quốc được cho là một đích ngắm và vành đai khác tại châu Âu thì nhắm đến Nga.
Như vậy, việc bố trí ở Philippines hệ thống tên lửa MRC là một phép thử cho chiến lược này khi sử dụng chiến thuật "Sự đã rồi". Mục tiêu đặt ra làm thế nào ngăn chặn Trung Quốc giành được vị thế ở Thái Bình Dương. Cùng với các đồng minh, Hoa Kỳ cho thiết lập các căn cứ quân sự cận kề với Trung Quốc. Việc đưa tên lửa tầm trung đánh dấu một bước phát triển đáng kể trong chiến lược trên.
Và trong cách tiếp cận này, cần phải nhắc đến chiến lược chuỗi đảo, còn được biết đến dưới tên gọi "ngăn chặn" (containment) đường biển. Hoa Kỳ và các đồng minh tìm cách tăng cường sự hiện diện hải quân đáng kể tại các vùng biển chiến lược trong khu vực hòng ngăn chặn Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương.
Về điểm này, South China Morning Post lưu ý thêm rằng, trong nhãn quan của Bắc Kinh, Philippines là một phần của chuỗi đảo đầu tiên, phân chia lục địa châu Á với Thái Bình Dương và có thể được Mỹ sử dụng làm tuyến phòng thủ đầu tiên để kềm chế Trung Quốc về mặt quân sự.
Theo Alex Wang, Hoa Kỳ cũng sử dụng các mối quan hệ đồng minh và đối tác trong khu vực để củng cố chiến lược trên. Điều này được thể hiện rõ qua việc Washington thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung với các nước trong vùng như Nhật Bản, Philippines và Úc nhằm tăng cường hợp tác trên phương diện an ninh, khi viện dẫn lý do là bảo đảm ổn định khu vực.
Những hệ lụy cho thế cân bằng địa chính trị khu vực
Quan hệ ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc tại vùng châu Á – Thái Bình Dương vẫn là một trong những điểm nóng địa chính trị thế giới, kéo theo nhiều hệ lụy quan trọng cho an ninh khu vực và sự ổn định kinh tế. Về phần mình, Trung Quốc xem chiến lược trên của Mỹ là một nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy của nước này như là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Trung Quốc thường xuyên kêu gọi đàm phán song phương nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển.
Người ta khó có thể tin rằng việc lắp đặt tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ngay trước cửa nhà Trung Quốc là nhằm bảo đảm sự ổn định khu vực. Bởi vì, những tên lửa tầm trung này của Mỹ được bố trí ở Philippines còn có thể đe dọa đến các căn cứ quân sự của Nga tại vùng Viễn Đông, bao gồm cả nhiều thành phố như Vladivostok, tùy thuộc vào tầm bắn và khả năng đánh trúng mục tiêu của vũ khí.
Việc triển khai những loại tên lửa như vậy và khả năng sử dụng chúng tại một khu vực nhậy cảm có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy chiến lược to lớn và nhanh chóng làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga, cũng như là phá vỡ thế cân bằng địa chính trị trong vùng. Đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Nga – Mỹ hiện nay, bất kỳ động thái triển khai tên lửa nào của Mỹ gần với nước này đều bị Moskva xem như là một hành động khiêu khích, và điều đó có nguy cơ dẫn đến những đòn trả đũa quân sự hay ngoại giao từ phía Nga.
Nguy cơ chuỗi leo thang ?
Việc lắp đặt hệ thống tên lửa tầm trung ở Philippines đã khiến Nga và Trung Quốc có những phản ứng mạnh do những mối quan tâm địa chính trị của hai nước trong khu vực. Trung Quốc xem động thái này của Mỹ tại Philippines là một sự khiêu khích trực tiếp và đe dọa đến an ninh quốc gia. Bắc Kinh có thể sẽ tăng cường các hoạt động quân sự trong khu vực để đối trọng với sự hiện diện của Mỹ, từ việc triển khai tên lửa và nhiều hệ thống phòng không khác cho đến phô diễn sức mạnh hải quân.
Trong một cuộc họp báo hồi tuần đầu tháng 5/2024, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Lâm Kiện (Lin Jian), đã tố cáo Hoa Kỳ đang tìm kiếm một "lợi thế quân sự đơn phương", đồng thời nhấn mạnh sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh đối với việc triển khai. Ông kêu gọi Hoa Kỳ nên chú ý đến mối quan tâm an ninh của nhiều nước khác, ngừng thúc đẩy đối đầu quân sự, ngừng phá hoại hòa bình và ổn định khu vực, và nên có những biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu các rủi ro chiến lược.
Lời nói đi đôi với việc làm. Một chiếc drone loại WZ-7 của Trung Quốc có khả năng bay nhiều giờ, ngay lập tức đã được điều đến vùng lân cận chỉ cách Philippines có 55 km. Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) có thể sẽ tăng cường lực lượng ở Biển Đông, đặc biệt là gần với Philippines.
Nga cũng đã xem cử chỉ này của Mỹ như là một mối đe dọa cho chính lợi ích của nước này trong khu vực, đặc biệt là đối với các căn cứ của Nga ở vùng Viễn Đông. Nga có thể đáp trả bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự trong vùng, gia tăng triển khai lực lượng hải quân và không quân, cũng như là củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không xung quanh vùng Vladivostok. Nga có thể tìm cách củng cố hơn nữa hợp tác chiến lược với Trung Quốc và nhiều tác nhân khác trong khu vực để chống lại sức ảnh hưởng của Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Serguei Ryabkof gần đây từng tuyên bố : "Như đã được thảo luận gần đây nhân chuyến thăm của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đến Bắc Kinh, chúng ta phải phản ứng với vòng kềm tỏa kép bằng một biện pháp đối phó kép. Một trong những điểm của đòn phản công chắc chắn sẽ là việc xem xét lại cách tiếp cận của Nga về việc đơn phương tạm ngừng triển khai những hệ thống như thế mà tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo năm 2018".
Một thông điệp rất rõ ràng. Washington có lẽ nên cân nhắc rằng một số hoạt động hay cơ sở quân sự từ các đối thủ của Mỹ cũng có thể được đặt ở những vị trí địa lý gần với Mỹ mà cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 là một ví dụ điển hình. Vào thời điểm căng thẳng nhất của Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ phát hiện ra rằng Liên Xô đã cho bố trí nhiều tên lửa hạt nhân ở Cuba, chỉ cách bờ biển của Mỹ 160 km.
Chớ nên đùa với lửa !
Cuối cùng, theo Alex Wang, tác giả bài viết, trong một bối cảnh địa chính trị phức tạp như hiện nay, dù sự hiện diện chỉ là tạm thời nhưng chúng cũng có thể dẫn đến nhiều hệ quả đáng kể cho an ninh và ổn định khu vực. Theo một số tướng lĩnh, quân đội Mỹ trong năm nay, sẽ còn cho bố trí nhiều tên lửa tầm trung mới tại vùng châu Á – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ phải xem xét đến tác động của những hành động khiêu khích và nghiêm túc suy nghĩ về những diễn biến tiếp theo.
Điều cần thiết cho tất cả các tác nhân là phải nhanh chóng tìm được một giải pháp để hạ nhiệt nguồn căng thẳng này trong vùng. Tốt hơn hết là không nên liều lĩnh vô ích khi đùa với lửa, tác giả kết luận !
Minh Anh