Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Anh-Úc phản đối làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông

RFA, 22/01/2022

Hôm 21/1, các lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của hai nước Anh và Úc ra thông cáo chung thể hiện cam kết tăng cường quan hệ đối tác của Chính phủ hai nước này. Một trong những điểm nêu ra nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia Đông Nam Á thực hiện Quyền Tự do hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

bd1

Các Bộ trưởng hai nước Anh-Úc gặp mặt tại Sydney ngày 21/1 - AFP

Thông cáo chung gồm 44 điều khoản được đăng trên trang web của Chính phủ Anh sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton của Úc với Ngoại trưởng Elizabeth Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace của Anh tại Sydney vào sáng 21/1.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông và các nước Đông Nam Á, hai quốc gia này bày tỏ quan điểm hoan nghênh việc tăng cường mối quan hệ với ASEAN, bao gồm việc thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện (Comprehensive Strategic Partnership) giữa ASEAN-Úc, và vị thế mới của Vương quốc Anh với tư cách là Đối tác Đối thoại chính thức (official Dialogue Partner) của ASEAN.

Đồng thời, các vị bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia Đông Nam Á thực hiện Quyền Tự do hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Cả hai quốc gia này một lần nữa phản đối mạnh mẽ các hành động làm gia tăng căng thẳng, bao gồm quân sự hóa các khu vực tranh chấp, sự nguy hiểm của việc sử dụng lực lượng dân quân biển cũng như hành động ngăn cản khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước khác. 

Bản thông cáo nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016, và nhấn mạnh rằng mọi Quy tắc ứng xử phải hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, không làm phương hại đến quyền hoặc lợi ích của các quốc gia khác theo luật pháp quốc tế.

Các bộ trưởng yêu cầu Luật Hải cảnh và Luật An toàn Giao thông Hàng hải mà Trung Quốc áp dụng trong năm 2021 phải phù hợp với UNCLOS.

*********************

Anh - Úc ra tuyên bố chung có nhấn mạnh về Biển Đông

Vi Trân, Thanh Niên online, 21/01/2022

Các quan chức Anh - Úc lặp lại sự phản đối mạnh mẽ đối với những hành động gây căng thẳng, gồm việc quân sự hóa ở khu vực tranh chấp, sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển một cách nguy hiểm tại Biển Đông.

Ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng hai nước Anh và Úc ngày 21/1 đã có cuộc tham vấn cấp bộ trưởng thường niên.

bd2

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (bìa phải) và tàu chiến của Anh, Hà Lan tại Biển Đông hồi tháng 7/2021- Ảnh Hải quân hoàng gia Anh

Theo tuyên bố chung được đăng trên website Ngoại trưởng Úc Marise Payne, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quyền và tự do hàng hải của các nước tại Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Các quan chức lặp lại sự phản đối mạnh mẽ đối với những hành động gây căng thẳng, gồm việc quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp, sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển một cách nguy hiểm và những nỗ lực cản trở các nước khác sử dụng tài nguyên biển.

Các quan chức tuyên bố phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa trọng tài là không thay đổi và ràng buộc với các bên. Các quan chức nhấn mạnh bất kỳ Bộ Quy tắc ứng xử nào cũng phải phù hợp với luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, không được phương hại đến quyền hoặc lợi ích của các nước theo luật quốc tế hoặc gây ảnh hưởng cấu trúc khu vực.

Ngoài ra, những yêu sách biển và việc thực hiện luật trong nước, gồm luật hải cảnh và luật an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc, phải phù hợp với UNCLOS 1982.

Các quan chức tái khẳng định cam kết sẽ làm việc cùng nhau để đối phó những mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với an ninh và ổn định, gồm tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Quan chức hai nước tuyên bố ủng hộ một khu vực Indo-Pacific tự do, bao quát và có khả năng phục hồi, trong đó quyền chủ quyền của mọi quốc gia đều được tôn trọng. Các bộ trưởng cam kết sẽ làm việc với đối tác để định hình khu vực dựa trên quy tắc và luật lệ, không chịu sự cưỡng ép, nơi các tranh chấp được giải quyết hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, các quan chức Anh và Úc còn bàn bạc về nhiều vấn đề khác như an ninh, Covid-19, thương mại, hạ tầng, khí hậu...

Vi Trân

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt, Vi Trân
Published in Châu Á