Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

EU kêu gọi chính phủ Miến giúp người Rohingya (RFA, 15/05/2017)

Một giới chức cao cấp EU kêu gọi chính phủ Miến Điện tăng cường trợ giúp cho cộng đồng Hồi Giáo Rohingya cư ngụ ở miền Bắc bang Rakhine, nơi quân đội và an ninh Miến đang thực hiện những cuộc hành quân để truy lùng khủng bố.

myanmar1

Ủy viên đặc trách Cứu trợ của EU, ông Christos Styliani - AFP photo

Nói với báo chí ngay sau khi kết thúc 3 ngày viếng thăm Miến Điện, Ủy Viên Đặc Trách Cứu Trợ của EU là ông Christos Stylianides nói rằng trong tất cả những cuộc họp với chính phủ Miến, ông đều kêu gọi phải tìm cách giúp đỡ cho người Ronhingya.

Ông nói thêm một trong những điều chính phủ Myanmar cần làm ngay là cho phép các tổ chức từ thiện nước ngoài giúp đỡ cho những người phải bỏ nhà cửa đề chạy tỵ nạn.

Tin từ các tổ chức thiện nguyện quốc tế và những hãng thông tấn nước ngoài cho biết từ tháng Mười năm ngoái tới giờ, có khoảng 100.000 người Hồi Giáo Rohingya phải chạy lánh nạn, phần lớn chạy sang Bangladesh.

Những người này lên tiếng cáo buộc binh sĩ và an ninh Miến có hành động tàn ác, như bắt bớ, bắn giết, cướp của và hãm hiếp.

Chính phủ Miến nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc vừa nói, nhưng đồng thời không cho quan sát viên quốc tế đến bang Rakhine để tìm hiểu hư thực.

*******************

Philippines sẽ mua vũ khí từ Trung Quốc và Nga (RFA, 15/05/2017)

myanmar2

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (thứ ba từ phải) thăm tàu khu trục Trung Quốc neo đậu tại cảng quốc tế Davao vào ngày 1 tháng 5 năm 2017. AFP photo

Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines cho hay nước ông sẽ tìm mua võ khí từ Trung Quốc và Nga.

Nói với báo chí tại Bắc Kinh, ông bộ trưởng Delfin Lorenzana giải thích rằng Hoa Kỳ đặt quá nhiều điều kiện trước khi bán võ khí cho Phi, trong lúc Manila cần thêm máy bay, tầu cao tốc và súng đạn để hiện đại hóa quân sự, cũng như sử dụng vào công tác chống bọn khủng bố đang hoạt động ở miền Nam của Phi.

Phát biểu này được đưa ra sau khi Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, tiếp xúc với một số công ty chuyên sản xuất dụng cụ quốc phòng của Trung Quốc để thảo luận về chuyện mua võ khí và đạn dược. Cuộc tiếp xúc này diễn ra tại Bắc Kinh, bên lề Diễn Đàn Vòng Đai Và Con Đường do Trung Quốc tổ chức.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết trong thời gian tới, sẽ gửi một phái đoàn chuyên viên quốc phòng đến Bắc Kinh để xem có thể mua những loại khí cụ nào do Trung Quốc sản xuất.

Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã giúp Phi 14 triệu dollars khi cụ, đồng thời cam kết cho vay 500 triệu dollars nếu Phi đồng ý mua võ khí của Trung Quốc.

**********************

Trung Quốc : 'Sex, tiền bạc và chủ nghĩa xã hội' (BBC, 15/05/2017)

myanmar3

Vụ vây bắt các nhà thổ trá hình tại Đông Quản, Quảng Đông năm 2014 làm lộ ra quy mô của nghề bán dâm tại Trung Quốc

Nữ tác giả Trung Quốc mô tả các mâu thuẫn xã hội vì thể chế và văn hóa tại nước này qua chuyện phụ nữ bán dâm trong cuộc phỏng vấn với BBC News tại Anh hôm 15/05.

Tiểu thuyết Lotus bằng tiếng Anh ra năm 2017, của Trương Lệ Giai, dựng lại cuộc đời một cô gái trốn gia đình ở Tứ Xuyên đến sống tại khu công nghiệp Thâm Quyến và rơi vào phố đèn đỏ.

Cô có cuộc sống hai mặt và cố gắng vượt qua để vươn lên "từ cống rãnh của xã hội".

Đây là cuộc sống trong điều kiện 'tiền bạc, sex và quan hệ làm ăn' (guanxi) thống trị xã hội Trung Quốc thời Khai phóng với những thay đổi chóng mặt, theo bình luận trên South China Morning Post về cuốn sách.

Trả lời truyền hình BBC, bà Trương Lệ Giai (Lijia Zhang) nói về "tụ điểm" mua bán dâm nổi tiếng tại miền Nam Trung Quốc, nơi hồi 2014 có một vụ vây bắt hàng trăm nhà thổ trá hình :

"Tôi đã đến Đông Quản (Quảng Đông) nhiều lần và phỏng vấn các cô gái làm nghề này.

"Trước đó, họ có thể là công nhân một nhà máy, bán hàng ở cửa hàng nhưng sau chọn cách vào nghề bán dâm, ban đầu có thể làm tại các điểm mát-xa".

"Gần như tất cả chọn nơi hành nghề xa quê nhà, và vẫn gửi tiền về cho chồng, cho cha mẹ. Họ luôn nói là họ làm nghề gì đó tốt đẹp hơn".

Các vấn đề phân biệt giới tính về thu nhập, bạo hành và tham nhũng cũng thể hiện ra trong nghề này, theo bà Trương.

"Tất cả các cô gái vào nghề bán dâm đều tự nguyện, nhưng họ làm vậy vì hoàn cảnh riêng và vì cần gửi tiền về nhà".

"Nghề mại dâm phản ánh tất cả những vấn đề của Trung Quốc hiện đại, và có ít nhất 10 triệu người làm nghề buôn phấn bán hương".

Hiện nghề này vẫn bị coi là một trong sáu 'tệ nạn xã hội' ở Trung Quốc và phụ nữ bán dâm vẫn có thể bị phạt tù tới 2 năm, theo BBC News.

Nhưng trước câu hỏi của phóng viên Philippa Thomas rằng có cách gì để bảo vệ tốt hơn quyền phụ nữ của người bán dâm tại Trung Quốc hay không, tác giả nói :

myanmar4

Trương Lệ Giai nói cả Trung Quốc có 10 triệu người bán dâm và họ thường xuyên phải nộp tiền cho công an

"Chừng nào Trung Quốc còn tự xưng là nước xã hội chủ nghĩa thì không có hy vọng cho việc hợp pháp hóa mại dâm".

Vì thế, vẫn có đầy lối thoát cho quan chức, cho công an khi lạm dụng và kiếm chác nhờ nghề bán dâm, bà Trương Lệ Giai nói với BBC.

"Họ thường xuyên phải nộp tiền cho công an".

Cuốn tự truyện kể về cảnh tác giả vào nhà máy lao động cực nhọc năm 16 tuổi và thức tỉnh cả về chính trị, trí tuệ và tình dục trong thập niên mới mở cửa tại Trung Quốc.

Tác giả Trương Lệ Giai sinh năm 1964 ở Nam Kinh và từng học tại Hoa Kỳ (Harvard), Anh Quốc (Goldsmiths College), và Úc (Đại học Sydney).

Hiện sống tại Bắc Kinh, bà tiếp tục ra các tác phẩm tiếng Anh và thường xuất hiện trên các kênh BBC, CNN và ABC để nói về chủ đề Trung Quốc.

Published in Châu Á