Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đầu tư Trung Quốc : Tâm điểm trong cuộc tranh cử tại Indonesia (RFI, 15/04/2019)

Sau Sri Lanka, Malaysia hay Maldives, giờ đến lượt Indonesia. Các dự án đầu tư của Trung Quốc bị các ứng cử viên đem ra "mổ xẻ" để công kích nhau, với lập luận rằng đầu tư Trung Quốc có nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế và chủ quyền quốc gia. Đây là cảm giác bất an thật sự trước các khoản đầu tư "hậu hĩnh" của Trung Quốc, hay đó chỉ là "một chiêu bài" để vận động tranh cử ?

von1

Tổng thống mãn nhiệm Indonesia tại một cuộc mít tinh vận động tranh cử ở Jakarta, ngày 13/04/2019. Antara Foto/Akbar Nugroho Gumay/ via Reuters

Thứ Tư, 17/04/2019, Indonesia sẽ tổ chức tổng tuyển cử để bầu tổng thống và Quốc hội. Jakarta cũng như các nước Châu Á dân chủ khác đều cần đến nguồn vốn của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng yếu kém.

Thế nhưng, tâm lý bài Trung Quốc cũng tăng theo số lượng dự án đầu tư của Bắc Kinh tại Indonesia. Người dân nước này lo sợ nguy cơ bị mất chủ quyền tại những cơ sở trọng yếu của nền kinh tế, cũng như rủi ro mắc nợ Trung Quốc quá cao, mà Sri Lanka là một ví dụ điển hình.

Ông Deasy Simandjuntak, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Singapore, nhận xét với hãng tin Pháp AFP : "Sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc là một vấn đề chủ chốt trong các cuộc bầu cử tại nhiều nước Châu Á. Phe đối lập chỉ trích các chính phủ về những chính sách bị cho là ʺthân Trung Quốcʺ".

Đây cũng chính là những luận điểm mà ông Prabowo Subianto, một cựu tướng lĩnh Indonesia, đối thủ của tổng thống Indonesia mãn nhiệm Joko Widodo đưa ra trong cuộc tổng tuyển cử năm nay. Bị ông Widodo dẫn trước 10 điểm trong các cuộc thăm dò, Prabowo Subianto đã sử dụng luận điệu "dân tộc chủ nghĩa", đòi xem xét lại các dự án phát triển cơ sở hạ tầng có nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, nhất là những công trình nằm trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh.

Quả thật dưới thời tổng thống Widodo, hàng tỷ đô la đầu tư của Trung Quốc đã ồ ạt đổ vào Indonesia. Là một đảo quốc rộng lớn được hình thành từ 17.000 đảo nhỏ, Indonesia cần nguồn vốn của Trung Quốc để phát triển các cơ sở hạ tầng quan trọng như đường xá, sân bay, đường sắt… Theo số liệu chính thức, riêng trong năm 2018, Jakarta và Bắc Kinh đã ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư trị giá tổng cộng 23 tỷ đô la.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã có mặt trong nhiều dự án lớn, trong đó có dự án xây khu công nghiệp trên đảo Celebes và một dự án đường tầu hỏa tốc hành nối Jakarta và Bandung, trị giá 6 tỷ đô la. Đây cũng chính là hai dự án bị phe đối lập khai thác triệt để, kích động nỗi sợ ở người dân về một làn sóng công nhân Trung Quốc ùa sang và tỷ lệ mắc nợ cao đáng lo ngại.

Mà nỗi sợ "người Hoa" này cũng không phải là một điều gì mới mẻ tại đất nước có 250 triệu dân và đại bộ phận là theo Hồi giáo. Người dân Indonsia từ lâu đã có hiềm khích với cộng đồng người Hoa trong nước, nhất là với những người giầu, vốn kiểm soát một phần quan trọng nền kinh tế Indonesia. Họ cũng từng là mục tiêu của các cuộc thanh trừng "chống Cộng sản" trong những năm 1960 và các cuộc thảm sát năm 1998, vào thời điểm chế độ Suharto sụp đổ.

Giờ đây, với những dòng vốn đầu tư Trung Quốc ồ ạt đổ vào Indonesia, thái độ "bài người Hoa" còn gia tăng mạnh mẽ. Bởi vì "vốn đầu tư Trung Quốc bị gán với cộng sản và bị cho là một mối đe dọa" như lưu ý của bà Trissia Wijaya, chuyên gia về kinh tế Đông Nam Á, tại đại học Murdoch của Úc.

Đây quả là một mảnh đất "mầu mỡ" cho phe đối lập khai thác. Trong cuộc đấu này, chưa biết ai thắng ai. Nhưng có một điều chắc chắn là khái niệm "Quốc gia trước đã" của ông Donald Trump đang trở nên thịnh hành.

Prabowo Subianto, 67 tuổi, mang tư tưởng bài Trung Quốc, chủ trương "chủ nghĩa dân tộc sáng suốt" thông qua một chính sách gọi là "Indonesia First". Phải chăng đã đến lúc tổng thống Mỹ cần đăng ký bản quyền cho khái niệm "Nước Mỹ trước đã !" ?

Minh Anh

*******************

Mỹ nối lại đàm phán với Nhật để giảm thâm hụt thương mại (RFI, 14/04/2019)

Vấn đề tiền tệ sẽ là một trong những chủ đề nghị sự của cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản diễn ra trong hai ngày 15 và 16/04/2019. Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định thỏa thuận tương lai giữa hai nước sẽ gồm một phần đề cập đến việc hạn chế thao túng tiền tệ.

von2

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin và đồng nhiệm Taro Aso tại khóa họp mùa xuân của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới ở Washington ngày 13/04/2019. Reuters/James Lawler Duggan

Phát biểu trước báo giới ngày 13/04 bên lề các cuộc họp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới, bộ trưởng Mnuchin tái khẳng định "dù là hiệp định thương mại nào, thì luôn có những điều khoản về tiền tệ, như chúng tôi (Hoa Kỳ) đã làm" đối với thỏa thuận tự do thương mại với Canada và Mêhicô.

Ngoài vấn đề tiền tệ, bộ trưởng Kinh Tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer còn bàn về nhiều chủ đề lớn khác trong hai ngày làm việc ở Washington vì theo ông Mnuchin, "thị trường Nhật Bản chưa đủ mở rộng cho hàng hóa của các nhà xuất khẩu Mỹ".

AFP nhắc lại vòng đàm phán Mỹ-Nhật được tiến hành lần đầu tiên vào tháng 08/2018 tại Mỹ sau khi tổng thống Donald Trump lên án mức thâm hụt thương mại 67,62 tỉ đô la (không kể lĩnh vực dịch vụ) với Nhật Bản. Để tái cân bằng trao đổi mậu dịch, chính phủ Tokyo nghiên cứu mua thêm trang thiết bị quân sự của Mỹ, trong đó có khoảng 150 chiến đấu cơ F-35.

Lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Cũng trong buổi họp báo, bộ trưởng Tài Chính Mnuchin cũng tỏ ra lạc quan về khả năng chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khi phát biểu "đang tiến gần đến vòng đàm phán cuối cùng để tìm ra giải pháp cho các vấn đề" chưa được giải quyết, nhưng ông không nhắc đến một ngày cụ thể.

Thu Hằng

********************

IMF và WB cảnh báo về các khoản vay của Trung Quốc cho các nước nghèo (RFI, 12/04/2019)

Nhân khóa họp mùa xuân của hai định chế, tại Washington, ngày hôm qua, 11/04/2019, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (WB) cảnh báo : Trung Quốc ngày càng cho các nước nghèo vay nhiều hơn. Do vậy, việc cho vay nên được thực hiện một cách minh bạch, và không đẩy con nợ vào tình thế nợ nần chồng chất, không trả nổi.

von3

Nhà khoa học Anh David Attenborough (P) và tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nhân khóa họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới và IMF tại Washington. Ảnh 11/04/2019. Reuters/James Lawler Duggan

Phát biểu trong một cuộc họp báo, tân chủ tịch người Mỹ của Ngân Hàng Thế giới David Malpass nhắc lại rằng các khoản vay góp phần giúp các nền kinh tế phát triển, nhưng ông cảnh báo ngay : "Nếu việc cho vay không được tiến hành trong minh bạch, nếu việc vay nợ không mang lại kết quả thuyết phục (về mặt phát triển của một quốc gia), thì khối nợ có thể là một gánh nặng đáng kể cho nền kinh tế".

Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới nói thêm : "Lịch sử đầy rẫy những tình huống theo đó nợ nần chồng chất đã nhấn chìm các nền kinh tế".

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, nhìn chung, hai định chế tài chánh hàng đầu của thế giới đã kêu gọi Bắc Kinh minh bạch hơn về quy mô các khoản tín dụng, cũng như về các điều kiện cho vay.

Tài trợ của Trung Quốc chủ yếu được dùng vào việc xây dựng cơ sơ hạ tầng, khai thác tài nguyên như than đá, vào các ngành như viễn thông và giao thông vận tải. Tại các nước nghèo, các chương trình cho vay đó trên lý thuyết là nhằm thúc đẩy xuất khẩu để tăng thu nhập.

Thế nhưng, theo AFP, các khoản cho vay của Trung Quốc càng nhiều, thì những lời chỉ trích càng lớn hơn, đặc biệt trên cách thức Bắc Kinh cho vay. Trung Quốc chẳng hạn đã bị chỉ trích là khuyến dụ các nước Châu Phi vay nợ, trong khi mà những nước nhỏ nhất ở lục địa này vừa mới giảm được phần nào gánh năng nợ nần.

Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới cảnh cáo rằng "hiện có đến 17 quốc gia Châu Phi ở trong tình trạng bị nợ cao đến mức nguy hiểm, và số nước trong diện này ngày càng tăng với các hợp đồng vay mới không minh bạch ngày càng nhiều".

Ví dụ rõ rệt về tính chất thiếu minh bạch là trường hợp nước Châu Phi Mozambique chẳng hạn, đang vướng vào tai tiếng hơn 2 tỷ đô la nợ Trung Quốc mà dân chúng nước này không hề hay biết.

Về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu cũng lo ngại trước việc Trung Quốc đang bơm tín dụng, với lãi suất thấp, vào Châu Âu, chẳng hạn vào vùng Balkan. Ví dụ như tại Montenegro, nợ công tăng vọt lên mức 70% GDP, sau khi nước này vay được hơn 800 triệu euro từ một ngân hàng Trung Quốc để xây dựng một xa lộ trên núi.

Trung Quốc hiện đang cho nhiều quốc gia đang phát triển vay tiền, trong nỗ lực hình thành kế hoạch "Vành Đai, Con Đường" của họ, đặc biệt nhắm vào các quốc gia nhiều tài nguyên.

Trong buổi họp báo tại Washington, giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, bà Christine Lagarde, cho rằng mức nợ cao và con số những chủ nợ cho vay không tuân theo các quy luật quốc tế, cũng sẽ làm phức tạp hơn vấn đề trả nợ của một nước.

Bà Lagarde xác nhận : "Cả Ngân Hàng Thế Giới lẫn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hiện đang hợp tác để tạo thêm sự minh bạch và để xác định được các món nợ hiện có, từ trị giá món nợ, điều kiện vay nợ, cho đến thời hạn trả nợ".

Một bản báo cáo công bố trong tuần này của IMF đã cảnh báo rằng số nợ ngày càng lớn trên thế giới, kể cả của các chính phủ và các công ty, đang là mối đe dọa cho kinh tế toàn cầu.

Trọng Nghĩa

*******************

Malaysia tái lập dự án đường sắt với vốn Trung Quốc từng bị dọa bỏ (RFI, 12/04/2019)

Chính quyền Malaysia hôm 12/04/2019, cho biết là đã đồng ý tái lập dự án đường sắt ven biển dùng vốn đầu tư của Trung Quốc. Quyết định thực hiện này được đưa ra sau khi nhà thầu Trung Quốc đồng ý cắt giảm 1/3 chi phí của một dự án mà trị giá ban đầu đã bị đội lên thành gần 16 tỷ đô la.

von4

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tại Langkawi, Malaysia. Ảnh 28/03/2019. Reuters/Feline Lim

Trong một thông cáo, phủ thủ tướng Malaysia đã hoan nghênh việc ký kết một thỏa thuận bổ sung nhằm khôi phục dự án giữa tập đoàn Malaysia Rail Link Sendirian Berhad với tập đoàn xây nhà nước Trung Quốc CCCC (China Communications Construction Company Ltd). Thỏa thuận mới liên quan đến vấn đề thiết kế, xây dựng … cùng nhiều mặt khác của đề án, đã được nhất trí sau nhiều tháng đàm phán.

Thông cáo còn cho biết là chi phí 2 công đoạn đầu tiên của dự án đã được giảm xuống còn 44 tỷ ringgit (khoảng 10,7 tỷ đô la), thấp hơn 1/3 so với giá ban đầu là 65,5 tỷ ringgit (15.9 tỷ đô la). Việc giảm đáng kể chi phí này, theo bản thông cáo, "có lợi cho Malaysia trong tình hình tài chính hiện nay của đất nước".

Thủ tướng Mahathir sẽ cho biết thêm chi tiết trong cuộc họp báo vào thứ Hai tuần tới.

Theo hãng tin Mỹ AP, thỏa thuận đạt được như thế đã chấm dứt hàng tháng trời đắn đo, đàm phán về đoạn đường sắt dài 688 cây số, nối liền bờ biển phía tây Malaysia với những vùng nông thôn miền đông nước này. Đây cũng là một phần quan trọng của con Đường Tơ Lụa Mới mà Trung Quốc chủ trương.

Từ khi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng 5/2018, thủ tướng Mahathir đã đình chỉ hoặc duyệt lại một loạt đề án đã thỏa thuận với Trung Quốc, như đề án đường sắt nói trên mà thủ tướng tiền nhiệm Najib Razak đã giao cho tập đoàn Trung Quốc vào năm 2016.

Ông Mahathir từng tỏ ý muốn hủy bỏ hẳn dự án này, cho là giá quá cao khiến Malaysia phải gánh nợ quá nặng. Tuy nhiên, sau cùng ông chỉ tạm đình chỉ việc thưc hiện, chờ đàm phán lại.

Theo giới quan sát, dẫu sao thì Malaysia không thể hủy bỏ dự án nói trên vì nếu làm như vậy, Kuala Lumpur chẳng những phải bồi thường thiệt hại, mà còn làm phật lòng Bắc Kinh, đối tác thương mại hàng đầu của mình.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á