Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chính sự hỗ trợ cả về mặt kinh tế lẫn ngoại giao của Trung Quốc đang thúc đẩy xu hướng toàn trị ở một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là tại Cam Bốt, nơi mà chính quyền Hun Sen đã triệt tiêu phe đối lập, bất chấp sự lên án của phương Tây.

doctai1

Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc tại Manila, 13/11/2017-Reuters

Hôm nay, 29/11/2017, thủ tướng Hun Sen rời Cam Bốt sang Trung Quốc dự một cuộc họp thượng đỉnh từ ngày 30/11 đến ngày 03/12, do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức. Theo lời một cố vấn của thủ tướng Cam Bốt, nhân dịp này, ông Hun Sen sẽ hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như tiếp xúc với các nhà đầu tư Trung Quốc để bàn về viện trợ và đầu tư nhằm tạo thêm công ăn việc làm ở Cam Bốt.

Theo hãng tin Reuters, phát biểu với các phóng viên, ông Sry Thamrong, cố vấn của thủ tướng Hun Sen, cho biết là Cam Bốt cần xây thêm cầu trên sông Mekong, xây thêm đường xá, xe lửa… Hiện giờ, Trung Quốc đã là nhà tài trợ lớn nhất cho Cam Bốt và chính sự hỗ trợ của Bắc Kinh khiến ông Hun Sen có thể hành động bất chấp những chỉ trích của phe đối lập rằng lãnh đạo Cam Bốt đang phá hủy nền dân chủ ở xứ chùa tháp.

Hãng tin Reuters nhắc lại rằng, theo yêu cầu của chính phủ Phnom Penh, ngày 16/11 vừa qua, Tòa án tối cao Cam Bốt đã ra lệnh giải thể Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt, đảng đối lập chính ở nước này. Trước đó, lãnh đạo của đảng, ông Kem Sokha, đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc có âm mưu lật đổ chính quyền với sự trợ giúp của Mỹ. Trước hành động này của chính phủ Phnom Penh, Hoa Kỳ đã ngưng chương trình tài trợ cho bầu cử vào năm tới ở Cam Bốt và đã dọa sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt khác.

Trong khi đó, cho tới nay, Trung Quốc vẫn ủng hộ chính sách đàn áp đối lập của chính quyền Hun Sen, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Bắc Kinh trong khu vực. Tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản hôm nay đã dành một bài để nói về sự yểm trợ này của Trung Quốc đối với chính phủ Cam Bốt.

Tờ báo này nhắc lại rằng, ngoài việc bị giải thể và lãnh đạo đảng bị bắt giam, Đảng Cứu nguy dân tộc còn bị còn bị mất ghế ở Quốc hội : 55 ghế của đảng này (chiếm 44% tổng số ghế) đã được chia cho các đảng nhỏ hơn, trong đó có 41 ghế được trao cho đảng hoàng gia mà trước đây không hề có ghế nào.

Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã lên án việc giải tán Đảng Cứu nguy Dân tộc là một hành động "phi dân chủ" và đã dọa thi hành các biện pháp trừng phạt chính quyền Phnom Penh. Nhưng thủ tướng Cam Bốt đã không hề nao núng trước những lời đe dọa đó. Trong bài phát biểu với 5.000 công nhân ngành dệt may, ông Hun Sen đã thách Washington cắt đứt mọi viện trợ cho Cam Bốt.

Theo Nikkei Asian Review, chính sự hỗ trợ của Trung Quốc đã khiến lãnh đạo Cam Bốt dám thách thức Hoa Kỳ như thế. Việc chính quyền Phnom Penh dẹp bỏ phe đối lập chính là đi theo xu hướng toàn trị ở Đông Nam Á, hiện vẫn tiếp diễn bất chấp các chỉ trích của quốc tế. Phần lớn động lực của xu hướng này là do sự hỗ trợ về kinh tế và chính trị của Bắc Kinh.

Trong một thập niên qua, trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc với Cam Bốt đã tăng mỗi năm 26%. Trung Quốc hiện cũng là nhà đầu tư hàng đầu của Cam Bốt, bỏ rất nhiều vốn vào các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa, xây dựng, dệt may và năng lượng. Về du lịch, năm ngoái đã có đến 830 ngàn du khách Trung Quốc đến tham quan xứ chùa tháp, tăng đến 20% so với năm 2015.

Theo Nikkei Asian Review, mối quan hệ Cam Bốt - Trung Quốc không chỉ quan trọng về mặt kinh tế, mà còn về mặt ngoại giao, chiến lược. Đặc biệt là Phnom Penh vẫn tích cực ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trên vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia.

Tình hình cũng tương tự như đối với Miến Điện, nơi mà các chiến dịch đàn áp thô bạo của quân đội đã khiến hàng trăm ngàn người thiểu số Hồi giáo Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn. Mặc dù cộng đồng quốc tế chỉ trích ngày càng gay gắt, Bắc Kinh vẫn ủng hộ lập trường của chính quyền Naypyitaw rằng cuộc khủng hoảng này là chuyện nội bộ của Miến Điện.

Tuy vậy, Trung Quốc cũng cố tìm một giải pháp ngoại giao và đã tự đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng này. Vài ngày trước cuộc họp giữa các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN tại Naypyitaw (20-21/11), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Bangladesh thảo luận về vấn đề người tị nạn với thủ tướng Sheikh Hasina. Sau đó, ông Vương Nghị cũng đã gặp các quan chức Miến Điện, kể cả bà Aung San Suu Kyi.

Cùng với việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao, Trung Quốc còn tăng cường quan hệ kinh tế với Miến Điện. tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã khánh thành một đường ống dẫn dầu băng ngang qua Miến Điện đến vùng Ấn Độ Dương. Từ ngày 21 đến 26/11 vừa qua, tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện Aung Hlaing cũng đã viếng thăm Trung Quốc để thắt chặt quan hệ hợp tác song phương.

Theo Nikkei Asian Review, giữ quan hệ tốt với Miến Điện, cửa ngỏ rất quan trọng dẫn ra Ấn Độ Dương, là một yếu tố chủ chốt trong sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" do lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng, nhằm xây dựng "Con đường Tơ lụa" thời hiện đại từ Trung Quốc sang Châu Âu. Sự hỗ trợ của Bắc Kinh khiến chính quyền Naypyitaw cảm thấy yên tâm, vào lúc mà họ đang ngày càng bị cô lập trở lại trên trường quốc tế.

Bà Aung San Suu Kyi cũng dự trù sẽ viếng thăm Trung Quốc trong nay mai, cho thấy là dường như giới lãnh đạo Miến Điện đang rời xa phương Tây để quay nhiều hơn về phía một láng giềng vẫn rất " thông cảm" với họ trong vấn đề người tị nạn.

Chính quyền quân sự Thái Lan cũng tỏ dấu hiệu nghiêng về phía Bắc Kinh. Quan hệ giữa Thái Lan với đồng minh truyền thống Hoa Kỳ đã trở nên nguội lạnh dưới thời tổng thống Barack Obama, vì chính quyền Obama vẫn thường xuyên chỉ trích các tướng lãnh cầm quyền. Tổng thống kế nhiệm Donald Trump thì cũng không mấy hài lòng với đồng minh Đông Nam Á này, vì thâm thủng mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Thái Lan vẫn rất lớn.

Trong bài phát biểu tại thượng đỉnh APEC vừa qua ở Đà Nẳng, Việt Nam, tổng thống Trump đã nói rõ là Hoa Kỳ sẽ can dự nhiều hơn vào vùng mà ông gọi là "Ấn Độ-Thái Bình Dương". Nhưng theo Nikkei Asian Review, một số chính phủ Đông Nam Á nay có vẻ không mấy "hào hứng" với đường lối của Washington, vốn vẫn thường quan ngại về vấn đề nhân quyền, mà "có cảm tình" nhiều hơn với cái chính sách cố hữu của Bắc Kinh là không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau.

Thanh Phương

Published in Châu Á