Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

 

Trung Quốc xây đài quan sát dưới biển Đông nhằm mục đích gì ? (Đất Việt, 28/02/2017)

Trung Quốc đang ấp ủ dự định xây dựng đài quan sát ngầm dưới biển tại các vùng biển trọng yếu ở Biển Đông.

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" số ra ngày 27/2 dẫn nguồn tin từ cổng thông tin điện tử của giới khoa học Trung Quốc "sciencenet. cn" cho biết, Trung Quốc đang ấp ủ dự định xây dựng đài quan sát ngầm dưới biển tại các vùng biển trọng yếu ở Biển Đông để quan sát các điều kiện dưới nước theo thời gian thực.

Phát biểu tại một diễn đàn ở Thượng Hải, ông Uông Phẩm Tiên, Giáo sư Đại học Đồng Tế và cũng là viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), cho biết công trình xây dựng này sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của Đại học Đồng Tế (Thượng Hải). Giáo sư Uông khẳng định đây sẽ là công trình cấp quốc gia và phục vụ công tác lâu dài.

Cũng theo Giáo sư Uông, đài quan sát này sẽ phục vụ công tác thăm dò các quá trình chuyển động mang tính vật lý, hóa học, sinh học và địa chất ngầm dưới biển, đồng thời cũng sẽ phục vụ nhiều mục đích khác.

Chưa rõ mục đích cuối cùng mà Trung Quốc hướng đến trong kế hoạch xây dựng đài quan sát ngầm này là gì, tuy nhiên cũng không thể loại trừ việc nước này sử dụng công trình trên vào mục đích quân sự.

Mưu đồ lớn

Trước đó, hồi tháng 10/2016, SCMP dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, nước này có kế hoạch đưa tổng cộng 20 cảm biến xuống Biển Đông.

Trong những hệ thống cảm biến này, gồm 8 cảm biến đã đưa đến Biển Đông trong tháng 9/2016 đều nằm trong một dự án quan sát toàn cầu, với sự tham gia của hơn 30 nước. Tổng cộng cả hệ thống có 3.800 cảm biến rải rác trên khắp thế giới.

Theo thiết kế, cứ sau 5 ngày cảm biến của Trung Quốc sẽ tự động lặn xuống dưới 2 km để thu thập thông tin và nổi lên để truyền tín hiệu cho vệ tinh định hướng Bắc Đẩu. Để duy trì hoạt động liên tục của cảm biến này, Trung Quốc sẽ đưa 10 cảm biến mới xuống Biển Đông mỗi năm để thay thế cho những cảm biến cũ hết năng lượng.

Từng trao đổi với Đất Việt về động thái này của Trung Quốc, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội cho rằng, đây là một bước mới của Trung Quốc, đe dọa trực tiếp đến hoạt động tự do hàng hải và tự do hàng không trên biển.

Theo ông Trường, trước đây việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp cũ thì các nước dễ dàng phát hiện. Còn hiện nay với vỏ bọc công nghệ ngụy trang, Bắc Kinh đang toan tính kiểm soát toàn bộ khu vực biển Đông và gây bất lợi cho các nước xung quanh.

''Khi cảm biến này hoạt động sẽ bất lợi cho tất cả các nước xung quanh cũng như các nước có nhu cầu tự do hàng hải, tự do hàng không. Khi đi qua khu vực này họ sẽ trở thành đối tượng bị theo dõi'', ông Trường nói.

tq1

Nguyên lý hoạt động của các thiết bị cảm biến

Ông Trường khẳng định, các nhà khoa học cần phải xem xét kỹ tính năng kỹ chiến thuật của hệ thống cảm biến này để đưa ra những cảnh báo với các nước bị ảnh hưởng.

''Nhìn chung chức năng của nó là để phát hiện sớm các mục tiêu, giống như máy bay cảnh báo phát hiện sớm của Mỹ và 1 số có nền công nghệ tiên tiến. Khi đó bất cứ một hoạt động quân sự chuẩn bị hoặc trận địa tên lửa của một nước nào đó khởi động thì ngay tiếng nổ đầu tiên là hệ thống cảm biến của Trung Quốc đã phát hiện và đưa ra cảnh báo rồi.

Về mặt quân sự thì rõ ràng bất lợi rồi. Khi Trung Quốc đọc được hết nhất cử nhất động của đối phương thì rõ ràng họ sẽ có biện pháp để đối phó'', ông Trường phân tích.

Cùng đưa ra ý kiến, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, nguyên Uỷ viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đánh giá, Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ khu vực biển Đông nên phải dùng nhiều cách, trong đó có việc đưa ra các cảm biến.

Họ tăng cường kiểm soát tàu thuyền và các phương tiện thủy, trong đó có cả kiểm soát tàu ngầm. Nhất là những vùng Trung Quốc đang bảo thuộc chủ quyền của họ.

''Việc này rất nguy hiểm vì nó gây bất ổn cho an ninh hàng hải. Tôi nghĩ mục tiêu của thiết bị này là các phương tiện thủy hoạt động trên Biển Đông. Trung Quốc muốn kiểm soát tàu thuyền và các phương tiện thủy, trong đó có cả kiểm soát tàu ngầm, chứ không đơn thuần mục đích kinh tế. Các hệ thống cảm biến sẽ tìm cách theo dõi và phát hiện hoạt động của các phương tiện thủy trên các vùng biển'', ông Hùng nhấn mạnh.

Dương An

********************

Trung Quốc diễu hành 'chống khủng bố' tại Tân Cương (BBC, 28/02/2017)

asia5

Truyền thông nhà nước mô tả các cuộc diễu hành là "cuộc tập hợp chống khủng bố và cương quyết giữ gìn ổn định"

Giới chức Trung Quốc vừa tổ chức diễu hành 'chống khủng bố' rầm rộ, với sự tham dự của binh lính có vũ trang trên toàn vùng Tân Cương, một động thái rõ ràng là nhằm phô trương sức mạnh.

Hơn 10 ngàn lính tập trung tại thủ phủ Urumqi hôm thứ Hai, và một số sau đó được gửi tới các thành phố khác để có hoạt động diễu hành tương tự.

Tân Cương vốn có lịch sử bạo động, và giới chức đổ lỗi cho các tay súng Hồi giáo và những thành phần ly khai về tình trạng này.

Các nhóm nhân quyền nói rằng người dân địa phương phải đối diện với sự đàn áp từ chính quyền.

Truyền thông nhà nước mô tả các cuộc diễu hành là "cuộc tập hợp chống khủng bố và cương quyết giữ gìn ổn định", và công bố các tấm ảnh cùng các đoạn video cho thấy cảnh sát có vũ trang và quân đội tập trung bên ngoài trung tâm hội nghị Urumqi.

Có các đoàn xe tăng, xe quân sự và máy bay đi kèm.

"Hãy chôn vùi xác chết của những kẻ khủng bố và các nhóm khủng bố vào cuộc chiến biển người", Bí thư Đảng Cộng sản của Tân Cương Trần Toàn Quốc được truyền thông nhà nước dẫn lời, nói trước đám đông.

Chừng 1.500 cảnh sát có vũ trang được gửi tới các thành phố như Hotan, Kashgar và Aksu, nơi các cuộc tuần hành tương tự cũng diễn ra trong hôm thứ Hai.

Tân Cương, nơi có đa số dân là cộng đồng thiểu số người Uighur Hồi giáo, đã từng xảy ra các cuộc tấn công và đụng độ lớn với cảnh sát trong những năm gần đây.

Giới chức nói các vụ tấn công là do các tay súng Uighur tiến hành, với sự hỗ trợ của các nhóm khủng bố nước ngoài, và đã ra các đợt trấn áp, tăng cường hiện diện an ninh ở nhiều thành phố.

Chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt việc tường thuật, đưa tin trong khu vực, khiến các phóng viên khó vào kiểm chứng các tuyên bố của giới chức.

Published in Châu Á