Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Amnesty : Khủng hoảng Rohingya là hậu quả của nuôi dưỡng oán thù (RFI, 22/02/2018)

Theo nhận định của tổ chức Amnesty International công bố hôm nay 22/02/2018, cuộc khủng hoảng ở Miến Điện và các vụ thảm sát người Rohingya theo đạo Hồi, là hậu quả của một xã hội khuyến khích lòng thù hận, và sự thiếu vắng lãnh đạo toàn cầu về mặt nhân quyền.

dna1

Người tỵ nạn Rohingya chờ phát hàng trợ cấp ở trại Balukhali gần Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh 15/01/2018. Reuters/Tyrone Siu

Tổ chức bảo vệ quyền con người, trong báo cáo thường niên về 159 nước cho rằng "những luận điệu chất chứa thù hận" của một số nhà lãnh đạo đã làm cho nạn kỳ thị người thiểu số trở nên bình thường. Theo ông Salil Shetty, tổng thư ký Amnesty, tình trạng này được chứng minh qua "các chiến dịch quân sự tàn bạo nhằm thanh lọc chủng tộc đối với người Rohingya ở Miến Điện".

Amnesty nhận định, cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc đáp trả thích đáng "các tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh, từ Miến Điện cho đến Irak, Nam Sudan, Syria và Yemen". Lãnh đạo các nước như Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc không quan tâm đến các quyền tự do dân sự, gây thiệt hại cho quyền lợi của hàng triệu con người.

Riêng tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những biện pháp thụt lùi về nhân quyền, mà theo ông Shetty đã gây nên tiền lệ nguy hiểm, chẳng hạn quyết định cấm công dân nhiều nước Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Tuần trước, Hoa Kỳ đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An quy trách nhiệm cho quân đội Miến Điện trong các vụ đàn áp người Rohingya. Theo Liên Hiệp Quốc, gần 690.000 người Rohingya đã chạy trốn khỏi bang Rakhine sang lánh nạn tại nước láng giềng Bangladesh, từ khi quân đội tung ra đợt tấn công vào nhóm nổi dậy cuối tháng 8/2017.

Thụy My

*****************

Úc phải đi dây giữa Mỹ và Trung Quốc (RFI, 22/02/2018)

Một hôm trước ngày thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hội đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, một quan chức Úc ngày 22/02/2018 tiết lộ rằng một trong những hồ sơ nổi bật trong chương trình nghị sự Mỹ-Úc sẽ là Trung Quốc. Đối với nước Úc, đây là một hồ sơ đặc biệt quan trọng vào lúc Mỹ, đồng minh quân sự số một của Úc, lại đang có căng thẳng với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Canberra.

dna2

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại New York (Hoa Kỳ) ngày 04/05/2017 - Reuters

xTrong thời gian gần đây, thái độ của tổng thống Mỹ và chính quyền của ông đối với Trung Quốc càng lúc càng gay gắt, đặc biệt trong lãnh vực thương mại. Những lời lẽ của ông Trump hay các cộng sự viên của ông đe dọa trừng phạt thương mại Trung Quốc đã trở thành thường xuyên, mà gần đây nhất là việc thứ trưởng tài chánh Mỹ công khai đả kích Bắc Kinh không tôn trọng quy tắc của kinh tế thị trường.

Vào cuối năm ngoái, Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã nêu tên Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa tiềm tàng cho an ninh toàn cầu.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, mới đây tổng thống Donald Trump còn đề cử một viên tướng có quan điểm rất cứng rắn đối với Trung Quốc làm đại sứ Mỹ tại Úc. Đó là Đô Đốc Harry Haris, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, một người đã nhiều lần công khai chỉ trích các hoạt động bành trướng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông.

Với một đại sứ Mỹ như vậy bên cạnh mình, chính quyền Úc tất nhiên sẽ phải thận trọng hơn trong quan hệ với bạn hàng số một là Trung Quốc.

Phải nói rằng đối với Úc, việc duy trì một mối quan hệ cực kỳ tốt Hoa Kỳ là một vấn đề thiết yếu vì lẽ Washington là đối tác an ninh quan trọng nhất của Canberra. Liên minh quân sự Mỹ Úc đã được thử thách trong hàng chục năm qua và đã trở thành nền tảng trong chính sách quốc phòng của Úc. Giới quan sát ghi nhận là Úc là nước duy nhất trên thế giới đã luôn luôn sát cánh cùng đồng minh Hoa Kỳ trong mọi cuộc chiến từ Thế Chiến I đến nay. Cả hai cũng cùng là thành viên của liên minh Five Eyes, liên kết ngành tình báo của 5 nước đồng minh.

Tuy nhiên, nếu Mỹ là đồng minh số một của Úc, thì Bắc Kinh lại là đối tác thương mại hàng đầu của Canberra. Thặng dư thương mại của Úc với Trung Quốc được cho là đã góp phần giúp Canberra có được một tăng trưởng kinh tế ổn định trong hơn một phần tư thế kỷ nay.

Tóm lại, Hoa Kỳ là đối tác an ninh quan trọng nhất của Úc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, việc hai nước này căng thẳng với nhau đã đẩy Úc vào một tình thế tế nhị, phải cố tìm cách không để bị lôi cuốn vào trường đấu Mỹ-Trung.

Trước ngày lên đường qua Mỹ gặp gỡ đồng minh chiến lược, cũng dễ hiểu là thủ tướng Úc Turnbull đã có thông điệp trấn an hướng về Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông Sky News, ông Turnbull khẳng định rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với nước ông.

Khi bị chất vấn về kế hoạch của bộ tứ Úc-Mỹ-Ấn-Nhật muốn xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực, nhằm làm đối trọng với chương trình Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc, kế hoạch mà hai lãnh đạo Mỹ-Úc chắc chắn sẽ thảo luận ngày 23/02, ông Turnbull không ngần ngại cho rằng chính giới truyền thông đã dựng lên sự đối đầu, chứ lãnh đạo 4 nước không hề có ý đó.

Trọng Nghĩa

*********************

Hun Sen dọa làm Úc bẽ mặt nếu gây sức ép về dân chủ Cam Bốt (RFI, 22/02/2018)

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen dọa sẽ làm Úc xấu hổ và ngăn công bố tuyên bố chung tại kỳ họp cấp cao đặc biệt ASEAN-Úc sẽ diễn ra vào tháng 03/2018 tại Sydney, nếu ông bị gây sức ép về việc trấn áp chính trị trong nước.

dna3

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, lúc viếng New Delhi, Ấn Độ. Ảnh 24/01/2018. Reuters/Adnan Abidi

Thủ tướng Hun Sen bị một số nước phương Tây trừng phạt vì đàn áp nền dân chủ Cam Bốt do các quyết định giải thể đảng đối lập, đóng cửa nhiều cơ quan truyền thông độc lập và truy tố những người chỉ trích chính quyền.

Trong một bài diễn văn ngày 21/02/2018, được AFP trích dẫn, thủ tướng Cam Bốt nhấn mạnh ông sẽ không chấp nhận bị gây áp lực đối với chính trị trong nước khi tham dự hội nghị giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Úc, sẽ được tổ chức vào tháng Ba.

Ông khẳng định "có thể ngăn chặn mọi tuyên bố chung giữa ASEAN và Úc. Úc không thể gây sức ép với Cam Bốt. Đừng làm liều !". Ông Hun Sen tuyên bố sẵn sàng đáp trả và làm xấu hổ nước chủ nhà, nếu Úc đối xử không phải lẽ với ông.

Không chỉ đe dọa chính quyền Canberra, thủ tướng Hun Sen cũng lên tiếng cảnh báo những người có thể tổ chức biểu tình phản đối ở Sydney đừng có đốt ảnh ông. Úc là nước có đông người Cam Bốt sinh sống sau giai đoạn Khmer đỏ.

Đây không phải là lần đầu tiên Cam Bốt ngăn cản việc ra tuyên bố chung của ASEAN, dựa trên sự nhất trí của 10 nước thành viên. Năm 2012, các ngoại trưởng ASEAN đã không ra được thông cáo chung, vì Cam Bốt đã chặn những lời cáo buộc hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, theo cáo buộc của Philippines. Tương tự, cuối một cuộc họp chung năm 2016, Cam Bốt cũng yêu cầu bỏ những chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh.

Gần đây, chính quyền Đức đã âm thầm chấm dứt chính sách ưu đãi thị thực nhập cảnh đối với những chuyến thăm cá nhân của các quan chức chính quyền Phnom Penh, trong đó có cả thủ tướng Hun Sen và thân nhân. Biện pháp được đưa ra nhằm trừng phạt thủ tướng Hun Sen và chính phủ Cam Bốt vì đã trấn áp báo chí, các tổ chức phi chính phủ và phong trào đối lập chính trị trong nước trong thời gian qua.

Thu Hằng

Published in Châu Á