Tư pháp Philippines ra sách điện tử vạch rõ đòi hỏi phi lý của Trung Quốc (RFI, 07/05/2017)
Một thẩm phán của Tòa Án Tối Cao Philippines công bố ngày 04/05/2017 một cuốn sách đặt nghi vấn về những đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên hầu hết vùng Biển Đông. Cuốn sách được đăng trên internet để tránh kiểm duyệt của Trung Quốc và giúp người dân nước này truy cập được.
Một thuyền của ngư dân Philippines tại vùng biển quanh bãi cạn Scarborough, nơi có tranh chấp với Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 16/06/2016. AFP
Trong cuốn sách mang tựa đề "Tranh chấp tại Biển Đông : Quyền chủ quyền của Philippines và quyền tài phán tại Biển Tây Philippines" (The South China Sea Dispute : Philippine Sovereign Rights and Jurisdiction in the West Philippine Sea), thẩm phán Carpio sử dụng các bản đồ cổ, hình ảnh, các trích đoạn phán quyết của Tòa Trọng Tài, các tuyên bố và nhiều tài liệu của chính phủ Trung Quốc để phản đối giá trị pháp lý các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh.
Hãng tin AP cho biết tác phẩm được phát hành dưới dạng sách điện tử và được tải miễn phí bằng tiếng Anh. Các phiên bản bằng tiếng Hoa, tiếng Việt, Bahasa, Nhật Bản và Tây Ban Nha sắp được hoàn thiện nhằm giúp công luận hiểu rõ hơn cơ sở lập trường của Philippines trong việc phản đối những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Trong buổi ra mắt cuốn sách tại Manila, thẩm phán Carpio nhận xét : "Quyển sách này, nếu được in giấy, sẽ không bao giờ được phát hành tại Trung Quốc. Nó sẽ bị cấm. Cách tốt nhất là làm dưới dạng sách điện tử để có thể đưa cuốn sách đến người dân Trung Quốc thông qua internet".
Ông nói tiếp : "Tôi tin rằng, như các dân tộc khác trên thế giới, về bản tính, người Trung Quốc là người tốt, nhưng chính phủ của họ nghĩ rằng họ sở hữu Biển Đông từ 2.000 năm nay. Điều này hoàn toàn sai và thế giới sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó".
Ông Carpio cho rằng công luận, kể cả công luận tại Trung Quốc, có thể giúp gây sức ép đối với Bắc Kinh trong việc tuân thủ phán quyết hồi tháng 07/2016, theo đó Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hơn 80% diện tích Biển Đông. Thẩm phán Carpio là người tham gia chuẩn bị đơn kiện của Philippines lên Tòa Án La Haye.
Sứ quán Trung Quốc tại Philippines chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Trong tác phẩm, thẩm phán Carpio cũng cảnh báo Trung Quốc đang tính xây thêm nhiều tiền đồn trên đảo Luconia, ngoài khơi Malaysia và bãi cạn Scarborough, phía tây bắc Philippines.
Nghiên cứu của ông Carpio về tranh chấp tại Biển Đông không nằm trong khuôn khổ công việc của ông tại Tòa Án Tối Cao Philippines.
Thu Hằng
*********************
Lở đất Thâm Quyến 2015 : 19 quan chức Trung Quốc bị phạt tù (RFI, 06/05/217)
Hiện trường sau vụ lở đất tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 23/12/2015. REUTERS/Kim Kyung-hoon
Trong phiên xử 45 bị cáo sáng ngày 06/05/2017, tư pháp Trung Quốc tuyên án từ 3 đến 20 năm tù đối với 19 cán bộ và chủ nhân tập đoàn xây dựng Tương Long Thâm Quyến. 25 người còn lại bị kỷ luật.
Tháng 12/2015, bãi rác công nghiệp ngay sát cạnh thành phố bị sập sau một trận mưa lũ. Một thác bùn ập xuống cả một khu đông dân cư, làm ít nhất 73 người chết. Chủ nhân tập đoàn quản lý rác công nghiệp Tương Long Thâm Quyến lãnh án 20 năm tù và phải bồi thường 10 triệu nhân dân tệ- tương đương với 1,4 triệu đô la, vì tội bất cẩn và tham nhũng. Tập đoàn này đã để cho rác công nghiệp tích tụ cao tới 160 thước.
Hai quan chức khác của thành phố lãnh án 20 năm và 16 năm tù. Cả hai bị kết tội nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp, cho phép các hãng xưởng thải rác ra thành phố.
Thảm họa ở Thâm Quyến làm lộ rõ hình ảnh một đất nước Trung Quốc không tôn trọng các chuẩn mực về an toàn công nghiệp.
Trước vụ sạt lở đất ở Thâm Quyến, vào tháng 8/2015 vụ nổ tại nhà máy hóa chất ở Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc làm 165 người thiệt mạng, đã gây phẫn nộ trong công luận.
Thanh Hà
****************
Trung Quốc từng ép Mỹ cách chức chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (RFI, 07/05/2017)
Đô đốc Harry Harris phát biểu trước Ủy ban Quốc Phòng Hạ Viện, ngày 26/04/2017. Reuters
Bắc Kinh mặc cả với Washington : Thay thế tướng Harry Harris để đổi lấy việc Bắc Kinh tăng sức ép với chính quyền Bình Nhưỡng trong bối cảnh căng thẳng hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Một nguồn tin nắm rõ quan hệ Mỹ-Trung tiết lộ vụ việc này ngày 06/05/2017, một tháng sau cuộc hội kiến Donald Trump - Tập Cận Bình.
Hãng tin Nhật Kyodo, trích nguồn tin ẩn danh, cho biết chính quyền Bắc Kinh, thông qua đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã đưa ra yêu cầu cách chức đô đốc Harry Harris, nổi tiếng "cứng rắn" với Trung Quốc, trong đó có các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Đặc phái viên Trung Quốc Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã chuyển yêu cầu đến phía Mỹ, trùng thời điểm cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ Tập Cận Bình và Donald Trump tại Florida ngày 06/04. Dường như chính quyền Mỹ đã bác bỏ yêu cầu trên.
Vẫn theo nguồn tin, ông Thôi Thiên Khải còn yêu cầu chính quyền Trump ngừng cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Về điểm này, Hoa Kỳ chấp thuận để tranh thủ sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris, sinh tại Nhật Bản và lớn lên ở Hoa Kỳ, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh trong vùng. Tháng 04/2017, ông là người ra lệnh chuyển hướng tầu sân bay USS Carl Vinson đến khu vực bán đảo Triều Tiên nhằm thị uy với chính quyền Bình Nhưỡng đang chuẩn bị bắn tên lửa hoặc tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.
Đô đốc Harris cũng là người thúc đẩy triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Bắc Kinh kịch liệt phản đối và cho rằng dự án quốc phòng Hàn-Mỹ có thể phá hoại lợi ích an ninh và cân bằng chiến lược trong vùng của Trung Quốc.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cũng kêu gọi tiếp tục các chiến dịch vì "tự do hàng hải" của Mỹ tại vùng Biển Đông có tranh chấp. Đòi hỏi chủ quyền chồng lấn lên nhau của các nước trong vùng, cũng như việc quân sự hóa một số tiền đồn là nguồn gốc dẫn đến căng thẳng tại Biển Đông.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thống lĩnh toàn bộ lực lượng ba binh chủng hải-lục-không quân Mỹ trên toàn khu vực bao gồm Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Thu Hằng