UBND Thành phố Đà Nẵng vừa có chỉ đạo di dời dân quanh khu vực để hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc ở lại sản xuất thu hồi vốn.
Bức xúc vì hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống của mình 10 năm qua nên hàng chục hộ dân xã Hòa Liên của Thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền. Ngày 14/12/2016, người dân mang lều bạt chặn đường vào hai nhà máy thép này.
Trước sự việc này, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có chỉ đạo giao các ngành chức năng lên phương án di dời đối các hộ dân sinh sống gần hai nhà máy thép.
Phương án cụ thể là di dời các hộ dân nằm sát gần với khu vực hai nhà máy để nhà máy hoạt động tạm thời trong thời gian khấu hao tài sản, thu hồi vốn.
Đồng thời, xác định phạm vi di dời cụ thể, kết hợp với việc nâng cao công nghệ để đảm bảo môi trường trong thời gian tiếp tục sản xuất.
Nhà máy thép gây ô nhiễm bị dân phản đối.
Đối với các hộ dân nằm trong khoảng cách ly an toàn đối với nhà máy thép theo quy định của pháp luật sẽ di dời hẳn để các nhà máy tiếp tục tồn tại và hoạt động.
Sở Xây dựng kiểm tra đề xuất đối với hai phương án. Một là về lâu dài sẽ tìm chọn địa điểm di dời hai nhà máy hoặc để lại hai nhà máy và chọn địa điểm các khu tái định cư để di dời, giải tỏa các hộ dân.
Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan đơn vị liên quan để triển khai việc khám tầm soát về sức khỏe miễn phí cho người dân tại khu vực.
Đối với hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, ông Huỳnh Đức Thơ cũng yêu cầu có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu áp dụng và triển khai thực hiện các biện pháp xử lý, nâng cấp, đổi mới công nghệ sản xuất để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất ; đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến môi trường như thời gian qua.
Thiên Thanh
Khói bụi vẫn tiếp tục bao trùm một phần lớn diện tích Trung Quốc, gây ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông và đời sống của người dân.
Chín tỉnh và các thành phố lớn ở miền Bắc và các khu vực miền Trung, bao gồm các khu đô thị lớn Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc cùng các tỉnh Sơn Đồng, Thiểm Tây và Hà Nam chìm trong khói bụi ô nhiễm.
Một người đàn ông đeo khẩu trang chống khói bụi đi bộ ở thủ đô Bắc Kinh hôm 30/12/2016. Ảnh : AP
Hơn 300 chuyến bay ở Thiên Tây đã bị hủy hôm 1-1 do khói bụi mù mịt. Ảnh : AP
Khói thải ra từ một số nhà máy ở Thành phố Thái Nguyên, Sơn Tây. Ảnh : Reuters
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Bắc Kinh đạt mức trên dưới 500, mức nguy hiểm cao nhất, vào hôm 1/1. Không khí lạnh giúp xua tan khói mù chút ít sáng 2/1 nhưng tình hình tiếp tục tồi tệ vào đêm cùng ngày.
Trước đó, vào hôm 30/12, tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh đạt mức báo động cam (mức nguy hiểm cao thứ 2) và Bộ Môi trường Trung Quốc cảnh báo tình trạng ô nhiễm trong vài ngày tới vẫn tiếp tục diễn biến xấu.
Các phương tiện gây ô nhiễm lớn và xe tải chở chất thải xây dựng đã bị cấm tham gia giao thông để cắt giảm ô nhiễm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn cũng cam kết giảm thời gian hoạt động.
Ô nhiễm không khí khiến giao thông ùn tắc 3 ngày đầu tiên của năm mới. Nhiều tuyến đường cao tốc ở tỉnh Hà Nam đã bị đóng do khói bụi dày đặc, làm tầm nhìn chỉ còn khoảng 50 m. Các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học ở Thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, hôm 3/1 cũng phải đóng cửa.
Các biện pháp tương tự cũng được thực hiện ở Thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Trong khi đó, ở Thiên Tân, hơn 300 chuyến bay đã bị hủy hôm 1/1 do khói bụi mù mịt.
Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc hôm 1/1 tiết lộ một số doanh nghiệp không thực hiện quy tắc giảm thời gian hoạt động trong suốt thời gian cảnh báo ô nhiễm, khiến tình trạng ô nhiễm không được cải thiện.
******************
Đồng Nhân dân tệ - Ảnh minh họa - Reuters
Các nhà phân tích quốc tế dường như không thể thống nhất ý kiến về độ biến động của nội tệ Trung Quốc trong năm nay sau khi nước này thông báo cải tổ giỏ ngoại tệ quan trọng.
Theo Bloomberg, vài ngày sau thông báo thay đổi giỏ ngoại hối được chọn theo yếu tố thương mại, quyết định hạ tầm quan trọng của đồng đô la Mỹ của Trung Quốc đang làm dấy lên cuộc tranh luận giữa những nhà quan sát biến động nhân dân tệ (CNY). Họ đưa ra ý kiến trái ngược về việc liệu Bắc Kinh có thể hướng CNY đến hình ảnh của sự ổn định hay không sau một năm đồng tiền sụt giá.
Giới phân tích từ ngân hàng Barclays cho đến Citigroup và Societe Generale có nhiều ý kiến trái chiều về việc liệu giỏ tiền tệ mới có đem lại ít biến động hơn giỏ tiền tệ cũ hay không. Trong giỏ tiền tệ mới sẽ định giá CNY của Hệ thống Ngoại hối Trung Quốc, vốn có hiệu lực từ ngày 1.1, tỷ lệ đồng bạc xanh hạ từ 26,4% xuống 22,4% trong khi 11 đồng tiền mới, trong đó có đồng won của Hàn Quốc, lira của Thổ Nhĩ Kỳ và zloty của Ba Lan được thêm vào giỏ tiền.
Sự thay đổi trên đến giữa lúc các luồng vốn thoái khỏi Trung Quốc đang đi lên. Dự trữ ngoại hối nước này sụt giảm và USD, yếu tố tham khảo chính cho giá trị của nhân dân tệ nhìn từ quan điểm của các thị trường tài chính, thì tăng giá mạnh.
"Dòng vốn thoái khỏi Trung Quốc là chuyện phủ bóng đen hồi đầu năm và cũng ám ảnh cả cuối năm 2016", giới phân tích thuộc CreditSights nói. Các nhà phân tích thuộc Macquarie Group thì cho rằng dự trữ Trung Quốc có thể hạ xuống dưới 3.000 tỉ USD khi dữ liệu kinh tế tháng 12.2016 được công bố vào ngày 7.1 sắp tới, gây thêm sức ép lên CNY.
Ngân hàng Goldman Sachs thì cho rằng sự mở rộng của các chỉ số chuẩn có vẻ hiệu quả vì nó "giảm bớt mối lo ngại của thị trường về nguy cơ nhân dân tệ giảm giá đáng kể". Các nhà phân tích thuộc Goldman Sachs, trong đó có chuyên gia MK Tang và Yu Song, cho hay : "Giỏ tiền tệ mới sẽ để việc hạ giá CNY ít hơn phần nào và đem lại ít biến động hơn".
Giới phân tích tại Barclays đồng ý rằng dù giỏ tiền mới "không khác biệt đáng kể" so với phiên bản cũ, sự mờ nhạt trong vai trò của đô la Mỹ nhờ việc bổ sung các gương mặt mới thật sự có nghĩa là nhân dân tệ có thể "ít biến động" trong năm nay.
Một số chuyên gia khác có ý kiến ngược lại. Nhà phân tích Siddharth Mathur thuộc Citigroup cho rằng giỏ tiền mới của Trung Quốc không tác động đáng kể lên thị trường, vì nhìn chung, diễn biến của giỏ tiền trong năm 2017 là "gần giống" với phiên bản cũ và "sự thay đổi về thành phần hiệu quả là nhỏ hơn so với những gì nó thể hiện". Thêm vào đó, thực tế là đồng won tương đối dễ biến động của Hàn Quốc giờ chiếm 10,77% trong giỏ tiền - tương đương khoảng một nửa tỷ lệ USD - sẽ khiến đồng nhân dân tệ trong năm nay "phần nào biến động nhiều hơn".
Tại ngân hàng Societe Generale, nhà phân tích Jason Daw cũng đồng ý rằng tác động của giỏ tiền mới sẽ là "nhỏ nhặt". Ông cho hay sự thay đổi của Trung Quốc không biến đổi dự báo của ông rằng nhân dân tệ sẽ giảm giá xuống mức thấp là 7,3 CNY ngang giá 1 USD vào cuối năm nay.
Thu Thảo
************************
Đồng nhân dân tệ - Ảnh minh họa (Bloomberg)
Trung Quốc sẽ tiếp tục thắt chặt kiểm soát việc mua ngoại tệ của người dân nhằm hạn chế dòng vốn thoái lớn ra khỏi đất nước, giữa lúc giá trị nhân dân tệ giảm mạnh so với đô la Mỹ.
Hãng tin AFP trích thông báo của Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cho hay các cá nhân có nhu cầu chuyển đổi nhân dân tệ với các đồng tiền nước ngoài giờ đây phải cung cấp thông tin chi tiết hơn cho ngân hàng, trong đó có lời giải thích về nguồn tiền và các giấy tờ chứng minh nhân dân.
Mỗi người dân Trung Quốc có thể đổi ngoại hối đến mức tương đương 50.000 USD. Đây là hạn mức tối đa sẽ không được thay đổi. Việc kiểm soát chặt hơn là để nhằm ngăn chặn các nỗ lực vượt hạn ngạch này của các cá nhân.
Trung Quốc thực hiện hành động trên để "chống các giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền và các ngân hàng bí mật", SAFE cho hay, tuyên bố sẽ kiểm tra ngẫu nhiên các giao dịch và thắt chặt các biện pháp trừng phạt.
Ngân hàng phải xác minh độ xác thực của các thông tin được cung cấp. Thêm vào đó, từ tháng 7, các tổ chức tài chính phải báo cáo cho ngân hàng trung ương bất cứ lệnh chuyển tiền quốc tế nào vượt quá 200.000 nhân dân tệ, tương đương 28.800 USD, để tránh nạn rửa tiền.
Động thái này là một phần của một loạt nhiều biện pháp mà chính phủ Trung Quốc làm để hạ dòng vốn thoái "khủng". Năm 2015, số tiền tương đương khoảng 1.000 tỉ USD đã chảy khỏi Trung Quốc. 690 tỉ USD khác cũng thoái khỏi nước này trong 10 tháng đầu năm 2016, theo ước tính của Bloomberg Intelligence.
Tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc, việc nhân dân tệ suy yếu và Mỹ tăng lãi suất gần đây đang khuyến khích người gửi tiết kiệm đầu tư tài sản của họ vào đồng tiền của nước khác. Giá trị nhân dân tệ đang ở mức đáy tám năm so với USD và dòng vốn thoái đặt thêm áp lực lên đồng tiền.
Giới chức Trung Quốc đã và đang cố gắng xoay sở bằng cách mua vào nhân dân tệ, khiến kho dự trữ ngoại hối của nước này hạ gần 70 tỉ USD trong tháng 11.
Thu Thảo