Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bầu cử Mỹ : Đa số cử tri gốc Việt ủng hộ Trump (RFI, 05/11/2018)

Ngày 06/11/2018, cử tri tại Hoa Kỳ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Cũng như các cuộc bầu cử khác, lá phiếu của các cộng đồng sắc tộc, tùy theo mỗi địa phương, cũng rất quan trọng. Riêng cộng đồng người Việt thì mức độ tham gia như thế nào, xu hướng bỏ phiếu của họ ra sao, hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu với nhà báo Hà Ngọc Cư ở Houston, Texas.

bd1

Bầu cử giữa kỳ sớm tại Norwalk, tiểu bang California, Hoa Kỳ, ngày 24/10/2018. Reuters

Theo nhà báo Hà Ngọc Cư, bầu cử giữa kỳ năm nay rất quan trọng, vì sự thay đổi về số người được bầu trong Hạ, Thượng Viện sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực của đảng Cộng Hòa và của tổng thống Donald Trump. Về lá phiếu cử tri người Việt, theo nhà báo Hà Ngọc Cư, có hai vấn đề:

" Thứ nhất, trong cuộc bầu cử vào các chức vụ dân cử địa phương, lá phiếu của người Việt đương nhiên có ảnh hưởng khá lớn, nhất là ở tiểu bang California và Texas. Trong cuộc bầu cử liên bang, số người Việt ở Mỹ chưa tới 3 triệu, tức là chưa tới 1% dân số Mỹ. Số người có thể đi bầu, tức là có quốc tịch Mỹ, là chưa tới một nữa của 1% đó".

Trong cộng đồng người Việt, năm nay có nhiều người hăng hái ra tranh cử vào các chức vụ công quyền ở Orange County (Quận Cam), miền nam bang California và đây là điều khiến truyền thông Hoa Kỳ chú ý. Nhật báo Los Angeles Times ngày 21/10 ngạc nhiên ghi nhận có đến 24 người gốc Việt tranh cử ở Orange County và không có gì là bất ngờ lắm : hơn phân nữa, tức là 13 trong số 24 ứng cử viên gốc Việt đó là mang họ Nguyễn, một trong những họ phổ biến nhất của dân Việt Nam.

Phong trào người Việt ra tranh cử dường như bắt đầu từ năm 1992, khi nghị viên thành phố Westminster Tony Lâm trở thành người sinh ra ở Việt Nam đầu tiên đắc cử ở Hoa Kỳ. Theo tờ Los Angeles Times, các ứng cử viên gốc Việt chủ yếu tập trung ở các khu vực Fountain Valley, Garden Grove, và Westminster, tức những thành phố làm nên khu vực gọi là Little Saigon. Cư dân gốc Việt ra tranh những chức vụ quan trọng trong hội đồng thành phố hay nghị viên tiểu bang, cũng như tranh cử vào những chức vụ thấp hơn như như ủy viên giáo dục,...

Trong số 24 ứng cử viên Mỹ gốc Việt tại Quận Cam, thượng nghị sĩ tiểu bang Janet Nguyễn là một chính khách kỳ cựu, tham gia tranh cử lần thứ 9 trong cuộc bầu cử ngày mai. Nói với tờ Times, bà Janet Nguyễn tỏ ra không quá ngạc nhiên về mức độ tham gia chính trị trong cộng đồng mình. Theo thượng nghị sĩ Janet Nguyen, vốn là những người tị nạn chính trị, các đồng hương của bà biết rõ cuộc sống ở một đất nước nơi mà các quyền tự do hầu như không hiện hữu và nơi mà một chính đảng kiểm soát mọi phương diện đời sống. Bà cho rằng trải nghiệm đó đã khiến cho người Mỹ gốc Việt tương đối năng động về chính trị, đi bỏ phiếu đông đảo hơn một số nhóm cư dân khác.

Nhưng đứng từ phía Texas, tiểu bang cũng có một cộng đồng người Việt rất đông đảo, nhà báo Hà Ngọc Cư nhận xét là nhìn chung hoạt động chính trị của người Việt lại đang giảm đi :

"Ở Texas, các ứng cử viên vào những chức vụ như ủy viên hội đồng thành phố hay dân biểu tiểu bang, cũng có một vài người Việt, ví dụ như ông Hubert Võ đã đắc cử dân biểu 2, 3 lần. Ngoài ra cũng có một vài vị ra tranh cử các chức vụ địa phương và cũng có một số thành công, nhưng không nhiều lắm so với các cộng đồng thiểu số khác.

Những người lớn tuổi như chúng tôi thì bây giờ "trùm chăn", không còn tham gia vào hoạt động chính trị ở địa phương, nhưng trong giới trẻ thì có một số tham gia.

Cách đây một vài thập niên, việc tham gia hoạt động chính trị địa phương rất là mạnh là vì tinh thần chống cộng lúc đó lên rất cao, nhưng cái sự chống cộng, theo tôi, dần dần không còn mạnh mẽ như trước. Do đó, hoạt động chính trị của người Việt trên nước Mỹ cũng giảm đi".

Theo ghi nhận của các chuyên gia được tờ Los Angeles Times trích dẫn, đa số các ứng cử viên gốc Việt là theo đảng Cộng Hòa, tuy rằng thế hệ trẻ hơn nay có xu hướng theo đảng Dân Chủ hoặc tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Cử tri Mỹ gốc Việt trong quá khứ vẫn được xem là thành phần nòng cốt của đảng Cộng Hòa, nhất là những người chống cộng quyết liệt nhất. Nhưng cộng đồng người Việt tị nạn đang già đi và thế hệ con, cháu của họ nay có đầu óc cấp tiến hơn.

Tuy vậy, kết quả một cuộc khảo sát về cử tri gốc Á công bố vào tháng 10 cho thấy người Mỹ gốc Việt là cộng đồng gốc Á duy nhất có đa số là ủng hộ tổng thống Donald Trump.

Khảo sát do tổ chức thúc đẩy quyền bầu cử cho người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương- APIAVote, và Viện Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á và Thái Bình Dương- AAPIData- thực hiện từ ngày 23/08 đến ngày 4/10/2018.

Kết quả tổng quát cho thấy chỉ có 36% cử tri gốc Á ủng hộ tổng thống Donald Trump, nhưng riêng cử tri gốc Việt ủng hộ ông Trump với tỉ lệ lên tới 64%. Ngay cả cử tri gốc Philippines, đồng minh thân cận của Mỹ, cũng chỉ có 48% ủng hộ ông Trump.

Lý do tại sao người Mỹ gốc Việt lại ủng hộ tổng thống Trump nhiều đến thế, nhà báo Hà Ngọc Cư giải thích :

"Những người Việt thế hệ đầu tiên, tức là 60, 70 tuổi, phần nhiều nghiêng về đảng Cộng Hòa. Còn thế hệ cử tri gốc Việt trình độ đại học thì thường nghiêng về phía Dân Chủ. Năm nay, đặc biệt ông Trump đối đầu về thương mại với Trung Quốc, cho nên ông được rất nhiều điểm từ cử tri gốc Việt. Người Việt chúng ta thì đại đa số là hận Trung Quốc, cho nên bất cứ người nào đập Trung Quốc là đương nhiên được cảm tình người Việt".

Cũng theo kết quả nói trên, trong khi cử tri gốc Á nói chung ủng hộ mạnh mẽ đảng Dân Chủ, thì cử tri gốc Việt lại có xu hướng dồn phiếu cho các ứng cử viên Cộng Hòa tranh cử vào Hạ Viện.

Cũng trong cộng đồng người Việt, như kết quả khảo sát ở trên cho thấy, cử tri thế hệ trẻ lại có xu hướng bầu cho Dân Chủ. Nhà báo Hà Ngọc Cư ghi nhận :

"Suy nghĩ của thế hệ trẻ hoàn toàn độc lập và hoàn toàn mang bản sắc của người Mỹ, nên suy nghĩ của họ khác hẳn với chúng tôi. Phần lớn thế hệ trẻ có trình độ đại học là hướng về phía Dân Chủ. Vì cương lĩnh của đảng Dân Chủ trước hết là liberal, mà giới trẻ thì cũng liberal, nên thường họ có khuynh hướng nghiêng về phía Dân Chủ".

Nhưng khi được hỏi về dự định đi bỏ phiếu ngày mai, chỉ có .... 64% cử tri người Việt trả lời là có, trong khi tỷ lệ này trong cộng đồng Philippines lên đến 92%. Theo nhà báo Hà Ngọc Cư, có nhiều lý do giải thích vì nhiều cử tri gốc Việt ngại đi bầu :

"Có nhiều người cho rằng lá phiếu của người Việt trong cuộc bầu cử liên bang không có ảnh hưởng gì hết, cho nên có một số người thờ ơ, ít đi bầu. Thứ hai, ngày bầu cử lại là thứ Ba. Người Việt đa số phải đi làm, xin nghỉ cũng khó khăn và có khi đi làm về trễ, cho nên cũng ngại, không đi bầu. Một số người già thì không có phương tiện đi lại, trừ một số người bỏ phiếu qua bưu điện".

Thanh Phương

****************

Đài Loan bắn tiếng cho chiến hạm Mỹ ghé đảo Thái Bình ở Trường Sa (Người Việt, 05/11/2018)

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm thứ Hai, 5 tháng Mười Một, 2018, bắn tiếng, chính phủ của họ "sẽ cứu xét" cho chiến hạm Mỹ đến đảo Thái Bình trong quần đảo Trường Sa nếu phù hợp lợi ích Đài Loan.

bd2

Hình ảnh cho thấy khu trục hạm Trung Quốc chận đầu và đe dọa khu trục hạm USS Decatur của Mỹ hồi cuối tháng Chín, 2018 gần đảo nhân tạo Ga-ven thuộc Trường Sa. (Hình : Internet)

Đảo Thái Bình hay Ba Bình là đảo thiên nhiên lớn nhất của quần đảo Trường Sa hiện đang do Đài Loan chiếm giữ và Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền. Trên đó đã được xây dựng phi trường và cảng biển, những năm gần đây được tân trang, mở rộng.

Theo một viên chức của Bộ Quốc Phòng Đài Loan được tường thuật trên tờ South China Morning Post (SCMP) hôm Thứ Hai, Đài Loan "sẽ cứu xét" đề nghị của Hải Quân Mỹ nếu Hoa Thịnh Đốn yêu cầu được dùng đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa cho mục tiêu an ninh khu vực. Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan trả lời chất vấn một loạt những câu hỏi giả định từ một thành viên nghị viện đảo quốc tại Đài Bắc.

Bộ trưởng Yen De-fa nói với Nghị Viên Johnny Chiang thuộc đảng Quốc Dân Đảng rằng Đài loan có thể cho chiến hạm Mỹ đậu ở đảo Thái Bình cho các hoạt động nhân đạo, theo SCMP.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc luôn luôn nhăm nhe dùng võ lực "thu hồi" trong khi chính phủ đảo quốc này muốn tuyên bố độc lập nhưng không khỏi sợ hãi sức mạnh quân sự của Hoa Lục. Nếu không có cái dù của Hoa Thịnh Đốn, Đài Loan khó tồn tại.

Cả Bắc Kinh cũng như Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền với toàn thể quần đảo Trường Sa tương tự như Việt Nam. Tuy nhiên, Đài Loan chỉ chiếm đóng có đảo Thái Bình và một vài bãi đá ngầm lân cận, trong khi Bắc Kinh cướp một số bãi đá ngầm của Việt Nam sau trận bắn giết hồi năm 1988 tại bãi đá ngầm Gạc Ma.

"Nếu (lời yêu cầu của Mỹ) dựa trên những nhu cầu an ninh ảnh hưởng đến khu vực, chúng tôi sẽ cứu xét", lời ông Yen được dẫn lại trên SCMP. "Điều này phải phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng ta".

Cuộc chất vấn bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan diễn ra sau nhiều tin tức căng thẳng trên Biển Đông. Cuối tháng Chín, khu trục hạm Mỹ USS Decatur bị một khu trục hạm Trung Quốc chận đường khi thực hiện chuyến tuần tra hải hành bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo Ga-ven, một trong 7 bãi đá ngầm Trung Quốc cướp của Việt Nam rồi bồi đắp, biến thành các căn cứ quân sự qui mô tối tân và khổng lồ trên biển.

Vào khoảng thời gian này, Thủy quân lục chiến Mỹ tập trận bắn đạn thật và cho pháo đài bay B-52 bay qua Biển Đông, không ngoài mục đích nhắc nhở cho Bắc Kinh biết khả năng quân sự của Mỹ trên Thái Bình Dương.

Hôm Thứ Hai, một đoạn âm thanh mới được phổ biến trên mạng của tờ SCMP mà báo này nói do Bộ Quốc Phòng Anh Quốc cung cấp, cho người ta biết thêm chi tiết về biến cố xảy ra ngày 30 tháng Chín, 2018, giữa chiếc khu trục hạm USS Decatur và chiếc khu trục hạm Trung Quốc. Người ta nghe thấy lời đe dọa qua hệ thống truyền tin từ chiến hạm Trung Quốc lớp Lữ Dương 52C nói tàu Mỹ sẽ "lãnh hậu quả" nếu không đổi hướng.

Video clip phổ biến trên mạng cho thấy chiến hạm Trung Quốc chặn đầu và chỉ cách chiến hạm Mỹ khoảng 45 bộ, nếu không đổi hướng sẽ có va chạm.

Sau những vụ vừa kể, người ta thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Bộ Chỉ Huy của hạm đội Nam Hải tại Quảng Đông thúc giục lực lượng của họ "chuẩn bị" chiến tranh. Trong khi đó thì Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence cảnh cáo nước Mỹ không để bị dọa nạt.

Nay Đài Loan bắn tiếng cho Mỹ sử dụng đảo Thái Bình có thể làm Bắc Kinh thêm tức giận. (TN)

Published in Châu Á