Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bắc Kinh nhắc lại với Mỹ : Đài Loan là "lợi ích cốt lõi của Trung Quốc"

Thu Hằng, RFI, 22/11/2022

Đài Loan và một số bất đồng về quân sự là chủ đề trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa hai bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Mỹ tại Cam Bốt ngày 22/11/2022. Một lần nữa, ông Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh Đài Loan là "lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" và đây là "lằn ranh đỏ" không được vượt qua.

dailoan1

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) rời cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd J. Austin III, Siem Reap, Cam Bốt, ngày 22/11/2022. AP - Heng Sinith

Hai quan chức Mỹ và Trung Quốc có "cuộc trao đổi dài" bên lề Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng ở Siem Reap, Cam Bốt, nhằm kiềm chế những căng thẳng song phương. Đây là lần thứ hai trong năm 2022, ông Lloyd Austin và ông Ngụy Phượng Hòa gặp nhau, và là lần đầu tiên kể từ chuyến công du Đài Bắc của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 08, khiến Bắc Kinh giận dữ.

Theo phát biểu với báo giới của một quan chức quốc phòng Mỹ, được AFP trích dẫn, "hai bên nhất trí rằng điều quan trọng là cả hai nước chúng ta (Mỹ và Trung Quốc) cùng phối hợp, tránh để sự cạnh tranh trở thành xung đột". Cả Mỹ và Trung Quốc đánh giá cuộc họp của hai bộ trưởng quốc phòng "mang tính xây dựng", "chân thành" và "chuyên nghiệp". Hai bên cũng "nhất trí về việc phải tái lập một số cơ chế đặc biệt đã được thảo luận trước đó".

Tuy nhiên, bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa lưu ý với đồng nhiệm Mỹ : "Trung Quốc chú trọng đến phát triển quan hệ quân sự song phương, nhưng Mỹ phải tôn trọng những lợi ích cơ bản của Trung Quốc". Lợi ích cơ bản này là Đài Loan. Ông Ngụy Phượng Hòa cảnh báo : "Đài Loan là của Trung Quốc. Đó là một vấn đề mà chỉ mình dân tộc Trung Quốc giải quyết, không một thế lực nước ngoài nào có quyền can thiệp".

Vấn đề Đài Loan sẽ tiếp tục là chủ đề gây bất đồng vì bộ trưởng quốc phòng Mỹ tái khẳng định Washington "sẽ tiếp tục tôn trọng những cam kết của mình theo luật về quan hệ với Đài Loan", trong đó có việc cung cấp vũ khí phòng vệ cho Đài Loan.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh gia tăng sức ép quân sự đối với Đài Loan. Theo thống kê của Đài Bắc, máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan khoảng 970 lần trong năm 2021, tăng hơn gấp đôi so với năm 2020. Sau chuyến thăm Đài Bắc vào tháng 08/2022 của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, quân đội Trung Quốc rầm rộ tập trận bao vây hòn đảo trong vòng nhiều ngày.

Thu Hằng

*************************

Thượng đỉnh Biden – Tập Cận Bình : Mỹ khó thể lay chuyển chính sách Đài Loan của Trung Quốc

Minh Anh, RFI, 14/11/2022

Hôm 14/11/2022, tại Bali, Indonesia, tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cái bắt tay đầu tiên từ khi tổng thống Joe Biden bước vào Nhà Trắng cách nay gần hai năm. Trong cuộc gặp trực diện đầu tiên này, hồ sơ Đài Loan là chủ đề quan trọng nhất. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, Washington khó thể làm lung lay lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề này.

dailoan2

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc gặp đầu tiên tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. AP - Alex Brandon

Theo giải thích của nhà nghiên cứu về Đông Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược trên đài RFI, trong cuộc gặp tại Bali, Joe Biden một lần nữa nhấn mạnh rằng "chính sách Đài Loan của Mỹ là không thay đổi, rằng Washington không hậu thuẫn các tuyên bố độc lập chính thức từ phía Đài Bắc". Mặt khác, chủ nhân Nhà Trắng cũng muốn tìm cách thăm dò các ý định của Tập Cận Bình đối với hòn đảo trong những năm sắp tới.

Tuy nhiên, Quinn Marschik, chuyên gia về Chiến lược Cộng đồng nói tiếng Hoa, trợ lý giám đốc tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, trên trang mạng Responsible Statecraft, đưa ra bốn lý do để giải thích vì sao Tập Cận Bình sẽ không thay đổi chính sách đối với Đài Loan, và Bắc Kinh chưa hẳn dùng đến vũ lực như là một phương tiện để hợp nhất hai bờ eo biển Đài Loan.

Thứ nhất, tại Đại Hội 20 Đảng cộng sản Trung Quốc, các phát biểu của ông Tập không có gì thay đổi đáng kể. Lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn nhắc lại lập trường tìm kiếm một sự thống nhất hòa bình, nhưng không loại trừ khả năng dùng vũ lực. Những tuyên bố này cũng phù hợp với Luật chống ly khai và Sách Trắng về chính sách Đài Loan. Nếu như hợp nhất hòa bình theo một hình "Một quốc gia, hai thể chế" xem như là không thể, thì việc hợp nhất hòa bình vẫn có thể xảy ra, cho dù là cưỡng chế.

Thứ hai, khi Trung Quốc đưa điều khoản "phản đối độc lập của Đài Loan" vào trong Hiến Pháp thì điều đó có nghĩa là nhằm chống lại ảnh hưởng của mọi đảng phái hay nhóm chính trị nào ở Đài Loan và những ai tích cực hậu thuẫn hay chính thức cho Đài Loan. Điều này bao gồm cả Đảng Dân Tiến (DPP) đang cầm quyền của bà Thái Anh Văn. Nếu DPP vẫn tiếp tục cầm quyền vào năm 2024, Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì chiến lược cô lập Đài Loan. Ngược lại, nếu DPP thất cử, Bắc Kinh rất có thể mở cửa để nêu ra những mối lợi của một chế độ không do DPP lãnh đạo và không đòi ly khai.

Thứ ba là việc ông Vương Hổ Ninh được cất nhắc lên vị trí thứ tư của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhân vật này sẽ tiếp tục đường lối của Uông Dương, và sẽ là người chỉ đạo chính sách Đài Loan sau Tập Cận Bình. Ông Uông Dương từng cho rằng, một sự hợp nhất sẽ bảo đảm tốt hơn cho sự tồn vong của Đảng cộng sản Trung Quốc. Định chế chính trị này chỉ vững mạnh và một Nhà nước hùng mạnh là cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và phát triển các lợi ích của Trung Quốc.

Uông Dương dường như từng cố vấn cho Tập Cận Bình rằng nên chờ đợi tái thống nhất một khi Trung Quốc đã xác định được vị thế của mình nhằm giảm thiểu các rủi ro quân sự, kinh tế và khai thác tối đa thắng lợi quân sự. Được ví như là một chiến lược gia, người vạch ra "giấc mơ Trung Hoa" và hợp nhất Đài Loan, Vương Hổ Ninh có thể chủ trương gia tăng các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đài Loan.

Cuối cùng, các bổ nhiệm của Tập trong hàng ngũ lãnh đạo chung cho Đảng cộng sản Trung Quốc mang dáng dấp của việc tiếp nối chính trị hơn là chuẩn bị một cuộc chiến xâm chiếm. Việc Vương Nghị thay thế Dương Khiết Trì để phụ trách đối ngoại cho Đảng cộng sản, và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Qin Gang rất có thể sẽ thay ông Vương Nghị nắm chức vụ ngoại trưởng, cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục các đường lối ngoại giao cứng rắn và quyết đoán hơn. Hai nhân vật này có thể sẽ phải làm việc với các nước phi phương Tây để củng cố nguồn hậu thuẫn và tính chính đáng quốc tế, hoặc ít nhất là sự đồng tình cho việc hợp nhất Đài Loan hòa bình hay cưỡng ép.

Tóm lại, theo tác giả bài viết, Bắc Kinh chưa sẵn sàng cho việc ép buộc thống nhất vào lúc này, Trung Quốc sẽ chờ đợi cho đến khi chắc chắn giành được chiến thắng. 

Minh Anh

*************************

Ngoại trưởng Mỹ : Trung Quốc đẩy nhanh mốc thời gian chiếm Đài Loan

Minh Anh, RFI, 18/10/2022

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Bắc Kinh muốn chiếm Đài Loan "trong một thời hạn nhanh hơn nhiều" so với dự kiến. Lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ cảnh báo, tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đang dẫn dắt đất nước theo hướng hung hăng hơn.

dailoan3

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bắt tay đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Hoa Kỳ ngày 23/09/2022. AP - David 'Dee' Delgado

Phát biểu tại diễn đàn đại học Stanford, hôm qua, 17/10/2022, ngoại trưởng Mỹ mô tả Trung Quốc thời Tập Cận Bình "khác" trước đây, "đàn áp nhiều hơn ở trong nước, hung hăng hơn ở bên ngoài", đặt ra nhiều "thách thức cho lợi ích cũng như là các giá trị" của nước Mỹ. 

Lãnh đạo ngoại giao Mỹ chỉ trích Bắc Kinh "tạo ra những căng thẳng to lớn" khi thay đổi cách tiếp cận đối với đảo Đài Loan mà Trung Quốc luôn cho là một phần lãnh thổ của mình, và đơn phương bác bỏ nguyên trạng. Ngoại trưởng Blinken cho rằng, lãnh đạo Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách tái hợp nhất "trong một thời hạn nhanh hơn nhiều", nhưng không nêu rõ ước tính hay một thời hạn cụ thể.

Dù vậy, theo ngoại trưởng Mỹ, Washington và Bắc Kinh vẫn "duy trì nhiều khía cạnh hợp tác". Theo ông, một số vấn đề lớn khó khăn chỉ có thể giải quyết được nếu có sự hợp tác giữa hai nước như biến đổi khí hậu, y tế thế giới và cuộc chiến chống thuốc phiện. 

Những phát biểu này của ông Blinken được đưa ra vào lúc Trung Quốc đang tiến hành Đại Hội đảng Cộng Sản lần thứ XX. Trong bài phát biểu khai mạc, tổng bí thư Tập Cận Bình tái khẳng định lập trường "hợp nhất hòa bình" với Đài Loan nhưng cũng không loại trừ khả năng dùng vũ lực. 

AFP nhắc lại, hôm thứ Tư, 12/10/2022, Nhà Trắng công bố "chiến lược an ninh quốc gia", tái khẳng định những ưu tiên của tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo tài liệu này, Trung Quốc sẽ là "đối thủ cạnh tranh" lâu dài, vốn "có tham vọng thay đổi thay đổi trật tự thế giới". Tài liệu cũng duy trì vế hợp tác với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Washington.

Minh Anh

Published in Châu Á