Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc bơm 210 tỷ đô la kích thích kinh tế (RFI, 05/01/2019)

Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc ngày 04/01/2019 thông báo hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Biện pháp này cho phép bơm thêm 210 tỷ đô la vào các hoạt động kinh tế. Thông báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh các dự phóng cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc bị chựng lại.

china1

Trụ sở Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh 28/09/2018. Reuters/Jason Lee/File Photo

Nhật báo Hồng Kông, South China Morning Post trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo cho biết Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc sẽ giảm 0,5% điểm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào ngày 15 tháng Giêng và đợt thứ nhì sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng Giêng, tức gần sát cận Tết Nguyên Đán. Mục tiêu đề ra nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại dễ dàng cấp tín dụng, đặc biệt là cho các công ty tư nhân và các doanh nghiệp cỡ nhỏ.

Theo nhận định của tờ báo, quyết định kích cầu vừa nêu là hậu quả trực tiếp từ cuộc đọ sức thương mại với Hoa Kỳ kéo dài từ mùa xuân năm ngoái. South China Morning Post nhắc lại trong năm 2018, Bắc Kinh đã bốn lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Song song với việc nới lỏng chính sách tiền tệ, trong tuần lễ cuối cùng của năm 2018 Bắc Kinh đã cho phép các chính quyền địa phương tăng các khoản chi tiêu nhằm tăng tốc các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo hãng tin Anh Reuters tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2018 dự báo ở mức 6,5%, thấp hơn so với tỷ lệ 6,9% của năm 2017. Riêng chuyên gia Louis Kuij thuộc viện nghiên cứu Oxford Economics của Anh bi quan hơn khi cho rằng tăng trưởng thực sự của nền kinh tế thứ nhì thế giới trong năm 2019 chỉ đạt 6,1%.

Thượng Viện Mỹ muốn Donald Trump cứng rắn với Trung Quốc

Trên vế thương mại Mỹ-Trung, Bắc Kinh xác nhận tin một phái đoàn Mỹ sẽ đến Trung Quốc đàm phán trong hai ngày mồng 7 và 08/01/2019. Trả lời báo chí ngày 04/01/2019, tổng thống Hoa Kỳ cho biết ông tin tưởng "sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc". Cũng hôm 04/01/2019 một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đệ trình một dự luật buộc chính quyền Washington phải có thái độ cứng rắn trước những đe dọa xuất phát từ công nghệ số và công nghệ cao của của một số quốc gia, đứng đầu là Trung Quốc. Thượng nghị sĩ bang Viginia, ông Mark Warner thuộc đảng Dân Chủ và Marco Rubio của bang Florida bên đảng Cộng Hòa là đồng tác giả dự luật nói trên.

Thanh Hà

******************

Tuyên bố của Trung Quốc cho phục hồi san hô bị hủy hoại ở Trường Sa có đáng tin ? (RFA, 04/01/2019)

Đầu năm 2019 Trung Quốc loan báo sẽ cho phục hồi các rặng san hô đã bị hủy hoại do việc xây lấp và tôn tạo một số bãi đá ở Trường Sa thành những đảo nhân tạo trong mục đích quân sự.

china2

Một loại san hô màu xanh dưới nước ở vùng biển thuộc Indonesia vào ngày 30 tháng 4 năm 2009.  AFP

Đó là bản tin hôm thứ Ba ngày 2 tháng Giêng 2019 trên tờ Bưu Điện Nam, tức South China Morning Post ở Hong Kong. Trích nguồn từ Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên của Hoa Lục, bản tin cho biết đầu năm này Bắc Kinh khởi sự phục hồi hệ sinh thái của các rặng san hô quanh các  đảo đá ở Trường Sa đã bị hủy hoại vì hành động  xây lấp thành đảo nhân tạo có đường bay nhằm phục vụ cho mục đích quân sự.

Đó là 3 đảo đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, được coi là lớn nhất trong7 hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc. Đây cũng là 3 đảo  mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc thì gọi là biển Nam Trung Hoa và dành hầu hết chủ quyền về mình.

Bản tin được Trung Quốc cho đăng tải vào khi các nước và các tổ chức bảo vệ môi trường  tiếp tục lên án hành động phá hoại môi trường bất chấp  qui định quốc tế về luật biển. Một  chi tiết đáng chú ý là khi đăng bản tin này thì hàng chữ “bị hủy hoại bởi việc xây dựng đảo” được đặt trong ngoặc kép.

Tháng Bảy 2016, Tòa Quốc Tế phán quyết việc giành giật chủ quyền và xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc thực hiện đã phá hoại nghiêm trọng môi trường sống của các hệ san hô trong khu vực tranh chấp, rằng chính quyền Bắc Kinh đã vi phạm cam kết bảo tồn hệ sinh thái dễ bị tổn thương, hủy diệt sự đa dạng sinh học và môi trường sống của các loại thủy sản tại các rặng san hô đó.

Trung Quốc ngay khi đó bác bỏ cáo buộc này, nói rằng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh là green project dự án xanh thân thiện với môi trường.

Nay thì tin mới nhất trên website của tờ South China Morning Post nói Trung Quốc đang nỗ lực bảo vệ sinh thái cho vùng Trường Sa bằng cách khôi phục lại  các rặng san hô đã mất bằng phương pháp nhân tạo và kỹ thuật tiên tiến bên cạnh khả năng gọi là tự hồi phục của thiên nhiên.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường của Việt Nam, nhận định :

Sau khi đã có hành động sai trái rồi tiếp tục có lời hứa khôi phục thì như người Việt Nam vẫn nói là một hành động vuốt đuôi để làm dịu đi sự bất bình của không kể người Việt Nam mà nhiều người nước khác nữa. Riêng việc nói rằng sẽ phải tôn tạo tôi cho rằng ở đây Trung Quốc đã  thừa nhận hành vi của mình. Đã phá hủy thì mới phải tôn tạo, còn nếu không phá hủy thì đâu tính đến chuyện tôn tạo. Đấy mới là nội dung chính.

china3

Hình chụp vệ tinh Đá Subi thuộc quần đảo Trường SaAMTI (CSIS)

Tuy nhiên theo tiến sĩ Đặng Hùng Võ thì  lời lẽ của Trung Quốc xem ra có vẻ bao biện nhiều hơn và cũng không chắc là khả thi

Qua một thời gian khá dài đến lúc này nói đến chuyện phục hồi rặng san hô cũng không phải chuyện đơn giản, tôi cho là  khó có thể khôi phục được như nguyên dạng tự nhiên theo thời  gian.

Ông Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải Dương Học Việt Nam ở Nha Trang, nhận định một cách thận trọng hơn :

Phục hồi, tái tạo, trồng lại san hô là một tin tốt, nhưng mà việc này rất khó, tốn kém và đòi hỏi công sức rất lớn. Cũng chưa hiểu Trung Quốc sẽ làm như thế nào, họ có ý tưởng ấy thì ta hoan hô thôi, nhưng mà chưa thấy kế hoạch phương án cụ thể như thế nào.

Tại sao bảo vệ môi trường biển và bảo tồn các rặng san hô được coi là một nghĩa vụ quốc tế mà bất cứ quốc gia nào vi phạm thì cũng bị lên án nặng nề ? Ông Nguyễn Tác An giải thích :

San hô quan trọng nhất đối với nghề cá, hơn 50% nghề cá trên thế giới phụ thuộc vào các rặng san hô. Thứ hai, vai trò của các rặng san hô là những thành lủy bảo vệ các đảo chống sóng gió và xói lở. Nếu phá đi và thay bê tông vào đấy thì nó không thể bảo vệ được cảnh quan địa lý . San hô còn là cảnh quan phục vụ cho những ngành kinh tế khác như du lịch hay trong nghiên cứu, đụng chạm đến nó hầu như là đụng chạm đến những lợi ích của con người trên đại dương.

Từ góc độ chuyên môn của một nhà Hải Dương Học, ông Nguyễn Tác An phân tích rằng phá hủy san hô thì rất dể nhưng phục hồi thì hầu như rất khó khăn :

Vì san hô phát triển rất chậm, mỗi năm trong điều kiện biển Việt Nam nó chỉ lớn khoảng 1,6 centimét. San hô là loài động vất có môi trường sống rất đặc biệt, do đó  những công trình quân sự mà Trung Quốc đã xây đắp thì san hô không thể sống được.  Chúng tôi đã làm thử nghiệm phục hồi trong những vùng biển ven bờ mà có san hô bị phá hủy đi thì rất tốn kém và rất công phu mà hiệu quả không đáng bao nhiêu phần trăm. Do đó trước thông tin Trung Quốc muốn phục hồi san hô thì tôi tin là khó thực hiện được ý tưởng như vậy.

Ông Nguyễn Tác An vạch ra những cái khó trong việc khôi phục các rặng san hô một khi đời sống và hệ sinh thái của nó đã bị phá hủy :

San hô bị phá hủy đi rồi mà phục hồi lại thì hầu như là không thể được vì môi trường đấy không còn thích hợp nữa. Cái thứ hai là giống để phục hồi lấy ở đâu ra, trong lúc những đảo như vậy bị phá hết rồi. Lấy san hô ở vùng khác đến thì không thể sống được. Thứ ba, san hô mà bị phá hoại như vậy làm cho nghề cá biển có thể thiệt hại đến 50%.

Trên  cơ sở khoa học, ông Nguyễn Tác An nói Việt Nam đã thực hiện nhiều thử nghiệm để thấy rằng điều kiện tiên quyết là phải có con giống ngay tại môi trường đó, Việc thứ hai  là môi trường đó phải thích nghi cho san hô phát triển :

Còn ngoài Trường Sa thì Trung Quốc đã xáo trộn tất cả, tàu bè hoạt động liên tục như vậy, ô nhiễm do dầu mỡ, do nước đục thì không cách gì phục hồi được san hô về mặt thực tế. Vấn đề con giống để phục hồi san hô thì rõ ràng không thể có ở đấy để đáp ứng vì Trung Quốc đã phá hết rồi, mà san hô lấy nơi khác về thì không thể phục hồi được.

Từ những điểm bất cập vừa nêu, chưa kể đến việc tàu Trung Quốc tiếp tục hoạt động lưu thông quanh các đảo, ông Nguyễn Tác An cho rằng những điều Trung Quốc đưa ra như áp dụng phương cách nhân tạo đi kèm kỹ thuật cao hoặc cách này cách khác thì việc  hồi phục các rặng  san hô ở đảo Chữ Thập, Subi và Vành Khăn chỉ là những phương án trên lý thuyết mà không khả thi trên thực tế.

Tưởng cần nhắc năm 2015 Cơ Quan Quản Trị Đại Dương của chính quyền Trung Quốc từng khẳng định việc xây đắp các đảo đá thành đảo nhân tạo không ảnh hưởng đến sinh học, môi trường cũng như hệ sinh thái của vùng Trường Sa.

Tuy nhiên cũng chính cơ quan này  nhận định tiếp việc xây dựng phải đi kèm với việc gây trồng, tái phục hồi cũng như sửa chữa các rặng san hô quanh đó.

Từ năm 2013 đến 2016, cùng với việc khẳng định chủ quyền trên phần lớn các bãi đá và đảo nửa nổi- nửa chìm thuộc vùng Trường Sa, Trung Quốc đã xây lắp và tôn tạo một số đảo có bãi  đáp với diện tích gần 600 hectares.

Thanh Trúc

*****************

Đài Loan và giải pháp ‘một nước, hai chế độ’ ? (BBC, 05/01/2019)

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 5/1 nói bà hy vọng mọi đảng phái ở Đài Loan sẽ công khai bác bỏ giải pháp "một quốc gia, hai chế độ" mà Trung Quốc đề nghị cho Đài Loan.

china4

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh thống nhất hoàn toàn đất nước Trung Quốc là nhiệm vụ lịch sử, còn Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phản đối

Đây là phản ứng mới nhất của bà Thái sau diễn văn hôm 2/1 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó, ông Tập nhấn mạnh phải thống nhất Đài Loan và Trung Quốc.

Bà Thái có buổi gặp 47 phóng viên nước ngoài hôm 5/1.

Bà nói mọi đối thoại giữa hai phía phải diễn ra giữa chính phủ của Trung Quốc và Đài Loan.

Khi được hỏi chính phủ của bà sẽ nói chuyện với Bắc Kinh không, bà nói không phản đối đối thoại nhưng Bắc Kinh phải "đi về dân chủ, bảo vệ nhân quyền và từ bỏ sử dụng vũ lực với chúng tôi".

Từ đầu năm 2019, dư luận ở Đài Loan và Hong Kong tranh luận về thông điệp "Một quốc gia, hai chế độ" mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gửi tới Đài Loan.

Vào hôm 2/1, ông Tập có bài phát biểu về Đài Loan, mang nhan đề "Cùng phấn đấu vì thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, thúc đẩy hoà bình thống nhất đất nước".

Trong bài, ông Tập đề xuất 5 chủ trương chính sách, bao gồm : Chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc, thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình ; tìm kiếm phương án Đài Loan "một nước hai chế độ", làm phong phú thực tiễn thống nhất hòa bình ; kiên trì nguyên tắc một nước Trung Quốc, giữ gìn triển vọng thống nhất hòa bình ; sâu sắc sự phát triển hội nhập giữa hai bờ, củng cố nền tảng thống nhất hòa bình ; thực hiện gắn kết tâm tư nguyện vọng của nhân dân hai bờ, tăng cường sự đồng thuận đối với thống nhất hòa bình.

Theo báo chí Trung Quốc, trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình nói phương án Đài Loan theo "Một quốc gia, hai chế độ" sẽ khác với mô hình Hong Kong và Macau, "sẽ chiếu cố đầy đủ đến phúc lợi của nhân dân hai bờ, trong tiền đề đảm bảo chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, vị thế, chế độ xã hội, phương thức sống, lợi ích của Đài Loan đều sẽ được tôn trọng và đảm bảo đầy đủ, và sẽ ban hành chế độ liên quan".

Phản ứng diễn văn này, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố : "Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận cơ sở một nước hai chế độ."

Trang tin Đài Loan Taiwan News hôm 3/1 dẫn lại khảo sát năm 2018 của Đại học Quốc lập Chính trị của Đài Loan. Theo đó, chỉ có 3% dân Đài Loan muốn thống nhất ngay, và chỉ có 12,5% muốn sau này thống nhất.

Diễn văn ngày 2/1 của Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định : "Tiền đồ của Đài Loan là ở thống nhất đất nước, phúc lợi của đồng bào Đài Loan gắn liền với phục hưng dân tộc ; vấn đề Đài Loan phát sinh bởi dân tộc yếu và chiến tranh loạn lạc, tất sẽ kết thúc cùng với sự phục hưng dân tộc."

Báo Hong Kong South China Morning Post ngày 2/1 đăng xã luận nói : "Bất chấp tranh luận ở Hong Kong về một nước hai chế độ, đó vẫn là giải pháp tốt nhất cho Đài Loan. Giải pháp khác thì xấu cho tất cả."

Còn trong mục bình luận của báo này, hôm 4/1, cây bút Alex Lo nói có nhiều lý do để 'một nước hai chế độ' sẽ thành công ở Đài Loan.

Alex Lo viết : "Quan hệ của Bắc Kinh với Đài Loan sau thống nhất có lẽ sẽ giống như Brussels với một nước thành viên EU, hơn là giữa Bắc Kinh với Hong Kong và Macau sau khi chuyển giao."

"Đài Loan, tóm lại, có vị trí tốt hơn hơn Hong Kong để 'một nước hai chế độ' thành công."

'Đồng thuận 1992' ?

Trang tin Đài Loan Taiwan News sang ngày 4/1 dẫn lại khảo sát qua phone của Hiệp hội Chính sách Lưỡng ngạn, thực hiện hôm 27/12, nói rằng 84,1% người Đài Loan được hỏi đã không chấp nhận cái gọi là "đồng thuận 1992" về "nguyên tắc một Trung Quốc".

"Đồng thuận 1992" là một thuật ngữ của một chính khách Quốc dân đảng, Su Chi, đưa ra năm 2000 về một cuộc gặp năm 1992 giữa hai tổ chức của Bắc Kinh và Đài Loan.

Các bên có cách hiểu khác nhau về chữ này.

Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng cùng nói cả Đại lục và Đài Loan cùng thuộc về "một Trung Quốc".

Nhưng Bắc Kinh nói đảng cộng sản là đại diện chính thống của Trung Quốc, trong khi Quốc dân đảng nói Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) là đại diện chính thống.

Trong khi đó, đảng Dân tiến của bà Thái Anh Văn thì nói Trung Quốc và Đài Loan là hai quốc gia riêng biệt.

Bắc Kinh đã nói rằng bất kỳ nhóm nào muốn có đối thoại chính thức với Bắc Kinh thì phải công nhận 'đồng thuận 1992'.

Khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống năm 2016, bà từ chối công nhận "đồng thuận 1992".

Kể từ đó, Trung Quốc gia tăng sức ép ngoại giao để loại Đài Loan ra khỏi các tổ chức quốc tế, và quan hệ giữa hai phía đã đóng băng.

Chủ tịch Quốc dân đảng Ngô Đôn Nghĩa ngày 4/1 lên tiếng giải thích về chữ 'đồng thuận 1992'.

Theo trang Focus Taiwan, ông Ngô nói Quốc dân đảng xem 'đồng thuận 1992' nghĩa là cả hai phía đều tự do diễn giải 'một Trung Quốc' là gì.

Ông Ngô cũng bác bỏ ý của ông Tập Cận Bình rằng 'một nước hai chế độ' là nội dung trong 'đồng thuận 1992'.

"Tự do diễn giải 'một Trung Quốc' chính là đồng thuận 1992," ông Ngô tuyên bố hôm 4/1.

Cựu thị trưởng Đài Bắc Eric Chu của Quốc dân đảng cũng khẳng định 'đồng thuận 1992' và 'một nước hai chế độ' là hai chuyện khác hẳn nhau.

"Trung Hoa Dân Quốc luôn trung thành con đường dân chủ và tự do và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai," ông Chu nói.

****************

Đài Loan kêu gọi quốc tế giúp đỡ trước đe dọa tấn công của Trung Quốc (RFI, 05/01/2019)

Sau một loạt tuyên bố cứng rắn của Trung Quốc trong những ngày qua, đòi sáp nhập Đài Loan kể cả bằng võ lực, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào hôm nay, 05/01/2019 đã tái khẳng định quyết tâm bảo vệ chế đô dân chủ Đài Bắc và kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ chống lại ý đồ thôn tính của Bắc Kinh.

china5

Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu trong cuộc họp báo tại Đài Bắc ngày 05/01/2019, kêu gọi quốc tế hỗ trợ Đài Loan chống âm mưu sát nhập của Trung Quốc. Reuters/Fabian Hamacher

Phát biểu với báo giới tại Đài Bắc, khi đề cập tới lời đe dọa dùng vũ lực để "thống nhất" của Bắc Kinh, bà Thái Anh Văn đã tỏ ý hy vọng là "cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá sự việc một cách nghiêm túc và có thể lên tiếng ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi".

Đối với nữ tổng thống Đài Loan, nếu cộng đồng quốc tế không ủng hộ một nền dân chủ đang bị đe dọa, thì người Đài Loan phải tự hỏi rằng "đâu sẽ là nơi kế tiếp ?".

Theo hãng tin Anh Reuters, tuyên bố của tổng thống Đài Loan được đưa ra chỉ vài hôm sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi những cảnh báo đanh thép tới chính quyền vùng lãnh thổ này.

Đài Loan hiện nổi lên thành vấn đề nhạy cảm nhất của Trung Quốc, vốn đã tăng cường sức ép lên Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn, người có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, lên lãnh đạo chính quyền Đài Bắc vào năm 2016.

Hôm 02/01 vừa qua, ông Tập Cận Bình một lần nữa cho rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực để "thống nhất" lãnh thổ trong hòa bình, nhưng vẫn sẵn sàng dùng võ lực khi cần thiết. Thông điệp đe dọa được nhấn mạnh thêm vào hôm qua khi chủ tịch Trung Quốc ra lệnh cho Quân Đội chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.

Trong phát biểu vào hôm nay, tổng thống Đài Loan cũng đả kích điều được bà gọi là chiến dịch "cố tình phá hoại và lũng đoạn nền dân chủ và gây chia rẽ trong xã hội Đài Loan".

Lời đả kích này nhắm vào kế hoạch của Bắc Kinh, chỉ đàm phán chính trị với các đảng đối lập Đài Loan, thay vì đối thoại trực tiếp với chính quyền Đài Bắc.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á