Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đài Loan – Trung Quốc : Nguyên trạng đang bị phá vỡ dần

Bên cạnh các trang bài dành cho chính trường Pháp đang tiếp tục nhộn nhịp với cuộc vận động chuẩn bị cho bầu cử tổng thống 2022 của các đảng phái chính trị khác nhau, nhiều tờ báo chính ở Pháp ra hôm nay (19/10/2021) chú ý nhiều đến căng thẳng Đài Loan-Trung Quốc đang tăng cao thời gian gần đây.

tqdl1

Pháo binh Đài Loan tập trận chống đổ bộ lên đảo, bờ biển Bình Đông (Pingtung) ngày 16/09/2021.  AP

Các nhật báo như Le Monde, Le Figaro hay Les Echos có những bài đề cập đến nhiều góc nhìn khác nhau về số phận hòn đảo nhỏ chỉ có 23 triệu dân nằm sát cạnh Trung Quốc và vẫn bị Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai của mình và chỉ chờ có cơi hội là sáp nhập. Tuy nhiên giờ đây vấn đề Đài Loan, không còn là của riêng Trung Quốc mà đang gần như được quốc tế hóa, thu hút sự quan tâm của nhiều nước, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nhật báo Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Đài Loan, tâm chấn của các căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc".

Tờ báo cho thấy, từ sau những tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, hồi năm 2019, quyết tâm "thống nhất Đài Loan bằng mọi giá", Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành vi phô trương sức mạnh, đe dọa dùng vũ lực quân sự một khi Đài Loan vượt qua lằn ranh đỏ tuyên bố độc lập. Nhiều tháng qua, đặc biệt là từ đầu tháng 10 này, các hành động đe dọa Đài Loan gia tăng liên tục cùng với sự quan tâm của nhiều nước phương Tây đối với đảo Formosa, (tên gọi cũ của Đài Loan), cho dù từ thập niên 1960 nhiều nước phương Tây đã bỏ rơi Đài Bắc để thừa nhận Trung Quốc là đại diện duy nhất ở Liên Hiệp Quốc và chính Hoa Kỳ, khi thiết lập quan hệ ngoại giao với chế độ Bắc Kinh năm 1979, đã cam kết nguyên tắc một nước Trung Quốc duy nhất.

Với đà gia tăng sức mạnh cùng tham vọng bành trướng, Trung Quốc giờ là mối đe dọa đối với Đài Loan và hòa bình thế giới. Trong bài xã luận mang tiêu đề "Răn đe Trung Quốc", Le Figaro đặt vấn đề : Làm thế nào để răn đe Trung Quốc không chuyển qua dùng vũ lực ?

Theo tờ báo, về mặt chính thức, Trung Quốc ưu tiên lựa chọn "hòa giải trong hòa bình" thông qua việc xích lại gần nhau về kinh tế và duy trì "một đất nước, hai chế độ", một nguyên tắc đã bị mất hết giá trị sau thực tế đang diễn ra ở Hồng Kông. Các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đang chờ thời : Hoặc đó là khi thế giới chú tâm vào nơi khác, bị sao nhãng bởi các cuộc khủng hoảng khác, hoặc khi Trung Quốc có đủ sức mạnh để làm nhụt trí những đối thủ tiềm năng. Thực tế TrungQuốc đang không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự. Trong khi đó Washington vẫn duy trì chiến lược mập mờ trong quyết tâm bảo vệ đảo Đài Loan trước Trung Quốc.

Xã luận của Le Figaro kết luận : Một cam kết kiên quyết cứu giúp hòn đảo dân chủ và sự hiện diện quân sự đủ tầm với thách thức có thể mới có cơ may làm nhụt chí hoàng đế đỏ.

Mất dần nguyên trạng

Trong một khía cạnh khác liên quan đến Đài Loan, nhật báo Le Monde ghi nhận qua bài phân tích : "Giữa Trung Quốc và Đài Loan, nguyên trạng ngày càng bấp bênh".

Tác giả bài viết đặt câu hỏi : Đảo Đài Loan sắp tới có là trung tâm của một cuộc xung đột quân sự Mỹ - Trung hay không ? Theo các cuộc thăm dò dư luận thì đa số người dân Đài Loan không tin trong tương lai sẽ xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên thực tế đang diễn ra với những chuyển động khác với năm 1979, thời điểm Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Theo bài viết, Trung Quốc của 2021 hoàn toàn khác xa với Trung Quốc của năm 1979. Cách đây 40 năm, quân đội Mỹ không có khó khăn gì để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan. Giờ thì việc này không còn dễ dàng nữa. Quân đội Trung Quốc ngày nay công khai chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xâm lược vào hòn đảo.

Mặt khác, đến tận năm 2016 Trung Quốc duy trì đối thoại với Đài Loan và chỉ chấm dứt khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống Đài Loan và không thừa nhận thỏa thuận "một nước Trung Quốc duy nhất", vẫn được gọi là "đồng thuận 92" đã được chính quyền tiền nhiệm của Quốc Dân Đảng chấp nhận, dù khái niệm "một nước Trung Quốc" vẫn được hiểu theo cách khác nhau từ Bắc Kinh cũng như ở Đài Bắc. Như vậy theo Bắc Kinh, tổng thống Thái Anh Văn đã phá vỡ nguyên trạng khi từ chối thỏa thuận trên.

Đài Loan giờ cũng đã khác

Tác giả nêu ra sự thay đổi khác từ năm 1979 đối với Đài Loan. Hòn đảo này không chỉ phát triển nhanh chóng về kinh tế mà còn được quốc tế thừa nhận có nền dân chủ thực sự.

Dù chỉ có mươi nước nhỏ công nhận hòn đảo là quốc gia độc lập, nhưng Đài Loan đã mở các "văn phòng" đại diện được ở gần sáu chục thủ đô trên thế giới. Ở nhiều nước phương Tây, Đài Loan không còn là chủ đề kiêng kỵ hay ngoài lề nữa.

Tại Mỹ, quan hệ với Đài Loan đang là chủ đề lớn của giới chính trị. Hoa Kỳ một mặt không phủ nhận cam kết về "một nước Trung Quốc duy nhất" nhưng vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Từ thời chính quyền Donald Trump qua đến Joe Biden các thương vụ cung cấp vũ khí này nhiều hơn cũng như việc giao lưu tiếp đón các quan chức chính phủ Đài Loan được diễn ra thường xuyên và công khai hơn.

Thậm chí Washington còn dự tính mời Đài Loan tham dự thượng đỉnh các nền dân chủ mà tổng thống Joe Biden chủ trì vào tháng 12 tới. Với Bắc Kinh đó là những sự việc cho thấy hiện trạng Đài Loan đang bị phá vỡ. Đó cũng là lý do để Bắc Kinh biện minh cho các hành động biểu dương sức mạnh gần đây của quân đội Trung Quốc.

Tác giả bài viết kết luận : "Để tránh leo thang quân sự dẫn đến những hậu quả không lường trước được thì việc khẳng định lại nguyên trạng dường như là một trong những giải pháp tốt nhất. Thế nhưng sự nguyên trạng Đài Loan được xây dựng cách đây bốn chục năm, vào lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc xích lại gần nhau. Theo thời gian, sự nguyên trạng này giờ trở thành thước đo cho sự cạnh tranh của hai nước".

Có ai liều mình cứu Đài Loan ?

Số phận Đài Loan đang ngày càng được nhiều nước phương Tây quan tâm chú ý. Thế nhưng có ai sẵn sàng "Chết cho Đài Loan ?", như tựa một bài viết trên trang Ý kiến của nhật báo kinh tế Les Echos. Theo bài viết, các nước phương Tây sẽ không làm gì vì họ đang bị lệ thuộc quá nhiều vào hàng hóa của Trung Quốc và chíp điện tử Đài Loan.

Tác giả bài báo viết : "Cuộc chiến tranh thế giới chắc chắn sẽ không nổ ra vào ngày mà Trung Quốc nhúng tay vào Đài Loan ? Nhưng ngày đó sẽ là một sự kiện địa chính trị lớn nhất từ khi bức tường Berlin sụp đổ. Sẽ có những hậu quả kinh tế không thể tính được. Và ngày đó đang tới gần".

"Nhưng các nước phương Tây sẽ làm gì vào ngày chế độ độc tài Trung Quốc đặt tay vào nền dân chủ Đài Loan ? Điều khả dĩ xảy ra nhất là họ sẽ không vượt quá việc rộ lên những đe dọa và những câu chữ mỹ miều".

Lý do, theo tác giả, xuất phát từ thực tế. Về chính trị Đài Loan chỉ được hơn chục nước nhỏ trong Liên Hiệp Quốc thừa nhận. Hòn đảo ở quá xa xôi với Mỹ cũng như với các nước Châu Âu, trong khi chỉ cách Trung Quốc có 200 km. Ngay cả nếu tổng thống Mỹ quyết định can thiệp thì cũng phải được Quốc hội chấp nhận. Mà Quốc hội Mỹ vẫn chưa quên được ký ức chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa từ năm 2014, Mỹ không còn khả năng áp đặt luật chơi với thế giới nữa rồi. Điều chủ yếu nữa là thế giới ngày nay lệ thuộc quá nhiều vào trao đổi thương mại, sản xuất với Trung Quốc.

Trung Quốc : Kinh tế giảm tốc, thế giới lo

Một thời sự khác liên quan đến Trung Quốc cũng được các báo chú ý tới với cái nhìn đầy lo ngại đó là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới chững lại đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định, trong khoảng từ 2013-2018, kinh tế của Trung Quốc chiếm 28% tăng trưởng toàn cầu. Việc tăng trưởng trong quý 3 của nước này chững lại ở mức 4,9% đang gây lo ngại sẽ gây hậu quả cho những nước xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, trong đó có những nền kinh tế mạnh như Đức. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc kể từ đầu đại dịch. Hậu quả của kinh tế Trung Quốc giảm tốc đối với nền kinh tế toàn cầu là có thực.

Nga cắt cầu với NATO

Liên quan đến quan hệ với Nga và phương Tây, Le Figaro có bài đề cập đến sự kiện Nga cắt quan hệ với NATO, cho đóng cửa văn phòng đại diện tại Liên minh ở Bruxelles và văn phòng của NATO tại Moskva.

Le Figaro chạy tựa : "Giữa Nga và NATO, bầu không khí thêm tồi tệ". Tờ báo cho biết, quan hệ giữa Nga và Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã xấu đi nhiều từ sau vụ Moskva sáp nhập Crimea cùng với khủng hoảng Ukraine. Từ đó đến nay, quan hệ hai bên được đánh dấu bằng hàng loạt trừng phạt, trục xuất các nhà ngoại giao của nhau và tố cáo nhau can thiệp nội bộ, bầu cử.

Nga tố cáo Liên minh có tham vọng mở rộng biên giới sang phía đông, can thiệp vào Ukraine, Gruzia, và nhiều nước thuộc Liên Xô cũ mà Nga mặc nhiên cho là thuộc vòng ảnh hưởng của mình. Đến giờ Nga quyết định cắt cầu nối với NATO, vào thời điểm bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới một loạt nước Đông Âu và những nước bên bờ Biển Đen đang chịu nhiều áp lực của Nga. Thêm một dấu hiệu cuộc chiến tranh lạnh đang manh nha trở lại giữa Nga và phương Tây.

Anh Vũ

Published in Châu Á