Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

'Đảng đã phá tan âm mưu soán đoạt' (BBC, 20/10/2017)

Quan chức cao cấp dự Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 19 đã gây chú ý của dư luận khi ca ngợi lãnh tụ Tập Cận Bình "phá tan một âm mưu đoạt quyền".

Ông Lưu Sĩ Dư, quan chức phụ trách chứng khoán, được trích lời trên báo Trung Quốc hôm 19/10/2017 cho rằng đã có một "âm mưu soán Đảng đoạt quyền" bị phá vỡ.

Không chỉ tham nhũng mà còn 'tạo phản' ?

Theo các báo nước ngoài, những người bị nêu tên đã tham gia "âm mưu" này gồm có Tôn Chính Tài, nguyên Bí thư Trùng Khánh, và cả người tiền nhiệm của ông ta, Bí thư Bạc Hy Lai.

Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ nêu ra các vụ việc của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch và Tôn Chính Tài, trong phần phát biểu "chống tham nhũng", theo trang tiếng Trung của đài Đức, Deutsche Welle.

tw1

Tôn Chính Tài là "kẻ lập mưu đoạt quyền của Đảng", theo Trương Khánh Vệ

Nhưng sau đó, ông Lưu Sĩ Dư đã có phát biểu trong một diễn đàn bên lề Đại hội Đảng ở Bắc Kinh hôm 19/10, cáo buộc các quan chức trên là "âm mưu cướp quyền".

Ngay sau đó, một "ngôi sao đang lên" của chính trị Trung Quốc, ông Trương Khánh Vệ, Bí thư Hắc Long Giang lại lên tiếng "ca ngợi" nỗ lực cứu Đảng.

Ông Trương nêu hẳn tên của ông Tôn Chính Tài là "kẻ lập mưu đoạt quyền của Đảng".

Ngay trước Đại hội 19, ông Tôn Chính Tài (sinh năm 1963) đột nhiên bị điều tra 'tham nhũng, lạm quyền' và tước hết mọi chức vụ.

Nay ông Lưu Sĩ Dư, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Quốc gia lên án "những kẻ quyền cao chức trọng nhưng rất hủ bại, và đã lập mưu để soán đoạt quyền của Đảng và Nhà nước".

Kể từ khi ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng phụ trách an ninh bị hạ bệ, giới quan sát Trung Quốc cho biết đã có những lời đồn đoán về "âm mưu thoán đoạt".

Cuối năm 2016, ông Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của Chủ tịch Tập trong công cuộc chống tham nhũng, được Nhân dân Nhật báo trích lời nói :

"Có những kẻ thậm chí còn tìm cách đoạt quyền, chia rẽ Đảng và đe dọa nghiêm trọng ổn định chính trị của quốc gia".

Nhưng đây là lần đầu tiên có hai quan chức cao cấp nói công khai về "âm mưu lật đổ" tuy thật khó biết về độ khả tín của các cáo buộc này.

tw2

Cả hai ông Bạc Hy Lai và Từ Tài Hậu nay bị nêu tên trong một 'âm mưu soán đoạt'

Theo trang South China Morning Post ở Hong Kong hôm 20/10, ông Lưu Sĩ Dư còn cho rằng qua việc phá vỡ âm mưu đó, ông Tập Cận Bình không chỉ "cứu Đảng, Nhà nước Trung Quốc" mà còn "cứu cả chủ nghĩa xã hội".

Đua nhau ca ngợi

Trong bảy ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18, có sáu người đã lên tiếng công khai ca ngợi "Tư tưởng Tập Cận Bình" tại Đại hội 19.

Họ đã nói nhiều lần về tư tưởng này, coi đó là nền tảng cho một ý thức hệ mới.

Tuy thế, các nhà quan sát quốc tế vẫn đang cố gắng giải mã tư tưởng Tập Cận Bình là gì.

Cho tới nay, theo những gì báo chí Trung Quốc công bố, tư tưởng này chỉ nêu rằng ông Tập Cận Bình "đưa Trung Quốc vào một thời đại mới là chủ nghĩa xã hội với tính đặc sắc Trung Hoa".

Tân Hoa Xã trước Đại hội 19 đăng bài ca ngợi mô hình Trung Quốc đang làm "lu mờ" chế độ đại nghị kiểu Phương Tây, đang "chìm đắm trong hỗn loạn, chia rẽ".

********************

Cựu bí thư Trùng Khánh Trung Quốc từng dự mưu đảo chính '(RFI, 20/10/2017)

Hãng tin AP hôm nay 20/10/2017 dẫn lời một quan chức cao cấp của đảng Cộng Sản Trung Quốc nói rằng ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), cựu bí thư Trùng Khánh, từng âm mưu tiếm quyền.

tw3

Ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai). Ảnh chụp tháng 3/2016, ở Quốc Hội Trung Quốc, Bắc Kinh. Reuters/Jason Lee

Phát biểu trong một cuộc họp với các cán bộ ngành tài chính hôm qua, ông Lưu Sĩ Dư (Liu Shiyu), người đứng đầu Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cho biết, ông Tôn Chính Tài và một số quan chức cao cấp khác bị truy tố trong chiến dịch chống tham nhũng, "không chỉ vụ lợi và tham nhũng, mà còn công khai âm mưu chiếm quyền lãnh đạo Đảng". Tuy nhiên ông không cho biết chi tiết.

Ông Lưu Sĩ Dư cũng nêu ra tên Bạc Hy Lai (Bo Xilai), nguyên bí thư Trùng Khánh trước ông Tôn Chính Tài ; Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), người từng đứng đầu cơ quan an ninh ; và tướng Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), cựu ủy viên Bộ Chính trị. Cả ba nhân vật này đều bị lãnh án tù vì cáo buộc tham nhũng hoặc các sai phạm khác.

Riêng về ông Tôn Chính Tài, đã bị cách chức hồi tháng Bảy, đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ thông báo là ông bị nghi ngờ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" - từ ngữ thường được sử dụng trong những trường hợp tham nhũng. Đây là lần đầu tiên vụ Tôn Chính Tài được công khai làm rõ hơn.

Theo ông Lưu Sĩ Dư, chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, được tung ra từ năm 2012, đánh vào nhiều quan chức và lãnh đạo các công ty quốc doanh, đã cứu vãn đất nước. Ông nói : "Chúng ta đã trừ khử được mối nguy tiềm ẩn hết sức to lớn đối với Đảng và dân tộc. Ban lãnh đạo Đảng với hạt nhân là tổng bí thư Tập Cận Bình trong năm năm qua đã cứu được Đảng, quân đội và quốc gia, và nhìn rộng hơn, cứu vãn được chủ nghĩa xã hội".

Thụy My

****************

Tập Cận Bình có đe dọa sự tồn vong của Đảng cộng sản Trung Quốc ? (RFI, 19/10/2017)

Đại hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc, khai mạc hôm 18/10/2017, là một diễn biến đặc biệt quan trọng đối với tương lai của xã hội Trung Quốc những năm tới. Hai câu hỏi mà nhiều người đặt ra là : trong dịp này quyền lực vốn rất lớn của ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục được khẳng định đến mức độ nào ? Cuộc phiêu lưu quyền lực của lãnh đạo họ Tập ảnh hưởng thế nào đến số phận Đảng cộng sản Trung Quốc ? Đây cũng là vấn đề mà nhà nghiên cứu Pháp Antoine Richard tìm cách giải mã trong một bài phân tích được đăng tải trên mạng Asialyst, ngày 18/10.

tq2

Ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, Đảng cộng sản Trung Quốc (Wang Qishan), ẩn số của Đại hội 19, Bắc Kinh, 2/9/2015 - Reuters/Jason Lee

Nắm quyền đến 2022 hay 2027 ?

"Mục tiêu (nắm quyền đến) 2022 hay 2027 ?" là vấn đề đầu tiên mà tác giả nhấn mạnh, thông qua ý kiến của hai nhà quan sát Choi Chi Yuk và Viola Zhou (trên South China Morning Post). Theo thông lệ, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ chỉ định người thừa kế chức vụ tổng bí thư đảng, ngay từ 5 năm trước, tức tại Đại hội khóa trước. Theo hai nhà báo Hồng Kông, "nếu sau kỳ Đại hội này, không có người kế thừa được chỉ định nào lọt vào danh sách ủy viên thường trực Bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực tối cao của Đảng, thì điều đó là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Tập Cận Bình muốn cầm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba, với tư cách tổng bí thư, hoặc với một chức vụ khác, kể từ năm 2022". Một người được coi là có khả năng kế thừa ông Tập, nguyên bí thư Trùng Khánh Tô Chính Tài (Sun Zhengcai) vừa bị hạ bệ hồi tháng 7/2017.

Khả năng "một nhiệm kỳ thứ ba" đối với Tập Cận Bình được coi là một vấn đề chính của Đại hội 19, cho dù không được công khai thừa nhận. Theo các nhà quan sát South China Morning Post, viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi "từ 5 năm nay, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh đến đòi hỏi phá bỏ ‘‘các quy tắc ngầm’’ của Đảng và thiết lập các đường hướng chỉ đạo mới".

Cho đến nay, dường như chủ tịch Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo giới tinh hoa tại nước này, muốn tái lập "một quyền lực mạnh", bởi nhiều người "thất vọng vì quy tắc lãnh đạo tập thể (…) kém hiệu quả dưới thời tiền nhiệm". Cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào bị phê phán vì đã cho phép "nổi lên một số trung tâm quyền lực đối địch, với nạn tham nhũng là hệ quả". Thể hiện rõ cho quan điểm này là ý kiến của ông Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), một giáo sư tại Đại học khoa học chính trị và pháp lý Thượng Hải, theo đó, quyền lực trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc "được phân chia giữa 9 thành viên thường trực Bộ Chính Trị". Và đây chính là điều cốt lõi mà ông Tập Cận Bình tìm cách xóa bỏ.

Ẩn số Vương Kỳ Sơn

Điều gì cho thấy quyết tâm thay đổi của lãnh đạo Trung Quốc được Đại hội 19 chấp nhận ? Theo nhà nghiên cứu Pháp, việc Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), cánh tay phải của Tập Cận Bình trụ lại được hay phải về hưu là một chỉ dấu quan trọng số một.

Vương Kỳ Sơn – một trong bảy thành viên viên thường trực đầy quyền uy và lãnh đạo Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương – được nhiều người gọi là "quỷ dữ" hay "bố già", chính là thủ lĩnh của "cuộc chiến chống tham nhũng", còn gọi là cuộc chiến "đả hổ, diệt ruồi" mà lãnh đạo Trung Quốc chủ trương. Ông Vương Kỳ Sơn vừa kỷ niệm sinh nhật 69 tuổi. Độ tuổi mà theo quy định sẽ buộc phải về nghỉ.

Theo các nhà quan sát, nếu Vương Kỳ Sơn ở lại trong cương vị đứng đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương, Tập Cận Bình sẽ không chỉ có được một trợ thủ không ai thay thể nổi trong "cuộc chiến chống tham nhũng", đồng thời cũng là cuộc chiến thanh toán các phe phái đối địch trong Đảng. Việc Vương Kỳ Sơn ở lại còn tạo nên một tiền lệ cho việc Tập Cận Bình ở lại thêm một nhiệm kỳ thứ ba, vì vào năm 2022, lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ 69 tuổi.

Tuy nhiên, trong giới quan tâm, cũng còn một kịch bản khác. Đó là ông Vương Kỳ Sơn thậm chí có thể được bổ nhiệm làm thủ tướng. Giả thuyết có vẻ huyễn tưởng này được xới trở lại sau cuộc gặp "bí mật" giữa trợ thủ số một của Tập Cận Bình với nguyên cố vấn chiến lược của tổng thống Hoa Kỳ Steve Bannon, trong chuyến công du Bắc Kinh của người khách Mỹ hồi giữa tháng 9.

Theo giáo sư đại học Thượng Hải, chuyến công du đã được giữ bí mật, và báo chí Hoa lục không được phép nói đến, bởi cũng trong thời gian này có những đồn đoán về việc thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) sẽ bị thay thế sau Đại hội 19.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Pháp, khả năng này là hoàn toàn có thể bởi Vương Kỳ Sơn được coi là "một trong các lãnh đạo hiểu biết rõ nhất" về nền kinh tế Trung Quốc. Ông Vương Kỳ Sơn từng theo dõi "các cải cách thị trường và ngân hàng công từ những năm 80, cũng như những vấn đề thương mại Mỹ-Trung" (nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 09/10).

Giải pháp "Putin hóa" và số phận Đảng cộng sản Trung Quốc

Về mặt cảm xúc, việc Vương Kỳ Sơn nắm giữ chức vụ này rõ ràng sẽ vực dậy niềm tin cho những người thất vọng với các kết quả kinh tế 5 năm thời Tập Cận Bình. Tuy nhiên, nhà phân tích của Asialyst đặt câu hỏi : liệu việc quyền lực tập trung vào tay cặp bài trùng Tập – Vương thêm một nhiệm kỳ nữa có dẫn chế độ chính trị Trung Quốc hiện hành đi vào con đường "Putin hóa" ?

Một số dấu hiệu cho thấy phong cách lãnh đạo của Tập Cận Bình "ngày càng giống" với tổng thống Nga Putin. Nhà nghiên cứu Alexander Gabuev (văn phòng Moskva của viện tư vấn Carnegie) cảnh báo, nếu lãnh đạo Trung Quốc đi theo vết xe đổ của tổng thống Nga, thì các hệ quả tồi tệ đã được báo trước. Đó là kinh tế nước này sẽ trì trệ trong dài hạn, và sự trị vì dài lâu của cá nhân nhà lãnh đạo sẽ chỉ khiến cho "hệ thống (chính trị Trung Quốc) hoàn toàn mất chân đứng, không thể tiếp tục tồn tại", một khi ông Tập Cận Bình không còn đó.

Đây cũng chính là vấn đề mà một trong những chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc đương đại, ông David Shambaugh (giáo sư Đại học Georges Washington), đặt ra. Theo David Shambaugh, dự án phá hủy toàn bộ "các cơ tầng cũ" của hệ thống chính trị Trung Quốc hiện hành, để tập trung toàn bộ quyền lực trong tay, có thể kéo Trung Quốc trở lại với mô hình chính trị "gia trưởng thừa kế", nơi mọi quyền lực tập trung vào tay "hoàng đế", chứ không phải trong các định chế chính trị.

Giáo sư David Shambaugh là tác giả cuốn tiểu luận China’s Future, từng gây xôn xao công luận cách nay một năm. David Shambaugh cảnh báo "bất chấp vẻ bề ngoài, hệ thống chính trị Trung Quốc đã thối rữa, và không ai khác biết rõ điều này hơn là đảng Cộng Sản" và "các biện pháp tàn khốc" của Tập Cận Bình đang dẫn chế độ này đến điểm tan vỡ.

***

Phá vỡ "các cơ tầng" của hệ thống quyền lực vốn có của Đảng cộng sản Trung Quốc liệu có phải là phá hủy chính Đảng cộng sản Trung Quốc ? Đồng thời phá vỡ khả năng tự cải cách của chế độ cộng sản Trung Quốc ? Hay ngược lại đây chính là một phương tiện cho phép đảng này "lột xác", để tiếp tục duy trì quyền cai trị đất nước Trung Hoa, dưới sự dẫn dắt của "hoàng đế đỏ" ?... Bài phân tích của nhà nghiên cứu Pháp mở ra nhiều câu hỏi cần được giải đáp.

Trọng Thành

*******************

Vì sao ít đảng viên nữ tại Trung Quốc ? (BBC, 20/10/2017)

2.280 đại biểu đang tham dự Đại hội Đảng 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh. Nhưng chỉ một phần tư số này là phụ nữ.

tw4

Nữ Đại biểu tham dự Đại hội 19 - Ảnh minh họa (AFP)

Có phải Đảng Cộng sản Trung Quốc đang có "vấn đề phụ nữ" ?

Đảng Cộng sản Trung Quốc có 89,4 triệu đảng viên. Nhưng chưa đầy 23 triệu đảng viên là phụ nữ - chiếm 26%.

Phụ nữ chiếm 24% thành viên Quốc hội Trung Quốc. Không nhất thiết là đảng viên mới được bầu vào cơ quan lập pháp này.

Càng lên cao trong chính trường, càng ít phụ nữ.

Sau Đại hội Đảng năm 2012, chỉ có 33 phụ nữ ngồi trong Ban Chấp hành Trung ương - chiếm 9%.

Trong Bộ Chính trị 25 thành viên, có 2 phụ nữ - tức là 8%.

tw5

Một phần tư số đảng viên dự Đại hội Đảng 19 là phụ nữ.

Vì sao tại Trung Quốc, phụ nữ thường khó lên cao trong chính trị, mặc dù Đảng cam kết bình đẳng giới, và số phụ nữ học đại học thực ra còn nhiều hơn đàn ông ?

Phái nữ thường vào Đảng khi còn ở đại học, hoặc khi đi làm.

Nhưng cơ hội thăng tiến ở trên cấp huyện xã thì rất khó.

Giáo sư Lynette H. Ong, Đại học Toronto, giải thích : "Quan điểm lâu đời rằng chỗ của phụ nữ là ở nhà, trong bếp khiến họ không được khuyến khích có tham vọng".

Cấp cao

Phụ nữ cũng bị cản trở vì họ cần lãnh đạo đảng hay chính phủ ở cấp tỉnh trước khi lên được trung ương.

Nhiều phụ nữ làm các vị trí lãnh đạo cấp trung nhưng ít người lên được vị trí lãnh đạo cao nhất.

Tuổi về hưu sớm hơn cho phụ nữ cũng cản trở cơ hội của họ. Ở Trung Quốc, đàn ông nghỉ hưu lúc 60, phụ nữ làm công chức và doanh nghiệp nhà nước 55, và phụ nữ các lĩnh vực khác 50.

tw6

Bà Lý Bân là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Y tế quốc gia

Nhưng thực tế ở Trung Quốc có bất thường không nếu so với các nước ?

Dĩ nhiên không thể hoàn toàn so sánh số đại biểu Quốc hội Trung Quốc với Mỹ hay Anh.

Nhưng có một điểm rõ ràng : trên thế giới, chứ không chỉ Trung Quốc, phụ nữ thường chỉ chiếm số ít trong các cơ quan chính trị.

Tại Hạ viện Anh, phụ nữ chiếm 32% số dân biểu - mà đây đã là con số cao kỷ lục.

Tại Nhật, số dân biểu nữ chỉ là 9%.

Cuba có tỉ lệ rất cao : phụ nữ chiếm 49% trong quốc hội.

Ở cấp thấp hơn thì thế nào ?

Việt Nam và Cuba đều là các nước độc đảng. Theo thống kê gần nhất, khoảng 33% số đảng viên hai nước này là phụ nữ.

26% thành viên đảng CDU của bà Angela Merkel là phụ nữ, và đảng Bảo thủ của bà Theresa May ở Anh có khoảng 30%.

Vậy là "vấn đề phụ nữ" không chỉ tồn tại ở riêng Trung Quốc.

*******************

Trung Quốc Mộng làm Giang Trạch Dân ngủ gật ? (BBC, 20/10/2017)

Trong ngày khai mạc Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã ngáp và xem đồng hồ nhiều lần liên tục rồi thiu thiu ngủ khi người đương nhiệm Tập Cận Bình đọc bài diễn văn 3 giờ rưỡi hôm khai mạc.

tw7

Ông Giang Trạch Dân, nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản cộng sản và Chủ tịch nước Trung Quốc đã ngáp khi nghe bài diễn văn dài của ông Tập Cận Bình

Năm nay đã 91 tuổi, ông Giang Trạch Dân được mời đến dự lễ khai mạc và ngồi cạnh ông Tập Cận Bình và cùng bàn một cựu Tổng bí thư, Hồ Cẩm Đào.

Một nhà báo nước ngoài, Neil Connor, nhắn trên mạng xã hội rằng khi vào đưa tin Đại hội 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc, anh đã dùng ống nhòm xem và đếm thấy ông Giang Trạch Dân nhìn đồng hồ 10 lần khi ông Tập Cận Bình đọc bài diễn văn 3 tiếng rưỡi.

Hiện không rõ cái ngáp và chuyện xem đồng hồ của ông Giang Trạch Dân là sự vô ý vì tuổi cao, ngồi lâu thấy mệt, hay là cách ông gửi ra tín hiệu gì khác.

Sau khi ông Tập Cận Bình về ghế, một người tiền nhiệm khác, ông Hồ Cầm Đào đã quay sang nói gì với ông Tập và chỉ tay vào đồng hồ.

Không rõ ông Hồ khen ông Tập "nói khoẻ" hay cho thấy là bài phát biểu đã quá dài.

'Trung Quốc Mộng'

Cũng có hình ông Giang Trạch Dân ngáp và gãi đầu khi nghe bài diễn văn về Trung Quốc Mộng của Tập Cận Bình.

Hiện hơn 2200 đại biểu dự Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thảo luận về những nghị trình có thể đưa bổ sung vào Điều lệ.

Một số báo chí chính thống Trung Quốc nêu rằng tư tưởng Tập Cận Bình có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

tw8

Ở tuổi ngoài 91, ông Giang Trạch Dân đã cố gắng nghe bài diễn văn nhưng có vẻ không chống lại được cơn buồn ngủ

Diễn văn của ông Tập Cận Bình nói nhiều về tư tưởng vĩ đại phục hưng Trung Hoa.

Theo đó, đây là thời đại thứ ba từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949.

Không xa rời nền tảng Marx-Lenin, tư tưởng này đặt ông Tập Cận Bình vào vị trí 'hạt nhân' của Đảng Cộng sản, và Đảng này sẽ đóng vai trò phục hưng nước Trung Hoa, đem lại vị thế xứng đáng cho nước này trên thế giới.

Về nội bộ, ông Tập Cận Bình "dùng Đảng trị quốc", và sẽ mở rộng vai trò cho các cơ quan của Đảng Cộng sản.

Published in Châu Á