Trọng Nghĩa, RFI, 14/12/2021
Phát biểu vào hôm 14/12/2021 tại Jakarta, thủ đô Indonesia, chặng đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên từ ngày nhậm chức, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc, tố cáo các hành vi gây hấn nhắm vào các nước trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ đồng thời cam kết bảo vệ các đối tác và một "trật tự dựa trên luật pháp".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tham dự cuộc họp tại bộ Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư ở Jakarta, Indonesia ngày 14 tháng 12 năm 2021. Reuters - Pool
Trong bài nói chuyện tại Đại học Indonesia ở Jakarta về chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, ngoại trưởng Antony Blinken đã nhấn mạnh rằng mọi quốc gia đều phải được quyền "lựa chọn con đường của riêng mình", và Washington sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để bảo vệ một "trật tự dựa trên luật pháp" trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang bị những hành vi hung hăng (aggressive actions) của Trung Quốc đe dọa.
Theo ngoại trưởng Mỹ, hiện đang có "rất nhiều mối lo ngại - từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và từ vùng sông Mekong đến các quần đảo Thái Bình Dương - về các hành động hung hăng của Bắc Kinh".
Ông Blinken đã liệt kê những hành vi như :
Tuyên bố các vùng biển mở là của riêng họ, làm méo mó các thị trường mở thông qua trợ cấp cho các công ty nhà nước, từ chối xuất khẩu hoặc hủy bỏ các giao dịch đối với các quốc gia có chính sách mà họ không đồng ý, can dự vào những hoạt động đánh bắt cá phi pháp, không khai báo và không được điều hòa".
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định : "Các quốc gia trong khu vực muốn hành vi này thay đổi - chúng tôi (tức là Hoa Kỳ) cũng vậy". Ông nói thêm : "Chính vì thế mà chúng tôi đã quyết tâm đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi mà các hành động hung hăng của Bắc Kinh đe dọa sự lưu thông của hơn 3 tỷ đô la hàng thương mại mỗi năm".
Khi khẳng định rằng Mỹ bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, ông Blinken nói rõ là mục đích của Washington không phải là "đánh ngã một nước nào" mà là "bảo vệ quyền của mọi quốc gia được chọn lựa hướng đi của riêng mình, mà không bị bức ép hay hù dọa".
Theo hãng tin Pháp AFP, nhân chuyến công du Đông Nam Á của mình, ngoại trưởng Mỹ sẽ cố gắng nêu bật tầm quan trọng ngày càng tăng của Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, ngay cả khi chính quyền Mỹ phải đối mặt với vô số cuộc khủng hoảng khác, từ Iran đến Nga.
Việc chọn Indonesia làm chặng đầu tiên trong chuyến công du không phải là ngẫu nhiên, vì đây là cường quốc số một của khu vực Đông Nam Á, đồng thời quốc gia này sẽ làm chủ tịch luân phiên của nhóm G 20.
Sau Indonesia, ngoại trưởng Mỹ sẽ tiếp tục vòng công du qua Malaysia và Thái Lan.
Trọng Nghĩa
************************
Cựu Thủ tướng Nhật : một ‘cuộc phiêu lưu’ quân sự của Trung Quốc có thể là ‘tự sát’
VOA, 14/12/2021
Hôm 14/12, cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi Trung Quốc không khiêu khích các nước láng giềng hoặc tìm cách mở rộng lãnh thổ, và nói rằng bất kỳ cuộc phiêu lưu quân sự nào của Trung Quốc đều có thể là "hành động tự sát", theo Reuters.
Ông Shinzo Abe.
Ông Abe, người đã từ chức thủ tướng vào năm ngoái nhưng vẫn có ảnh hưởng với tư cách là người đứng đầu phe lớn nhất của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, đã đưa ra bình luận trên trong một thông điệp video tại một diễn đàn an ninh.
"Một cuộc phiêu lưu trong các vấn đề quân sự, nếu được theo đuổi bởi một nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc, ít nhất có thể là hành động tự sát", ông Abe nói.
"Chúng ta phải hối thúc họ không theo đuổi việc mở rộng lãnh thổ và hạn chế khiêu khích, hạn chế thường xuyên bắt nạt các nước láng giềng của họ vì điều đó sẽ gây tổn hại đến lợi ích của chính họ".
Phát biểu như trên của ông Abe diễn ra sau một bình luận khác của ông trong tháng này rằng bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào đối với Đài Loan sẽ có nghĩa là tình trạng khẩn cấp đối với Nhật Bản cũng như đối với liên minh an ninh của nước này với Hoa Kỳ, và rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nên hiểu lầm điều đó.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi nhận xét trước đó của ông Abe, được đưa ra vào ngày 1/12, là "sai lầm" và vi phạm các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ song phương.
Trong thông điệp hôm 14/12, cựu Thủ tướng Abe bày tỏ ủng hộ việc Đài Loan tham gia hiệp định thương mại khu vực có tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Abe nói : "Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia cùng chí hướng khác nên tích cực làm việc để đưa Đài Loan vào các tổ chức quốc tế có tầm liên quan toàn cầu. WHO đứng đầu danh sách này".
Theo Reuters
**********************
Minh Anh, RFI, 14/12/2021
Hôm 13/12/2021, vài giờ trước khi ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Indonesia bắt đầu chuyến thăm chính thức hai ngày, đại sứ quán Nga tại Jakarta thông báo, ông Nilolay Patrushev, cố vấn hàng đầu của tổng thống Nga cũng tới Indonesia cùng ngày và chuyến thăm cũng kéo dài hai ngày.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin dự thượng đỉnh Đông Á lần thứ 16, trực tuyến, ngày 27/10/2021. AP
Theo AP, chuyên cơ của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đậu cùng một bãi đáp với máy bay của thư ký Hội đồng an ninh Liên bang Nga, Nikolay Patrushev. Nhân vật này được xem là quan chức cao cấp thứ ba trong chính phủ Nga.
Không có dấu hiệu nào cho thấy hai nhân vật cấp cao Nga - Mỹ sẽ gặp nhau ở Jakarta. Thêm vào đó, không có dấu hiệu nào cho thấy là hai bên đều biết có sự hiện diện của nhau tại Indonesia. Quốc gia Hồi giáo đông dân nhất khu vực là trụ sở chính của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) và có một vai trò quan trọng trong an ninh khu vực.
Bộ Ngoại Giao Indonesia đã giải thích về sự song trùng này rằng "Nga và Mỹ là hai trong số đối tác tốt của Indonesia". Ngoại trưởng Retno Marsudi cho rằng "sự tin cậy trong chiến lược" mà "Indonesia phát triển với tất cả các đối tác" là "nền tảng để xây dựng quan hệ hợp tác có lợi và tôn trọng lẫn nhau".
Có nhiều khả năng các cuộc gặp của ông Patrushev với giới chức Indonesia trùng với buổi phát biểu của ngoại trưởng Mỹ, trình bày kế hoạch chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền Biden.
Theo chương trình, ngoại trưởng Mỹ được tổng thống Joko Widodo tiếp vào chiều tối hôm qua, và có bài phát biểu trong hôm nay. Còn theo đại sứ quán Nga, cố vấn an ninh quốc gia Patrushev sẽ có cuộc họp với bộ trưởng về Luật và An ninh, Mohammad Mahfud.
Hãng tin Mỹ cho biết thêm, trong những ngày ông Blinken đến thăm Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan), cố vấn an ninh quốc gia Nga Patrushev sẽ có mặt tại Phnom Penh (Cam Bốt). Ông Derek Chollet, một trong những cố vấn thân cận nhất của ông Blinken cảnh báo việc Mỹ cấm vận vũ khí đối với Cam Bốt chỉ làm gia tăng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc, nạn tham nhũng và vi phạm nhân quyền tại xứ chùa tháp.
Thu Hằng, RFI, 13/12/2021
Ngoại trưởng Mỹ đến Indonesia ngày 13/11/2021 mở đầu chuyến công du 3 nước ASEAN trong vòng 4 ngày sau cuộc họp giữa nhóm G7 và ASEAN. Trong chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên với tư cách ngoại trưởng, ông Antony Blinken tìm cách thuyết phục ASEAN cùng tham gia "mặt trận thống nhất" khống chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới sân bay Jakarta, Indonesia bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á, ngày 13/12/2021. AP - Olivier Douliery
Theo thông cáo ngày 12/12 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Indonesia được chọn mở đầu chuyến công du của ông Blinken do quốc gia "dân chủ lớn thứ ba trên thế giới" là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, cũng như "vai trò của Indonesia trong khối ASEAN và vai trò chủ tịch (luân phiên) của G20".
Ngoài tăng cường hợp tác đối phó với đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, "Mỹ và Indonesia cùng chia sẻ tầm nhìn về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Washington cam kết ủng hộ những nỗ lực trong lĩnh vực năng lượng của Jakarta trong bối cảnh Trung Quốc điều tầu đến quấy rối giàn khoan của Indonesia trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định hợp tác về mặt an ninh là trụ cột trong mối quan hệ đối tác chiến lược song phương. "Hoa Kỳ tự hào là đối tác quốc phòng lớn nhất của Indonesia về số lần tập trận và sự kiện hàng năm". Thương mại và kết nối con người là những chủ đề khác được hai bên cùng nhất trí tiếp tục thúc đẩy.
Sau hai ngày ở Indonesia, ông Blinken đến Malaysia và Thái Lan để tiếp tục thúc đẩy quan hệ về thương mại và an ninh. Theo dự kiến, ngoại trưởng Mỹ sẽ đề cập với Malaysia về những thách thức chung, như đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Còn tại Thái Lan, ngoại trưởng Mỹ sẽ tái khẳng định cam kết của Washington về liên minh với Bangkok và hợp tác để tái thúc đẩy tăng trưởng do đại dịch và biến đổi khí hậu gây nên.
Reuters nhắc lại Đông Nam Á là khu vực quan trọng trong sự cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung. Trước đó, các ngoại trưởng của nhóm G7 đã nhất trí hình thành "một mặt trận đoàn kết" để đối phó với "những kẻ xâm lược thế giới", ngụ ý đến Nga và Trung Quốc.
Thu Hằng