Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc có điều chiến xa vào Hồng Kông không ?

Thời sự Châu Á được đề cập vẫn là chủ đề Hồng Kông. Libération đặt câu hỏi : "Liệu Bắc Kinh sẽ điều chiến xa đến Hồng Kông ?" sau khi phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Ngô Khiêm, trong buổi họp báo công bố Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc hôm 24/07/2019, đã đưa ra lời cảnh cáo khi nhắc đến "điều 14 của Luật Đơn vị đồn trú" của quân đội Trung Quốc.

tqhk1

Cảnh sát chống bạo động Hồng Kông tìm cách giải tán đoàn biểu tình chống luật dẫn độ tại Hồng Kông ngày 21/07/2019. Reuters/Tyrone Siu

Theo nhật báo Libération, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai tính đến việc điều quân đội duy trì trật tự công cộng tại đặc khu hành chính. Từ năm 1997, một đơn vị đồn trú của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, khoảng 4.000 đến 5.000 lính, đóng tại trung tâm Hồng Kông để bảo đảm vấn đề quốc phòng nhưng họ không có quyền can thiệp vào nội bộ đặc khu, trừ phi được chính quyền Hồng Kông yêu cầu, theo quy định của điều 14 của Luật Đơn vị đồn trú.

Cho đến hôm 24/07, đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga chưa có ý định kêu gọi quân đội Trung Quốc hỗ trợ. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lâm Hòa Lập (Willy Lam), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, đại học Hồng Kông, "trên thực tế, quyết định chỉ phụ thuộc vào một người duy nhất, đó là chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời là tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc". Trong trường hợp này, những đơn vị thường trực ở Thâm Quyến, gần biên giới với Hồng Kông, cũng có thể được phép vào đặc khu.

Hiện tại, ông Tập Cận Bình không tính đến việc can thiệp bằng vũ lực, vì theo nhà nghiên cứu Lâm Hòa Lập, "điều này có nghĩa là sẽ chấm dứt thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ". Hồng Kông sẽ trở thành một thành phố như bất kỳ thành phố nào khác của Trung Quốc, nằm dưới sự kiểm soát của cảnh sát và quân đội Trung Hoa. Việc này có lẽ sẽ làm mất mặt và uy tín của chính quyền Bắc Kinh, cũng như đối với chính ông Tập Cận Bình".

Hàng nghìn công ty đa quốc gia đang hoạt động ở đặc khu. Việc xe thiết giáp nằm dưới những tòa nhà chọc trời đồng nghĩa với việc chấm dứt tự do doanh nghiệp và người dân Hồng Kông và người nước ngoài, nằm trong vòng kiểm soát của quân đội và tư pháp theo lệnh từ Đảng cộng sản Trung Quốc.

Hậu quả, theo ông Lâm, là "các doanh nghiệp sẽ giảm đầu tư, sa thải nhân viên, người giầu Hồng Kông sẽ di cư sang Úc hoặc Canada, giá bất động sản giảm. Và một cuộc khoảng kinh tế nghiêm trọng có thể xảy ra. Thế nhưng, trong số rất nhiều lãnh đạo cấp cao của đảng và của quân đội, rất nhiều người có gia đình và có lợi ích ở Hồng Kông".

Theo dự kiến các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục diễn ra, dù có được phép hay không, và sẽ còn xảy ra những vụ xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Hồng Kông, "nếu tình trạng xáo trộn còn tiếp diễn trong 3 đến 4 tuần nữa, ông Tập Cận Bình có lẽ sẽ đổi ý. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997, tình hình lại nghiêm trọng đến như vậy".

Trung Quốc khẳng định tham vọng cường quốc quân sự

Bắc Kinh đã công bố Sách trắng Quốc phòng hôm 24/07 và tái khẳng định mục tiêu hiện đại hóa quân đội.

Tuy nhiên, theo bài viết của nhật báo kinh tế Les Echos, khác với Sách Trắng được công bố hùng hồn năm 2015, Bắc Kinh tránh quá thể hiện sức mạnh. Về điểm này, nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp, nhận định : "Trong bối cảnh Châu Âu, Mỹ, cũng như các nước láng giềng Trung Quốc lo ngại về mối đe dọa Trung Quốc,… Bắc Kinh nhấn mạnh đến tính chất ôn hòa của quân đội, một lực lượng không lay chuyển được vì hòa bình trên thế giới".

Để thể hiện đối lập với chính sách đơn phương của tổng thống Trump, Trung Quốc thể hiện là nước bảo đảm cho cơ chế đa phương và hợp tác bằng cách nhấn mạnh rằng an ninh của các nước ngày càng liên hệ chặt chẽ với nhau.

Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cố giảm thiểu quy mô ngân sách Quốc Phòng, chiếm 1,3% GDP của Trung Quốc trong 5 năm gần đây qua việc so sánh tỉ lệ này với ngân sách của một số nước như 3,5% của Mỹ, 4,4% của Nga và 2,5% của Ấn Độ.

Cố thể hiện là lực lượng vì hòa bình trên thế giới, nhưng Bắc Kinh tiếp tục không loại trừ khả năng dùng vũ lực sáp nhập Đài Loan vì, theo Sách trắng, "Trung Quốc phải và sẽ phải thống nhất". Quyết tâm này còn được thể hiện kiên quyết qua lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Ngô Khiêm trong buổi họp báo công bố Sách Trắng : "Nếu bất kỳ ai dám tách rời Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không do dự gây chiến" - một thông điệp rõ ràng gửi tới Đài Loan khi hòn đảo này chuẩn bị bầu cử tổng thống năm 2020.

Dân Anh sẽ thất vọng nếu tin lời hứa thỏa thuận thương mại của Tổng thống Trump

Cựu đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson chính thức trở thành thủ tướng Anh. Tất cả các nhật báo Pháp đều đề cập đến lời hứa đưa Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đúng thời hạn 31/10, dù với bất kỳ giá nào, kể cả Brexit không có thỏa thuận.

Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định ông Johnson biết đánh đúng tâm lý tự hào dân tộc của những người ủng hộ ông khi hứa rằng "đã đến lúc phải đổi đĩa hát, tìm lại vai trò tự nhiên và lịch sử của chúng ta, vai trò của một nước Anh dám nghĩ dám làm, hướng ngoại và ra khắp thế giới". Và ông quả quyết thúc đẩy tiến trình Brexit khi tuyên bố : "Chúng ta sẽ rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngày 31/10, chấm xuống dòng".

Dấu hiệu quyết tâm đầu tiên của ông Boris Johnson là việc bổ nhiệm nhiều người thân cận của ông vào các vị trí cố vấn cho thủ tướng, như Dominic Cummings, David Frost và Edward Lister. Ngoài ra nội các cũng được thay đổi và chỉ gồm những nhân vật ủng hộ "Brexit cứng" : Sajid Javid bộ trưởng tài chính, Dominic Raab thành ngoại trưởng, kiêm quốc vụ khanh thứ nhất - cánh tay phải của thủ tướng, Priti Pattel bộ trưởng nội vụ, Stephen Barclay tiếp tục giữ chức bộ trưởng Brexit…

Tuy nhiên, theo Les Echos, một Brexit không có thỏa thuận là điều mà cả Bruxelles và Hạ viện Anh phản đối, kể cả nhiều dân biểu trong nội bộ đảng bảo thủ.

Sau ngày 31/10, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp với Vương quốc Anh. Liệu có thể hy vọng vào lời trấn an của ông Boris Johnson ? Vì theo xã luận của La Croix, sau những lời hứa về "Brexit, phải trở lại thực tế". Thứ nhất, Liên Hiệp Châu Âu nhắc lại rằng sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit và tiến hành một Brexit theo trật tự. Tuy nhiên, tân chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen hé mở một thời hạn mới.

Thứ hai, viễn cảnh hậu Brexit mà tân thủ tướng Boris Johnson vẽ ra dường như thiếu vững chắc. Ông muốn Vương quốc Anh được giải phóng khỏi gông cùm của Liên Hiệp Châu Âu. Ông mơ biến Luân Đôn thành một Singapore mới. Và ông kỳ vọng vào lòng bao dung của tổng thống Mỹ Donald Trump, người vẫn hứa sẽ có một thỏa thuận thương mại "rất tốt" với Anh Quốc sau Brexit.

Giữa Johnson và Trump : Mối quan hệ nồng ấm gây lo ngại

Tuy nhiên, xã luận của La Croix cho rằng ông Boris Johnson đã không biết rõ ông Donald Trump và hiểu sai về chiến lược "America first" của tổng thống Mỹ. Thực vậy, trong bài viết : "Giữa Johnson và Trump là mối quan hệ nồng ấm gây lo ngại", La Croix đặt câu hỏi : Liệu ông Boris Johnson có khả năng chống lại những tham vọng của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại song phương không ?

Tuần trước, ông Johnson từng trấn an người dân Anh rằng "không muốn nhập từ Mỹ bất kỳ hàng hóa nào làm giảm tiêu chí xã hội và chất lượng thực phẩm… Chúng ta sẽ phải thúc đẩy người Mỹ nâng cao tiêu chí của họ để phù hợp với tiêu chí của chúng ta".

Với phát biểu trên, hoặc ông Johnson mị dân, hoặc ông "ngây thơ" tin vào quan hệ với tổng thống Mỹ. La Croix trích phân tích của kinh tế gia Ilona Serwicka : "Những người tin vào việc Hoa Kỳ có cách đối đãi riêng với Anh Quốc sẽ thất vọng. (…) Ngôn ngữ trong văn bản (mục tiêu thương mại của Mỹ với Anh Quốc, được công bố tháng 10/2018) rất khiêu khích : văn bản yêu cầu những nhượng bộ và đổi lại rất ít. Văn bản cũng không nêu những ưu đãi đặc biệt dành cho Vương quốc Anh. Văn bản nêu khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết". Các quan chức Mỹ nêu rõ trong văn bản là các cuộc thương lượng phải nhằm mục đích giảm hàng rào thuế quan và hành chính "đang hạn chế hàng xuất khẩu của Mỹ", đặc biệt là những tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Kinh tế gia Ilona Serwicka nhận định : "Nếu Liên Hiệp Châu Âu có khả năng chống lại áp lực của Mỹ, thì Anh Quốc sẽ khó làm được điều này sau khi rời khỏi khối vì ít có trọng lượng trên bàn đàm phán : nền kinh tế Anh chỉ bằng 1/7 nền kinh tế Mỹ và hiện tại Luân Đôn tỏ ra vội vã".

Các nhật báo La Croix, Le Monde Les Echos trích lại lời chúc mừng trên Twitter, nhưng cũng là lời tự khen bản thân, của tổng thống Mỹ khi ông Johnson được bầu làm chủ tịch đảng Bảo Thủ : "Họ gọi ông ấy (Johnson) là Trump của nước Anh. Và những người đó nói rằng đó là một tin vui. Ở đó, họ yêu tôi".

Tình trạng nắng nóng buộc phải xem lại cách tư duy văn minh toàn cầu

Ngày 25/07/2019 là một trong những ngày nắng nóng kỉ lục tại Pháp. Chính phủ Pháp không ngừng đưa ra những khuyến cáo để tránh các hậu quả do nắng nóng gây ra.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Libération, ông Patrick Pellou, chủ tịch Hội Bác sĩ cấp cứu Pháp, hoan nghênh kế hoạch phòng ngừa của chính phủ. Theo dõi hiện tượng nắng nóng từ 15 năm nay, ông cho rằng giải pháp đối phó không nằm ở việc lắp máy điều hòa khắp nơi vì rất ngốn năng lượng và càng làm bầu khí quyển nóng lên ; phải trồng nhiều cây xanh hơn, nhà ở phải được cách nhiệt tốt hơn, và đặc biệt là phải thiết kế lại kiến trúc đô thị để các thành phố phải là những chiếc lò thiêu thực sự.

Pháp có đến 12 triệu người nghèo và nắng nóng tác động trước tiên đến những người không được trang bị thiết bị làm mát.

Cuộc đua xe Tour de France vào giai đoạn chót

Libération Le Figaro đưa lên trang nhất sự kiện Tour de France 2019, đang bước vào chặng cuối cùng.

"Nước Pháp khám phá lại phép mầu của Vòng đua" là hàng tựa trên trang nhất của Le Figaro vì Julian Alaphilippe và Thibaut Pinot, hai tay đua người Pháp đang giữ ưu thế trong vòng đua, mang lại hy vọng chiến thắng chung cuộc cho người Pháp. Với ba trang báo nói về Tour de France, Libération cho biết đoàn đua sẽ đến đại lộ Champs-Elysée vào Chủ Nhật 28/07.

Thu Hằng

Published in Châu Á