Trung Quốc có thêm 101 ca nhiễm virus corona chỉ trong vòng 24 giờ, theo thống kê ngày 29/07/2020. Đây là con số hàng ngày cao nhất từ ba tháng nay. Đa số ca nhiễm mới được ghi nhận ở tỉnh Tân Cương, nơi đa số dân cư là người Hồi giáo và có rất nhiều trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ.
Thông tín viên trong khu vực Stéphane Lagarde tường trình :
"89 ca nhiễm mới được ghi nhận ở Urumqi, thủ phủ của vùng tự trị Tân Cương, ở phía tây Trung Quốc và bị cắt đứt với phần còn lại của cả nước từ ngày 17/07. Hai trên bảy quận bị tác động nghiêm trọng, trong đó có quận Tianshan nơi Eric sinh sống. Từ hai tuần nay, thanh niên người Duy Ngô Nhĩ này chưa hề đi ra ngoài.
Trả lời qua điện thoại, anh cho biết : "Cộng đồng chúng tôi bị giam lỏng và chúng tôi không được phép ra ngoài. Các bữa ăn được tình nguyện viên trong khu phố mang đến tận nhà. Ở Urumqi, đa số các nhà hàng và địa điểm công cộng bị đóng cửa. Còn Kashgar, thành phố quê hương tôi, cũng bị tác động mạnh. Cả gia đình tôi bị phong tỏa".
Eric đã được xét nghiệm hai lần miễn phí, nhưng hơn 9.000 người vẫn nằm trong diện theo dõi y tế ở Urumqi, nơi có 321 ca nhiễm virus corona và 133 ca không có triệu chứng.
Nhưng ngoài số liệu nói trên, tình hình dịch lây lan khiến giới chuyên gia lo ngại, đặc biệt là ở tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, từ một ổ dịch đã lan sang 9 thành phố khác từ ngày 22/07, trong đó có cả Bắc Kinh và tới tận tỉnh Phúc Kiến ở miền nam".
Trong 6 ngày liên tiếp, Hồng Kông ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới hàng ngày và gần 1.500 ca nhiễm từ đầu/7. Ngày 29/07, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cảnh báo nguy cơ dịch phát triển "trên diện rộng". Rất nhiều biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã có hiệu lực từ ngày 29/07, như phạt 5.000 đô la Hồng Kông nếu tụ tập quá hai người.
Trước nguy cơ dịch lan rộng, chính quyền Hồng Kông tính đến khả năng lùi lại một năm cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp, được dự kiến diễn ra ngày 06/09. Đây sẽ là một đòn nặng nề đối với phe đối lập ủng hộ dân chủ, vì họ hy vọng giành được đa số trong cơ quan lập pháp sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia ở đặc khu hành chính. Trên mạng Twitter, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), một nhà đấu tranh vì dân chủ ở Hồng Kông, lên án : "Lấy cớ dịch bệnh để hoãn bầu cử, chắc chắn là nói dối".
Thu Hằng
**********************
Tại Hồng Kông, trước tình trạng số ca nhiễm virus corona thường nhật tăng mạnh trong những tuần gần đây, chính quyền đặc khu ngày 27/07/2020 thông báo áp dụng các biện pháp dịch tễ mới kể từ thứ Tư 29/07, nhằm ngăn chận dịch lan rộng.
Theo số liệu được công bố ngày 27/07, Hồng Kông ghi nhận có 145 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong trong vòng 24 giờ, một kỷ lục mới đối với Hồng Kông, sau sáu ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới thường nhật trên 100 người. Phần lớn các ổ dịch mới được phát hiện là ở các nhà dưỡng lão. Ba ca tử vong là những người cao tuổi. Nhiều biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất vừa được ban hành.
Từ Hồng Kông, thông tín viên đài RFI Florence de Changy cho biết thêm :
"Nhân vật lãnh đạo số 2 của Hồng Kông, ông Matthew Cheung, đánh giá tình hình dịch tễ là ʺcực kỳ đáng lo ngạiʺ. Kể từ thứ Tư, 29/7, các nhà hàng chỉ có thể cung cấp các món ăn mang về. Quy mô các cuộc tập hợp được cho phép giảm từ 4 xuống chỉ còn 2 người, ngoại trừ đó là những người thân trong cùng gia đình.
Việc đeo khẩu trang, mà người dân đã chấp nhận từ lâu, nay sẽ chính thức bắt buộc cả ở ngoài đường lẫn ở những nơi không gian khép kín. Người dân chỉ được phép dỡ khẩu trang khi ăn uống hay dùng thuốc, nhưng hút thuốc thì không. Nếu vi phạm có thể bị phạt đến 200 euro.
Mật độ dân cư ở Hồng Kông đông đến mức các biện pháp giãn cách xã hội khó thể được tuân thủ, nhất là trên các phương tiện công cộng hay thậm chí trên lề đường.
Covid-19 chỉ mới làm cho 22 người thiệt mạng ở Hồng Kông kể từ sau ca thiệt mạng đầu tiên hồi tháng 2/2020, trên khoảng 7 triệu dân. Nhưng đã có ba ca tử vong hôm thứ Hai 27/7, một con số kỷ lục, liên quan chủ yếu đến những bệnh nhân cao tuổi, 88, 92 và 95 tuổi, vốn dĩ sức khỏe đã kém. Những ổ dịch mới gần đây cho thấy là chính trong gia đình, giữa những tiếp xúc trực tiếp tức thì và thường nhật mà virus lây lan nhanh nhất".
Minh Anh
********************
Trung Quốc đón đợt lũ thứ ba trên sông Dương Tử trong năm 2020. Ngày 26/07/2020, bộ trưởng Thủy Lợi Trung Quốc kêu gọi tăng cường nỗ lực để kiểm soát tình hình lũ lụt, vì mưa lớn sẽ tiếp tục trong ba ngày tới ở phía tây bắc đất nước cũng như tại lưu vực sông Dương Tử và sông Hoài. Đập Tam Hiệp có thể sẽ phải đón lưu lượng 60.000 mét khối mỗi giây vào thứ Ba 28/07, theo Hoàn Cầu Thời Báo.
Thông tín viên RFI Simon Leplâtre tổng kết tình hình lũ lụt tại Trung Quốc :
"Nhiều tuần đã trôi qua nhưng mực nước vẫn chưa xuống ở Trung Quốc. Các trận lũ lụt bắt đầu từ tháng Sáu ở phía tây đất nước, sau đó lan sang phía đông, dọc lưu vực sông Dương Tử (Yangzi). Đây là mùa mưa dữ dội nhất kể từ năm 1961.
Chính quyền đã huy động hơn 100.000 quân nhân và người dân để gia cố đê điều với các bao cát, cũng như sơ tán dân cư, nhưng nhiều khi lại quá ít và quá trễ.
Ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, như khu vực xung quanh hồ Bà Dương (Poyang) ở tỉnh Giang Tây (Jiangxi), từ nhiều tuần nay, nước đã dâng lên đến tầng thứ hai của nhiều ngôi nhà.
Khoảng 40 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở 12 tỉnh và thiệt hại ước tính lên đến 10 tỉ euro. Khoảng 28.000 ngôi nhà đã bị nước cuốn và ít nhất 141 người thiệt mạng vì nước lũ.
Tuần trước, chính quyền đã thừa nhận là đập Tam Hiệp khổng lồ đã bị biến dạng một chút do sức nước, nhưng vẫn trong giới hạn bình thường. Tuần này lại có những đợt lũ mới trước khi nước thoát dần khỏi những vùng bị ngập lụt. Tiến trình này có thể mất đến vài tháng".
Thu Hằng
***********************
Hacker liên hệ với Trung Quốc 'xâm nhập mạng của Vatican' (VOA, 29/07/2020)
Hacker có liên hệ với chính phủ Trung Quốc đã xâm nhập vào mạng máy tính của Vatican, gồm cả đại diện ở Hong Kong, một công ty Mỹ chuyên theo dõi các cuộc tấn công mạng do nhà nước bảo trợ nói hôm 29/7, theo Reuters.
Công ty này cho biết rằng các vụ tấn công mạng bắt đầu hồi tháng Năm.
Vatican và Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ đối thoại trong năm nay về việc làm mới một thỏa thuận mang tính cột mốc năm 2018, vốn bình ổn quan hệ giữa Trung Quốc và Tòa thánh.
Công ty Recorded Future nói trong báo cáo rằng các cuộc tấn công nhắm mục tiêu vào Vatican và giáo phận Hong Kong.
Reuters dẫn lời công ty của Mỹ nói rằng các mục tiêu bao gồm trao đổi giữa giáo phận Hong Kong và Vatican.
Các hacker được cho là đã sử dụng các công cụ và phương thức của các nhóm tin tặc được nhà nước Trung Quốc bảo trợ.
Bắc Kinh thường bác bỏ sự liên đới trong các nỗ lực tấn công mạng và tuyên bố mình cũng là nạn nhân của các mối đe dọa như vậy.
Theo Reuters, phát ngôn viên Vatican không có phản hồi ngay. Giáo phận Hong Kong không trả lời yêu cầu bình luận.