Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc xây hệ thống radar trên đảo Tri Tôn : Việt Nam đối mặt nguy cơ nào ?

BBC, 19/10/2024

Các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa đang trở thành một trong những căn cứ do thám chính của Trung Quốc trên Biển Đông.

triton1

Đảo Tri Tôn là một thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và nằm gần Việt Nam nhất. Ảnh chụp đảo Tri Tôn từ vệ tinh vào tháng 9/2024.

Một khi được hoàn tất, hệ thống radar trên đảo Tri Tôn, hiện đang do Trung Quốc chiếm đóng, sẽ góp phần gia tăng đáng kể năng lực tác chiến điện tử và ngăn chặn trên khắp quần đảo Hoàng Sa.

Thêm vào đó, điểm radar này sẽ góp mặt vào mạng lưới giám sát rộng lớn hơn vốn đã bao phủ phần lớn Biển Đông, theo viện nghiên cứu Chatham House (Anh) vào ngày thứ Năm 17/10.

Đảo Tri Tôn là một thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và nằm gần Việt Nam nhất.

Hòn đảo này chỉ cách đất liền của Việt Nam khoảng 136 hải lý và cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 121 hải lý.

Quần đảo Hoàng Sa được Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng lại đang nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc.

Trong suốt thế kỷ 20 và những thập niên đầu thế kỷ 21, nơi đây là tâm điểm của nhiều xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong đó, trận Hải chiến Hoàng Sa vào năm 1974 là một dấu mốc quan trọng, khi Trung Quốc hoàn thành việc chiếm hữu trên thực tế đối với quần đảo này sau một trận chiến ngắn với Việt Nam Cộng hòa.

Vào năm 2014, căng thẳng lại dâng cao sau khi Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.

Vào tháng 1/2016, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ USS Curtis Wilbur đã đivào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn.

Lầu Năm Góc tuyên bố việc di chuyển này là thách thức trước những tuyên bố hạn chế quyền tự do tiếp cận trên Biển Đông của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc bấy giờ đã cáo buộc Mỹ vi phạm luật pháp của Trung Quốc "khi vào vùng lãnh hải của Trung Quốc mà không được cho phép trước".

Tàu chấp pháp Trung Quốc cũng thường tấn công tàu cá Việt Nam trên vùng biển này.

Hệ thống radar SIAR

triton2

Theo Chatham House, một khi được hoàn thành, hệ thống radar trên đảo Tri Tôn sẽ thuộc một mạng lưới gồm ít nhất ba hệ thống radar phát hiện máy bay tàng hình trên Biển Đông của Trung Quốc. Ảnh vệ tinh đảo Tri Tôn vào ngày 22/1/2015.

Thông qua các hình ảnh vệ tinh từ công ty Maxar, các nhà nghiên cứu từ Chatham House đã phát hiện việc xây dựng một hệ thống radar mới, được gọi là hệ thống radar khẩu độ xung lực tổng hợp (SIAR), có thể phát hiện được máy bay và các thiết bị tàng hình.

Hệ thống radar chống tàng hình trên đảo Tri Tôn có cấu trúc hình bát giác, giống hệ thống SIAR cũng do Trung Quốc xây dựng trên đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa vào năm 2017, theo Chatham House.

Hình ảnh cũng cho thấy một cái tháp đang được xây dựng gần radar SIAR, có thể là trung tâm vận hành.

Một khi được hoàn thành, hệ thống radar trên đảo Tri Tôn sẽ góp mặt để hình thành một mạng lưới gồm ít nhất ba hệ thống radar chống tàng hình trên Biển Đông mà Trung Quốc đã thiết lập trong thập kỷ qua, bao gồm đảo Hải Nam và đá Xu Bi ở Trường Sa.

Đảo Hải Nam cách đá Xu Bi khoảng 1.100 km, còn đảo Tri Tôn nằm ở giữa, cách đảo Hải Nam chừng 350 km và cách đá Xu Bi chừng 850 km.

Trả lời Chatham House, J. Michael Dahm, nhà nghiên cứu cấp cao về không gian và Trung Quốc từ Viện Mitchell, phân tích :

"Các radar SIAR bị giới hạn tầm nhìn do độ cong của vỏ Trái Đất. Điều này có nghĩa là có một khoảng trống do thám không phận bên giữa đá Xu Bi và đảo Hải Nam. Hệ thống radar trên đảo Tri Tôn sẽ giúp lấp khoảng trống này".

triton3

Trận Hải chiến Hoàng Sa vào năm 1974 là một dấu mốc quan trọng, khi Trung Quốc hoàn thành việc chiếm hữu trên thực tế đối với quần đảo này sau một trận chiến ngắn với Việt Nam Cộng hòa – Hoang Dinh Nam/AFP

Theo hãng tin AP hồi tháng 8/2023, các hình ảnh vệ tinh cho thấy dường như Trung Quốc đã tiến hành xây dựng đường băng trên đảo Tri Tôn.

AP nhận định đây có thể là đường băng dài hơn 600 mét, đủ cho các máy bay cánh quạt và drone cất và hạ cánh, không phải dành cho những chiến đấu cơ hoặc máy bay ném bom.

Vào năm 2018, một bài viết của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết Trung Quốc đã tập trung vào việc xây dựng hạ tầng quân sự trên các đảo mới được bồi đắp trên Biển Đông.

Các cơ sở hạ tầng bao gồm đường băng, cảng và công sự. Trung Quốc cũng tăng cường sức mạnh do thám và tình báo với các mạng lưới radar có hình dạng và kích cỡ khác nhau.

Riêng tại quần đảo Trường Sa vào năm 2018, đã có hơn 40 cơ sở radar trên 7 điểm đảo khác nhau.

Nguy cơ nào cho Việt Nam ?

triton4

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc (trái) di chuyển gần tàu cảnh sát biển Việt Nam vào ngày 14/5/2014 khi căng thẳng dâng cao liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 - Hoang Dinh Nam/AFP

Việc Trung Quốc xây dựng các công trình do thám trên đảo Tri Tôn sẽ làm "giảm đáng kể khả năng hoạt động bí mật" của Việt Nam trong khu vực, theo đánh giá của Chatham House.

Viện nghiên cứu Chatham House cho rằng hệ thống radar hiện hữu trên đảo Tri Tôn đã có khả năng theo dõi tàu bè trên biển. Sắp tới, với hệ thống radar mới, Trung Quốc sẽ có khả năng theo dõi các di chuyển trên không, phát hiện sớm nhất cử nhất động của Việt Nam trong khu vực này, bao gồm hoạt động tiếp cận các mỏ dầu khí trong khu vực.

Bill Hayton, nhà nghiên cứu chương trình Châu Á-Thái Bình Dương của Chatham House, cho rằng việc Trung Quốc tăng cường hạ tầng trên đảo Tri Tôn cho thấy ham muốn gia tăng kiểm soát những nguồn tài nguyên này.

"Những diễn biến này có thể là lời cảnh báo cho thấy Trung Quốc đang lên kế hoạch tiến hành một đợt thăm dò dầu khí nữa", ông nhận định.

triton5

Trả lời BBC News tiếng Việt hồi tháng 7/2024 liên quan đến khả năng Trung Quốc sử dụng căn cứ quân sự Ream tại Campuchia, nhà nghiên cứu Gregory B Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á từ CSIS, cho rằng trong kịch bản xung đột Việt - Trung xảy ra thì Việt Nam sẽ bị gọng kìm bao vây từ ba hướng.

"Tôi nghĩ cả Việt Nam và Thái Lan đều ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc tiến hành do thám từ căn cứ Ream. Điều này mang tính chất nghiêm trọng hơn đối với Việt Nam, vì Việt Nam đã phải đối mặt với các mối đe dọa của Trung Quốc từ hai mặt trận, từ biên giới trên bộ và từ Biển Đông, chẳng hạn tại quần đảo Hoàng Sa".

"Có một mặt trận thứ ba, bị Trung Quốc do thám từ phía nam, là một vấn đề cho Việt Nam khi lực lượng quân sự Việt Nam cảm thấy bị bao vây".

Nguồn : BBC, 19/10/2024

********************************

Trung Quốc xây dựng đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa thành căn cứ gián điệp

RFA, 18/10/2024

Trung Quốc đang biến đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa thành một căn cứ tình báo chính yếu ở Biển Đông. Đảo này cách bờ biển Việt Nam chưa đến 250 km.

triton1

Đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa - Planet Labs

Ban tiếng Anh Đài Á Châu Tự do loan tin ngày 18/10 dẫn nguồn tổ chức Chatham House ở Anh Quốc.

Những hình ảnh vệ tinh, do hãng Maxar Technologies của Mỹ thu thập và qua phân tích của Chatham House đưa ra trong một báo cáo mới, cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng trên đảo Tri Tôn một hệ thống radar rộng lớn. Hệ thống tiên tiến này được gọi tắt theo tiếng Anh SIAR, theo Chatham House, sẽ tạo nên một thách thức mới cho những nước trong khu vực và cả thế giới, bởi có thể phát hiện một cách có chủ đích các máy bay tàng hình.

Hệ thống SIAR có hình bát giác đặc trưng như hệ thống radar mà Quân đội Trung Quốc xây dựng ở đá Subi thuộc Trường Sa hồi năm 2017.

Cùng với hai hệ thống radar trên đảo Hải Nam và đá Subi như vừa nêu, hệ thống radar tiên tiến đang được phát triển tại đảo Tri Tôn tạo nên một mạng lưới chống máy bay tàng hình mà Trung Quốc tạo nên trong khu vực.

Mạng lưới này giúp tăng cường đáng kể khả năng đón chặn tín hiệu và năng lực tác chiến điện tử của Trung Quốc khắp cả quần đảo Hoàng Sa và góp thêm phần mở rộng khả năng trinh sát khu vực Biển Đông cho Bắc Kinh.

Ban Tiếng Anh RFA có liên hệ cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu bình luận về thông tin do Chatham House đưa ra ; nhưng chưa nhận được trả lời.

Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm hoàn toàn từ phía Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974.

Đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa được Trung Quốc sử dụng làm điểm cơ sở để vẽ ra đường cơ sở thẳng nhằm tuyên bố chủ quyền quanh quần đảo này.

Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông trong đường đứt khúc do họ tự vạch ra. Đường này bị Tòa Trong tài Thường trực PCA ở La Haye vào năm 2016 tuyên không có cả căn cứ pháp lý và lịch sử ; tuy nhiên Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của PCA và ngày càng hung hăng, quyết đoán hơn ở Biển Đông.

Nguồn : RFA, 18/10/2024

Additional Info

  • Author BBC, RFA
Published in Châu Á

Trung Quốc vừa kêu gọi Việt Nam 'giữ vững lý tưởng cộng sản', vừa quân sự hóa đảo Tri Tôn

BBC, 18/08/2023

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã trực tiếp kêu gọi Việt Nam chia sẻ hệ tư tưởng với nước mình khi ông thúc giục Hà Nội chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh và chống lại 'sự can thiệp' của các thế lực bên ngoài, theo SCMP.

triton1

Ông Vương Nghị kêu gọi Việt Nam chia sẻ hệ tư tưởng với Trung Quốc

Là láng giềng với cùng hệ tư tưởng, "hai bên nên chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ ở tầm cao mới", ông Vương Nghị nói với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hôm thứ Tư.

"[Chúng ta nên] cùng bảo vệ an ninh của chế độ và thể chế, đồng thời cùng nhau duy trì tư tưởng và niềm tin của Đảng cộng sản và các định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng", bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị.

Đồng thời, Trung Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với "các nước Asean, bao gồm Việt Nam... để chống lại sự can thiệp mang tính khiêu khích của các thế lực nước ngoài, duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông và trong khu vực".

Trung Quốc và 10 thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (Asean) dự kiến sẽ nối lại các cuộc đàm phán cho một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông tại Manila vào tuần tới.

Cả Philippines và Việt Nam đều chỉ trích mạnh mẽ các khẳng định về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trung Quốc đưa tin rằng tại cuộc họp, ông Quang tái khẳng định 'tầm quan trọng không thể so sánh được và tính chất đặc biệt' của Trung Quốc với Việt Nam, và rằng mối quan hệ giữa hai bên 'luôn luôn là ưu tiên hàng đầu' của Hà Nội.

"Việt Nam phản đối và cảnh giác trước các thế lực nước ngoài và sẽ tăng cường mối quan hệ cấp cao với Trung Quốc để làm sâu sắc thêm sự hợp tác thực chất trên mọi lĩnh vực", ông Quang được dẫn lời, cho hay.

Ngay sau Đại hội Đảng cộng sản toàn quốc của Trung Quốc vào tháng Mười, Trung Quốc đã trải thảm đỏ cho ông Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà ông Tập Cận Bình tiếp đón, sau khi ông Trọng đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ trên cương vị tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.

Có đồn đoán rằng ông Tập Cận Bình sẽ thăm 'đáp lễ' Việt Nam trong những tháng tới.

Trung Quốc quân sự hóa đảo Tri Tôn gần Việt Nam

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang khẩn trương tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên đảo Tri Tôn - hòn đảo cực tây trong quần đảo Hoàng Sa chiến lược của Biển Đông và là hòn đảo gần Việt Nam nhất, theo The Drive.

triton01

Trung Quốc đang khẩn trương tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên đảo Tri Tôn - hòn đảo cực tây trong quần đảo Hoàng Sa chiến lược của Biển Đông và là hòn đảo gần Việt Nam nhất

Chỉ trong vài tuần qua, Trung Quốc đã bắt đầu xây một công trình có vẻ là đường băng trên đảo này.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các công trình mới trong giai đoạn khởi công, nhưng tốc độ xây dựng rất gấp gáp. Đường băng này mới chỉ được xây cách đây vài tuần. Hình ảnh vệ tinh của Planet Labs hồi giữa tháng Bảy còn chưa thấy các hoạt động xây dựng này.

Ngoài đường băng, còn có một nhà máy xi măng, cũng chỉ mới xuất hiện tháng trước.

Trước đây, tiền đồn này của Trung Quốc chỉ có một trạm quan sát với hai mái vòm và một số lá cờ của nước này. Hòn đảo này trước đây được dùng như một bến cảng nhỏ và sân bay cho trực thăng.

Đường băng hiện mới chỉ dài khoảng 0,6 km, chiều rộng khoảng 0,01 km, tức là vừa ngắn vừa hẹp. Đường băng này có thể dùng cho các cuộc hạ cánh và cất cánh ngắn của máy bay phản lực cánh quạt và máy bay hạng nhẹ.

Nó cũng có thể được dùng để triển khai các drone loại có độ cao trung bình và thời gian bay trung bình/dài. Có khả năng đường băng này sẽ được tiếp tục mở rộng. Nhưng với diện tích khiêm tốn của hòn đảo thì đường băng này khó có thể dài hơn 0,9 km nếu không bồi đắp thêm để mở rộng hòn đảo.

Là một nhóm khoảng 30 đảo và hơn 100 rặng san hô, bãi ngầm, và các thực thể khác, quần đảo Hoàng Sa là nơi Trung Quốc tập trung tiến hành quân sự hóa trong các năm gần đây. Nước này đã cho mở rộng quy mô và phạm vi của các công trình ở Hoàng Sa nhằm tăng cường năng lực và sự hiện diện bao trùm của mình trên Biển Đông.

triton2

Đảo Tri Tôn chụp từ vệ tinh năm 2015

Mặc dù đường băng trên đảo Tri Tôn chỉ mới ở giai đoạn đầu, nhưng quy mô xây dựng cho thấy có khả năng sẽ còn nhiều công trình nữa để biến nơi này thành một tiền đồn quan trọng.

Đặc biệt, việc thiết lập các hệ thống tên lửa đất đối không và đất đối đất ở đây, cùng với các thiết bị giám sát, sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường thêm một lớp chống xâm nhập rất gần với Việt Nam.

Chỉ cách đất liền Việt Nam 150 dặm, quân đội Trung Quốc sẽ không chỉ có thể liên tục giám sát các hoạt động quân sự của Việt Nam, bao gồm cả các máy bay chiến đấu tầm xa Su-30 Flanker, mà còn củng cố và mở rộng khả năng chống xâm nhập của mình vượt ra khỏi đảo Tri Tôn và vào lãnh thổ Việt Nam.

Thậm chí các hoạt động drone từ đảo này cũng cho phép các hệ thống giám sát tự động các hoạt động giữa đảo Tri Tôn và bờ biển Việt Nam ở phía tây và phía nam, theo The Drive.

Nguồn : BBC, 18/08/2023

***********************

Ông Vương Nghị đề nghị Việt Nam cùng duy trì lý tưởng cộng sản, bảo vệ an ninh chế độ

RFA, 17/08/2023

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đề nghị Việt Nam cùng Trung Quốc duy trì lý tưởng cộng sản, bảo vệ an ninh chế độ, chống sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài.

triton3

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội kiến ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác Đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao

Lời đề nghị này được ông Vươn Nghị đưa ra trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang hôm 16/8 trong chuyến thăm đến Vân Nam của ông Quang vừa qua.

Trang tin The South China Morning Post dẫn lời ông Vương Nghị tại cuộc gặp ông Quang nói rằng : "Chúng ta nên cùng nhau bảo vệ an ninh chế độ và các thể chế, cùng nhau giữ vững lý tưởng và niềm tin của Đảng cộng sản và đường lối xã hội chủ nghĩa".

Ông Vương Nghị cũng đề cập đến tình hình Biển Đông trong cuộc gặp với ông Quang. Ông nói Trung Quốc sẽ làm việc chặt chẽ với các nước ASEAN và Việt Nam để chống lại những can thiệp gây hấn bởi các thế lực bên ngoài và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông và trong khu vực.

Báo Nhà nước Việt Nam loan tin cho biết, tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung.

Cuộc gặp giữa hai bên xảy ra vào khi đang có những căng thẳng trên khu vực Biển Đông nơi cả Bắc Kinh và Hà Nội đều có những đòi hỏi về chủ quyền.

Theo The War Zone, Trung Quốc từ vài tuần này đang cho xây dựng một đường băng trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đã chiếm được toàn bộ từ Việt Nam sau một cuộc hải chiến vào năm 1974.

Trong khi đó, tàu hải cảnh, khảo sát và dân quân biển của Trung Quốc liên tục vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu năm đến nay. Ngay trong sáng ngày 17/8, tàu hải cảnh 5403 của Trung Quốc đã vào khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam nơi có các lô dầu khí mà Việt Nam đang thăm dò và khai thác.

Nguồn : RFA, 17/08/2023

*************************

"Đường băng mới của Trung Quốc trên đảo Tri Tôn sẽ có sức tác động đáng kể với Việt Nam"

Thomas Newdick, RFA, 17/08/2023

Chuyên mục "The War zone" trên tờ Drive hôm 15/8 có bài viết  của tác giả Thomas Newdick đưa tin về một công trình xây dựng mới trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang kiểm soát nhưng Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. 

triton4

Toàn cảnh đảo Tri Tôn, hòn đảo gần đất liền Việt Nam nhất của quần đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp vệ tinh ngày hôm nay, 17/8/2023 - Planet / RFA

Theo hình ảnh vệ tinh mà RFA ghi nhận từ Planet, một công trình xây dựng có thể là đường băng cho máy bay sắp được hoàn thành trên đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa. Ước tính đường băng này dài khoảng 600 mét và rộng khoảng 14 mét. Trước đó, nơi này đã tồn tại một bãi đáp trực thăng gần một đầu đường băng đang xây dựng. Ngoài ra, trên đảo này đã có có sẵn các thiết bị quân sự như ra đa, trạm đóng quân, bến cảng. Hiện nay, dường như cùng với đường băng mới, nhiều thiết bị chưa được xác minh cụ thể cũng được lắp đặt thêm ở phía đông hòn đảo.

Đảo Tri Tôn là đảo cực tây của quần đảo Hoàng Sa, là hòn đảo thuộc Hoàng Sa gần Việt Nam nhất. Nhiều giả thuyết được đặt ra rằng nếu Trung Quốc xây dựng những cơ sở hạ tầng mới (có thể là đường băng) trên đảo này, khả năng ảnh hưởng của nó đối với an ninh của Việt Nam, Philippines cũng như khu vực biển Đông sẽ ra sao ? Trong khi đó, một cơ sở quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã được Trung Quốc trang bị đầy đủ, vậy vì sao nước này cần thêm một đường băng ngắn nữa ở Tri Tôn ?

triton5

Cận cảnh đường băng Trung Quốc đang xây dựng trên đảo Tri Tôn, hòn đảo cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 100 hải lý. (Ảnh : RFA/ Planet)

Trao đổi với RFA, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMIT) tại Trung tâm CSIS ở Washington DC, cho biết tại AMIT, các chuyên gia đã thảo luận về những thông tin mới này. AMIT đánh giá đây có lẽ không phải là một đường băng. Nó dường như là một đường gờ, hoặc đường trên cao, với các mũi nhọn dẫn đến hai khu vực mới, nơi các tòa nhà đang được xây dựng. Với những hình ảnh vệ tinh hiện có, ông Greg Poling nói rằng chúng ta sẽ không biết nhiều hơn cho đến khi việc xây dựng tiến triển hơn nữa. 

Ông Greg Poling cũng nhấn mạnh rằng, như những người khác đã chỉ ra, nó quá ngắn, chỉ khoảng 600 mét, do đó nó quá nhỏ và thiếu cơ sở hạ tầng đi kèm. Vì vậy, nếu nó là đường băng, hầu hết các loại máy bay lớn khó có thể sử dụng nó. Ngoài ra, nó chỉ cách căn cứ không quân của Trung Quốc tại Đảo Phú Lâm, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa, gần 100 dặm (khoảng 150 km.)

Tuy nhiên, những chuyên gia khác như ông Raymond Powell, Giám đốc của "Gordian Knot Center for National Security Innovation", Đại học Stanford, và ông Hoàng Việt, chuyên gia về luật quốc tế và các tranh chấp Biển Đông tại Trường Đại học Luật Tp. HCM, thì cho rằng nó là đường băng và đường băng này sẽ có sức tác động đáng kể với Việt Nam.

Ông Raymond Powell trong ngày 17/8 qua tin nhắn trả lời RFA cho rằng, kích thước rõ ràng của đường băng (khoảng 600m) không đủ dài để Trung Quốc triển khai loại máy bay chiến đấu đang đặt ở đảo Phú Lâm xa hơn về phía đông, cũng trong quần đảo Hoàng Sa. Nhưng, vẫn theo ông Powell, nó có thể đóng vai trò là nơi triển khai các máy bay tuần tra (có người lái và không người lái), có thể bay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

"Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho khả năng của Bắc Kinh trong việc thu thập thông tin tình báo và khẳng định quyền tài phán của mình đối với các khu vực này. Với căn cứ không quân gần đó tại đảo Phú Lâm đã được trang bị và hoạt động đầy đủ, việc cải tạo đất để xây dựng sân bay ở đảo Tri Tôn đến mức độ Trung Quốc có thể triển khai máy bay chiến đấu rõ ràng sẽ là hành động rất khiêu khích", ông Powell xác nhận. 

Còn đối với Philippines, ông Powell cho rằng đường băng mới này không có bất kỳ đe dọa mới có tính thực tế nào.

Ông Powell phân tích : "Với kích thước không lớn (dài khoảng 600 mét và rộng khoảng 14 mét) của đường băng đang xây dựng trên đảo Tri Tôn, Bắc Kinh có lẽ đã xác định trước rằng những gì họ sẽ đạt được trong việc nâng cao năng lực tác chiến sẽ không xứng với những chi phí chính trị và tài chính mà họ phải gánh chịu để làm như vậy. Một sân bay dài 600m phải đủ dài để đặt các máy bay không người lái cỡ trung bình, giúp Trung Quốc có thể tuần tra khu vực tranh chấp ở phía đông Đà Nẵng. Máy bay tuần tra có người lái nhỏ cũng là một lựa chọn".

Tuy đường băng mới ở Tri Tôn không đủ dài, nó vẫn giúp Trung Quốc nâng cao sức mạnh trong khu vực, trước hết là nâng cao năng lực tuần tra trên vùng trời của khu vực, giúp Trung Quốc có thêm sức mạnh khẳng định chủ quyền. Ông Powell chỉ ra là Trung Quốc vốn đã có năng lực tuần tra trên biển lớn hơn đáng kể so với Việt Nam. Việt Nam chỉ có một kho dự trữ nhỏ các máy bay DHC-6 Twin Otters và CASA-212. Việt Nam đã mất một máy bay CASA-212 trong một tai nạn hồi năm 2016. Nếu Trung Quốc quyết định đặt máy bay tuần tra thường trực tại đảo Tri Tôn thì Việt Nam sẽ khó có thể sánh được với họ về khả năng triển khai máy bay hiện diện một cách tương đương trên biển.

Trung Quốc đã có nhiều năm thực hành phát triển các căn cứ quân sự trên biển. Không có gì đáng ngạc nhiên khi sân bay này đang phát triển nhanh chóng, vị Giám đốc của "Gordian Knot Center for National Security Innovation", Đại học Stanford, khẳng định.

triton6

Một số thiết bị mới được xây dựng ở phía cực đông hòn đảo Tri Tôn. (Ảnh : Planet/ RFA)

Về tác động rộng hơn tới khu vực của đường băng mới trên đảo Tri Tôn, ông Hoàng Việt, chuyên gia về luật quốc tế và các tranh chấp Biển Đông tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi với RFA trong ngày 17/8 rằng :

Nếu kiểm soát được cả hai quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa thì có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông rộng lớn cùng các tuyến đường hàng hải đi qua nó. Năng lực tên lửa của Trung Quốc đã bao phủ chuỗi đảo thứ nhất (đảo Kyushiu và Okinawa ở Nhật Bản, đảo Luzon ở Philippines). Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, muốn khống chế chuỗi đảo thứ nhất này về phía Biển Đông và Ấn Độ Dương thì vẫn nắm cửa ra của nó. Và đó là Hoàng Sa.

Mặc dù đã có căn cứ quân sự lớn ở Phú Lâm (cũng thuộc Hoàng Sa) nhưng Trung Quốc vẫn xây dựng đường băng trên đảo Tri Tôn gần với Đà Nẵng nhất. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng mục tiêu Trung Quốc có thể đang nhắm tới khi đi nước cờ này là muốn tạo "cơ sở pháp lý" để bao biện cho yêu sách biển. Để làm điều đó, họ cần bồi đắp đảo Tri Tôn thành một đảo lớn. Năm 2014, khi đặt giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, họ lập luận rằng vị trí giàn khoan nằm trong vùng biển thuộc Tri Tôn. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy họ có nhu cầu mở rộng hòn đảo này

Nguồn : RFA, 17/08/2023

***************************

Trung Quốc xây dựng đường băng mới trên đảo Tri Tôn, Hoàng Sa

Trọng Thành, RFI, 17/08/2023

Trung Quốc đang xây dựng đường băng mới trên một đảo tranh chấp thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hãng thông tấn Mỹ AP hôm qua, 16/08/2023, đưa ra nhận định nói trên dựa trên ảnh vệ tinh.

triton7

Ảnh vệ tinh của Planet Labs PBC chụp cãn cứ quân sự của Trung Quốc trên đảo Tri Tôn, biển Đông, ngày 15/08/2023. AP - Planet Labs PBC

Đường băng đang xây dựng, có chiều dài hơn 600 mét, đủ để tiếp nhận máy bay với động cơ phản lực cánh quạt và drone, nhưng chiến đấu cơ hoặc máy bay ném bom không thể hạ cánh tại sân bay này. Các bức ảnh vệ tinh từ Planet Labs PBC, được AP phân tích, cho thấy quá trình xây dựng đường băng có thể đã bắt đầu ít nhất từ đầu tháng 08/2023.

Trước công trình này, trên đảo Tri Tôn đã có một bến cảng nhỏ, cùng một sân bay trực thăng và một số trạm radar. Trung Quốc từ chối cung cấp thông tin chi tiết về công việc xây dựng trên đảo, ngoài tuyên bố mục tiêu đảm bảo an toàn hàng hải chung.

Tri Tôn là một trong các đảo lớn ở quần đảo Hoàng Sa, khoảng cách từ bờ biển Việt Nam và tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc đến Tri Tôn gần như bằng nhau. Trung Quốc giành toàn bộ quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam sau một cuộc hải chiến ngắn ngủi hồi 1974. Vào thời điểm đó, quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Cho đến trưa nay 17/08, về thông tin nói trên, một số báo trong nước loan tin "Việt Nam đang xác minh thông tin Trung Quốc xây đường băng" trên đảo Tri Tôn. Một số báo đăng bài, nhưng thông tin sau đó đã bị rút lại.

Philippines – Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh

Căng thẳng trong khu vực là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa tổng thống Philippines và lãnh đạo một đảng cầm quyền Nhật Bản. Theo CNN Philippines, tổng thống Ferdinand Marcos Jr., trong buổi tiếp chủ tịch đảng Komeito, ông Yamaguchi Natsuo, hôm qua tại dinh tổng thống, khẳng định Philippines – Nhật Bản không chỉ cần tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, mà còn cả lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Tổng thống Marcos nhấn mạnh đến "tính chất nghiêm trọng" của các vụ phóng tên lửa và thử vũ khí của Bắc Triều Tiên, đang làm gia tăng căng thẳng. Về phần mình, lãnh đạo đảng cầm quyền Nhật Bản nhấn mạnh đến các hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh hàng hải.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author BBC, RFA, Thomas Newdick, Trọng Thành
Published in Diễn đàn

Tàu USS Stethem hôm 02/07/2017 áp sát đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền, khiến Bắc Kinh gọi đây là "khiêu khích quân sự".

triton1

Đảo Tri Tôn nằm về phía Nam của nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc Hoàng Sa

Vậy thông điệp từ hoạt động của tàu USS Stethem là gì và lịch sử tranh chấp tại vùng này có gì liên quan đến hòn đảo nhỏ này ?

BBC Tiếng Việt điểm qua năm vấn đề cơ bản :

1. Không công nhận đường cơ sở quanh Hoàng Sa

Đài Fox News ở Hoa Kỳ nói đi vào phạm vi 12 hải lý cách đảo Tri Tôn là thông điệp "Hoa Kỳ không công nhận" chủ quyền của Trung Quốc tại đây.

Lucas Tomlinson trên trang Fox News, kênh truyền hình "yêu thích" của Tổng thống Trump, trích dẫn một quan chức quốc phòng Mỹ nói USS Stethem cũng "thách thức cả tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Đài Loan" về đảo này.

"Phạm vi 12 dặm biển là biên giới lãnh hải bao quanh mọi quốc gia có biển, và đi tàu vào bên trong phạm vi này chính là cách gửi ra thông điệp Hoa Kỳ không công nhận tuyên bố chủ quyền đó".

Cùng lúc, trang Independent ở Anh trích lời bà Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về Biển Đông tại Center for a New American Security, nói :

"Khác với Trường Sa, nơi Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo mấy năm qua, tại Hoàng Sa, nước này trên thực tế đã kiểm soát toàn bộ từ 1974".

Bà giải thích mục đích của Hoa Kỳ sử dụng quyền tự do hàng hải (freedom-of-navigation operation, gọi tắt là FONOP) là nhằm thử thách "đường cơ sở bất hợp pháp của Trung Quốc quanh vùng Hoàng Sa".

2. Trump bắt đầu nản về Trung Quốc

triton2

USS Stethem vào bên trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn để gửi thông điệp tới Trung Quốc 

Nhưng động thái mới nhất của Hải quân Mỹ còn được thực hiện trong bối cảnh "có vẻ như chính quyền Trump hết kiên nhẫn với Bắc Kinh về các công tác tiếp tục xây đắp quân sự ở Biển Nam Trung Hoa", tác giả Tomlinson viết.

Bên cạnh đó, "Hoa Kỳ cũng thất vọng rằng Bắc Kinh không kiềm chế được Bắc Hàn về chương trình nguyên tử và hỏa tiễn".

Hôm 1/7, báo The Guardian ở Anh cũng nhận định rằng "tuần trăng mật của hai ông Trump và Tập Cận Bình đã chấm dứt".

Hoa Kỳ cố ý chọn ngày ông Tập Cận Bình sang duyệt binh ở Hong Kong tuần qua để kêu gọi "thêm dân chủ cho Hong Kong và rằng Trung Quốc phải tôn trọng các quyền tự do, gồm cả tự do báo chí".

triton3

Tàu Mỹ áp sát đảo Tri Tôn

3. Vì sao Tri Tôn quan trọng ?

Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) gồm 130 đảo san hô, bãi đá và đá ngầm, cách miền Trung Việt Nam 250 hải lý (400 km) về phía Đông và đảo Hải Nam của Trung Quốc 220 hải lý (350 km) về phía Nam, theo Britannica.

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo, là nhóm đảo Lưỡi Liềm ở phía Tây, và nhóm đảo An Vĩnh ở phía Đông.

Đảo Tri Tôn - có tên theo chiếc tàu của Anh HMS Triton, nằm riêng lẻ ra về phía Nam và thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm. Trung Quốc gọi đây là đảo Trung Kiến.

Khoảng cách từ Tri Tôn vào đảo Lý Sơn của Việt Nam lại chỉ có 123 hải lý.

triton4

Bản đồ và tên gọi nhiều đảo trong vùng Hoàng Sa từ một tài liệu tiếng Việt

Khoảng cách từ Tri Tôn đến mũi Ba Làng An trên đất liền Việt Nam chỉ có 135 hải lý, gần hơn khoảng cách từ đảo Hoàng Sa đến đảo Lăng Thuỷ thuộc Hải Nam của Trung Quốc (140 hải lý).

Cũng vì vị trí nằm ngoài hẳn nhóm đảo chính, Tri Tôn có ý nghĩa phòng thủ, chặn lối vào các đảo còn lại.

Trước lần vào gần đảo Tri Tôn hôm đầu tháng 7 mới đây, một chiến hạm của Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2016 cũng đi vào gần đảo này.

Để thách thức chủ quyền của bất cứ nước nào đang kiểm soát Hoàng Sa, Hoa Kỳ không cần phải vào sâu trong nhóm đảo An Vĩnh và Lưỡi Liềm mà chỉ cần đến gần đảo Tri Tôn là đủ.

4. Lịch sử chủ quyền và quyền kiểm soát

Năm 1932, Pháp tuyên bố đưa quần đảo Hoàng Sa vào thuộc Liên bang Đông Dương và lập một trạm khí tượng tại đây.

triton5

Không ảnh của DigitalGlobe tháng 2/2016 chụp Đảo Bắc (North Island), cách đảo Phú Lâm 12 km về phía Bắc

Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier ra Nghị định đặt Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và Hoàng Sa tách khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào Thừa Thiên.

Trong Thế Chiến 2, Nhật Bản chiếm một số đảo nhưng rút đi để rồi đến năm 1951 tuyên bố từ bỏ chủ quyền tại đây.

Năm 1947, quân đội Trung Hoa Dân quốc chiếm đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo lớn nhất trong nhóm An Vĩnh (phía Đông).

Cùng thời gian, trên đảo Hoàng Sa (Prattle Island), là đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (phía Tây), người Pháp vẫn vận hành trạm khí tượng và sau đó, Quốc gia Việt Nam tiếp tục công tác này.

triton6

Đảo Tri Tôn (đánh dấu đỏ trên bản đồ) nằm gần bờ biển Việt Nam hơn là khoảng cách từ đảo Hoàng Sa (trong cùng nhóm đảo Lưỡi Liềm) tới khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc

Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng năm 1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Hoa Dân quốc, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến.

Sau năm 1954, khi Hiệp định Geneva chia đôi Việt Nam (tạm thời), con số quốc gia tuyên bố chủ quyền tăng lên gấp đôi.

Sau khi tiếp quản từ Trung Hoa Dân quốc, Trung Quốc cộng sản và Việt Nam Cộng hòa là hai nước kiểm soát trên thực tế một số đảo, bên giữ nhóm đảo phía Đông, và bên giữ nhóm phía Tây.

Nhưng hai nước khác cũng nói họ là bên tiếp nhận chủ quyền đã nêu.

Trong trường hợp Đài Loan thì họ vẫn tiếp tục coi mình là Trung Hoa Dân quốc cùng mọi chủ quyền tại quần đảo này trước khi mất về tay Bắc Kinh.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng nói họ mới là bên có chủ quyền chính đáng từ tất cả những gì người Pháp trao trả lại.

5. Khai thác dầu khí và căn nguyên xung đột

triton7

Hải quân Trung Quốc tập trận gần Hoàng Sa hồi tháng 7/2016

Theo Bách khoa Toàn thư Anh, xung đột ở Biển Đông bùng lên năm 1974 sau khi Việt Nam Cộng hòa bắt đầu ký các hợp đồng khai thác dầu khí với công ty nước ngoài, khiến Trung Quốc có phản ứng.

Trung Quốc đã tấn công các đảo ở Quần đảo Hoàng Sa bằng không quân và hải quân, chiếm trạm khí tượng (trên đảo Phú Lâm), và kiểm soát toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa từ đó.

Nhưng kể từ đó đến nay, chủ quyền các hòn đảo ở đây vẫn là cốt lõi của tranh chấp, theo Britannica.

Các vấn đề lại bùng nổ năm 2014 khi giàn khoan HD-981 của Trung Quốc được kéo xuống khu vực gần Quần đảo Hoàng Sa, khiến Việt Nam phải đối.

Tin tức về một giàn khoan khác mà Trung Quốc đưa ra Biển Đông gần đây dù không được nước này xác nhận, đang tiếp tục làm nóng lên bầu không khí xung quanh các vùng đảo ở đây.

Published in Châu Á