Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lãnh đạo Mỹ-Nhật thúc đẩy dự án vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương (RFI, 07/11/2017)

Nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Hoa Kỳ tại Nhật Bản hôm qua, lãnh đạo hai nước đã đồng ý sẽ thúc đẩy việc xây dựng một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và cởi mở, kêu gọi Ấn Độ và Úc tham gia vào dự án này. Đây có thể sẽ là một liên minh vững chắc giữa các quốc gia dân chủ để ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc ở Châu Á.

inde1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Shinzo Abe, trong cuộc họp báo chung, tại Tokyo, ngày 6/11/2017 - Reuters/Kiyoshi Ota/Pool

Trong cuộc họp báo chung, tổng thống Donald Trump và thủ tướng Shinzo Abe đều đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chiến lược này. Theo lời ông Abe, bảo đảm tự do hàng hải ở các vùng biển là "rất cần thiết cho nền hòa bình và sự thịnh vượng" của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh là Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng khu vực này. Về phần tổng thống Trump, ông khẳng định là hai nước sẽ có nhiều việc phải làm, kể cả trong lĩnh vực thương mại và quân sự, để thực hiện dự án đó.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật đã đạt được đồng thuận về một chiến lược theo ba hướng : phổ biến những giá trị căn bản về dân chủ, thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và duy trì hòa bình và ổn định. Kế hoạch này nhằm quy tụ những quốc gia có chung những giá trị căn bản về dân chủ và tự do mậu dịch, bao gồm cả Ấn Độ và Úc, cũng như các quốc gia ASEAN.

Chính thủ tướng Nhật Shinzo Abe là người đầu tiên vào năm 2016 đề xướng dự án một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhưng nay Washington quyết định tham gia vào dự án này trong bối cảnh sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á bị xem là đang suy giảm.

Ngay sau khi lên cầm quyền, tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và cho tới nay ông vẫn chưa đề ra một chiến lược rõ ràng về sự can dự của Mỹ ở Châu Á trong lĩnh vực kinh tế cũng như những lĩnh vực khác.

Theo nhận định của tờ Nikkei Asian Review hôm nay, tuy thúc đẩy việc thiết lập một vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, nhưng Nhật Bản cố tránh để bị Bắc Kinh xem đây là một liên minh chỉ để nhằm chống Trung Quốc. Tokyo vẫn luôn nhấn mạnh rằng sáng kiến mà họ đưa ra "không nhắm đến bất kỳ quốc gia nào".

Được mời gọi tham gia dự án này, các nước ASEAN cũng phải tỏ ra thận trọng, tránh bị trở thành một đối thủ của Bắc Kinh, vì những nước này có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh cả về kinh tế lẫn an ninh. Đây cũng là trường hợp của nước Úc, có rất nhiều lợi ích kinh tế chung với Trung Quốc và cho tới nay vẫn cố không muốn phải chọn giữa Washington và Bắc Kinh. Riêng Ấn Độ, tuy vẫn có tranh chấp biên giới với láng giềng Trung Quốc, cũng phải cố giữ sự một sự cân bằng trong quan hệ với Bắc Kinh.

Theo nhận định của Nikkei Asian Review, thách thức đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản đó là làm sao ngăn chận những hành động của Bắc Kinh làm xáo trộn trật tự và các luật lệ về hàng hải ở Biển Đông, nhưng vẫn chung sống được Trung Quốc về mặt kinh tế.

Thanh Phương

*******************

Trung Quốc : Một cựu lãnh đạo cao cấp cảnh báo về âm mưu tiếm quyền (RFI, 07/11/2017)

Ông Vương Kỳ Sơn, người từng đặc trách chống tham nhũng tại Trung Quốc vừa lên tiếng cảnh báo : Phải tăng cường đề cao cảnh giác trước các âm mưu chiếm đoạt quyền hành, xuất phát từ nạn tham nhũng chính trị, hình thức tồi tệ nhất của tham nhũng. Lời cảnh báo đã được đăng hôm nay 07/11/2017 trên tờ Nhân Dân Nhật Báo.

inde2

Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc.

Theo nhân vật đứng đầu cơ quan chống tham nhũng tại Trung Quốc trong 5 năm qua và đã rời khỏi chức vụ sau Đại Hội 19, chiến dịch chống tham nhũng đi xa hơn là việc đơn thuần đánh vào những tài sản tham ô hay các hành vi xa hoa, mà là một cuộc đấu tranh chính trị. Và "tham nhũng chính trị là tham nhũng lớn nhất."

Đối với ông Vương Kỳ Sơn, nạn tham nhũng chính trị bao gồm việc hình thành những nhóm lợi ích vừa tìm cách chiếm quyền, vừa tổ chức những hoạt động bên ngoài guồng máy đảng để phá vỡ sự thống nhất của đảng.

Trong tình hình đó, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc tiến hành chiến dịch chống tham nhũng là "ngăn ngừa không cho các nhóm lợi ích này chiếm đoạt quyền lực chính trị và thay đổi tính chất cơ bản của đảng."

Ông Vương Kỳ Sơn nêu lại những trường hợp các lãnh đạo đã bị kỷ luật, từ Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài, cho đến hai viên tướng cao cấp Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, và ông Lệnh Kế Hoạch, cựu bí thư của Hồ Cẩm Đào.

Theo hãng tin Anh Reuters, Vương Kỳ Sơn, một người thân cận với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã từ chức nhân Đại Hội Đảng vừa qua, nhưng một số nguồn tin cho rằng ông có thể sắp đảm nhận một vai trò mới.

Mai Vân

****************

LHQ gia tăng sức ép lên Miến Điện về người Rohingya (RFI, 07/11/207)

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 06/11/2017, đã nhất trí thông qua một văn kiện lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực đối với người Rohingya, khiến khoảng 600.000 người chạy sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn. Đây là một bước tiến đáng kể nhưng Hội Đồng Bảo An vẫn chưa ra được một nghị quyết cứng rắn như phương Tây mong muốn vì bị Trung Quốc chống đối.

inde3

Hàng ngàn người tị nạn Rohingya chạy sang Kutupalong, Bangladesh. Sébastien Farcis/RFI

Bản tuyên bố của chủ tịch Hội Đồng Bảo An đòi chính quyền Miến Điện "bảo đảm không sử dụng sức mạnh quân sự quá đáng trong thời gian tới tại bang Rakhine", và đưa ra ngay những biện pháp tôn trọng nhân quyền.

Văn kiện nêu lên "mối quan ngại nghiêm trọng" về những hành vi vi phạm nhân quyền của lực lượng an ninh Miến Điện đối với người Rohingya ở bang Rakhine, trong đó có "việc liên tục sử dụng bạo lực hù dọa, giết người - kể cả phụ nữ và trẻ em - hãm hiếp, phá hủy và đốt nhà..."

Anh Quốc đã từng đưa ra một dự thảo nghị quyết với những lời lẽ tương tự và được hậu thuẫn của Mỹ, Pháp và nhiều thành viên khác, nhưng đã không được thông qua. Theo các nhà ngoại giao, Trung Quốc đã kịch liệt mạnh mẽ bác bỏ dự thảo này.

Chính vì vậy mà Pháp và Anh đã chuyển sang hình thức Tuyên Bố của chủ tịch, không ràng buộc như một nghị quyết, nhưng cũng là văn kiện mạnh mẽ nhất đối với Miến Điện trong gần 10 năm qua.

Đại sứ Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc, François Delattre cho là Hội Đồng Bảo An đã "gởi thông điệp mạnh mẽ và đồng thuận nhằm chấm dứt cuộc thanh lọc chủng tộc đang diễn ra trước mắt ở Miến Điện".

Phó đại sứ Anh, Jonathan Allen cho đây là "bước đầu" và Hội Đồng Bảo An sẽ đánh giá Miến Điện qua "cung cách hành động" của chính quyền nước này.

Mai Vân

Published in Châu Á