Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam không chỉ dừng lại ở triển vọng Delhi bán tên lửa BrahMos cho Hà Nội, đó là nhận định của giáo sư Harsh V Pant chuyên về quan hệ quốc tế từ Khoa Quốc phòng và Viện Ấn Độ tại Trường Đại học King's College London.

vietan1

Việt Nam  hồi tuần trước tỏ ý đã mua tên lửa BrahMos, nhưng Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói tin này 'không chính xác'

Bài của tác giả đăng trên tạp chí The Diplomat hôm 22/08 bàn về khả năng hợp tác với Hà Nội của New Delhi vào thời điểm Ấn Độ và Trung Quốc đang có căng thẳng trên Cao nguyên Doklam.

Việt Nam vào tuần trước tỏ ý rằng họ đã mua tên lửa hành trình chống hạm BrahMos của Ấn Độ, một hệ thống vũ khí mà Hà Nội đặt ưu tiên bấy lâu nay, và cho rằng "việc mua sắm trang thiết bị quốc phòng (BrahMos) của Việt Nam là việc phù hợp với chủ trương hòa bình và tự vệ bình thường.

Phản ứng của Bộ Ngoại giao Ấn Độ là tin này "không chính xác".

Tuy nhiên, theo tác giả, thì chuyến thăm Việt Nam hồi năm ngoái của Thủ tướng Narendra Modi, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ trong 15 năm qua, đã ra chỉ dấu cho thấy Ấn Độ không còn do dự trong việc mở rộng sự hiện diện của mình đối với những khu vực ngoại vi của Trung Quốc.

Hợp tác quốc phòng

Chính phủ của ông Modi cũng tỏ ý rằng họ vẫn sẵn sàng bán tên lửa siêu thanh BrahMos, là loại vũ khí do liên doanh Ấn-Nga sản xuất, cho Việt Nam sau thời gian chần chừ kể từ khi Hà Nội ngỏ ý muốn mua từ năm 2011.

Mặc dù mối quan hệ Ấn Độ với Việt Nam phát triển tốt trong vài năm gần đây, việc bán tên lửa này được xem là một bước đi quá xa và có thể làm Trung Quốc phẫn nộ.

Tuy nhiên, theo tác giả, chính phủ ông Modi vào năm ngoái đã chỉ đạo cho BrahMos Aerospace, công ty chế tạo tên lửa, đẩy nhanh việc bán cho Việt Nam cùng với bốn quốc gia khác là Indonesia, Nam Phi, Chile, và Brazil.

vietan2

Thủ tướng Narendra Modi trong chuyến thăm Hà Nội hồi 9/2016 đã gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam

Ấn Độ đã cấp một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 100 triệu USD cho Hà Nội để mua trang thiết bị quốc phòng và lần đầu tiên bán cho Hà Nội bốn tàu tuần duyên.

Ấn Độ muốn xây dựng quan hệ với các quốc gia như Việt Nam nhằm đóng vai trò tạo áp lực đối với Trung Quốc.

Ấn Độ đã và đang giúp Việt Nam xây dựng năng lực để sửa chữa và bảo dưỡng khí tài. Đồng thời, lực lượng vũ trang của hai quốc gia đã bắt đầu hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và đào tạo tiếng Anh cho quân nhân phía Việt Nam.

Hoạt động dầu khí

Theo tác giả, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với Việt Nam vào tháng 10 năm 2011 để mở rộng và thúc đẩy thăm dò dầu ở Biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc thách thức về tính hợp pháp trong hoạt động thăm dò này.

Bắc Kinh nói với New Delhi rằng cần phải có sự cho phép của họ đối với công ty dầu khí quốc doanh Ấn Độ thăm dò tại hai lô của Việt Nam trong vùng nước mà Bắc Kinh nói là thuộc về họ.

Việc công ty dầu khi quốc gia của Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) chấp nhận lời mời của Việt Nam để tiến hành thăm dò dầu khí ở các lô 127 và 128 cho thấy New Delhi không chỉ bày tỏ mong muốn tăng cường tình hữu nghị của mình với Việt Nam mà còn phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc muốn Ấn Độ tránh xa khu này.

Tác giả đánh giá rằng với việc tham gia hợp đồng thăm dò dầu khí với Việt Nam, Ấn Độ đang tỏ thái độ thách thức mới đối với Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, Ấn Độ có thể làm điều tương tự ở Đông Á.

Nếu Trung Quốc có thể có quan hệ đối tác chiến lược với Pakistan và lờ đi quan ngại của Ấn Độ, Ấn Độ có thể phát triển quan hệ quyền lực với các quốc gia như Việt Nam, tác giả viết.

Trong khi Ấn Độ có thể muốn giảm nhẹ mối liên hệ về việc bán tên lửa BrahMos vào thời điểm này trong cách tiếp cận với với Việt Nam, quyết định cuối cùng về chủ đề này cũng phải sớm được đưa ra.

Cuộc khủng hoảng ở Doklam, theo tác giả, không thể là biến số quyết định. Quyết định của Ấn Độ sẽ phải dựa trên các ưu tiên quốc gia về an ninh và đối ngoại lâu dài.

Published in Châu Á