Biển Đông : Cảnh sát biển Việt Nam đối đầu Trung Quốc ở Trường Sa (RFI, 13/07/2019)
Sự vụ xẩy ra từ một tuần lễ nay, nhưng mãi đến hôm qua 12/07/2019 mới được báo chí tiết lộ, thoạt đầu là nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, sau đó là hãng tin Pháp AFP : Sau khi Trung Quốc đưa một chiếc tàu khảo sát dầu khí vào hoạt động trong vùng biển gần Bãi Tư Chính ở quần đảo Trường Sa hiện do Việt Nam kiểm soát, tàu cảnh sát biển Việt Nam đã được phái đến nơi theo dõi. Trong suốt một tuần lễ lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam phải đối mặt với một lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc hùng hậu đi theo hộ tống chiếc tàu khảo sát.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc gần một tàu của cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông ngày 14/05/2014. Reuters/Nguyen Minh/Files - Ảnh minh họa
Người đầu tiên tiết lộ thông tin là ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ (Naval War College). Trong một tin nhắn Twitter gởi đi hôm 09/07, ông Martinson cho biết là kể từ ngày 03/07, chiếc tàu khảo sát dầu khí Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) số 8 của Trung Quốc "đã tiến hành khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tại một vùng biển ở ngay phía tây quần đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát".
Cũng theo giáo sư Martinson, chiếc tàu khảo sát được nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, trong đó ông nhận dạng được chiếc Hải Cảnh 37111.
Qua ngày mồng 10/07, cũng qua mạng Twittter, giáo sư Martinson tiết lộ thêm là "Việt Nam có vẻ như đang thách thức hoạt động này" của Trung Quốc. Tin nhắn có kèm theo một sơ đồ cho thấy 4 tàu hải cảnh Trung Quốc bị ba chiếc tàu của Việt Nam kèm chặt. Chuyên gia này nhận dạng được hai chiếc tàu kiểm ngư Việt Nam mang ký hiệu Kn-472 và Kn-468, cùng với chiếc tàu cảnh sát biển Nam Yết 207008.
Cũng hôm 10/07, ông Martinson tiết lộ thêm rằng trong số tàu hải cảnh Trung Quốc được phái đi hộ tống chiếc tàu khảo sát, có chiếc mang ký hiệu 3901, với lượng giãn nước hơn 10.000 tấn.
Theo các nhà quan sát, việc Trung Quốc lại cho tàu khảo sát vào bên trong vùng biển do Việt Nam kiểm soát với cuộc gờm nhau giữa hai lực lượng cảnh sát biển có nguy cơ khơi dậy một làn sóng chống Trung Quốc mới tại Việt Nam, giống như vào năm 2014, khi Trung Quốc cho cắm giàn khoan dầu Hải Dương Thạch Du 981 sâu bên trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.
South China Morning Post cho biết là vào hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng không xác nhận tin tức về vụ đối đầu tại Bãi Tư Chính, chỉ nhắc lại rằng Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo ghi nhận của tờ báo Hồng Kông, Bãi Tư Chính là một khu vực nằm bên trong vùng mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, điều mà Trung Quốc bác bỏ. Đây là một khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí phong phú, nơi có hàng chục giàn khoan dầu Việt Nam hoạt động.
Vào năm 1994, các tàu vũ trang Việt Nam đã buộc tàu khảo sát Trung Quốc Thí Nghiệm 2 phải rời khỏi khu vực sau ba ngày đối đầu.
Trọng Nghĩa
******************
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc đối đầu ở Bãi Tư Chính (RFA, 12/07/2019)
Có ít nhất 2 tàu hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang đối đầu với nhau ở Bãi Tư Chính trong khoảng một tuần qua, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Tàu thăm dò của Trung Quốc và vị trí đang thăm dò. Courtesy of Ryan Martinson/ RFA Edited
Thông tin này được mạng báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post - SCMP) đăng tải vào chiều 12/7.
Mạng báo tiếng Anh có trụ sở ở Hồng Kông trích dẫn đoạn Tweet của ông Ryan Martinson - Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ cho hay, hôm 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 8) đã đi vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.
Ông Ryan Martinson đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu trong một tweet hôm 11/7 chỉ ra, khu vực trên có sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111.
Trong khi đó, sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đột nhiên đi thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nói chuyện qua điện thoại vệ tinh với các chiến sĩ làm việc trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039.
Theo SCMP, cuộc đối đầu có thể dẫn đến đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây và có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 kéo vào vùng biển nước này.
Theo Wikipedia, Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía nam Biển Đông mà Việt Nam cho lắp đặt các cấu trúc thép có tên là nhà giàn DK1 và giao cho Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Việt Nam tuyên bố bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa phía nam, không thuộc quần đảo Trường Sa và bác bỏ sự gán ghép bãi này vào quần đảo Trường Sa.
Đài Loan và Trung Quốc quan niệm bãi này thuộc quần đảo Nam Sa. Khu vực bãi Tư Chính đã nhiều lần là đối tượng tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Năm 1994, tàu vũ trang Việt Nam đã buộc tàu thăm dò Shiyan 2 rời đi sau 3 ngày đối đầu.
Hiện phía Việt Nam cũng như Trung Quốc chưa có bình luận gì về vụ việc này.
Vào ngày 11 tháng 7, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam và lên tiếng cho rằng cơ quan này không được để bị động, bất ngờ trước các tình huống xảy ra trên biển.
Cũng vào chiều ngày 11 tháng 7, tại cuộc gặp ở Bắc Kinh giữa bà chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân với ông chủ tịch Nhân Đại Trung Quốc Lật Chiến Thư hai phía lặp lại cám kết sẽ tiếp tục tuân thủ nhận thức chung của hai lãnh đạo cao cấp hai đảng, hai nước ‘thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc’.
******************
Tàu cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc đối đầu trên Biển Đông ? (VOA, 12/07/2019)
Hôm 12/7 báo South China Morning Post (Hoa Nam Buổi Sáng) đưa tin là các tàu hải giám Việt Nam và Trung Quốc trong suốt tuần qua đã đối đầu nhau quanh một bãi san hô trên Biển Đông, và cho rằng diễn tiến này có nguy cơ gây ra cuộc xung đột lớn nhất giữa hai nước tính từ 5 năm qua.
Các tàu hải giám Việt Nam và Trung Quốc trong suốt tuần qua đã đối đầu nhau quanh một bãi san hô trên Biển Đông - Ảnh minh họa
Theo nguồn tin này thì từ một tuần nay, 6 tàu hải giám trang bị tận răng, gồm 2 tàu Trung Quốc và 4 tàu Việt Nam, đã gườm nhau trong các cuộc tuần tra xung quanh bãi Tư Chính tại quần đảo Trường Sa.
Tờ báo dẫn thông tin trên trang Twitter của một Giáo sư của Trường Hải Chiến (Naval War College) Hoa Kỳ ở Rhode Island, cho biết là Trung Quốc đã đưa một tàu khảo sát dầu khí vào vùng biển gần Bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát vào ngày 3/7.
Trên trang Twitter của Giáo sư Ryan Martinson viết :
"Từ thứ Tư vừa qua (3/7), tàu khảo sát Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 đã thực hiện một cuộc thăm dò địa chấn tại đặc khu kinh tế của Việt Nam, trong các vùng biển nằm về hướng Tây của đảo Trường Sa do Việt Nam kiểm soát".
Một dòng tweet ngắn hôm 10/7 chia sẻ :
"Hình như Việt Nam đang thách thức hoạt động này".
Giáo sư Martinson còn đăng một tấm ảnh minh họa của tàu hải giám Trung Quốc hơn 10.000 tấn, mang số hiệu 3901, mà ông gợi ý là có mặt tại đó để bảo vệ tàu thăm dò Trung Quốc, cùng với một máy bay trực thăng và tàu hải giám 2.200 tấn số hiệu 37111.
Hiện chưa thấy phản hồi chính thức nào từ Việt Nam trước thông tin này, và theo tìm hiểu của VOA, thì báo chí truyền thông Việt Nam cũng chưa loan tin về vụ chạm trán này.
Vụ đối đầu diễn ra bất chấp cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam hồi tháng 5, là sẽ giải quyết các tranh chấp hàng hải qua thương thuyết.
Hôm thứ Sáu, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không xác nhận tin tức về vụ đối đầu tại bãi Tư Chính, nhưng ông tuyên bố Trung Quốc quyết tâm bảo vệ các lợi ích của mình trên biển Đông.
Vẫn theo Hoa Nam Buổi Sáng, trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói hai nước nên "bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển bằng những hành động cụ thể".
Trước đó trong cùng ngày 12/7, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cũng nói với bà Ngân rằng hai bên nên làm việc để thiết lập bộ Quy tắc Ứng xử trên biển ở Biển Đông.
Đưa tin này, tác giả bài viết trên tờ Hoa Nam Buổi Sáng nói rằng vụ chạm trán mới nhất có nguy cơ khơi dậy làn sóng chống Trung Quốc lớn chưa từng thấy tại Việt Nam kể từ năm 2014, khi Trung Quốc kéo một giàn khoan dầu vào vùng biển đang tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa.