Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Miến Điện : Hàng ngàn người ủng hộ Aung San Suu Kyi (RFI, 08/12/2019)

Ngày 08/12/2019, lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi lên đường đến La Haye, Hà Lan để bảo vệ đất nước trước Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) vì cáo buộc có những "hành động diệt chủng" nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo thiểu số Rohingya.

aung1

Lãnh đạo Aung San Suu Kyi ngày 08/12 lên đường sàng Hà Lan, ra trước tòa CIJ, bào chữa cho đất nước về cáo buộc diệt chủng người Hồi Giáo Rohingya. Reuters/Chalinee Thirasupa

Trước đó một ngày, 07/12/2019, hàng ngàn người tụ tập về thủ đô Naypiydaw để ủng hộ bà Aung San Suu Kyi. Cuộc tập hợp diễn ra đúng vào thời điểm ngoại trưởng Trung Quốc đến Miến Điện theo lời mời của bà Aung San Suu Kyi.

Theo phân tích của giới chuyên gia, quyền phủ quyết của Trung Quốc, thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, sẽ là một đồng minh có "trọng lượng" cho Miến Điện, hiện đang phải đối mặt với một áp lực quốc tế ngày càng lớn trong hồ sơ Rohingya.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại là Gambia, được 57 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ủy nhiệm, đã đệ đơn kiện chính quyền Miến Điện trước CIJ vì "tội ác diệt chủng" nhắm vào cộng đồng người Rohingya theo đạo Hồi thiểu số.

Điều nghịch lý là trên trường quốc tế, danh tiếng của bà Aung San Suu Kyi, cựu biểu tượng của phong trào dân chủ, đã bị hoen ố vì các chính sách trấn áp người Rohingya, thế nhưng, ở trong nước, bà vẫn có được một sự ủng hộ của bộ phận đông đảo người dân, vốn dĩ cho rằng những người thiểu số Rohingya là những "kẻ nhập cư bất hợp pháp".

Tháng 8/2017, hơn 740 ngàn người Rohingya phải bỏ chạy khỏi Miến Điện, sau một đợt tấn công của quân đội nhằm trả đũa vụ nhiều chốt biên phòng bị những người Hồi Giáo Rohingya nổi dậy tấn công. Ấn Độ là đất nước có đa số dân theo Phật giáo.

Minh Anh

*******************

Ấn Độ : Biểu tình chống dự luật cải cách về cấp quốc tịch (RFI, 08/12/2019)

Thứ Bảy, 07/12/2019, hàng trăm người đã tụ tập về New Dehli để phản đối dự luật cải cách tư cách công dân. Hôm 04/12/2019, Hội đồng Bộ trưởng đã bật đèn xanh cho dự luật gây tranh cãi này.

aung2

Đoàn người biểu tình tại New Delhi phản đối làn sóng bài người Hồi Giáo, ngày 28/06/2017. Ảnh minh họa- CHANDAN KHANNA / AFP

Từ New Dehli, thông tín viên đài RFI, Carole Dietrich giải thích :

"ʺẤn Độ là đất nước của chúng tôiʺ, ʺCuộc sống của người Hồi Giáo đang bị định đoạtʺ … Đó là những người ta có thể đọc được trên các tấm biển của những người biểu tình tụ tập phản đối chống dự luật cải cách về quyền công dân, một dự luật dự kiến cấp quốc tịch Ấn Độ cho những người thuộc nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau, trừ người Hồi Giáo, phải trốn chạy khỏi các nước Afghanistan, Pakistan và Bangladesh.

Đây là dự luật mà Kaushik Raj, sinh viên ngành kỹ sư, 21 tuổi cho là vi hiến : ʺDự luật này đi ngược lại với những nguyên tắc biệt lập tôn giáo của Ấn Độ. Sự khác biệt chính giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1974 chính là việc Ấn Độ không dựa trên những nguyên tắc tôn giáo. Tôi là một người theo Ấn Độ giáo có đặc quyền, chính vì điều này mà tôi được hưởng nhiều thứ ở đây một cách công khai, không có chuyện gì xảy ra cho tôi cảʺ.

Kể từ khi phe chủ nghĩa dân tộc theo Ấn Độ giáo lên cầm quyền năm 2014, các tội ác mang tính chất thù hận ngày càng gia tăng tại Ấn Độ, chủ yếu nhắm vào cộng đồng thiểu số Hồi Giáo, chiếm chỉ 14% dân số. Chính phủ của thủ tướng Narendra Modi biện minh khi cho rằng cải cách này chỉ để bảo vệ những cộng đồng tôn giáo bị bức hiếp tại các nước có đa số dân theo đạo Hồi.

Nhưng Mohammed Sadu lại nhìn sự việc theo một cách khác : ʺChính phủ nhắm vào người Hồi Giáo, chúng tôi biết rõ tư tưởng hệ của họ. Những người này nghĩ rằng người Hồi Giáo không phải là một phần văn hóa của họ, của đất nước Ấn Độʺ.

Dự luật cải cách này sẽ phải được trình trước Nghị Viện trong tuần tới".

Minh Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á