Ấn Độ : Bạo động bùng lên sau khi luật về công dân được thông qua (RFI, 13/12/2019)
Nhiều vụ bạo động dữ dội đã nổ ra từ tối thứ Tư 11/12/2019 tại Ấn Độ sau khi dự luật về công dân được Quốc hội thông qua, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm thiểu số tôn giáo từ ba quốc gia láng giềng gia nhập quốc tịch Ấn Độ.
Biểu tình phản đối luật công dân mới tại Guwahati, Ấn Độ, ngày 05/12/2019. Reuters/Anuwar Hazarika
Tại miền đông bắc Ấn Độ, nhất là tại bang Assam, một phần dân số đang nổi loạn chống lại quyết định của chính phủ vì lo ngại rằng điều luật này sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số trong vùng. Thông tín viên RFI tại New Dehli, Sébastien Farcis, phân tích :
Nỗi giận dữ rất to lớn và các cuộc biểu tình rất dữ dội từ hai ngày nay. Tình hình đã căng thẳng thêm sau khi luật công dân được thông qua vào tối thứ Tư. Tại thủ đô thành phố Guhawati, thủ phủ bang Assam, một biển người đã xuống đường tuần hành để phản đối luật mới thông qua.
Nếu ở thủ phủ Guhawati, các cuộc biểu tình tương đối ôn hòa, thì tại các vùng nông thôn, lực lượng an ninh đã hoàn toàn bị áp đảo : nhà của các đại biểu dân cử địa phương bị tấn công - một số bị đốt cháy - cũng như một bến xe buýt và nhà ga. Ngay cả trụ sở của cảnh sát và của tổ chức Ấn Độ Giáo RSS cũng bị phá hoại.
Các sự cố trên phản ánh thái độ cực kỳ phẫn nộ của một bộ phận cư dân bang Assam, đặc biệt là của nhiều sinh viên trẻ. Chính quyền bang Assam khẳng định rằng luật mới về quyền công dân sẽ cho phép họ hợp pháp hóa tình cảnh của 500.000 theo Ấn Độ Giáo bị coi là những người nhập cư bất hợp pháp tiềm tàng đến từ Bangladesh.
Vấn đề là tại bang Assam, những thành phần địa phương chủ nghĩa từ hơn 30 năm nay đã đấu tranh chống lại bất kỳ một hành vi nhập cư bất hợp pháp nào từ nước láng giềng Bangladesh. Đối với những người này, luật công dân thể hiện thái độ phản bội của đảng dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ Giáo BJP đang nắm quyền ở New Delhi.
Thủ tướng Nhật hủy bỏ chuyến thăm Ấn Độ vì tình hình Assam
Bạo động tại bang Assam đã có tác hại về ngoại giao. Theo bộ Ngoại Giao Ấn Độ vào hôm nay, 13/12/2019, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định dời chuyến thăm Ấn Độ để tiếp xúc với đồng nhiệm Modi qua một thời điểm khác.
Trên nguyên tắc, ông Abe sẽ đến Ấn Độ ngày 15/12 tới đây, và sẽ có cuộc tiếp xúc với ông Modi ở thành phố Guwahati, ở bang Assam. Vấn đề là bang này đã biến thành tâm điểm của những vụ biểu tình bạo động chống luật mới về công dân.
Trọng Nghĩa
*******************
Ấn Độ : Hạ Viện thông qua luật cấp quốc tịch cho dân tị nạn, loại trừ tín đồ Hồi giáo (RFI, 12/12/2019)
Trong đêm hôm 11/12, rạng sáng nay 12/12/2019, Hạ Viện Ấn Độ đã bỏ phiếu thông qua luật cấp quốc tịch cho công dân một số nước láng giềng sống tị nạn tại Ấn Độ, với 311 phiếu thuận, 80 phiếu chống.
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình sau khi Quốc hội Ấn Độ thông qua dự luật sửa đổi về việc cấp quốc tịch cho công dân một số nước láng giềng, Agartala, ngày 12/12/2019. Reuters/Jayanta Dey
Theo luật này, thì công dân ba nước Afghanistan, Bangladesh và Pakistan - là người theo Ấn Độ Giáo, đạo Sikh, đạo Phật, đạo Thiên Chúa hay Hỏa Giáo - có thể được nhập quốc tịch Ấn Độ. Tuy nhiên, người Hồi giáo tị nạn không được cấp quốc tịch. Ba nước láng giềng nói trên là nơi dân cư đa số theo Hồi giáo. Luật mới về cấp quốc tịch thay thế cho luật quốc tịch năm 1955, cấm cấp quốc tịch cho dân nhập cư bất hợp pháp. Thông tín viên Sébastian Farcis tường trình từ New Delhi :
''Giấc mơ của hàng triệu người là nạn nhân và bị loại trừ giờ đây đã trở thành hiện thực. Bộ trưởng Nội Vụ Ấn Độ ca ngợi luật vừa được thông qua. Đối với chính phủ Ấn Độ, do phe dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ Giáo điều hành, luật về cấp quốc tịch sẽ cho phép nhiều người Afghanistan, Bangladesh hay Pakistan, không theo đạo Hồi, được nhận quốc tịch Ấn Độ, nếu sống tại Ấn Độ từ 6 năm trở lên. Đối với những người nước ngoài khác, thời gian đòi hỏi là 11 năm.
Phe dân tộc chủ nghĩa theo Ấn Độ Giáo cầm quyền khẳng định luật này có mục tiêu bảo vệ các cộng đồng theo tôn giáo thiểu số ở ba quốc gia nói trên. Theo đối lập Ấn Độ, đây là một biện pháp để ngăn cản những tín đồ Hồi giáo trong khu vực được cấp quốc tịch Ấn Độ. Thậm chí còn có khả năng tạo điều kiện trục xuất cả những người đã sống tại Ấn Độ.
Luật này thậm chí có thể là bất hợp pháp, vì xâm phạm các nguyên tắc bình đẳng và thế tục, được ghi trong Hiến pháp. Đối với ông Palaniappan Chidambaram, nghị sĩ đối lập đảng Quốc Đại, dự luật này sẽ phải bị đưa ra trước Tòa án Tối cao. Ông nói : Người ta đã đòi hỏi các nghị sĩ phải thực thi một điều vi hiến. Dự luật này sẽ phải được đưa ra để các thẩm phán xem xét về tính hợp hiến. Tôi cho rằng chính phủ này sẽ dùng quyền lực để luật được thông qua nhằm thực thi chính sách coi người Ấn là thượng đẳng. Đây là một ngày đáng buồn !.
Tòa án Tối cao, vốn được coi là một định chế độc lập tại Ấn Độ, nhưng gần đây các thẩm phán của Tòa đã đứng về phía phe Ấn Độ Giáo chống lại người theo đạo Hồi. Tình hình hiện nay có lợi cho chính phủ".
Đối với nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền hay Hồi giáo, đây là một nỗ lực mới của chính quyền của thủ tướng Narendra Modi nhằm gạt cộng đồng Hồi giáo tại Ấn Độ sang bên lề. Đây là điều mà chính quyền Modi phủ nhận. Theo chính phủ Modi, luật mới không liên quan đến tín đồ Hồi giáo sinh sống tại Ấn Độ. Tuy nhiên, dự luật gây lo ngại tại nhiều bang Ấn Độ miền đông bắc, những người phản đối lo ngại làn sóng tị nạn người Ấn Độ Giáo từ nước láng giềng Bangladesh tràn sang.
Trọng Thành