Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hải Quân Việt Nam - Ấn Độ diễn tập liên lạc và phối hợp chung tại Biển Đông

Thanh Hà, RFI, 25/12/2020

Theo báo Hindustan Times, trước khi rời cảng Nhà Rồng, tàu hải quân Ấn Độ INS Kiltan cùng với các đối tác Việt Nam tiến hành diễn tập trao đổi liên lạc và phối hợp chung (PASSEX) ở Biển Đông.

vietan1

Tàu hộ tống của Ấn Độ INS Kiltan. Ảnh minh họa chụp ngày 16/10/2017.  © CC / Ministry of Defense of India

Hôm 24/12/2020, tàu hộ tống của Ấn Độ INS Kiltan đã cập bến cảng thành phố Hồ Chí Minh, mang theo 15 tấn hàng cứu trợ nhân đạo cho nạn nhân lũ lụt ở miền Trung Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động của New Delhi trợ giúp các quốc gia trong khu vực ở thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Nhưng quan trọng hơn cả là sự hiện diện của tàu hải quân Ấn Độ vào lúc New Delhi và Hà Nội tăng cường hợp tác hàng hải, đóng góp cho an ninh và ổn định khu vực. Trong hai ngày 26 và 27/12/2020, hải quân hai nước sẽ diễn tập PASSEX. 

Báo Hindustan Times nhắc lại đôi bên đẩy mạnh hợp tác song phương trong bối cảnh cả Việt Nam lẫn Ấn Độ cùng quan ngại trước các động thái "càng lúc càng hung hăng của Trung Quốc".

Thủ tướng Modi xem Việt Nam là một "cột trụ quan trọng trong chính sách đối ngoại Hướng Đông của New Delhi và là một đối tác của Ấn Độ về tầm nhìn đối với khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương". 

Hải quân Mỹ lại tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông 

Theo trang mạng Navytimes.com ngày 24/12/2020, lần thứ hai trong tuần, chiến hạm Mỹ USS John S. McCain tiến hành chiến dịch bảo vệ tự do lưu thông hàng hải - FONOP ở Biển Đông. Chiến dịch nói trên đã diễn ra hôm Thứ Năm 24/12/2020, một ngày trước lễ Noel.

Theo Hạm Đội 7 đặc trách khu vực Thái Bình Dương của Hải Quân Mỹ, hàng không mẫu hạm USS John S. McCain được trang bị tên lửa dẫn đường "đã hoạt động gần Côn Đảo". Thông cáo chính thức cho biết Hải Quân Mỹ đã tiến hành các "thao tác bình thường trong vùng biển thuộc lãnh thổ được Việt Nam tuyên bố chủ quyền". Chiến dịch nói trên nhằm "bảo vệ các quyền tự do tiếp cận và lưu thông hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế".

Trước đó, hôm 22/12, khu trục hạm US John McCain đã tiến hành chiến dịch tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa.

Thanh Hà

*******************

Biển Đông ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ

Trọng Nghĩa, RFI, 23/12/2020

Việt Nam và Ấn Độ họp hội nghị thượng đỉnh trực tuyến ngày 21/12/2020, dưới sự chủ trì của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng nhiệm Narendra Modi. Một trong những chủ đề nổi bật của cuộc họp lần này chính là vấn đề Biển Đông và quan hệ hợp tác quốc phòng càng lúc càng phát triển mạnh giữa hai nước có cùng một đối thủ trong vùng là Trung Quốc.

ando1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi, tại Hà Nội ngày 03/09/2016.  AP - Hau Dinh

Một điểm then chốt đã được thủ tướng Ấn nêu bật liên quan đến cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông. Theo ông Modi, Bộ Quy Tắc rất cần thiết này không được làm phương hại đến lợi ích của các nước khác bên trong cũng như bên ngoài khu vực Biển Đông.

Lời nhấn mạnh này chính là một phản bác nhắm vào Trung Quốc, vốn đang muốn ép ASEAN phải chấp nhận ghi vào Bộ Quy Tắc đang đàm phán một điều khoản cấm các nước ngoài vùng Biển Đông có những hoạt động quân sự như tập trận với các nước trong vùng, mặc nhiên ngăn cản không cho Ấn Độ, Hoa Kỳ Úc hay Nhật Bản xen vào vấn đề Biển Đông.

Trên thực tế, Ấn Độ đã trực tiếp hỗ trợ Việt Nam trong lãnh vực quốc phòng, đặc biệt là trong việc tăng cường năng lực tuần tra và giám sát vùng biển của mình, thường xuyên bị Trung Quốc xâm phạm.

Theo nhận định của giới quan sát, khi vạch ra lộ trình sắp tới đây cho quan hệ quốc phòng giữa hai nước, hai thủ tướng Ấn Độ và Việt Nam đã nhấn mạnh trên nhu cầu "tự kiềm chế" và "phi quân sự hóa" Biển Đông,

Nhân thượng đỉnh hôm 21/12, hai nước đã công bố một văn kiện mang tên Tầm nhìn chung Ấn Độ-Việt Nam vì Hòa Bình, Thịnh Vượng và Người Dân, với hai đoạn dành riêng cho vấn đề Biển Đông.

Tài liệu cho biết : "Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành mọi hoạt động - đối với các bên tranh chấp và tất cả các quốc gia khác - đồng thời tránh các hành động có thể làm tình hình phức tạp thêm hoặc tranh chấp leo thang, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định".

Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc tại vùng Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, và đã liên tục phản đối các cuộc tập trận của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp, cáo buộc Bắc Kinh đe dọa ngư dân Việt Nam và áp đặt các yêu sách chủ quyền dưới mọi hình thức.

Còn Ấn Độ cũng đang vướng vào những rắc rối biên giới tồi tệ nhất với Trung Quốc trong hơn 4 thập kỷ. New Delhi đã tố cáo Bắc Kinh thay đổi hiện trạng ở vùng biên giới tại khu vực Ladakh, với các cuộc đàm phán cho đến nay không giải quyết được bất đồng.

Các nhà phân tích lưu ý rằng có rất nhiều lĩnh vực hội tụ giữa Ấn Độ và Việt Nam, hai nước cũng sẽ có ghế (không thường trực) trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào tháng tới.

Mặc dù Ấn Độ không trực tiếp tham gia vào tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng New Delhi đã bị Bắc Kinh cảnh cáo nhiều lần về các hoạt động thăm dò dầu khí trong khu vực. Một trong những lô dầu mà Ấn Độ tham gia nằm trong một vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ.

Trong bối cảnh đó, cũng dễ hiểu là quốc phòng đang nổi lên như một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai bên, với việc Ấn Độ sẵn sàng cung cấp vũ khí và chuyển giao công nghệ quốc phòng cho Việt Nam.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 23/12/2020

***************************

Ấn Độ, Nhật Bản phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông

Trọng Nghĩa, RFI, 23/12/2020

Ngay sau thượng đỉnh Ấn Độ-Việt Nam, trong đó hồ sơ Biển Đông đã được thủ tướng hai nước thảo luận, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ vào hôm qua, 22/12/2020 đã có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nhật Bản để trao đổi quan điểm về tình hình khu vực, bao gồm cả biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.

ando2

Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tại cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải -SCO, ngày 04/09/2020, tại Moskva, Nga. AP - Ramil Sitdikov

Một thông cáo chính thức do Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố cho biết là cả hai bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Nhật Bản Nobuo Kishi đều "đồng ý gửi đi một thông điệp rõ ràng (nhằm) phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương muốn thay đổi hiện trạng bằng cách cưỡng chế hoặc bất kỳ hoạt động nào làm căng thẳng leo thang".

Bản thông cáo cho biết thêm là New Delhi và Tokyo "cũng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của trật tự hàng hải tự do và rộng mở dựa trên luật pháp".

Về hợp tác song phương, theo bản thông cáo, hai bộ trưởng đã thảo luận về những thành tựu của việc ký kết thỏa thuận ACSA Nhật-Ấn vào tháng 9 và việc hoàn thành tốt cuộc tập trận hải quân Malabar vào tháng 11 vừa qua, tập hơp Bộ Tứ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc.

Bộ Quốc Phòng Nhật cho biết thêm : "Hai bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác và trao đổi quốc phòng để duy trì và củng cố một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và duy trì liên lạc chặt chẽ giữa các cơ quan quốc phòng hai bên".

Trung Quốc khoe là đã "đuổi" tàu khu trục Mỹ tại Trường Sa

Cuộc tiếp xúc giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Nhật-Ấn diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc lại phô trương thanh thế, cho biết đã xua đuổi được một khu trục hạm Mỹ, sau khi Hoa Kỳ nhắc lại rằng sẽ tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng quần đảo Trường Sa.

Một phát ngôn viên quân đội Trung Quốc vào hôm qua cho biết là chiến hạm và phi cơ của Trung Quốc đã được triển khai để cảnh cáo và xua đuổi chiến hạm Mỹ USS John S. McCain, sau khi chiếc tàu này "xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Nam Sa ở Biển Đông". Nam Sa là tên Trung Quốc đặt cho quần đảo Trường Sa.

Vào hôm qua, Hải quân Mỹ đã ra thông cáo xác nhận là chiếc khu trục hạm USS John S. McCain đã đi qua Biển Đông để "duy trì các quyền tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển".

Một quan chức Mỹ đã nói với kênh truyền hình Mỹ Fox News rằng chiến hạm Mỹ đã đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh hai đảo nhận tạo Ga Ven và Gạc Ma hiện bị Bắc Kinh chiếm đóng ở vùng Trung Quốc. Tàu chiến Hoa Kỳ cũng đi qua rạn san hô Collins mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Phi cơ Trung Quốc và Nga xâm nhập vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc

Hàn Quốc hôm qua 22/12/2020 cho biết đã điều chiến đấu cơ xuất kích để đáp trả cuộc xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của 19 máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc.

Bốn chiến đấu cơ Trung Quốc theo sau là 15 chiếc máy bay Nga đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ), buộc Seoul phải cho máy bay lên để sẵn sàng "nghênh chiến".

Theo hãng tin Anh Reuters, vào tháng 7 năm ngoái, các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc bắn hàng trăm phát súng cảnh cáo về phía máy bay quân sự của Nga đã tiến vào không phận Hàn Quốc lúc đó trong khuôn khổ một chuyến tuần tra chung với Trung Quốc.

Khi bị tố cáo, Trung Quốc đã phủ nhận là đã xâm phạm không phận Hàn Quốc.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 23/12/2020

Additional Info

  • Author Thanh Hà, Trọng Nghĩa
Published in Châu Á