Chính sách Nam Tiến của Đại Việt làm cho Champa mất dần các tiểu vương quốc Indrapura (Quảng Bình, Quảng Trị), Amaravati (Quảng Nam, Thừa Thiên), Vijaya (Bình Định), Kauthara (Phú Yên, Khánh Hòa). Mặc dầu 4 tiểu vương quốc này đã rơi vào tay của Đại Việt, nhưng Champa vẫn còn giữ được chủ quyền tại tiểu vương quốc Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận) cho đến năm 1832 khi Minh Mạng quyết định xóa bỏ vương quốc này trên bản đồ Đông Dương.
Tháp Dương Long - Bình Định (Ảnh – Amethyst Canary)
Năm 1771, phong trào Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi xướng, kêu gọi dân chúng đứng lên chống lại chúa Nguyễn. Trước sự vùng dậy này, chúa Nguyễn phải tháo chạy rút về vùng Gia Định để tổ chức kháng cự nhằm giành lại ngôi báo. Chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh đã đưa lãnh thổ Panduranga-Champa (tức là trấn Thuận Thành) vào giữa hai gọng kìm và lôi cuốn nhân dân Champa vào cuộc chiến giữa hai đối thủ người Việt.
Lãnh thổ Panduranga-Champa tọa lạc ngay trên địa đầu khu vực quân sự, mà Tây Sơn lẫn Nguyễn Ánh đều muốn làm chủ lãnh thổ Panduranga để làm nơi trú quân, hoặc nơi ngăn chặn các cuộc tấn công của phe địch. Trong suốt cuộc nội chiến tương tàn giữa hai thế lực thù địch người Việt thù ghét lẫn nhau, tiểu vương quốc Panduranga-Champa trở thành bãi chiến trường đẫm máu để hai bên tranh giành quyền lực. Vì chiến tranh luôn luôn xãy ra trên lãnh thổ của mình, các vương quyền Pandurang-Champa khó mà giữ tư thế trung lập chính trị được. Khi bị quân chúa Nguyễn xâm chiếm, Pangduranga bắt buộc phải theo Nguyễn Ánh. Khi bị phe Tây Sơn xâm chiếm, Panduranga bị Tây Sơn trả thù vì đã hợp tác với nhà Nguyễn. Chiến tranh giành quyền lực này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự thống nhất chính trị của người dân Panduranga. Nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn bên nào cũng muốn đưa thân tín của mình để cai trị vương quốc nhỏ bé này, sự chia rẽ trong nội bộ tiểu vương quốc Panduranga-Champa đạt đến cao độ : người theo phe Nguyễn Ánh chống lại người theo phe Tây Sơn, có thể nói huynh đệ tương tàn trong nội bộ người Chăm Panduranga. Từ đó, quy chế độc lập của Panduranga trở thành một vấn đề rất mỏng manh, nó hoàn toàn lệ thuộc vào kết quả của chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn.
Sau khi đánh bật quân Tây Sơn ra khỏi Panduranga vào năm 1793, Nguyến Ánh phong cho Po Ladhunpaghuh (Nguyễn Văn Thừa) chức Chưởng Cơ để cai trị Panduranga. Đồng thời Nguyễn Ánh khuyến khích người Việt di dân vào Panduranga lập nghiệp. Tiểu vương quốc Panduranga bị đổi tên thành trấn Thuận Thành.
Năm 1799 Po Ladhunpaghuh lâm bệnh nặng và mất vào tháng 10 âm lịch. Phó vương Po Saong Nhung Ceng mà sử sách Việt gọi là Nguyễn Văn Chấn lên nối quyền. Đó là một người từ lâu chủ trương liên minh với Nguyễn Ánh, đã từng chỉ huy cuộc chiến chống lại Tây Sơn, đến năm 1794 được phong làm phó vương Panduranga (trấn Thuận Thành).
Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước và lên ngôi, xưng hiệu là Gia Long. Nhà vua bắt đầu cải tổ lại cơ cấu tổ chức hành chánh của mình bằng cách cố tránh những vụ xung đột tương tàn Nam-Bắc có thể xảy ra. Muốn được như vậy, Gia Long chia lãnh thổ Việt Nam ra làm bốn vùng : Miền Bắc, gọi là Bắc Thành gồm 13 trấn đặt dưới quyền cai trị của Lê Văn Thiềng, một người rất thân cận với vua Gia Long. Miền Nam, gọi Gia Định Thành gồm 6 trấn đặt dưới quyền lãnh đạo của Lê Văn Duyệt, một chiến sĩ lừng danh trong cuộc chiến chống Tây Sơn. Lãnh thổ miền Trung, còn gọi là Phú Xuân do triều đình nhà Nguyễn trực tiếp quản lý. Còn lãnh thổ Panduranga từ vịnh Cam Ranh đến Long Khánh và Đồng Nai Thượng (Đà Lạt, Lâm Đồng) được trao quyền cai trị một người bạn cùng chiến đấu chung, thuộc hoàng tộc Panduranga-Champa đó là Po Saong Nhung Ceng (được Gia Long ban cho họ vua, tên Nguyễn Văn Chấn).
Sở dĩ có sự phân định lại lãnh thổ này là vì Gia Long muốn thăng thưởng cho những người đã cùng ông tham gia cuộc chiến chống Tây Sơn, vào những chức vụ rất quan trọng trong tân nội các. Đặc biệt nhà vua ban cho vùng đất Panduranga một qui chế độc lập đặt dưới quyền bảo hộ của triều đình Huế. Ông cũng để cho Po Saong Nhung Ceng được quyền tổ chức chính trị, hành chánh, quân đội riêng để giữ gìn an ninh và dẹp loạn, nhưng không được chống lại triều đình Huế.
Năm 1820, Gia Long băng hà tại Huế, hoàng tử Đạm lên ngôi xưng hiệu là Minh Mạng. Vừa mới lên ngôi, Minh Mạng tập trung mọi quyền lực trong tay. Để chứng minh uy quyền của mình tại Panduranga (trấn Thuận Thành), Minh Mạng tách phủ Bình Thuận ra khỏi Gia Định Thành để sát nhập vào lãnh thổ trực thuộc triều đình Huế vào năm 1822. Khi Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt, nổi lên chống lại triều đình và chiếm Gia Định Thành, một số người Chăm trước kia dưới trướng Lê Văn Duyệt đã theo Lê Văn Khôi chống lại. Khi quân triều đình chiếm lại thành Gia Định, một cuộc trả thù báo oán qui mô liền xảy ra, trong đó có những cấp chỉ huy người Chăm.
Để trừng phạt, hoàng đế Minh Mạng ra lệnh cho nhân dân Pangduranga-Champa phải mặc Việt phục, thờ cúng tổ tiên theo lễ nghi của Phật giáo Việt Nam, tịch thu tài sản, bắt giam những người chống đối, tra tấn, tịch thu tất cả những tư liệu viết bằng tiếng Chăm liên quan đến cơ cấu tổ chức xã hội người Chăm, đặc biệt là liên quan đến hai tôn giáo Bàlamôn và Hồi giáo Bàni. Hoàng đế Minh Mạng còn hăm dọa bắt các vị chức sắc Chăm hồi giáo Bàni ăn thịt heo, các vị chức sắc Bàlamôn ăn thịt bò. Ngoài việc đóng thuế rất nặng nề, nhân dân Champa còn bị bắt đi tạp dịch, đốn cây để đóng tàu. Đó là một vài hình phạt điển hình mà Minh Mạng dành cho dân chúng Pangduranga-Champa.
Chính sách phân biệt đối xử quá tàn bạo của Minh Mạng đã châm ngòi cho sự vùng dậy của các sắc dân Raglai, Churu, Kaho và Chăm thành lập phong trào Katip Sumat (1833-1834) và mặt trận Ja Thak Wa (1834-1835) chống lại triều đình Huế nhằm phục hồi vương quốc Panduranga-Champa. Để dẹp tan phong trào nổi dậy của nhân dân Champa, Minh Mạng áp dụng khẩu hiệu "đất đai đỏ lửa", có nghĩa là đốt phá tất cả làng mạc người Chăm mà triều đình Huế cho rằng họ có liên hệ với phong trào Katip Sumat và mặt trận Ja Thak Wa. Vua Minh Mạng còn ra lệnh cho đoàn quân viễn chinh thẳng tay tàn sát, truy nã, tù đày dân tộc Champa không ngoài mục đích trừng phạt dân tộc này, vì họ quá trung thành với Lê Văn Duyệt và Lê Văn Khôi.
Ngoài ra triều đình Huế ra lệnh cấm hẳn người Chăm không được hành nghề đánh cá và hàng hải nữa. Tất cả thôn ấp nằm dọc theo bờ biển từ vịnh Cam Ranh đến Long Khánh, phải dời đi nơi khác để đưa người Việt đến định cư. Trước sức mạnh của triều đình Huế, quốc vương Panduranga chỉ biết cuối đầu tuân lệnh mà Minh Mạng đã ban hành. Cuối cùng ông ta quyết định xóa bỏ danh xưng Champa trên bản đồ Đông Dương vào năm 1832.
Trong suốt hơn 10 thế kỷ tự tồn, dân tộc Champa đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhằm chống lại những cuộc xâm lăng từ bên ngoài, đặc biệt là cuộc Nam Tiến của người Việt từ miền bắc. Suốt dòng thời gian đó, cộng đồng người Chăm đã trả giá sự độc lập của mình bằng máu và nước mắt, để rồi cuối cùng đất nước bị xóa tên và toàn bộ cộng đồng người Chăm còn lại ngày nay ở Bình Thuận và Châu Đốc, trở thành công dân Việt, và là một cộng đồng sắc tộc thiểu số ở Việt Nam.
Đó là bài học lịch sử đáng đưa ra để suy ngẫm và giữ gìn, vì lịch sử Việt Nam ngày nay cũng có một phần lịch sử người Chăm, những người đã có công khai phá, xây dựng và phát triển lãnh thổ miền Trung Việt Nam. Những di tích còn lại của người Chăm được UNESCO nhìn nhận là di sản chung của nhân loại.
Nguyễn Dominique
(17/10/2023)