Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/10/2024

Vì sao chính trường Việt Nam sẽ "sóng to, gió lớn" ?

Trần Chương, Trà My

Cung đình khốc liệt : Nếu không cẩn thận, Tô Lâm có thể "nhiễm bệnh" !

Trần Chương, Thoibao.de, 01/10/2024

Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng bí thư đến nay, cung đình ngày càng khốc liệt hơn, chứ không hề yên tĩnh. Chưa có nhiệm kỳ nào mà số ủy viên Trung ương Đảng và ủy viên Bộ Chính trị bị rụng nhiều như nhiệm kỳ khóa 13 này. Điều đó báo hiệu, Đảng cộng sản Việt Nam là một cái "lò lửa", trong đó, các đồng chí đang "nướng" lẫn nhau.

dcsvn1

Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam sáng ngày 3/8/2024

Nhiệm kỳ này cũng có đến 3 cái chết, 2 người chết khi đang tại vị, còn 1 người chết không bao lâu sau khi rời ghế. Đó là ông Lê Văn Thành, ông Nguyễn Chí Vịnh và ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Thành nhiễm "bệnh lạ", sau khi rời "hang ổ" Hải Phòng về Chính phủ. Ông Trọng qua đời, có lẽ do di chứng của lần gục ngã tại Kiên Giang – sào huyệt của Ba Dũng, 5 năm trước đó. Còn ông Vịnh bị cho nhắm mắt, có lẽ bởi ông biết quá nhiều. Ông Vịnh từng nắm chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo quân đội (tức Tổng Cục 2).

Sẽ không có bất kỳ sự thừa nhận nào từ nhà cầm quyền, rằng, những cái chết kể trên là kết quả của các cuộc đấu đá cung đình.

Dùng hồ sơ đen để hạ bệ lẫn nhau, là cách làm công khai. Bởi hầu hết các quan chức đều ăn bẩn để làm giàu, nên bất kỳ ai cũng có thể trở thành con mồi của Tô Lâm, khi ông nắm trong tay bộ máy điều tra khổng lồ. Rất nhiều người rất căm ghét Tô Lâm, nhưng không thể làm gì được ông, bởi ông có những bằng chứng cụ thể, không thể nào chối cãi. Cuộc chiến mà Tô Lâm đã và đang phát động, là cuộc chiến một chiều. Chỉ có Tô Lâm tấn công người khác, chứ chưa có ai đủ sức tấn công lại Tô Lâm.

Có thể nói, chiêu bài "chống tham nhũng" của ông Trọng, đã đem lại lợi thế cho ông Tô Lâm. Các thế lực khác không thể dùng đòn đánh sở trường của Tô Lâm để phản công ông, bởi làm vậy là "tự sát".

Chính trường khốc liệt, Tô Lâm là kẻ khó bị hạ nhất hiện nay, chứ không hẳn là không thể bị hạ. Vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu Tô Lâm có thể bị đồng chí của ông hạ không, và hạ bằng cách nào ?

Những cái chết của Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, Lê Văn Thành, và Nguyễn Chí Vịnh, liệu có miễn nhiễm với Tô Lâm hay không ? Câu trả lời là không.

Nếu ông Tô Lâm bất cẩn, ông vẫn có thể góp mặt vào danh sách tử vong, vì nguyên nhân bất minh, như các "đồng chí" nêu trên của ông.

Hiện nay, thế chẻ tre của Tô Lâm đã không còn. Nhưng để cân bằng quyền lực với ông thì vẫn là bài toán khó đối với phần còn lại. Hy vọng lớn nhất là phe quân đội, nếu họ bỏ qua sự bất đồng nội bộ bấy lâu nay và liên kết lại, thì Tô Lâm cũng khó mà ngăn cản được.

Quân đội lâu nay vẫn được ưu tiên có nhiều ủy viên Trung ương Đảng hơn công an, thậm chí, số ủy viên Bộ Chính trị có lúc cũng đông hơn. Tuy nhiên, nội bộ quân đội lại cũng chia phe cánh, không thống nhất được. Đó là lý do khiến cho phe quân đội bị phe công an vượt mặt.

Nói về bộ phận tình báo, công an bị lép vế so với quân đội. Năm 2018, ông Trọng cho giải thể Tổng cục Tình báo Bộ Công an, tức Tổng Cục 5, thay bằng một cơ quan tình báo mới. Giờ đây, công an không có cơ quan tình báo mạnh như quân đội đang có.

Nếu nói, cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ có thể điều tra trong khuôn khổ pháp luật. Thì ngược lại, cơ quan tình báo quân đội có thể điều tra không giới hạn, và hành vi của họ được bảo đảm bí mật. Đây chính là thứ vũ khí lợi hại mà phe quân đội đang có. Liệu họ có sử dụng để nhắm vào Tô Lâm hay không ?

Khi các phe phái khác bế tắc trong việc hạ bệ Tô Lâm, thì việc làm sao để Tô Lâm mắc "bệnh lạ", cũng là một giải pháp có thể dùng. Vì thế, nếu không cẩn thận, ông hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của đòn hiểm này. Ngồi ngôi càng cao, càng tiềm ẩn nguy hiểm.

Trần Chương 

Nguồn : Thoibao.de, 01/10/2024

**********************************

Vì sao chính trường Việt Nam sẽ "sóng to, gió lớn", sau khi ông Tô Lâm công du Mỹ ?

Trà My, Thoibao.de, 29/09/2024

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa kết thúc chuyến công cán tại Mỹ, và chuyến thăm cấp nhà nước tới Cuba, từ ngày 21 đến 27/9. Đây là chuyến đi đến Hoa Kỳ đầu tiên của ông trên cương vị Tổng bí thư – Chủ tịch nước.

tolam1

Ông Tô Lâm phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm một năm nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ, tại Viện Asia Society, New York, Hoa Kỳ. Ảnh : Lâm Khánh/TTXVN.

Trên đất Mỹ, ông Tô Lâm đã có khoảng 50 hoạt động đáng chú ý, bao gồm cả việc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ; có bài phát biểu trước các lãnh đạo thế giới tại Kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, một đoạn trong bài phát biểu của ông, trong lễ kỷ niệm một năm nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ, tại Viện Asia Society, New York, Hoa Kỳ, đã bị truyền thông nhà nước cắt bỏ, không rõ lý do.

Điều vừa kể cho thấy, kể cả phát biểu của người đứng đầu Đảng và nhà nước Việt Nam, cũng bị "cảnh sát tư tưởng" – tức Ban Tuyên giáo Trung ương kiểm duyệt, sẵn sàng cắt bỏ.

Đáng chú ý, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – ông trùm "cảnh sát tư tưởng", đã đích thân tham dự đoàn công du của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Trong buổi hội đàm giữa Chủ tịch Tô Lâm và Tổng thống Biden, Tướng Nghĩa ngồi bên tay phải của ông Tô Lâm, chỉ cách ông Nguyễn Hòa Bình. Theo một số suy đoán, điều đó cho thấy, dường như có sự chỉ đạo từ xa đối với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương.

Bài nói chuyện của ông Tô Lâm được báo Tuổi Trẻ đăng tải toàn văn, có đoạn :

"Trong Cách mạng Tháng 8, những người bạn Mỹ là lực lượng nước ngoài duy nhất bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được mời tham dự Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, và chứng kiến Hồ Chủ tịch trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Hôm đó, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu : Hoan nghênh phái đoàn Mỹ".

Đây là một sự thật lịch sử không thể bác bỏ. Tuy nhiên, với chủ trương "bóp méo" lịch sử, nó đã bị che giấu trong một thời gian dài. Gần đây, những sự thật trong mối quan hệ Việt – Mỹ cách đây 79 năm đang dần dần phát lộ.

Tuy nhiên, theo một số suy đoán, đoạn phát biểu về "những người bạn Mỹ" của ông Tô Lâm, có lẽ đã gây khó chịu không nhỏ cho người "đồng chí" phương Bắc và phe bảo thủ chiếm đa số trong Đảng cộng sản Việt Nam.

Ngoài ra, việc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng như sự kiện ông Tô Lâm bắt tay Tổng thống Ukraine Zelensky, được coi là hành động được lòng quốc tế và giới trí thức trong nước.

Hiện nay, công luận đang chú ý, xem những phát biểu của Tổng bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10, trước khi đi công du Mỹ, có thực chất hay không ?

Tại Hội nghị Trung ương 10, trên cương vị người đứng đầu Đảng, ông Tô Lâm đã trích dẫn các huấn thị của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, liên quan đến thái độ của Việt Nam đối với chính quyền Bắc Kinh. Hồi đó, Tổng bí thư Lê Duẩn khẳng định : "Trung Quốc luôn là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm", và tinh thần đó được đưa vào Hiến pháp Việt Nam năm 1982.

Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh, trước, trong và sau Hội nghị Trung ương 10, ông Tô Lâm đã phải chịu sức ép rất lớn từ phe bảo thủ trong Đảng, với trung tâm là lực lượng tướng lĩnh quân đội, vốn trung thành với cố Tổng bí thư Trọng và thân Trung Quốc. Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng không nhất trí sửa đổi Điều lệ Đảng, được cho là một thất bại không nhỏ đối với ông Tô Lâm.

Theo một số phân tích, tới đây, ông Tô Lâm chỉ còn giữ chức Tổng bí thư Đảng, đồng nghĩa với việc, ông không còn tư cách là người đứng đầu nhà nước, để đại diện cho Việt Nam gặp gỡ chính thức các nguyên thủ quốc gia khác. Có thể đây là những bất lợi cho chiến lược ngoại giao mới của Tổng bí thư Tô Lâm, do phe bảo thủ cố tình tạo ra.

Đó cũng là lý do, trong những ngày sắp tới, chính trường Việt Nam sẽ tiếp tục sóng gió trở lại. Liệu ông Tô Lâm có đủ bản lĩnh và năng lực để tiếp tục thay đổi hay không ?

Trà My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Chương, Trà My
Read 310 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)