Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chúng tôi phỏng vấn cử tri về gian lận bầu cử. Đây là những gì họ nói.

Copy of Luật Khoa - Newsletter

Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh gốc : VTV. Đồ họa : Luật Khoa.

Hai tháng qua, Luật Khoa đã thu thập được một số tài liệu, lời kể từ các cử tri nhân chứng cùng những người liên quan đến công tác bầu cử tại các đơn vị bầu cử khác nhau ở một số tỉnh, thành, phản ánh vấn đề bầu thay bầu hộ và các vấn đề khác trong quá trình tổ chức bầu cử ở Việt Nam.

Trong chín nhân vật Luật Khoa phỏng vấn, sáu người đã chứng kiến hoặc/và tham gia bầu thay bầu hộ trong kỳ bầu cử 2021. Trong ba người còn lại, một bị chính cán bộ ở tổ bầu cử khuyến khích bầu thay bầu hộ, một thì có người nhà tham gia bầu thay bầu hộ và người thứ ba từng bầu thay bầu hộ trong đợt bầu cử trước vào năm 2016.

Những người chứng kiến tình trạng bầu thay bầu hộ đều có một quan sát chung : một người cầm một xấp thẻ cử tri đưa cho cán bộ ở tổ bầu cử để đổi lại một xấp lá phiếu mà không bị ai quở trách, trừng phạt, hay thậm chí không bị ai thắc mắc, hỏi han.

Hành vi bầu thay bầu hộ vi phạm Điều 69, Luật Bầu cử 2015. Và những quy định này gần như không thay đổi kể từ Luật Bầu cử 1997.

Chúng tôi giấu tên các nhân chứng để bảo đảm an toàn cho họ.

Như chiếc bánh 9 tầng

Sáng 23/5/2021, B. đã dậy sớm xếp hàng đi bầu ở một đơn vị bầu cử ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

"Tôi thấy bác đi trước tôi đưa cả ba thẻ cử tri ra, nhưng [cán bộ bầu cử] không thắc mắc là ‘Bác đi bầu thay bầu hộ à’, mà họ lần lượt phát ba lá phiếu cho mỗi thẻ cử tri, thứ tự lần lượt, xanh đỏ vàng, xanh đỏ vàng… như một cái bánh chín tầng".

Bàn gạch tên có bốn chỗ, vách ngăn tuy nhiên không có người điều phối dẫn đến cảnh cử tri chen lấn, đứng túm tụm. B. và nhiều cử tri khác gần như không có chỗ ngồi, đứng chỗ nào gạch chỗ đấy, gạch trên lưng nhau, trên tường, dưới đất, trên đùi, v.v. Nhiều người nếu không cố tình thì cũng vô tình để lộ thông tin trên lá phiếu của mình.

"Người thì hỏi ‘Ơ giờ gạch thế nào’. Người thì bảo chờ người nhà gạch trước rồi gạch theo. Người ta chỉ muốn nhanh nhanh gạch rồi nhét vào hòm phiếu", B. kể lại.

S., một cử tri nhân chứng ở một đơn vị bầu khác tại Hà Nội, cho biết khi gia đình nhận thẻ cử tri, các thẻ được dập ghim lại theo hộ gia đình. Đến ngày đi bầu, mẹ của S. cầm nguyên xấp thẻ cử tri này và được ban tổ chức phát lại một xấp phiếu. S. lấy đủ số phiếu của mình từ mẹ và tự gạch, trong khi mẹ S. bầu luôn cho chị gái của S., người ở nhà từ chối đi bầu.

S. nói mẹ cô biết rõ không nên bầu thay bầu hộ, nhưng không nhận thức được hành động này là vi phạm Luật Bầu cử.

Trường hợp của K. ở Quảng Ninh cũng tương tự khi mẹ cô bầu thay cho bố và em trai của cô.

"Bố tôi lấy lý do bị xoang và tránh COVID nên nhờ mẹ tôi đi bầu thay. Em trai tôi thì chưa đi bầu bao giờ nên không hiểu tại sao phải đi bầu. Bố mẹ tôi cũng không bắt nó đi bầu".

Nhận định từ các cử tri nhân chứng cho thấy nhiều người dân không thấy tầm quan trọng hay ý nghĩa trong việc tham gia bầu cử nên sẵn sàng nhờ người bầu hộ. Những người đi bầu hộ thì lại bầu với tâm lý "làm cho xong".

Phần lớn những người thực hiện bầu thay bầu hộ không nhận thức được hành vi của họ là trái luật. Sự hợp tác từ cán bộ tổ chức bầu cử càng củng cố cho quan điểm này.

Ở một số trường hợp, các cử tri nhân chứng cho biết chính các cán bộ tham gia công tác bầu cử lại là người thực hiện hành vi bầu thay bầu hộ. 

baucu2

Một điểm bỏ phiếu tại Hà Nội, ngày 23/05/2021. Ảnh : AP/ Hau Dinh.

Ông tổ trưởng "tốt bụng"

B. ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho Luật Khoa biết đây là lần thứ hai anh tham gia bầu cử. Lần đầu tiên là vào năm 2016, khi đó B. mới bắt đầu quan tâm đến bầu cử, nghe tin đồn về bỏ phiếu hộ nên đặc biệt quan tâm đến tình trạng này.

"Hồi đấy tôi bầu ở khu vực khác, nó còn kinh hơn. Vì khu đấy, rất nhiều người ở thuê ở trọ, họ cứ bảo tổ trưởng tổ dân phố bầu luôn cho. Họ toàn người đi làm, mưu sinh. Họ không quan tâm ông nào đại diện cho mình. Bác tổ trưởng tổ dân phố có tập thẻ cử tri rất dày".

H. ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy (Hà Nội) thì cho biết những năm trước đó, gia đình đưa thẳng xấp thẻ cử tri cho tổ trưởng tổ dân phố bầu hộ. Năm nay, H. tính chuyển địa điểm bỏ phiếu nhưng bị trễ hạn đăng ký.

"Bác tổ trưởng nói nếu hôm bầu cử tôi không ở Nghĩa Đô thì gửi phiếu lại cho bác ấy, gửi cho gia đình để bầu. Tôi nói ‘Không, thẻ cử tri của cháu là cháu phải giữ, chứ không thể đưa cho người khác, cho gia đình bầu thay được’".

"Bác ấy cứ bảo là ‘Được, làm thế được’ và còn dặn rằng nếu tôi không đi bầu thì đưa thẻ cử tri cho bác ấy […] Bác ấy nói ‘Đó là thẻ của bác. Thẻ phát ra phải khớp thẻ thu về", H. thuật lại.

H. từ chối đưa thẻ cử tri của mình. Đến ngày bầu cử, anh bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, H. cũng chính là một trong những cử tri nhân chứng tham gia bầu thay bầu hộ. Anh lấy lý do là vì dịch Covid-19 nên không muốn người thân trong gia đình đi bầu, nhưng nếu không đi bầu thì chắc chắn sẽ bị người của phía tổ dân phố làm phiền, thúc giục bỏ phiếu hoặc yêu cầu trả lại thẻ cử tri cho họ.

"Người nhà ốm ? Cứ bầu thay, không sao đâu"

N. ở quận Hoàng Mai, Hà Nội thì rơi vào một tình huống khác. Trước ngày bầu cử, khi đến khu vực bỏ phiếu để nhận thẻ cử tri, N. chia sẻ mẹ bị bệnh tim, cộng với thời tiết nắng nóng cùng nguy cơ nhiễm Covid-19 nên có thể mẹ N. sẽ không đi bỏ phiếu.

"Ừ, nếu mẹ bị bệnh tim và thời tiết nắng nóng thì có thể đi bỏ phiếu hộ mẹ cũng được", người cán bộ phản hồi, theo lời kể của N.

"Việc này là trái quy định pháp luật", N. nói.

"Ui giời, chuyện thường ấy mà, có ai để ý đâu", người cán bộ kia đáp lại.

Đến ngày bầu cử, N. vẫn chở mẹ đến đơn vị bầu cử để tự đi bầu.

N. là một trong ba cử tri nhân chứng không tham gia bầu thay bầu hộ cũng như chứng kiến bầu thay bầu hộ tại khu vực bầu cử. Lý do là khi đi bầu thì khu vực bầu cử không có ai ngoài anh và mẹ. N. nói nhiều người không quan tâm đến bầu cử cũng như các ứng cử viên.

"Lúc lấy xe, tôi có hỏi anh bảo vệ thì anh ấy nói là ‘Bầu bán cái gì, biết ai mà quan tâm’".

baucu3

Người dân đi bầu ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/5/2021. Ảnh : hcmcpv.org.vn.

Thiếu thông tin, người trẻ "bầu đại"

L. là một cử tri nhân chứng ở Bình Dương mà chúng tôi phỏng vấn. Đây là lần đầu tiên L. có cơ hội đi bầu nên anh nghiên cứu rất kỹ.

"Em thấy những cuộc tiếp xúc cử tri không được tuyên truyền rộng rãi mà chỉ mời những người lớn tuổi trong khu vực đó. Em phải chủ động gọi cho chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, em dò số trên niên giám, bác ấy mới chỉ qua cấp phường, em mới biết cuộc tiếp xúc diễn ra ngày nào, ở đâu", L. kể lại.

"Suốt buổi đó cũng không có gì bất ngờ. Các chương trình hành động khá là chung chung, khó mường tượng được họ đóng góp gì. Buổi đó em thấy có một người là chương trình hành động có cái sự chi tiết, còn những người khác nói những câu rất vô thưởng vô phạt, người trẻ cũng nói được".

Địa điểm bầu cử được tổ chức ngay trong khu ký túc xá nơi L. sinh sống. L. nhận định điểm bầu cử được tổ chức chỉn chu, tuy nhiên, số người tham gia khá ít.

"Các bạn đa số không hiểu lắm về các ứng viên. Họ chỉ bầu đại thôi chứ không bầu thay. Em không thấy ai quan tâm ngoại trừ hai bạn nữ. Em có chia sẻ thông tin để hai bạn đó ra quyết định, chứ nhiều bạn chọn cách không đi bầu luôn vì họ không nắm thông tin".

Tuy không tham gia hay chứng kiến bầu thay bầu hộ ở điểm bầu cử của mình, nhưng L. không xa lạ gì vì đã chứng kiến người thân mình ở tỉnh nhà bầu thay bầu hộ.

"Ở nhà thì ba em bầu thay cho mẹ em. Em cũng biết một số người quen ở tỉnh có đi bầu, nhưng họ cũng nói là ‘Bầu cho vui chứ có biết là ai đâu mà lựa chọn’", L. nói.

Để hiểu hơn về quá trình tổ chức bầu cử trong những năm qua, Luật Khoa liên hệ được với hai nhân chứng đặc biệt : một người từng trực tiếp tham gia quá trình tổ chức bầu cử và một người có người thân là người trong tổ bầu cử.

Định hướng bầu cử

C. là một cử tri nhân chứng đặc biệt. Tuy không tham gia vào cuộc bầu cử 2021 năm nay nhưng cô vừa là cử tri, vừa là người tham gia vào quá trình tổ chức bầu cử và kiểm phiếu trong kỳ bầu cử năm 2016.

"Mình là đoàn viên thành niên và cháu của bà tổ trưởng tổ dân phố. Nghiễm nhiên mình được gọi đi các buổi tiếp xúc cử tri, các buổi cần sự tham gia của thanh niên. Mình cũng ở trong tổ kiểm phiếu", C. cho biết.

C. kể lại cô được tham gia một buổi giao lưu gọi là "Cử tri trẻ với bầu cử", trong đó một đại diện bên Mặt trận Tổ quốc đến chia sẻ với một nhóm thanh niên về các quy trình, quy định về bầu cử.

"Điểm buồn cười nhất là chú ấy khẳng định đây không phải định hướng bầu cử, nhưng sau đó liệt kê ra năm người, rồi bảo ba người này sáng giá rồi hai còn lại thì một là trẻ quá, một là nữ […] Mình cảm nhận được mục tiêu của chú ấy".

Tình trạng định hướng bầu cử cũng có thể đã xuất hiện qua một hình thức khác. Trong kỳ bầu cử năm 2021, trên Facebook xuất hiện thông tin các học sinh trường THPT Quang Trung, Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ một bài viết có nội dung bất lợi về Lương Thế Huy, một ứng cử viên của quận Hà Đông.

Hình chụp màn hình từ các tin nhắn có một dòng ghi rõ : "Cán bộ lớp triển khai đến lớp chia sẻ nội dung này lên trang cá nhân của từng học sinh sau đó chụp ảnh báo cáo nhà trường".

Nhiều ảnh chụp màn hình được cho là từ nhiều tài khoản của học sinh kèm theo các dòng tin nhắn báo cáo : "Lớp 10d5 hoàn thành ạ" hoặc "10D4 nộp ạ".

Điều này đặt nghi vấn về việc các học sinh bị gây áp lực phải phát tán một thông điệp chính trị theo yêu cầu của nhà trường.

Định hướng bầu cử không chỉ xảy ra với các cử tri trẻ tuổi. M. ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết ở khu vực bầu cử của anh, mỗi gia đình được phát một tờ A3 gồm danh sách các ứng cử viên.

Mẹ của M. sau đó tham gia cuộc họp ở tổ dân phố và được định hướng gạch tên một số ứng cử viên.

"Mẹ mình gạch vào tờ A3 đó luôn cho đỡ quên khi đi bầu".

Gia đình M. không bầu thay bầu hộ, nhưng có chứng kiến người khác cầm nhiều lá phiếu bỏ vào thùng phiếu.

baucu4

Mẹ của nhân chứng M. đánh dấu sẵn vào danh sách ứng cử viên. Ảnh : Nhân chứng cung cấp cho Luật Khoa.

Phiếu không hợp lệ thành hợp lệ

Vào ngày bầu cử năm 2016, C. nói cô có chứng kiến nhiều người cầm hơn bốn lá phiếu trong tay (dù chỉ có bốn cấp bầu ở đơn vị bầu cử đó). C. không nán lại lâu vì cô không được giao nhiệm vụ hỗ trợ quá trình bỏ phiếu.

"Đến tầm tối, có một cô ở tổ bảo là ‘Tối nay C. qua hỗ trợ các cô nhé.’ Lúc đó mình mới nhận ra là ‘À thì ra mình trong nhóm đi kiểm phiếu’".

Quy trình phân loại phiếu, theo C. nhận định, là rất hiệu quả và nhanh chóng. Tổ kiểm phiếu khoảng hơn chục người, chia ra làm hai nhóm. Các lá phiếu ban đầu được phân loại theo màu sắc và sau đó đặt vào các rổ riêng biệt.

Những rổ này được phân loại theo cách lá phiếu được gạch. Ví dụ, phiếu với hai cái tên cuối bị gạch thì vào một rổ, phiếu với ba cái tên cuối bị gạch thì vào một rổ khác, phiếu bị gạch hoàn toàn, hoặc để trắng thì vào rổ phiếu không hợp lệ.

C. là người phụ trách rổ phiếu không hợp lệ này.

Sau đó, một người phụ nữ đóng vai trò như giám sát viên đến để thanh tra tổ bầu cử. Đúng lúc đó, một người phụ nữ khác trong tổ kiểm phiếu của C. bốc một nắm phiếu từ rổ của cô, tự gạch thêm rồi bỏ vào các rổ phiếu hợp lệ. Việc này diễn ra ngay trước mặt giám sát viên kia.

Copy of Phóng sự gian lận bầu cử

C. liền thắc mắc : "Cái này là phiếu không hợp lệ". Người phụ nữ trong tổ kiểm phiếu không trả lời, tiếp tục gạch tên.

Trong khi ấy, nữ giám sát viên đứng ngay đó và nói với C. : "Không phải chuyện của em".

"Mình nhớ lúc đó không ai phản đối. Mọi người khá là bận, không ai để ý gì".

C. cũng cảm nhận thấy có một nhu cầu phải đạt thành tích cao với mục đích để thể hiện sự đồng lòng, thống nhất.

"Tổ nào mà một giờ chiều đã bỏ phiếu xong hết thì sẽ rầm rộ là tổ mình hoàn thành chỉ tiêu. Sự hồ hởi này nó ngộ. Việc đạt chỉ tiêu rất là quan trọng. Bất chấp các lá phiếu có thực sự được bỏ từ cái người đó không hay một người đi bầu hộ hết. Họ có thể không quan tâm chất lượng tờ phiếu lắm, miễn danh sách cử tri từng này thì tôi cần từng này người đi hết. Làm xong sớm thì được về sớm".

T. là một trường hợp khác không bầu thay bầu hộ trong kỳ bầu cử năm 2021, tuy nhiên, anh và gia đình lại bầu thay bầu hộ vào năm 2016.

Nhận thức của T. về bầu cử ở Việt Nam cũng tương đối đặc biệt, nhất là sau khi chính bố anh từng tham gia tổ bầu cử ở Thái Nguyên vào kỳ bầu cử năm 2007.

"Bố tôi từng là bí thư ở cơ quan nhà nước, khi đó đã về hưu. Vì từng là bí thư nên thuộc thành phần đáng tin cậy. Bố tôi nói nhận được chỉ đạo miệng từ trên xuống là ‘Không được dưới 95%’ và các tổ bầu cử phải chủ động bằng cách cho thêm phiếu vào", T. nói.

"Nguyên văn bố tôi nói là ‘Họ phải nhồi thêm phiếu vào cho ông Mạnh", T. thuật lại. "Mất mấy năm sau đợt bầu cử đó ông ấy mới dám kể lại cho tôi".

Về những thông tin T. chia sẻ, Luật Khoa chưa có cơ hội kiểm chứng do nhân chứng trực tiếp là bố T. đã qua đời vào năm 2015.

baucu6

Cảnh kiểm phiếu ở xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 23/5/2021. Ảnh : Báo Hà Tĩnh.

Bầu thay bầu hộ có ở Hà Nội (muộn nhất là) từ năm 1997

Nếu quan sát thông tin trên các kênh truyền thông – báo chí Việt Nam hàng chục năm qua thì các vụ gian lận bầu cử là rất hy hữu. Có lẽ vụ việc một chủ tịch HĐND xã ở Hà Nội bị phát hiện đánh tráo 75 phiếu trong kỳ bầu cử năm 2021 là một trong số ít vụ việc gian lận được phát giác và xử lý công khai.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng gian lận bầu cử ở Việt Nam, cụ thể là bầu thay, bầu hộ đã diễn ra từ lâu, được một chuyên gia nước ngoài ghi chép lại từ hơn 20 năm trước.

Nhà nghiên cứu người Singapore David Wee Hock Koh đã có cơ hội quan sát cuộc bầu cử ở Hà Nội vào ngày 20/7/1997 và ghi chép tỉ mẩn trong quyển sách "Wards of Hanoi". Thời điểm đó, Luật Bầu cử 1997 đã quy định về việc "cử tri phải tự mình đi bầu" và không được nhờ người khác bầu thay, bầu hộ (proxy voting).

Tuy nhiên, ông Koh đã tận mắt chứng kiến nhiều người cầm hai đến ba thẻ cử tri tại một địa điểm bầu cử. Sau khi người này bầu xong (cho chính mình và hai ba người khác), quan chức bầu cử cũng thản nhiên đóng dấu cho tất cả thẻ cử tri mà người này cầm.

Trong một trường hợp cá biệt, ông chứng kiến một người phụ nữ cầm trong tay 8 lá phiếu khi đáng lẽ ra bà ta chỉ nên cầm một phiếu vì lúc đó chỉ có một cấp bầu là đại biểu Quốc hội.

"Bà ta đã được một trong những cán bộ tại bàn đăng ký đưa cho 8 lá phiếu mà không bị đặt một câu hỏi nào, mặc dù vị cán bộ này đã kiểm tra tất các thẻ cử tri [bà ta đưa] và đánh dấu vào danh sách cử tri đi bầu".

Sau khi truy hỏi thêm, ông nhận thấy đây là "một thực tế phổ biến ở tất các phường ở Hà Nội". Một người bạn Việt Nam từng theo dõi các cuộc bầu cử vào thập niên 1980 còn thừa nhận với ông Koh rằng ông ta chưa từng tự tay bỏ lá phiếu nào và không hề bị cán bộ phường quở trách hay trừng phạt.

Vào cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân năm 2004, nhiều người bạn Việt Nam của ông Koh cũng nói rằng họ sẽ không đi bầu vì "người nhà sẽ bầu thay họ".

Còn trong đợt bầu cử năm 1997, ông Koh cũng tự nhẩm tính : Nếu 37% tỷ lệ đi bầu của phường này tương đương 6.500 cử tri (dựa trên thông tin của quan chức quận vào thời điểm ông quan sát) thì sẽ là 2.405 cử tri trong 60 phút, tức khoảng 40 cử tri mỗi phút, tức 10 cử tri mỗi phút ở một trong bốn quầy bỏ phiếu. Tốc độ này có nghĩa quá trình bỏ phiếu của một cử tri chỉ tốn đúng 6 giây ! Trừ khi phường này cực kỳ năng suất trong việc đôn thúc cử tri đăng ký lấy phiếu, gạch tên và bỏ phiếu thì khó mà có thể loại bỏ khả năng bầu thay bầu hộ.

Tính sơ qua, ông Koh ước lượng cứ 5 cử tri thì 1 người sẽ bầu thay bầu hộ. Nếu như vậy, bầu thay bầu hộ chiếm khoảng 20% tỷ lệ cử tri tham gia. Do đó, tỷ lệ tham gia đi bầu thực sự của Việt Nam vào năm 1997 chỉ là 79% – khá tương đồng với tỷ lệ thực ở các kỳ bầu cử của Liên Xô cũ, ông Koh nhận định.

Việc cho phép bầu thay bầu hộ là một cách để nhanh chóng đạt tỷ lệ đi bầu cao. Nhiều cử tri chọn cách ở nhà khi "họ tin rằng việc tự đi bầu cũng không tạo ra sự khác biệt vì cho rằng đã có sự chọn lọc từ trước và lựa chọn giới hạn giữa các ứng cử viên". 

Đáng chú ý, ông Koh thậm chí đề cập rằng tình trạng bầu thay bầu hộ đã diễn ra từ trước năm 1989. Ông dẫn nguồn một bài báo trên báo Hà Nội Mới vào năm 1989 có tiêu đề "Cuộc bầu cử có đảm bảo dân chủ hay không, quyết định ở bước Hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò chính" về cuộc phỏng vấn với Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội Bùi Mạnh Trung.

Tiếp tục với số liệu, vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992, tính đến 12 giờ trưa ngày bầu cử, một loạt tỉnh thành đã đạt tỷ lệ đi bầu cao : 75% ở Hà Nội, 75% ở Hải Phòng, 87% ở Thừa Thiên – Huế, 95% ở Khánh Hòa, v.v.

Với số lượng phiếu lớn như thế và từ cách thức tổ chức tại thời điểm đó, ông Koh nhận định chuyện này là "hoàn toàn không thể trừ khi cử tri di chuyển như cá hộp trong dây chuyền sản xuất". Dựa trên số liệu từ truyền thông nhà nước, nếu tính toán kỹ thì sẽ thấy cử tri chỉ cần hai giây để bỏ phiếu xong trong giờ bỏ phiếu đầu tiên.

Dân số Việt Nam vào năm 1997 là khoảng 77 triệu người và vào năm 2021 là khoảng 98 triệu người. Nhưng tỷ lệ đi bầu tính tới giữa ngày bầu cử sau 24 năm tiếp tục đạt mức cao mới. Theo báo Quân đội Nhân dân, tính đến trưa 23/05/2021, ngày diễn ra kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Điện Biên đã đạt 85% tỷ lệ bầu, còn Quảng Ninh đạt 84%.

Nếu như quan sát của nhà nghiên cứu David Wee Hock Koh cho một góc nhìn lịch sử về quy trình bầu cử ở Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2004, đặc biệt về tình trạng bầu thay bầu hộ ở Hà Nội thì lời kể của các cử tri nhân chứng của Luật Khoa tái khẳng định tình trạng bầu thay bầu hộ vẫn tiếp diễn một cách có hệ thống và bài bản ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Giải pháp là cần tuyên truyền nhiều hơn ?

Bài báo "Một người đi bỏ phiếu thay cả nhà : Vô trách nhiệm với bản thân, đất nước" đăng ngày 20/5/2021 trên VTC gián tiếp thừa nhận tình trạng bầu thay, bầu hộ trên cả nước.

Trong bài báo, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói : "Nếu xảy ra tình trạng này thì chính tổ bầu cử tạo điều kiện cho cử tri làm sai chứ không phải họ tự nhiên làm sai được".

Trong khi đó, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì cho rằng lý do chính vẫn là ý thức trách nhiệm của người dân, kèm theo bệnh thành tích và nể nang của đơn vị tổ chức.

Ông khẳng định tình trạng này chỉ xảy ra ở vùng sâu vùng xa, còn tại các thành phố lớn như Hà Nội thì việc tổ chức tốt hơn "do có sự giám sát của các cơ quan cấp trên thường xuyên hơn, ý thức của các đồng chí ở các tổ cũng cao hơn".

Tuy nhiên, phần lớn vụ việc bầu thay bầu hộ mà Luật Khoa thu thập được đều xảy ra trong khu vực nội thành thủ đô Hà Nội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cũng khẳng định nguyên do là người dân không hiểu đúng quyền và nghĩa vụ của mình. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng thì cho rằng hiện nay pháp luật chưa có chế tài để xử lý bầu thay bầu hộ, nên biện pháp xử lý khả quan nhất là đẩy mạnh tuyên truyền đến từng cử tri để nâng cao ý thức.

Ông Túc cũng nói thêm rằng ngoài tuyên truyền, cần có sự đôn đốc, giám sát.

Nhưng liệu việc tuyên truyền cho người dân, giám sát tổ chức đã đủ để ngăn chặn tình trạng bầu thay, bầu hộ ? Các vấn đề định hướng trước bầu cử, chỉnh sửa lá phiếu hậu bầu cử do chính người của Mặt trận và các đơn vị bầu cử làm thì xử lý như thế nào ?

Nếu thực tế tình trạng bầu thay, bầu hộ, bầu mù và thao túng lá phiếu trước và sau bầu cử đã diễn ra từ nhiều năm nay, vậy bao nhiêu trong số những người đang là đại biểu Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân ? Đây là câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Luật Khoa đã liên hệ với Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua thư điện tử chiều ngày thứ Hai, 19/7/2021 để phỏng vấn nhưng cho đến chiều thứ Ba, 27/7, vẫn chưa nhận được hồi âm, ngoại trừ một thư báo lỗi kỹ thuật từ hộp thư Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser. của Quốc hội đề ngày 24/7, tức năm ngày sau khi chúng tôi gửi email.

Nguồn : Luật Khoa, 27/07/2021

Published in Diễn đàn

Người Việt Nam trong nước quan tâm đến bầu cử nước Mỹ còn hơn bầu cử nước mình, đó là một hiện thực. Bởi vì cuộc tranh cử nước Mỹ hấp dẫn và khó đoán, bởi vì tổng thống Trump nhen nhúm cho người Việt hy vọng kháng cự lại với Trung quốc nghênh ngang thoải mái ngoài Biển Đông.

ungho1

Trưa ngày 3/11, một chiếc xe Ford Escape xuất hiện trên đường Sư Vạn Hạnh Thành phố Hồ Chí Minh với cờ và băng rôn ủng hộ tổng thống Donald Trump thắng cử

Và cũng bởi một sự thật đau đớn nhục nhã mà người Việt đang cố giả vờ say sưa với cuộc bầu cử nước Mỹ để tìm quên, đó là người Việt không có quyền chọn Tổng thống cho mình.

Người Việt đã không thể cầm trong tay lá phiếu đích thực kể từ khi chế độ độc tài toàn trị áp đặt lên đất nước Việt Nam. Mặc dù cái quyền bầu cử ghi rành rành trong hiến pháp nhưng người Việt chưa bao giờ được sử dụng nó một cách thật sự.

Nói ra cứ như một sự cay cú báng bổ vào các vị lãnh đạo vì nước vì dân kia… nhưng thật đấy, thật 100%, các bạn cứ gặp thẳng một người dân bất kỳ để hỏi xem họ có bầu cho ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư, làm chủ tịch nước không, khi nào và ở đâu chuyện ấy xảy ra, đố ai biết có thằng nhân dân nào ở đấy không.

Rồi các ông ấy có tranh cử, có thuyết trình, có tranh luận như ông Trump và ông Bai-Đần hay không ?

Nói ra thấy buồn cho đất nước cho dân mình như một bầy cừu dưới cái roi của Đảng, cứ mỗi 5 năm lại được ngắm những băng rôn, khẩu hiệu giăng khắp nơi "sáng suốt lựa chọn người tài đức" rồi "bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân", nhưng tất cả đều là những trò hề giễu cợt như những tượng đài trăm tỷ nghìn chế giễu dân nghèo càng ngày càng mọc ra như nấm sau mưa.

"Có thật người Việt Nam lo cho nước Mỹ hơn nước Việt ?" là chủ đề mà Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đặt ra và bình luận trên Facebook cá nhân của mình. Ông viết :

"Từ mấy tháng trước, hàng triệu người Việt Nam đã dành nhiều thời gian và tâm trí cho bầu cử Tổng thống Mỹ. Càng đến gần ngày bầu cử thì sự quan tâm của người Việt đến bầu cử Tổng thống Mỹ càng gia tăng. 3 ngày hôm nay thì cả chục triệu người Việt Nam mất ăn mất ngủ vì bầu cử Tống thống Mỹ. Và sự mất ăn mất ngủ của hàng triệu người Việt Nam vì bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ còn kéo dài nhiều ngày nữa.

Không chỉ mất ăn mất ngủ, mà bầu cử Tổng thống Mỹ còn gây chia rẽ trong xã hội người Việt. Sự chia rẽ xẩy ra không chỉ ở nước diễn ra bầu cử là Mỹ, mà sự chia rẽ diễn ra ngay tại Việt Nam. Chia rẽ không chỉ ở mức tranh cãi, mà đến cả mức hủy bỏ bạn bè.

Sự chia rẽ sẽ còn hằn sâu ít nhất là thêm 4 năm nữa cho đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.

Ở Việt Nam, hiện có nhiều cuộc bầu cử. Hết ngày này sang ngày khác, hết tỉnh này sang tỉnh khác đang diễn ra các cuộc bầu cử. Bầu cử diễn ra bất chấp các cơn bão giật cấp 10-12, bất chấp các cơn lũ lịch sử nước ngập mái nhà, bất chấp các trận sụt lở kinh hoàng cướp đi nhiều mạng sống. Đó không phải các cuộc bầu cử hội đoàn. Đó là các cuộc bầu cử chọn người đứng đầu một tỉnh – quyết định sự giàu sang của cả triệu cư dân trên địa bàn tỉnh. Còn sắp tới là cuộc bầu cử liên quan đến vận mệnh của cả 100 triệu dân Đất Việt.

Thế mà tại sao người Việt lại ít quan tâm đến bầu cử ở nước mình ? Có phải người Việt lo cho nước Mỹ hơn nước Việt ?

Đây là những câu hỏi mà ai trong chúng ta cũng cần phải tìm ra câu trả lời. Nhất là ở vị trí lãnh đạo – từ cấp xã cho đến cấp trung ương thì càng phải trả lời.

– Đó có phải là vì ở Việt Nam người thắng cử có số phiếu bầu trúng cử 100% ?

– Đó có phải là vì ở Việt Nam người thắng cử bởi vì chỉ có 1 người duy nhất để bầu chọn ?

– Đó có phải là vì ở Việt Nam người thắng cử được định đoạt trước khi bầu cử diễn ra ?

– Đó có phải là vì ở Việt Nam việc bầu cử chỉ là thủ tục hợp pháp hoá cho một quyết định trước đó ?

– Đó có phải là vì ở Việt Nam bầu cử không liên quan đến số đông hàng chục triệu cử tri ?

– Đó có phải là vì ở Việt Nam người thắng cử chưa đưa lại được những thay đổi có lợi lớn lao cho đa số dân chúng ?

ungho2 (2)

Luật sư Lê Công Định phải bộc lộ cụ thể là mình ủng hộ tổng thống Trump để tránh việc bị phe cuồng Trump công kích

Có thể nối dài các câu hỏi tương tự. Đó là cách tốt nhất để trả lời tại sao người Việt Nam chưa quan tâm đến bầu cử ở Việt Nam như quan tâm đến bầu cử Tổng thống Mỹ.

Nhưng mọi sự đều có nguyên do. Người Việt Nam quan tâm đến bầu cử Tổng thống Mỹ cũng là vì Việt Nam.

Ai trở thành Tổng thống Mỹ là quyền của cử tri Mỹ. Nhưng ai trở thành Tổng thống Mỹ mà có lợi hơn cho người Việt Nam thì người Việt Nam ủng hộ người đó nhiều hơn.

Nhưng người Việt Nam mất ăn mất ngủ vì bầu cử Tổng thống Mỹ chính còn vì một nguyên nhân khác nữa. Đó là ước mơ. Đợi chờ một ngày Việt Nam có cuộc bầu cử mà toàn dân mất ăn mất ngủ". Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nêu quan điểm.

Có thể nói sự quan tâm của người dân Việt Nam đối với cuộc bầu cử ở nước Mỹ là hơn hẳn rất xa so với các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Người Việt xem bầu cử Mỹ mà hồi hộp không thua gì xem giải bóng đá thế giới World Cup.

"Chu choa mạ ơi – coi bầu cử mà nó đau tim hồi hộp còn hơn chuẩn bị nhận lời cầu hôn vậy" FB Chua Chua My, một cô gái xinh đẹp ở lứa tuổi ngoài 20 đưa ra lời bình luận.

ungho3

Ông Bùi Văn Cường (bìa phải) người bị tố cáo đạo văn luận án tiến sĩ đến 70% nhưng vẫn tái đắc cử chức bí thư tỉnh Đắc lắc với 100% lá phiếu trong cuộc bầu cử chỉ có 1 ứng cử viên duy nhất là chính ông

Fanpage Cô bé Cát Linh ở Hà nội, cũng là một cô gái trẻ, đưa ra lời bình luận :

"Nhảy vô Facebook của Trump. Ông này đang livestream kêu gọi người dân ủng hộ mình, và thuyết phục người dân đi bầu cử.

Nhảy sang Joe Biden, ứng viên đang chạy đua vào Nhà Trắng với Trump. Đang nói đến khản cổ để người dân bỏ phiếu cho mình. Đang thề thề hứa hứa với cử tri…

Hai ông này dìm nhau như chưa bao giờ được dìm. Thể hiện mình như chưa bao giờ được thể hiện. Xem hai bên cũng vui.

Từ qua tới giờ thì bạn bè khắp nơi cũng nhắn tin quá trời vì bầu cử ở "Mỹ". Lạ lắm luôn.

Trong suốt cuộc đời còn lại không biết mình có được ai THUYẾT PHỤC để đi bỏ phiếu không nữa. Mà bỏ phiếu điện tử chứ không bỏ vào thùng đổ ra đếm nhá !!! Không biết có ai đưa ra những kế sách cho quốc gia để thuyết phục mình không nữa.

Bầu cử Tổng thống Mỹ thôi mà cả thế giới cãi nhau um tỏi. Bao giờ tổng thống nhà mình mà cãi nhau như vậy thì mới đáng quan tâm nhỉ !?" - cô bé Cát Linh nhận xét.

Theo dõi bầu cử nước Mỹ vì cảm tình với ông Trump, vì sự gay cấn của một kết quả khó dự báo, vì báo đài truyền thông và mạng xã hội liên tục đưa tin, khiến cho đa số người Việt đều bị lôi cuốn.

Tuy nhiên, giới Luật sư và nhà báo thì đa phần cảm thấy một sự thua thiệt mất mát rõ ràng của người dân Việt Nam đã gần trăm năm nay ở tình thế "Đảng cử dân bầu", việc tranh cử và vận động bầu cử công khai là tuyệt nhiên không có dưới chế độ độc đảng toàn trị.

Từng có ý kiến đòi hỏi sự dân chủ công khai trong nội bộ Đảng mỗi kỳ bầu bán, tuy nhiên các vị lãnh đạo Đảng hầu như cũng không cần đối đáp, không cần trả lời trả vốn gì cho ý kiến này của nhân dân.

Bởi thế mới có những danh từ có tính mỉa mai như "bầu bán", "chia ghế" để nói về bầu cử trong Đảng và cũng chính là sự quyết định các chức danh lãnh đạo cao nhất của nhà nước Việt Nam, mà nhân dân không bao giờ có cơ hội can dự.

ungho4 (2)

Cuộc tranh cử giữa Trump và Biden luôn gay cấn và chắc chắn sẽ có một kết quả sít sao

Một bài viết có tựa đề hơi lạ – MỘT DÂN TỘC ĐÓI KHÁT – của bác sĩ Võ Xuân Sơn, nhằm diễn tả sự đói khát quyền bầu cử của người dân Việt khi nhìn vào nước Mỹ.

"Bạn đã bao giờ ngồi ăn mà có cả đám đứng nhìn bạn ăn mà thòm thèm, thậm chí có đứa chép miệng, xuýt xoa chưa ?

Đã mấy chục năm nay, tôi không gặp lại cảnh ấy. Hoặc có thể chuyện ấy vẫn xảy ra mà tôi không hề nhận thấy, do tôi quá bàng quang với thế giới quanh mình. Dân Việt Nam bây giờ không còn nhiều người phải thiếu thốn đồ ăn đến mức đi nhìn miệng người ta ăn nữa. Ngay cả những gia đình bị bão lũ cô lập, cũng đã được những cô Tiên, những nhà hảo tâm mang đồ ăn đến tận nơi.

Thế nhưng ngày hôm nay, 4/11/2020, giờ Việt Nam, thì tôi lại thấy cảnh đó, suốt cả ngày. Tôi nhận thấy, không phải chỉ một đám người, mà là gần như cả một dân tộc, đang đói khát, và đang hau háu, đang lom lom dòm người ta no nê, phủ phê.

Tôi nhìn thấy dân Việt Nam hào hứng với cuộc bầu cử ở tận bên Mỹ. Đúng rồi, sự tự do bầu cử, tự do bình luận, tự do biểu cảm chính là thứ mà dân tộc này đang đói khát. Và dân Mỹ đang no nê.

Sự thèm khát được quyền tự mình chọn lựa người lãnh đạo đất nước của mình, sự khát khao được bình luận thoải mái về những người sẽ và đang lãnh đạo đất nước mình, sự đói khát hình ảnh một lãnh đạo dám đối đầu với Tàu cộng, đã khiến hàng chục triệu dân Việt Nam trở thành những kẻ hau háu, lom lom dòm vào miệng người ta, khi người ta đang thưởng thức bữa tiệc tự do, dân chủ của họ.

Thương thay cho một dân tộc đang đói khát", bác sĩ Võ Xuân Sơn bộc lộ cảm xúc.

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh thì nói ngay rằng mình đã 40 tuổi mà chưa đi bầu cử lần nào. Ông viết :

"Tôi gần 40 tuổi, mà thật lòng là chưa từng đi bầu cử lần nào. Nhiều bạn bè của tôi, cũng không đi bầu vì không tin kết quả.

Mà thật ra, danh sách để cho dân bầu, ai cũng "tài đức" như nhau. Cho dù ai lên hay xuống, cũng vô địch muôn năm 100%. Bầu cử ở mình anh nào cũng 100%, cũng như tỷ lệ học sinh xuất sắc 100% dù có em lên lớp 2 chưa biết chữ, cũng như cả nước ta là khu phố văn hóa nhưng mở cửa ra là đạp cứt chó, gia đình văn minh có con chém mẹ và đường phố an toàn đang lái xe thì bị nước miếng phun vô mặt…

Mấy năm nay, thấy dân mình quan tâm bầu cử ở Mỹ, thấy buồn quá. Người ta chọn ông Trump vì người ta cuồng ổng, người ta chọn ông Biden vì người ta… ghét ông Trump- chớ không phải vì cuồng ông Biden. Dân mình quan tâm bầu cử nước Mỹ, cũng như như cái cách yêu/ghét Trump vậy, họ chán cái tỷ lệ 100% giả dối nên con tình cảm đặt tuốt bên Mỹ – dù ông nào lên thì ổng cũng vì nước Mỹ chứ quan tâm gì xứ mình !

Thôi đi ngủ. Ông Biden hay ông Trump làm tổng thống, thì nước Mỹ vẫn vĩ đại.

Cũng như nước mình, ai lên thì cũng vô địch muôn năm". Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra lời tâm sự.

Luật sư Phạm Công Út cũng kể trên Facebook rằng ông chưa từng đi bầu dù nay đã 60 tuổi.

"Xưa giờ tôi không nói chuyện chính trị, chính em. Nhưng nay nhân dịp bầu cử Tổng thống bên Hoa kỳ nên tôi mới có sự so sánh đối chiếu nho nhỏ của mình sau 60 năm cuộc đời", ông viết.

"Tính ra nay đã 45 năm, tính kể từ sau 30/4/1975, tôi chưa từng cầm cái thẻ cử tri để đi bỏ phiếu cho chính quyền các cấp. Có lẽ tôi tin tưởng tuyệt đối về sự lãnh đạo của đảng nên bầu hay không cũng chỉ là hình thức vô dụng thì đi bầu để làm gì cho mất thời gian. Vì đảng đã chọn ai thì hầu như mặc định, không cần lá phiếu của người dân làm chi để mắc công… kiểm phiếu, người đó cũng sẽ đậu.

Có lẽ vì thế mà dù cho tôi không đi bầu thì địa phương của tôi cũng đạt thường là 98,98% số cử tri đi bầu trở lên. Hỏi ra thì mới biết, có mấy ai đi bầu đâu mà đạt số cử tri đi bầu cực lớn như thế ?

Phường xã tới tận nhà lúc cuối giờ hối thúc đi bầu, cả nhà đưa cả chục thẻ cử tri cho một người để người đó muốn bầu ai thì bầu. Vì tin là đảng đã sắp xếp cả rồi.

Có nhà, ai cũng bận rộn, phường xã gom hết thẻ cử tri của cả nhà để… bầu thay. Thôi thì họ làm gì cũng được. Vì đảng đã chọn thì ai mà cãi lại.

Chỉ có nội bộ của họ có thể vì giành ghế mà đấu nhau quyết liệt, nhưng tôi chưa từng thấy vụ án hình sự nào về hành vi gian lận bầu cử đã nổ ra, cho dù nội bộ những nơi bầu bán nổ vào nhau còn hơn tiếng súng ran trời.

Tất nhiên, người ngoài đảng đừng mơ việc tự ứng cử vào một chức vụ ở một ghế chính quyền nào đó. Chỉ có thể họ có một cái lý lịch đỏ chót, chẳng qua là để đó, từ từ kết nạp đảng sau mà thôi". Luật sư Phạm Công Út bộc bạch.

ungho5

Người Mỹ gốc Việt ở Little Saigon ủng hộ ông Trump

Luật sư Lê Quốc Quân ở Hà nội thì đưa ra dòng trạng thái tóm tắt một số kết quả bầu cử 100% ở Việt Nam rằng "Đông Lào thắng lớn, mỗi vị trí có một ứng viên" :

Ông Bùi Văn Cường tái đắc cử chức bí thư tỉnh Đắc lắc với kết quả 100% phiếu bầu.

Ông Dương Văn Thái trúng cử bí thư tỉnh Bắc Giang với 100% phiếu thuận.

Ông Hoàng Trung Dũng trúng cử bí thư Hà Tĩnh với 100% phiếu tín nhiệm.

Ông Vương Đình Huệ tái đắc cử bí thư Hà nội với 100% số phiếu.

Rồi các tỉnh Hà Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Điện Biên… đều có số phiếu 100% trúng cử cho một ông hay bà bí thư nào đó.

Phải công nhận rằng Việt Nam vô địch thế giới về khoản cái khoản bầu cử này". Luật sư Lê Quốc Quân chua chát bình luận.

Trung Nam (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 08/11/2020

Published in Diễn đàn