Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

07/12/2020

Tưởng nhớ Hoàng Hải Thủy

Phạm Trần - Nguyễn Đình Toàn

Nhà văn Hoàng Hải Thủy đã ra đi

Phạm Trần, 07/12/2020

Nhà văn nổi tiếng Hoàng Hải Thủy đã ra đi vào lúc 23g20 ngày 06/12/2010 tại bệnh viện Inova Fairfax Hospital (bệnh viện Fairfax) sau một cơn bạo bệnh, hưởng thọ 88 tuổi.

Trước đó, phu nhân của ông, bà Elise Đỗ Thị Thủy cũng đã mệnh chung ngày 28/12/2018, hưởng thọ 88 tuổi.

hht1

Nhà văn Hoàng Hải Thủy và phu nhân, bà Elise Đỗ Thị Thủy

Nhà văn Hoàng Hải Thủy, tên thật là Dương Trọng Hải,
sinh năm 1933 tại Hà Đông

Ông còn mang các bút hiệu khác như : Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn, v.v…

Nhà văn bỏ Hà Nội vào miền Nam năm 1951 và đã trải nghiệm cuộc đời qua nghề làm báo : phóng viên nhật báo Ánh Sáng Sài Gòn, Phòng 5 Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng Hòa, phóng viên nhật báo Sài Gòn Mới, thư ký sở viện trợ Mỹ. Bên cạnh nghề phóng viên và viết báo, Hoàng Hải Thủy còn viết tiểu thuyết từ năm 25 tuổi xuất bản và đăng báo. Trước ngày miền Nam bị quân cộng sản miền Bắc chiếm 30/04/1975, Hoàng Hải Thủy còn là một trong số biên tập viên, chuyên về dịch thuật cho Cơ quan USIS (Sở Thông tin Hoa Kỳ) ở Sài Gòn.

hht2

Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà 78/5 đường Mayer, mới đổi tên là đường Hiền Vương, Tân Định, Sài Gòn, Năm 1957.

Theo báo mạng Chutluulai.net, Nhà văn Hoàng Hải Thủy ở lại Việt Nam sau 1975 và bị bắt giam 2 năm (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ và bài viết sầu buồn ra nước ngoài. Tháng 5/1984, ông bị bắt lần thứ hai cũng vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài. Trong lần bị bắt thứ hai này, ông bị đưa ra tòa và bị kết án 6 năm tù giam. Mãn hạn tù, năm 1990 trở về Sài Gòn. Năm 1994 ông được Tòa lãnh sự Hoa Kỳ bảo lãnh sang Mỹ tị nạn theo diện HO, và định cư tại thành phố Falls Church, bang Virginia cho đến nay.

Các tác phẩm đã xuất bản trước 1975 :

Vũ nữ Sài Gòn, Tây đực Tây cái, Nụ hôn tử biệt (tái bản với tên Đêm vĩnh biệt), Nổ như tạc đạn, Yêu lắm cắn đau, Bạn và Vợ, Môi thắm nửa đời, Người vợ mất trí, Định mệnh đã an bài, Kiều Giang (phóng tác từ tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Bronte), Gái trọ, Đỉnh gió hú (phóng tác từ Wuthering Heights), Như chuyện thần tiên (Scoprion Reef), Điệp viên 007 (phóng tác), Thầy Nô (phóng tác từ Dr. No), Máu đen Vàng đỏ (phóng tác)…

Các tác phẩm đã xuất bản sau 1975 :


Công ty rửa tiền (The Firm), Mang xuống Tuyền đài (The Chamber), Báo cáo Bồ nông (The Pelican Brief), Tiếng kêu của máu (The Red Dragon), Mùa hạ hai mươi, Những tên biệt kích cầm bút, Dữ hơn rắn độc …

Các bài bình luận, phiếm luận :

Mai sau…, Nếu có bao giờ, Nhắc chi ngày xưa đó…, Chìm trong lãng quên, Sài Gòn và phụ nữ Việt trong phim Người Mỹ Thầm Lặng, Đọc Chùa Đàn Xem Mê Thảo, Còn gốc mất gốc, Mưa cầm, gió bắt, thép đợi, gang chờ…

Nhà văn và nhà báo Hoàng Hải Thủy là một người điềm đạm nhưng có sức sáng tác nhanh và dồi dào. Ông đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm phóng tác từ các tiểu thuyết nước ngoài thuộc loại băng đảng xã hội đen.

Phạm Trần (tóm lược)

là một trong số bạn làm báo với Hoàng Hải Thủy

07/12/2020

                                 *************

Hoàng Hải Thủy

Nguyễn Đình Toàn, VietTide, số 389, 31/12/2008

Hoàng Hải Thủy là một trong những nhà văn đã nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông nổi tiếng trước nhất như một người viết phóng sự, sau đó, như một dịch giả và một người viết tạp văn.

hht3

Từ tạp văn ở đây hiểu theo nghĩa, gặp gì viết nấy, trộn lộn cả phóng sự, văn chương, trích dẫn thi ca, âm nhạc, những ngôn ngữ do ông sáng tạo, bịa đặt ra.

Cái cách viết của ông có thể có nhiều người không thích. Nhưng khi người ta nói không thích cách đùa cợt trớt nhả của ông, có nghĩa là người ta đã đọc ông rồi.

Có phải như vậy chăng ?

Phải công nhận rằng, tất cả những gì Hoàng Hải Thủy viết, đều có một sức hấp dẫn, dù nó được ký tên Hoàng Hải Thủy hay Công Tử Hà Đông. Đang viết bình thường, ông thêm vào một chữ "vưỡn", "em vưỡn yêu anh, mí nị em thơm như múi mít". Trong ngôn ngữ miền Bắc của chúng ta, hai từ "mí nị", cũng có người nói là "mí lỵ" là hai tiếng "mới lại" được phát âm trẹo đi. Hoặc, những tiếng "ê, a" không có nghĩa gì, nhấn mạnh vào những chữ ấy chỉ để chê bai, chọc quê. Nghe một người con gái nói : "Em vưỡn yêu anh" thì có lẽ không anh nào dám tin đó là sự thật. Cái phần sự thật có thể có đó, so với cái phần sự thật có thể không trong câu nói nghiêm chỉnh hơn "Em vẫn yêu anh" có gì khác.

Các bông đùa của Hoàng Hải Thủy luôn ở trên lằn ranh vui buồn, thật giả đó.

Đọc "Sống và Chết ở Sài Gòn" người ta được biết những chuyện liên quan tới một số văn nghệ sĩ, trí thức, như Vũ Hoàng Chương, Thượng tọa Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thanh Nam, Vũ Bằng, Duyên Anh, Thái Thủy, Mai Thảo, Trịnh Viết Thành, Hoàng Anh Tuấn, Uyên Thao... về Trại giam Phan Đăng Lưu, nơi Hoàng Hải Thủy đã trải nhiều năm tù.

Chương Hoàng Hải Thủy kể lại những năm tù ở Trại Phan Đăng Lưu với nhiều tù nhân khẳng khái được Nhà văn Đặng Trần Huân coi là một chương tuyệt tác.

Người ta nhớ lại những năm sau 1975, hầu hết các văn nghệ sĩ ở Sài Gòn cũ, đều bị bắt giam.

Hoàng Anh Tuấn sau khi được thả, đã được thân nhân bảo lãnh ra khỏi nước. Hoàng Hải Thủy có mấy câu thơ gửi Hoàng Anh Tuấn được các bằng hữu của ông thỉnh thoảng nhắc lại :

Hai chuyến xe hoa về đất mẹ,

Bây giờ xa-lộ sáng đèn chưa ?

Ở đây thì chán, đi thì nhớ,

Sài Gòn mưa mà Mỹ cũng mưa.

Hẳn nhiều người đều biết Hoàng Anh Tuấn ngoài việc làm thơ còn là một đạo diễn điện ảnh. "Hai chuyến xe hoa" "Đất mẹ" và "Xa lộ không đèn". Hoàng Hải Thủy nhắc trong bài thơ tên những cuốn phim Hoàng Anh Tuấn đã thực hiện.

Sống và Chết ở Sài Gòn được viết theo kiểu tùy hứng, nhớ đến đâu viết đến đấy.

Chương ông viết về việc ông bỏ lỡ chuyến di tản năm 1975 là một chuyện cười ra nước mắt.

Khi đó, Hoàng Hải Thủy đang làm việc cho USIS tức Sở Thông tin Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Trước ngày 30/4 ông Giám đốc USIS cho biết sẽ cho nhân viên đi nhưng con trai các nhân viên phải dưới 17 tuổi mới được đi theo bố mẹ. Nhân viên phàn nàn, ông nói ông phải làm theo lệnh của chính phủ Việt Nam, không thể làm trái luật pháp, cũng không thể nhận diện em nào trên hay dưới 17 tuổi. Ngay lúc đó Hoàng Hải Thủy thật thà không hiểu câu nói của ông Giám đốc Alan Carter, ý ông muốn bảo "các anh cứ khai các con anh 16 tuổi chứ tôi có cần các anh chứng minh đâu". Y hệt như câu thơ của T.T.K.H, "đến khi tôi hiểu thì tôi đã" muộn mất mấy chục năm rồi.

Trong cuốn sách Hoàng Hải Thủy có nhắc đến cái chết của các nhà văn Vũ Bằng, Nguyễn Mạnh Côn, nhà báo Minh Vồ, nhiều chi tiết về những năm đen tối, khốn khổ sau 1975 mà người dân miền Nam đã phải trải qua.

Được biết cuối năm 2002 Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội đã cho xuất bản cuốn "Hai mươi nhăm năm một vùng tiểu tuyết" ý muốn nói tiểu thuyết ở miền Nam, nội dung đề cập tới tiểu thuyết miền Nam từ 1887 tới Hồ Biểu Chánh rồi nhẩy vọt qua tiểu thuyết từ 1975 đến 2000 đề cao những tác giả cộng sản, nhất là các tác giả từ miền Bắc vào. Tất cả văn học miền Nam (từ 1954-1975) không có một dòng.

Nhà văn Đặng Trần Huân viết : "Với chủ trương rõ ràng của nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam hiện nay như thế, thử hỏi nếu không có những bộ sách như Văn Học Miền Nam của Võ Phiến hay những tạp bút như Sống và Chết ở Sài Gòn thì sau này lấy đâu ra tài liệu về văn học và đời sống của văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hòa ? Ta phải cám ơn Võ Phiến, cám ơn Hoàng Hải Thủy đã giúp ta tài liệu để còn nhớ không quên những văn nghệ sĩ một thời sáng chói, dù nhớ cách nào đi chăng nữa".

Các văn nghệ sĩ của chúng ta sống ở miền Nam trước 1975, cho đến nay, đã mất đi nhiều lắm. Người chết trong tù, chết trong nước, người chết già, chết bệnh, người chết nơi xứ lạ, quê người, số còn lại e rằng ít hơn số đã mất.

Và, trong số những người còn lại, Hoàng Hải Thủy là người duy nhất cho đến nay vẫn viết và viết được một cách đều đặn. Cách viết của ông gần như không có gì thay đổi, pha trộn văn chương với phóng sự, nửa đùa, nửa thật. Nhưng với cái nhìn sâu sắc của người đã ở ngoài cái tuổi "cổ lai hy", đọc ông, người ta có cảm tưởng mọi sự trên đời đều hình như lúc nào cũng có hai mặt, một mặt bi thương và một hài hước.

Nói đến mọi sự trên đời, bởi vì, Hoàng Hải Thủy đề cập tới rất nhiều chuyện trong các bài viết của ông, bằng hữu, nghề nghiệp, kỷ niệm, tình yêu, chính trị, thời sự, tù đầy, cảm khái trước cái đẹp của thiên nhiên, thời tiết, kiếp sống tha hương.

Loạt bài mới nhất của ông cho đăng trên các báo chí gần đây, những phê phán chua chát của ông đối với chế độ cộng sản, sách báo của các tác giả ở trong nước và những người ông cho là đến bây giờ vẫn còn bị cộng sản mà mắt, được rất nhiều người đọc. Dù có cùng quan niệm với ông hay không, người ta vẫn thấy ở ông một tấm lòng thiết tha với đất nước, yêu cái đẹp, yêu sự thật.

Tập Đất Hồ Ngàn Năm của Hoàng Hải Thủy cho xuất bản mới đây gồm tám đoản văn : Huyền thoại Vương Chiêu Quân, Giang Tả cầu hôn, Rồng nằm, ngựa chạy, Sự tất như thử, Trăm năm binh lửa, Thơ và sự khốn cùng, Mơ ngày về vẽ lông mày, Thiên Long tình sử.

Hoàng Hải Thủy cho biết ông bắt chước ông Lê Quý Đôn ghi lại những chuyện hay hay đọc được cùng với những suy luận, những nhận xét của mình.

Qua cuốn sách người ta được biết thêm một Hoàng Hải Thủy rất yêu thơ, đọc rất nhiều thơ Đường, dịch nhiều thơ Đường và còn có thể làm thơ bằng chữ Hán nữa.

Đoản văn về "Thơ và sự cùng khổ" của Hoàng Hải Thủy gây nhiều xúc động trong lòng độc giả. Hoàng Hải Thủy viết đoản văn này sau khi đọc một bài thơ của Nguyễn Du trong "Bắc Hành thi tập", chắc Nguyễn Du đã sáng tác trong chuyến đi sứ sang Bắc Kinh và qua nơi có ngôi mộ Đỗ Phủ.

Thi hào Đỗ Phủ trong một chuyến đi xa đã nhuốm bệnh và chết trên một con thuyền trên sông Tương. Vì nhà nghèo, vợ con không đưa được ngay di hài ông về quê nhà, phải tạm chôn ở Nhạc Châu. Bốn mươi năm sau, người cháu của Đỗ Phủ là Đỗ Tư Nghiệp mới dời được hài cốt Đỗ Phủ về Yểm Sư, mai táng trên núi Thú Dương, thuộc Hà Nam.

Tuy vậy ở Lỗi Dương vẫn có ngôi mộ giả của Đỗ Phủ do viên huyên lệnh Lỗi Dương họ Nhất xây để tưởng niệm nhà thơ lớn.

Người Hoa ngày xưa thường xây những ngôi mộ giả các nhân vật họ kính trọng.

Đỗ Phủ thơ hay tuyệt thế nhưng suốt đời nghèo khổ, nghèo đến độ không nuôi nổi vợ con và thân mình, để đến nỗi một người con nhỏ của ông phải chết vì thiếu ăn.

Nguyễn Du đặt câu hỏi, ông (Đỗ Phủ) cùng khổ đến thế phải chăng vì thơ ? Phải chăng ta có thể quy tội làm ông khổ là thơ ?

Chính Đỗ Phủ khi nhớ tới Lý Bạch, nhớ tới Khuất Nguyên tự trầm mình ở sông Mịch La đã than thở : "Làm thơ hay như Khuất Nguyên, như Lý Bạch mà cuộc đời khổ sở đó là vì văn chương ghen ghét những người mệnh đạt. Văn chương không cho những người làm thơ được thành công trong đời".

Bàn về thơ và sự cùng khổ Âu Dương Tu, một danh sĩ khác của Trung Quốc viết : "Không phải thơ làm người ta cùng khổ. Chính vì người làm thơ có cùng khổ thơ của người đó mới hay".

Đỗ Phủ nói : "Văn chương ghét mệnh".

Nguyễn Du cho rằng: "Làm gì có chuyện văn hương ghét mệnh. Làm gì có chuyện trời ghen với người".

Nhưng trong truyện Kiều Nguyễn Du lại viết :

Lạ gì bỉ sắc, tư phong.
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Hoàng Hải Thủy viết : "Đây không phải một điều mâu thuẫn trong quan niệm về nhân sinh của thi sĩ. Không phải Nguyễn Du bất nhất trong quan niệm của ông về đời người. Ý thức của chúng ta rất phức tạp, đa dạng. Nguyễn Du tất nhiên là phức tạp hơn người thường".

Hoàng Hải Thủy lấy trường hợp của ông để nói thêm về câu hỏi được nêu ra : Thơ có làm cho người làm thơ phải khổ sở không ?

"Viết tiểu thuyết từ năm 25 tuổi, có thể nói tôi suốt một đời yêu thương, gắn bó, sống chết với việc viết truyên. Với tôi, viết là hạnh phúc. Tôi đã sống để viết, viết để sống và trước năm 1975, tôi đã sống được với việc viết truyện của tôi. Trước 1975, ở Sài Gòn, Thủ đô quốc gia Việt Nam Cộng Hòa của tôi, trong hai mươi năm, tôi đã sống để viết và đã viết để sống. Sau 1975, tuy biết viết là tù tội, tôi vẫn viết. Dù vậy tôi vẫn không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi : "Thơ có làm cho người làm thơ cùng khổ hay không ?".

Tôi thấy Nguyễn Du đúng khi thi sĩ nói : "Chữ tài liền với chữ tai một vần", "ngu si hưởng thái bình".

Người có tài thường gặp tai họa. Chuyện đó tôi thấy thường xẩy ra trong đời và trong thời loạn.

Tôi chịu câu nói của Âu Dương Tu : "Thơ không làm cho người làm thơ cùng khổ. Chính vì có cùng khổ thơ mới hay".

Nguyễn Đình Toàn

Nguồn : VietTide số 389, 31/12/2008

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần, Nguyễn Đình Toàn
Read 1063 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)