Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

24/03/2022

Muốn thay đổi dòng đời, không ai được quyền buông tay

Trần Quốc Việt

Chạm vào tuổi thơ

Tôi tưởng như chạm tay vào tuổi thơ mình trong buổi họp phụ huynh cách đây bảy năm.

tien1

Tờ 1 Đồng phát hành ngày 15/10/1955, thu hồi ngày 3/10/1958. Mặt trước : Nông dân đập lúa. Mặt sau : Ruộng muối. Khổ: 115mm x 65mm. Dữ liệu được trích từ sách Tiền Cổ Việt Nam qua các thời kỳ.

Chiều hôm ấy tôi và con vào lớp gặp thầy giáo để nghe thầy nói về kết quả học tập của con năm ấy đang theo học tiểu học. Cuối buổi họp, thầy chợt hỏi tôi quê ở đâu. Tôi đáp "Việt Nam". Rồi tôi hỏi lại thầy đã từng đến Việt Nam chưa. Thầy nói chưa, rồi hỏi tôi có thấy chiến tranh. Tôi đáp tôi lớn lên trong chiến tranh. Thầy cười, mắt sáng lên có vẻ vui mừng. Tôi sắp chào thầy ra về thì thầy mở hộc bàn lấy ra một hộp nhỏ và hỏi tôi có biết những đồng tiền này không. Thầy nói thầy là người sưu tầm tiền đồng thuộc nhiều nước trên thế giới.

Thầy đặt bốn đồng tiền màu vàng trên bàn rồi bảo tôi cầm chúng lên nhìn.

tien2

Đủ bộ xu Việt Nam Cộng Hòa gồm 4 mệnh giá. 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng và 10 đồng. Đường kính tương ứng với các mệnh giá là 22 mm, 26 mm, 25 mm và 30mm

Tôi không tin vào mắt mình. Bốn tiền đồng của một quốc gia đã mất tên : Việt Nam Cộng Hòa. Tôi lật qua lật lại chúng nhiều lần, tay tôi siết lấy chúng, xúc động trào dâng trong lòng. Rồi tôi kể cho thầy nghe lúc nhỏ tôi hay chơi với những đồng tiền ken như thế, hay nắm chặt chúng trong tay rồi chạy đi mua kẹo hay bút viết và vở. Không ngờ tôi gặp lại những đồng tiền này ở nơi cách xa quê hương nghìn trùng và cách xa tuổi thơ thần tiên dù trong chiến tranh.

Nghe xong thầy có vẻ xúc động và vui thích. Thấy đặt bốn đồng tiền vào tay tôi và nói thầy muốn tặng cho tôi để tôi nhớ về tuổi thơ của mình. Tôi không nhận khi biết thầy đã mất bao công sức sưu tầm chúng. Hơn nữa đây là những đồng tiền duy nhất thầy có về một quốc gia đã không còn nữa. Thầy ép tôi phải nhận.

Điều đầu tiên tôi làm khi về đến nhà là tung bốn đồng tiền lên cao để lắng nghe tiếng chúng rơi leng keng trên nền nhà. Rồi tôi chơi trò bắn tiền như tôi thường chơi lúc nhỏ. Những đồng tiền lăn, chúng chạy đuổi nhau lòng vòng trên nền nhà. Rồi tôi lượm chúng lên lại và tung chúng lên nhiều lần để thưởng thức tiếng kêu của chúng mà tưởng chừng như vang vọng từ quê hương cách đây hơn năm mươi năm biển dâu.

Sống chung với lũ 

Sinh ra, lớn lên và sống ở Việt Nam là bất hạnh lớn vì ta phải sống chung với lũ.

tien3

Cơn lũ mất nước chung cuộc tất yếu sẽ dìm tổ quốc và chúng ta và các thế hệ sau trong biển nô lệ – Ảnh minh họa lũ về lúc nửa đêm khiến người dân Đà Nẵng khốn khổ gồng mình chạy lũ - Ảnh Huy Đạt

Ta thấy cha mẹ chạy trường cho ta ngay từ mẫu giáo trở lên, thấy họ quà cáp và hạ mình trước các thầy cô giáo ở mỗi cấp để đường học ta thông suốt, thấy họ vật vã đi cày để đóng học phí, mua tập sách, và lo tiền học thêm cho con. Tuổi thơ ta một hôm chợt nghe cha mẹ buồn rầu an ủi lẫn nhau : "Chúng ta phải sống chung với lũ thôi".

Từ đấy lũ hiện ra muôn màu muôn vẻ dọc theo đường đời. Ta thấy họ trao tiền cho những "con sâu gặm tiền" dưới gốc cây, đưa phong bì cho các viên chức thuộc các cấp chính quyền mỗi khi có việc, thấy mắt cha lo âu nhìn con lâm bệnh còn tay mẹ khúm núm đưa vội phong bì cho y bác sĩ, và thấy biết bao người phải vất vả trên đường về nhà vào những buổi chiều khi những con sông không chảy ra biển mà chảy xiết trên đường phố. Ta biết tất cả chúng chính là lũ khi nghe cha mẹ hay người lớn cam phận nói với nhau : "Phải sống chung với lũ thôi".

tien4

Đưa phong bì cho các viên chức thuộc các cấp chính quyền mỗi khi có việc

Nhờ đấy lớn lên ta học bài học thiết thực đầu tiên để vào đời được truyền qua nhiều thế hệ- để sống là phải chấp nhận và thích nghi với vô vàn biết bao các cơn lũ về kinh tế, chính trị, môi trường, đạo đức, văn hóa… Chẳng bao lâu để tồn tại ta phó mặc lương tâm và đạo đức của chính ta trôi lúc nào không hay theo cơn lũ vô cảm trong lòng mình và quanh mình.

Phận người qua theo nhiều thế hệ cứ thế buông xuôi vô định theo dòng nước của mọi cơn lũ con theo nghĩa bóng ấy mà hiển nhiên sinh ra từ cơn lũ mẹ : chế độ độc tài toàn trị. Lũ càng đa dạng và càng dâng cao ta càng sống vô cảm và càng thích nghi hơn để rồi ta chẳng còn ngạc nhiên khi nghe về chúng. Ngay cả việc họ xả lũ giết người vừa qua đối với ta chỉ là chuyện bình thường như trong nhiều năm qua.

Vì thế cơn lũ mất nước chung cuộc tất yếu sẽ dìm tổ quốc, và chúng ta và các thế hệ sau trong biển nô lệ và đau khổ bất tận nếu chúng ta cứ mặc nhiên tiếp tục cam phận gánh lũ chồng lũ trên vai mình như các thế hệ trước từng làm. Ai đấy nói rằng cọng rơm cuối cùng không làm gãy lưng con lạc đà mà con lạc đà tự ngã sụp vì phẫn nộ khi nhìn thấy trong gương hình ảnh gánh nặng chất cao ngất một cách bất công trên lưng nó.

Chúng ta biết bao giờ mới nhìn thấy trong tấm gương lòng của mình hàng hàng cơn lũ chất đống bất công ngày càng cao lên vai mình. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là chúng ta có tỉnh thức và tự trọng như lạc đà hay vẫn tiếp tục kéo dài cuộc sinh tồn bấp bênh và vô vị và tủi nhục cho đến lúc nào không chịu đựng nổi mà ngã quỵ xuống dòng lũ ngày càng dâng cao như trong suốt hơn nửa thế kỷ qua dưới bóng bao trùm của chế độ toàn trị.

Những tấm gương phản chiếu sự thật

Có lẽ không ai nói hay hơn về xã hội toàn trị -nhà tù lớn- bằng nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn. Cuối tác phẩm Quần đảo Ngục tù ông nêu ra những đặc trưng của xã hội Xô Viết đương thời. Theo đó, con người mang tâm lý nô lệ và luôn luôn sống trong sợ hãi, khép kín và hoài nghi lẫn nhau. Họ sống mà chẳng biết gì cuộc sống quanh mình. Họ tồn tại nhờ dối trá, phản bội và chỉ điểm. Trong hoàn cảnh xã hội ấy họ còn sống bình an vô sự về thể chất nhưng tâm hồn họ bị ung thư. Vì sinh tồn, con người trở nên vô cảm và tàn nhẫn. Trong xã hội ẩm mốc và hôi tanh ấy chỉ có giới cai trị và những kẻ chỉ điểm trắng trợn nhất mới phất lên, còn những ai trung thực đều đắm chìm trong rượu chè vì họ không có sức mạnh ý chí để làm được gì khác hơn. Còn tâm hồn thanh niên đã bị băng hoại.

tien5

Nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn bị khám xét trong nhà tù.

Ông gọi tự do trong nhà tù lớn ấy là tự do bị bịt miệng. Con người trong guồng máy ý thức hệ khổng lồ ấy chỉ biết cúi mặt để tồn tại và để bước đi vô vọng về nghĩa trang ở cuối đường đời nô lệ và sợ hãi. 

Không chỉ mình ông nói lên sự thật ông thấy. Trước ông và sau ông những tâm hồn nhạy cảm và can đảm vẫn luôn nói lên sự thật. Hãy đọc bài thơ làm trong tù của người tù trong tác phẩm "Cuộc đời và Số phận" của nhà văn Nga Vasily Grosman :

Bạn ơi, cái mai bạn làm bằng gì ?

Tôi hỏi con rùa. Và rùa đáp :

Bằng sợ hãi, cái sợ đã tích tụ và chai cứng

Trên đời này chẳng có gì mạnh hơn cái mai ấy !

Hay như tiếng than vang vọng trong suốt bảy mươi năm máu và kẽm gai ở Nga của nhà thơ Nga Osip Mandelstam về thân phận lưu vong bên lề trên chính quê hương của mình của bao kiếp người dưới gót sắt toàn trị : "Chúng ta sống mà chẳng cảm thấy đất tổ quốc dưới chân mình".

Xã hội Việt Nam đương thời chính là xã hội của những nhà văn, nhà thơ Nga trên. Về nhiều phương diện, xã hội chúng ta còn tệ hơn xã hội của họ khi tâm hồn tan rã, đạo đức tan tác, bạo lực và vô cảm dâng tràn như lũ… Xã hội chúng ta còn tanh hôi hơn xã hội họ vì mùi tiền ngự trị thấm đẫm trong lòng người và liệm kín bao nhân ái và lương tâm thiên phú. Chúng ta sống mà chẳng thấy tương lai mở ra cho mình và quê hương. Chúng ta ngủ và trong mơ thấy bóng ma Bắc Thuộc truyền kiếp siết chặt lồng ngực của mình. Tương lai của Việt Nam, nếu chẳng có gì thay đổi, là tương lai dưới đáy vực của nô lệ và suy tàn.

Những người thấy trước viễn cảnh đen tối vô cùng ấy đã và đang lên tiếng và hành động trong khả năng và tấm lòng riêng của họ. Hiện nay họ chưa thay đổi được xã hội vẫn còn đang đắm chìm trong vô cảm, tư lợi, và mông muội. Thế hệ sau sẽ gánh vác sứ mệnh ấy. Còn hiện nay tất cả những gì họ làm chỉ là lên tiếng, là nói lên sự thật. Hay nói cách khác họ là những tấm gương mà qua đó xã hội thật sự và sự thật trần trụi được phơi bày. Họ là những tấm gương giúp xã hội thấy cái ác và tương lai đen tối đang hiện ra trên đường chân trời. Sự tồn tại của những tấm gương như vậy quan trọng vô cùng cho sự sinh tồn của xã hội và tổ quốc.

tien6

Khi ngày càng nhiều người nhìn thấy sự thật và thực trạng của xã hội và quê hương qua họ - những tấm gương phản chiếu sự thật - sự thay đổi về thái độ và nhận thức của đa số công dân chỉ là vấn đề thời gian.

Vì thế bạo quyền bắt giam họ chỉ để đập nát những cái gương phản chiếu sự thật và thời đại ấy và để giấu đi bản mặt ngày càng xấu xa của giới cai trị. Vì thế từ nhà tù lớn nơi tự do ngôn luận bị bóp nghẹt họ bước vào nhà tù nhỏ. Nhưng sau lưng họ lại xuất hiện những tấm gương khác soi chiếu sự thật và con đường tương lai sinh tồn của quê hương.

Khi ngày càng nhiều người nhìn thấy sự thật và thực trạng của xã hội và quê hương qua họ - những tấm gương phản chiếu sự thật - sự thay đổi về thái độ và nhận thức của đa số công dân chỉ là vấn đề thời gian. Khởi đi từ sự thay đổi ấy, nhân dân sẽ viết nên những trang tương lai mới tươi sáng hơn cho quê hương và muôn thế hệ sau.

Trần Quốc Việt

 24/03/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Quốc Việt
Read 653 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)