Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/09/2022

Lý Khắc Cường : "Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng"

Katsuji Nakazawa

Việc nhấn mạnh vào cải cách và mở cửa sẽ cản trở các chính sách kinh tế của Tập.

lkc1

Thủ tướng Lý Khắc Cường (phải), gần đây cho biết, "Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng", trong một cuộc nghiên cứu khả thi về các chính sách kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình. (Nikkei dựng phim / Getty Images / Reuters)

Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói về việc trao lại sự nghiệp cho thế hệ tiếp theo, hoặc thảo luận về các xu hướng chính sách quan trọng, họ thường sử dụng các phép so sánh với sông Hoàng Hà và sông Dương Tử.

Hai con sông lớn nhất của đất nước đã bồi đắp cho nền văn minh Trung Hoa từ thời cổ đại. Các nhà lãnh đạo thường thích lồng ghép cảm xúc cá nhân vào chúng. Sẽ dễ nói về các chủ đề tế nhị hơn nếu ta so sánh chúng với những dòng sông.

Và so sánh ẩn dụ cũng thường hàm chứa nhiều thông điệp.

"Công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến lên. Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng", Thủ tướng Lý Khắc Cường đã vui vẻ nói trong khung cảnh bầu trời xanh, khi ông đến thăm một khu cảng trong chuyến thị sát thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, vào ngày 16-17/08.

Lý từng đưa ra nhận xét tương tự vào tháng 3, nhưng những bình luận mới nhất của ông đã thu hút sự chú ý hơn nhiều, bởi chúng được đưa ra ngay sau mật nghị Bắc Đới Hà, diễn ra giữa các nhà lãnh đạo đương nhiệm và đã nghỉ hưu tại khu nghỉ mát ven biển cùng tên. Người ta cho rằng cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 8.

Các bình luận cũng được đưa ra ngay trước thềm đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khai mạc vào ngày 16/10. Niềm tin mà Lý thể hiện khi sử dụng trong phép ẩn dụ hai dòng sông – và việc duy trì chính sách cải cách và mở cửa – dường như đã chấm dứt cuộc tranh luận về chính sách kinh tế tiếp theo. Di sản của Đặng Tiểu Bình vẫn tồn tại, bất chấp việc Chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng chứng tỏ rằng mình đã vượt qua nhà cố lãnh đạo.

Có lẽ vì phản ứng quá lớn đối với những lời phát biểu của ông, đoạn video quay cảnh Lý đưa ra bình luận trên đã không còn xem được ở Trung Quốc.

lkc2

Sông Dương Tử chảy qua Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, trong một đợt nắng nóng vào tháng 8. © Reuters

Trong khi đó, ở Tạp chí Cầu Thị, ấn phẩm của đảng được phát hành hai tháng một lần, một cuộc thảo luận riêng biệt đang diễn ra.

Trong số ra ngày 01/09, một bài báo của Khúc Thanh Sơn (Qu Qingshan), Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn liệu và Lịch sử Đảng của Ban chấp hành Trung ương, giải thích rằng "giai đoạn phát triển mới" mà Tập nói đến "đã được bao hàm trong giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là một giai đoạn tách biệt với giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội".

Bài báo cũng lần đầu tiên giới thiệu một bài phát biểu của Tập hai năm trước, nói về giai đoạn phát triển mới và tầm nhìn dài hạn đến năm 2035. Khúc đã phân tích bài phát biểu này.

Cụ thể, "giai đoạn phát triển mới" của Tập dự kiến rằng đến năm 2035, Trung Quốc sẽ cơ bản hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, sau đó sẽ xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, dân chủ, phát triển văn hóa, và hòa hợp vào năm 2049.

Dưới thời Đặng Tiểu Bình, mục tiêu cần đạt được là "sự sung túc". Còn mục tiêu của Tập trong giai đoạn phát triển mới là theo đuổi "sức mạnh".

Nếu thành công, con đường này sẽ đưa Tập lên trước Đặng trong sử sách.

lkc3

Lý Khắc Cường đã sử dụng một phép ẩn dụ trong chuyến thị sát Thâm Quyến, Quảng Đông hồi tháng 8. Đoạn phim quay lại cảnh này hiện không còn xem được ở Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình từ CCTV)

Nhưng phân tích của Khúc Thanh Sơn kết luận rằng "giai đoạn phát triển mới" chỉ là một bước trong "giai đoạn sơ khai" của chủ nghĩa xã hội – nền tảng của Lý luận Đặng Tiểu Bình.

Do Đặng khởi xướng, lý thuyết về giai đoạn sơ khai đã được giải thích rõ hơn vào năm 1987, trong đại hội toàn quốc lần thứ 13 của đảng. Vào thời điểm đó, người ta tin rằng giai đoạn sơ khai sẽ kéo dài cho đến khi quá trình hiện đại hóa được cơ bản thực hiện vào giữa thế kỷ 21.

Tại đại hội Đảng toàn quốc lần gần nhất, vào năm 2017, Tập đã đẩy mục tiêu hiện đại hóa lên sớm hơn khoảng 15 năm, tức là năm 2035. Đây được dự kiến sẽ là một trong những thành tựu lớn nhất của Tập.

Tuy nhiên, theo phân tích của Khúc, giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội sẽ không kết thúc vào năm 2035. "Giai đoạn phát triển mới" của Tập đã được bao gồm trong giai đoạn sơ khai nói chung của Đặng.

Dù lời giải thích của Khúc là mạch lạc và hợp lý về mặt lịch sử, nhưng điều thú vị là ông đã nhấn mạnh đến logic này ở thời điểm hiện tại.

Điều đó dường như phản ánh các cuộc thảo luận ở Bắc Đới Hà, nơi chắc chắn đã đề cập đến những lo ngại về nền kinh tế đang chậm lại. Tuy nhiên, bằng cách trích dẫn bài phát biểu của chính Tập, bài phân tích đã giúp giữ thể diện cho nhà lãnh đạo.

Thông điệp lớn của Khúc là "Trung Quốc đang ở giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, trước tiên cần làm cho chiếc bánh lớn hơn bằng cách tiếp tục cải cách và mở cửa. Không nên vội vàng hiện thực hóa "thịnh vượng chung" bằng cách chia đều miếng bánh. Việc đó sẽ làm ở giai đoạn sau, khi Trung Quốc đã kết thúc giai đoạn sơ khai".

Việc Khúc nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn chưa ra khỏi giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội được oil à một phần trong nỗ lực kiềm hãm sự mở rộng các chính sách kinh tế của Tập một cách vô trật tự.

lkc4

Một cuốn sách bình luận về phim tài liệu gây tranh cãi "Hà Thương".

Năm 1988, một năm sau khi lý thuyết về giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội chính thức được giới thiệu, bộ phim tài liệu truyền hình Trung Quốc – Hà Thương – đã gây ra một cơn sóng thần văn hóa.

Bộ phim lập luận rằng Trung Quốc nên từ bỏ "nền văn minh sông Hoàng Hà" xưa cũ và tiến đến đại dương xanh, nếu không, họ sẽ sa sút dần và sau cùng sẽ mất đi vai trò "công dân toàn cầu" của mình.

Lập luận táo bạo này đã gây ra một làn sóng chấn động và bộ phim đã bị cấm phát lại.

Bộ phim kêu gọi mọi người hướng tới cải cách và mở cửa. Bộ phim tài liệu này đã được ủng hộ bởi Lệ Dĩ Ninh (Li Yining), một nhà kinh tế hàng đầu, đồng thời là giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, người cũng từng là cố vấn cho bộ phim.

Lệ cũng được biết đến là cố vấn cho Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Tập đang tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ với tư cách lãnh đạo đảng tại đại hội toàn quốc sắp tới.

Ngay sau khi Thủ tướng Lý nói rằng "sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược", đã xuất hiện nhiều đồn đoán rằng câu nói này có thể ảnh hưởng đến tương lai quyền lực của Tập và vấn đề thay đổi thế hệ lãnh đạo đảng.

Tuy nhiên, một thông báo đã được đưa ra vào ngày 30/08 rằng đại hội toàn quốc lần thứ 20 sẽ khai mạc vào ngày 16/10, theo đó cho thấy việc chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của Tập đang diễn ra tốt đẹp.

Dù các chính sách kinh tế của Tập liên tục bị chỉ trích, điều đó vẫn không làm lung lay cơ sở chính trị của ông, chí ít thì không phải ngay lập tức.

Tập không nói về bất kỳ kế hoạch kế vị nào. Các tranh luận về người kế nhiệm chủ tịch nước một lần nữa đã bị kiểm soát và bị giữ trong bóng tối.

Trước thềm đại hội toàn quốc năm 2017, Tập đã thanh trừng Tôn Chính Tài, khi đó là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, và là cái tên hứa hẹn sẽ trở thành nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo. Bằng cách đó, ông đã chứng tỏ rằng mình sẽ còn nắm quyền thêm một thời gian dài.

Nhưng sau mười năm tại vị, Tập khó mà sử dụng lại chiến thuật tương tự.

lkc5

Tập Cận Bình đứng giữa các cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân khi cả ba cùng xem một cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2019. Tập luôn úp mở về cách chuyển giao quyền lực của mình. © Kyodo

Vậy Tập có quan điểm thế nào về kế nhiệm ? Tháng 10 năm ngoái – ngay trước khi "nghị quyết lịch sử lần thứ ba" của đảng được thông qua – Tập đã đưa ra nhận xét về vấn đề thay đổi thế hệ và nó đã thu hút sự chú ý lớn.

"Cách tốt nhất để đánh giá hệ thống chính trị của một quốc gia có dân chủ và hiệu quả hay không", ông nói, "là hãy quan sát xem việc kế nhiệm của các nhà lãnh đạo quốc gia đó có diễn ra trong trật tự hay không".

Ông từng nói những câu tương tự trong quá khứ. Điểm quan trọng là ông chỉ đề cập đến "các nhà lãnh đạo quốc gia", chứ không đề cập đến đảng hoặc Ban chấp hành Trung ương.

Tuy nhiên, những bình luận như vậy không cho thấy Tập đã sẵn sàng bàn giao mọi thứ ngay lập tức cho người kế nhiệm.

Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, cựu chủ tịch Giang Trạch Dân từng có một nhận xét thú vị về kế nhiệm cách đây 22 năm.

"Ở sông Dương Tử, sóng sau xô sóng trước", ông nói với các quan chức cấp cao của liên minh cầm quyền Nhật Bản, gồm cả Hiromu Nonaka, khi đó đang là Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do. Cuộc gặp diễn ra vào ngày 30/05/2000, tại khu Trung Nam Hải, Bắc Kinh.

Đó là một câu nói của người Trung Quốc. Nó có nghĩa là giống như dòng chảy của sông Dương Tử, thế giới thay đổi liên tục và thế hệ mới sẽ lên thay thế thế hệ cũ.

Trong cuộc gặp với các chính trị gia Nhật Bản, Giang đã đề cập đến tên của phó chủ tịch lúc bấy giờ, Hồ Cẩm Đào, người được cho là sẽ kế nhiệm Giang.

lkc6

Tập Cận Bình đến thăm ngôi nhà thời thơ ấu ở ngoại ô Diên An, tỉnh Thiểm Tây, vào năm 2015. © Tân Hoa Xã / Kyodo

Dù rất cởi mở với việc thay đổi thế hệ, Giang đã không dễ dàng nhường lại mọi quyền lực cho Hồ.

Tại đại hội toàn quốc lần thứ 16 của đảng vào mùa thu năm 2002, Giang đã trao lại chức vụ Tổng Bí thư cho Hồ nhưng không từ bỏ chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Ông đã giữ lại chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, mà về thực chất là một nguồn quyền lực bởi vị trí này có thể huy động quân đội, vì sợ ảnh hưởng của mình sẽ nhanh chóng suy yếu. Mãi đến hai năm sau, vào mùa thu năm 2004, Giang mới chính thức nghỉ hưu khỏi chức vụ đó.

Hiếm có nhà lãnh đạo nào lại dễ dàng nhường mọi quyền lực cho những người trẻ hơn. Việc Tập sẽ được bầu lại nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong đại hội toàn quốc vào tháng 10 này dường như là điều chắc chắn. Nhưng chúng ta hoàn toàn không biết ông sẽ chuyển giao quyền lực như thế nào trong tương lai.

Tập đã trải qua thời niên thiếu của mình gần Diên An, tỉnh Thiểm Tây, nơi được bao quanh bởi sông Hoàng Hà. Ông tự gọi mình là "người con của đất Hoàng Hà".

Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường là "hậu duệ" của chính sách cải cách và mở cửa được tượng trưng bởi Hà Thương, vốn kêu gọi từ bỏ "nền văn minh sông Hoàng Hà cũ".

Về mặt chính trị, Tập vẫn đang tìm cách tách khỏi các chính sách của Đặng Tiểu Bình. Ông sẽ đối phó ra sao với Lý, người tiếp nối ngọn cờ cải cách và mở cửa của Đặng ? Thêm nữa, ông sẽ giải quyết vấn đề bồi dưỡng người kế nhiệm tiềm năng như thế nào ? Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ có sau một tháng nữa.

Katsuji Nakazawa

Nguyên tác : "In cryptic lingo, Premier Li says rivers only flow forward", Nikkei Asia, 08/09/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 23/09/2022

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Katsuji Nakazawa, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 474 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)