Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

24/07/2017

Không được cưỡng chế và thu hồi đất đai của các tôn giáo !

Việt Hoàng

Vụ việc các đan sĩ của Đan viện Thiên An, Huế bị côn đồ tấn công vào ngày 29/6/2017 một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động xung quanh việc thu hồi, cưỡng chế đất đai của các tôn giáo tại Việt Nam.

Image associée

Đan viện Thiên An

Sau năm 1975 rất nhiều cơ sở, tài sản cũng như đất đai của các tôn giáo đã bị nhà nước trưng thu bằng cách ép buộc ký vào các văn bản hiến tặng hoặc cho mượn…nhưng không bao giờ đòi lại được.

Đơn cử một vài trường hợp điển hình :

Khu đất Tòa Khâm sứ cũ bị trưng dụng để xây dựng công viên hồi năm 2008, Nhà dòng nữ tu ở Vĩnh Long, thuộc Dòng thánh Phao Lồ bị tịch thu hơn 30 năm và đến năm 2008 nhà dòng bị mua bán để làm khu du lịch. Hay hai trường hợp mới nhất có thể kể đến gồm Chùa Liên Trì, ở quận 2, Sài Gòn bị cưỡng chế san bằng hồi đầu tháng 9 năm nay và tu viện Dòng Mến Thánh giá, giáo xứ Thủ Thiêm, được thành lập trên 177 năm, đứng trước nguy cơ bị giải tỏa và di dời do đề án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm” (1).

Còn nhiều trường hợp thu hồi đất đai của tôn giáo với nhiều bạo lực và mờ ám như ở dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà (Hà Nội), Tam Tòa (Quảng Bình), Cồn Dầu (Đà Nẵng), Đông Yên (Hà Tĩnh), Đồng Chiêm (Mỹ Đức, Hà Nội)…

Quyền sỡ hữu cá nhân về tài sản trong đó có đất đai là một trong những quyền căn bản và thiêng liêng của con người. Tuy nhiên chính quyền Việt Nam không thừa nhận điều đó. Hiến pháp Việt Nam qui định đất đai là ‘sỡ hữu của toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý’. Đây là nguyên nhân căn bản dẫn đến việc chính quyền các cấp thu hồi và cưỡng chế đất đai của người dân một cách vô tội vạ. Hàng triệu dân oan mất nhà, mất đất sống vật vờ, nay đây mai đó với một tương lai bất định.

Các tôn giáo cũng chịu chung số phận với những người dân oan khi tài sản, cụ thể là đất đai của họ bị thu hồi bằng biện pháp cưỡng bức thay vì thỏa thuận đền bù theo giá thị trường. Trong trường hợp Đan viện Thiên An thì chính quyền Thừa Thiên-Huế cho rằng các tu sĩ đã ‘chiếm đất công’, nhưng linh mục Nguyễn Văn Đức đã bác bỏ vu cáo trên và khẳng định là Đan viện Thiên An có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sỡ hữu 107 ha đất đai tại đồi Thiên An từ năm 1940.

Chúng tôi tin vào lời vị linh mục cai quản Đan viện Thiên An hơn là báo chí nhà nước. Nếu chính quyền Thừa Thiên-Huế chứng minh được các tu sĩ đã chiếm đất ở Thiên An thì cần khởi kiện họ ra tòa và để tòa xét xử một cách công khai theo đúng pháp luật. Chúng tôi phản đối và lên án mọi hành động bạo lực từ phía chính quyền gây ra cho các tu sĩ nơi đây.

Với chính quyền Việt Nam thì các tôn giáo luôn là những đối tượng chống đối và thù địch, nhất là những tôn giáo không chịu sự quản lý của nhà nước như Công giáo hay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất… Cái tội duy nhất của các tôn giáo này là họ muốn độc lập để được tự do hành đạo.

Tư duy xem ‘những người không theo ta đều là kẻ thù’ của chính quyền Việt Nam đã đến lúc cần thay đổi. Các tôn giáo tồn tại được từ hàng trăm, hàng ngàn năm qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử cũng nhờ sự độc lập, tách rời khỏi chính trị, chỉ tập trung chăm lo cho phần hồn, tức là tinh thần của người dân.

Vai trò hướng dẫn tâm linh và bảo vệ các giá trị đạo đức, luân lý mà các tôn giáo đem lại cho dân tộc Việt Nam là vô cùng lớn vì tôn giáo nào cũng hướng con người đến chân thiện mỹ. Chính vì sự thiếu vắng của đức tin vào các tôn giáo mà đạo đức của người Việt hôm nay đã xuống dốc một cách không phanh.

Sở dĩ chính quyền cộng sản không ưa các tôn giáo là vì bản chất của cộng sản là độc quyền mọi thứ, trong đó có ‘độc quyền về tư tưởng’. Họ chỉ muốn người dân tin vào đảng. Câu ‘ơn đảng ơn bác’ được nhắc đến mỗi ngày và có mặt khắp mọi nơi. Tất nhiên những người tu hành chân chính cũng không ưa gì chế độ cộng sản vì họ muốn được tự do thờ phụng theo ý muốn.

Tư duy ‘độc quyền tư tưởng’ là một sự hoang tưởng vì mãi mãi sẽ không bao giờ có chuyện đó. Ngay cả các tôn giáo, là nơi đức tin được mặc định và không bàn cãi nhưng vẫn tồn tại nhiều hệ phái khác nhau. Cũng là tin vào Chúa nhưng không chỉ có mỗi Công giáo mà còn Tin Lành, Chính thống giáo... và ngay cả trong đạo Tin Lành lại chia ra nhiều phái khác nhau như Giáo Hội Trưởng lão, Luther, Methodist, Baptist, Cơ Đốc Phục Lâm… Phật giáo thì hiện đang có đến 11 tông phái đang hoàng pháp. Thiên chúa giáo tại Việt Nam có đến 22 dòng tu…

Chính vì sự hạn chế và cản trở từ chính quyền Việt Nam lên các hoạt động của các giáo hội dẫn đến việc người dân không tiếp cận hoặc hình dung được các hoạt động từ thiện của các tôn giáo. Trước năm 1975 các tôn giáo lớn như Công giáo hay Phật giáo Việt Nam có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như các cơ sở giáo dục như dạy học, hướng nghiệp, từ thiện… Sau năm 1975 các cơ sở này đều bị đóng cửa hoặc chuyển giao cho nhà nước quản lý. Trong một nỗ lực lớn lao, Ủy ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tái thành lập tổ chức “Caritas Việt Nam” vào năm 2008 tại Đồng Nai với sứ mệnh :

-   Cứu trợ

-   Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong và người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

-   Khuyến học

-   Hỗ trợ người nghèo tạm cư

-   Phát triển cộng đồng

-   Nông nghiệp bền vững (2)

Tất cả những ai đã từng đến khám chữa bệnh tại các cơ sở của các nhà Dòng Công giáo đều cảm nhận được sự tận tâm, nhiệt tình, chu đáo với một sự cởi mở, chân tình của các sơ làm việc tại đây, thái độ đó không phải nơi nào cũng có.

Quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tôn trọng tuyệt đối tự do tôn giáo tại Việt Nam. Trong Dự án Chính trị Khai sáng Kỷ nguyên Thứ 2, chúng tôi có đề nghị rằng xã hội Việt Nam sẽ được xây dựng trên nền tảng của các tổ chức xã hội dân sự :

Dân chủ đa nguyên đặt nền tảng trên xã hội dân sự. Bên cạnh các chính đảng, các cộng đồng sắc tộc, địa phương và tôn giáo, các hiệp hội công dân tổ chức theo ngành nghề, quyền lợi, nhân sinh quan, sở nguyện, ưu tư, v.v. được hoạt động độc lập với chính quyền, được nhìn nhận một chỗ đứng trọng yếu, được có tiếng nói và ảnh hưởng trong sinh hoạt cũng như trong sự tiến hóa của xã hội. Nhà nước tự coi mình là có sứ mạng phục vụ xã hội dân sự chứ không khống chế xã hội dân sự, không định đoạt sinh hoạt thường ngày thay cho xã hội dân sự” (Chương IV : Nền tảng tư tưởng cho kỷ nguyên dân chủ).

Dưới chế độ cộng sản, các tôn giáo đã phải chịu đựng nhiều đắng cay, mất mát. Trong tương lai, một nhà nước dân chủ phải tìm mọi cách để hỗ trợ và nâng đỡ cho các tôn giáo cũng như đền bù cho những thiệt hại của họ bằng cách trả lại các cơ sở mà nhà nước đã trưng dụng trước đây. Tuyệt đối không được cưỡng chế hay thu hồi đất đai của các tôn giáo. Trong những trường hợp đặc biệt thì nhà nước phải thỏa thuận và đền bù theo giá thị trường và được các tôn giáo chấp nhận.

Có một sự thật buồn là các vị lãnh đạo của các tôn giáo lớn tại Việt Nam luôn tìm cách thỏa hiệp với chính quyền thay vì mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ lẽ phải, như trường hợp đặc biệt của Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt. Lịch sử đau thương của Giáo hội Công giáo, cộng với số lượng tín hữu không quá lớn, vào khoảng 8% dân số Việt Nam (với gần 7 triệu tín hữu) khiến cho các vị lãnh đạo công giáo luôn nhún nhường chính quyền.

Giáo hội Phật giáo (quốc doanh) về cơ bản, đã bị Mặt trận tổ quốc khống chế hoàn toàn chỉ còn lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Bản thân ông vẫn đang bị chính quyền kiểm soát một cách gắt gao. Chính vì bị giới hạn các hoạt động như từ thiện, khám chữa bệnh, giáo dục và truyền đạo nên các tôn giáo không gây được nhiều ảnh hưởng lên quần chúng Việt Nam.

Chính sách chia để trị của chính quyền cộng sản thay vì hàn gắn và hòa giải dân tộc lại càng khoét sâu hố ngăn cách giữa các tôn giáo với nhau và giữa các tôn giáo với người dân Việt Nam. Việc chính quyền Việt Nam tấn công, bôi nhọ và chụp mũ cho các linh mục đứng ra tổ chức khiếu kiện Formosa tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề từ thảm họa Formosa là một trong những ví dụ.

Dưới quan điểm của Tập Hợp thì các tôn giáo là thuộc về xã hội dân sự. Tôn giáo không phải là các tổ chức chính trị vì thế không thể tham gia các hoạt động chính trị, hay lãnh đạo phong trào dân chủ mà chỉ có thể bày tỏ ‘thái độ chính trị’ bằng cách ủng hộ hay không ủng hộ các tổ chức chính trị có khuynh hướng cổ vũ cho tự do tôn giáo. Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã nói rõ điều này trong chuyến công du Châu Âu hồi tháng trước. Việc chính quyền và một số người dân gán ghép cho các tôn giáo rằng họ ‘hoạt động chính trị’ là hoàn toàn bịa đặt và chụp mũ.

Mục tiêu của các tôn giáo là tự do hành đạo vì thế các tôn giáo cũng như các tổ chức xã hội dân sự khác sẽ là những đồng minh quan trọng của các tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn. Dù bất cứ hoàn cảnh nào các tôn giáo cũng không thể thay thế cho vai trò lãnh đạo và dẫn dắt phong trào dân chủ Việt Nam. Đó là sứ mệnh của các tổ chức chính trị dân chủ đối lập.

Những kêu gọi các tôn giáo tại Việt Nam đứng lên ‘làm cách mạng’ cần phải lên án. Chúng vừa hèn nhát và thiếu hiểu biết vừa đặt các tôn giáo vào vị thế tạo cớ cho chính quyền đàn áp.

Việt Hoàng

(24/07/2017)

(1) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/land-grabs-from-churches-n-result-ha-06302017125701.html

(2) http://www.caritasvietnam.org/router_vni/tong-quan-ve-caritas-251.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 4272 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)