Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/10/2024

Quân Triều Tiên trên lãnh thổ Nga buộc phương Tây thay đổi chiến lược

Nhiều tác giả

Đưa quân sang Nga : Tham vọng của Bắc Triều Tiên trên trường quốc tế

Thanh Phương, RFI, 30/10/2024

Mặc dầu thông tin vẫn bị Bình Nhưỡng cực lực bác bỏ và phía Moskva phủ nhận (tuy yếu ớt hơn), ngày càng có nhiều nguồn tin xác nhận hàng ngàn binh lính Bắc Triều Tiên đã được gởi sang Nga để được huấn luyện chuẩn bị tham chiến chống Ukraine, thậm chí một số binh lính hiện đã có mặt ở vùng biên giới Kursk.

bachan1

Lãnh đạo Kim Jong-un tới thị sát sở chỉ huy quân đoàn 2, quân đội Bắc Triều Tiên, ngày 17/10/2024. Ảnh do KCNA công bố via Reuters

Lính Bắc Triều Tiên được triển khai ở Nga vào lúc Viện Duma, tức Hạ Viện Nga hôm 24/10 vừa thông qua hiệp ước về "đối tác chiến lược toàn diện" giữa Nga và Bắc Triều Tiên. Hiệp ước này dự trù là nước này sẽ ứng cứu nước kia trong trường hợp bị một quốc gia thứ ba tấn công.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên thập niên 1950 cho tới nay, quân đội Bắc Triều Tiên, với quân số lên đến 1,2 triệu người, chưa tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột lớn nào. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, trong khi Hàn Quốc huy động đến 320.000 quân tới miền Nam Việt Nam để hỗ trợ quân đội Mỹ, Bình Nhưỡng chỉ cử phi công đến Miền Bắc Việt Nam, chứ không điều động bộ binh. Như vậy, chiến trường Ukraine sẽ là nơi đầu tiên mà binh lính Bắc Triều Tiên trực tiếp trải nghiệm một cuộc chiến tranh hiện đại.

Đây là lần đầu tiên một quốc gia gởi quân chính quy đến hỗ trợ quân đội Nga, vì cho tới nay chỉ mới có lính đánh thuê từ một số nước đến tham chiến ở Ukraine. Theo nhận định của ông Andrei Lankov, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, trả lời trang mạng NK News, sự yểm trợ của Bình Nhưỡng chắc là sẽ không làm thay đổi tương quan lực lượng trên trận địa, nhưng ít ra có thể giúp quân đội Nga lên tinh thần và nhờ vậy mà điện Kremlin không cần phải mở một chiến dịch động viên mới mà chắc chắn sẽ khiến dân Nga bất bình.

Lầu Năm Góc và chính quyền Kiev khẳng định lính Bắc Triều Tiên hiện đã được triển khai ở vùng biên giới Kursk của Nga, nơi mà quân Ukraine đã đánh chiếm được hàng trăm km2 lãnh thổ của Nga trong chiến dịch đột kích từ tháng 8. Nhưng hiện chưa rõ là lính Bắc Triều Tiên có sẽ được triển khai sang lãnh thổ Ukraine hay không và nếu có, thì khi nào.

Theo nhận định của Philippe Pons, thông tín viên của nhật báo Pháp Le Monde tại Tokyo, thông qua sự hiện diện của quân đội tại một nơi cách căn cứ của họ đến 7.000 km, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên có vẻ như đang muốn trở thành một tác nhân chính thức trên trường quốc tế.

Nói cách khác, việc triển khai quân trên mặt trận Ukraine để hỗ trợ đồng minh Nga là yếu tố thể hiện rõ nhất việc tái định vị chiến lược của Bắc Triều Tiên trong khuôn khổ "quan hệ đối tác chiến lược" được ký kết vào tháng 6 tại Bình Nhưỡng giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Từ thế phòng thủ nhằm răn đe bằng cách trang bị tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ, Bình Nhưỡng đã chuyển sang chuẩn bị hành động ngăn ngừa chống lại Hàn Quốc, nay đã trở thành kẻ thù chính của họ.

Việc triển khai quân đội Triều Tiên trên mặt trận Ukraine có thể khiến Hàn Quốc gia tăng cung cấp cho Ukraine vũ khí không chỉ để phòng thủ mà còn cả vũ khí tấn công. Cho đến nay, Seoul đã cung cấp cho Kiev các thiết bị quân sự không sát thương như thiết bị rà phá bom mìn. Hàn Quốc có kế hoạch cử sĩ quan tình báo quân sự đến Ukraine để quan sát chiến thuật tác chiến của quân đội Bắc Triều Tiên và tham gia thẩm vấn tù binh Bắc Triều Tiên, nếu bắt được. Trước mắt, trong cuộc điện đàm hôm qua, lãnh đạo Ukraine và Hàn Quốc đã quyết định sẽ tăng cường hợp tác an ninh để đối phó Bắc Triều Tiên.

Thanh Phương

**************************

Ukraine huy động thêm 160.000 binh sĩ

Phan Minh, RFI, 30/10/2024

Chính quyền Ukraine, hôm 29/10/2024, công bố một chiến dịch động viên mới trong cuộc chiến chống Nga. Cụ thể, Kiev muốn huy động thêm 160.000 binh sĩ. Tuy nhiên, dường như đây không phải là điều đơn giản vì hơn một triệu người đã được huy động vào quân đội.

bachan2

Các tân binh của một đơn vị quân đội Ukraine đang luyện tập tại một địa điểm không được xác định, ngày 14/10/2024. via Reuters – Ukrainian Armed Forces

Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze tường trình :

Trong phiên họp Quốc hội, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine hôm nay đã công bố kế hoạch huy động thêm 160.000 binh sĩ, cho phép quân đội đạt 85% quân số trong các đơn vị.

Biện pháp mới này được đưa ra trong bối cảnh Kiev tìm nhiều cách mới để thu hút những người trong độ tuổi chiến đấu vào quân đội, nhằm bù đắp những tổn thất, như người chết hay bị thương, trong khi hơn 1 triệu người đã được huy động kể từ khi quân đội Nga tiến hành cuộc xâm lược quy mô lớn.

Đầu năm nay, nam giới trong độ tuổi chiến đấu cũng như nhân viên y tế đã phải cập nhật thông tin cá nhân qua một ứng dụng tuyển quân, có dữ liệu của hơn 4,5 triệu người.

Những ai muốn tự nguyện nhập ngũ có thể nộp đơn trực tiếp vào các đơn vị họ ứng tuyển và chọn lĩnh vực chuyên môn sau đó, nhưng do không có nhiều ứng viên, việc tuyển mộ trực tiếp hay thông qua lệnh động viên vẫn còn chậm, trong khi nhu cầu của quân đội rất cấp bách.

Phan Minh

*************************

Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraine

Thanh Phương, RFI, 30/10/2024

Lãnh đạo Ukraine và Hàn Quốc thỏa thuận sẽ tăng cường hợp tác an ninh, gia tăng liên lạc giữa hai nước ở mọi cấp để đối phó với quân Bắc Triều Tiên tham chiến bên cạnh quân Nga ở Ukraine.

bachan3

Người biểu tình Hàn Quốc tập hợp trước dinh tổng thống phản đối chính phủ có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine, ngày 23/10/2024, tại Seoul. AP - Ahn Young-joon

Theo hãng tin Reuters, trên mạng X, tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết trong cuộc điện đàm hôm qua, 29/10/2024, với tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-keol, lãnh đạo hai nước cũng đã quyết định sẽ tăng cường trao đổi tin tình báo.

Ông Zelensky còn thông báo Kiev chia sẻ cho Seoul những dữ liệu về việc triển khai khoảng 3.000 lính Bắc Triều Tiên tại các quân trường gần vùng chiến sự. Theo dự báo của tổng thống Ukraine, số quân Bắc Triều Tiên đến Nga để được huấn luyện sẽ tăng lên thành 12.000 người.

Hôm qua, Lầu Năm Góc xác nhận là một số binh lính Bắc Triều Tiên đã có mặt tại vùng Kursk ở biên giới Nga, nơi mà quân Ukraine đã đột kích từ tháng 8 và đã đánh chiếm được hàng trăm km vuông lãnh thổ của Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ mối quan ngại về sự hiện diện của quân Bắc Triều Tiên tại vùng Kursk và tuyên bố là Kiev phải đánh trả nếu lực lượng Bắc Triều Tiên xâm nhập lãnh thổ Ukraine.

Vào lúc phương Tây lên án Bình Nhưỡng gởi quân đến tham chiến ở Ukraine, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Choe Son-hui hôm qua đã đến vùng Viễn Đông Nga và đến Moskva hôm nay để thăm chính thức nước Nga. Chuyến đi của lãnh đạo ngoại giao Bắc Triều Tiên diễn ra sau khi các dân biểu Viện Duma (Hạ Viện Nga) tuần trước, đã thông qua "hiệp ước về đối tác chiến lược toàn diện" giữa hai nước, trước khi đưa lên Thượng Viện Nga để xem xét. Hiệp ước đã được ký kết nhân chuyến thăm của tổng thống Vladimir Putin tại Bình Nhưỡng vào tháng 6/2024, đánh dấu việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Hiệp ước quy định hai nước hỗ trợ quân sự cho nhau ngay lập tức nếu một bên bị một quốc gia thứ ba tấn công.

Thanh Phương

**************************

Triều Tiên và Nga gây chấn động chính trị với động thái chiến tranh nhắm vào Ukraine

Reuters, VOA, 29/10/2024

Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên đã đến Nga vào hôm 29/10 để đàm phán khi cuộc chiến Nga-Ukraine dường như đang có bước ngoặt nguy hiểm mới, trong khi NATO và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng quân đội Triều Tiên có thể sớm tham gia vào phe của Moscow.

bachan4

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mỉm cười trong cuộc gặp tại Sân bay quốc tế Sunan Bình Nhưỡng, Triều Tiên, hôm 19/6/2024.

NATO cho biết hôm 28/10 rằng hàng nghìn binh sĩ Triều Tiên đang được triển khai đến tiền tuyến, một diễn biến khiến Kyiv phải kêu gọi thêm vũ khí và một kế hoạch quốc tế để ngăn chặn điều đó.

Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng bất kỳ binh sĩ Triều Tiên nào tham chiến trong cuộc chiến đều sẽ là "mục tiêu hợp lý" cho các cuộc tấn công của Ukraine và rằng Washington sẽ không áp đặt bất kỳ giới hạn mới nào đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí của Hoa Kỳ nếu Triều Tiên tham chiến.

Hàn Quốc, trên thực tế vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên – vốn đang sở hữu vũ khí hạt nhân trong nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cũng lên án các cuộc triển khai này, với các quan chức ở Seoul lo ngại về những gì Nga có thể cung cấp cho Bình Nhưỡng để đổi lấy sự hỗ trợ của Triều Tiên.

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đã đến vùng Viễn Đông của Nga hôm 29/10 trên đường tới Moscow, theo truyền thông nhà nước Nga đưa tin. Các hãng thông tấn nhà nước Nga nói rằng không rõ bà Choe sẽ gặp ai trong chuyến thăm thứ hai của bà trong sáu tuần.

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch gặp bà.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 29/10, nói rằng các động thái của Triều Tiên đang đưa cuộc chiến vào một giai đoạn mới.

"Cuộc chiến này đang trở nên quốc tế hóa, vượt ra ngoài phạm vi hai quốc gia", ông Zelensky phát biểu trên X.

"Chúng tôi đã nhất trí tăng cường trao đổi thông tin tình báo và chuyên môn, tăng cường liên lạc ở mọi cấp độ, đặc biệt là cấp cao nhất, để xây dựng chiến lược hành động và các biện pháp đối phó nhằm giải quyết tình trạng leo thang này", ông Zelensky cho biết.

Ông Yoon nói với ông Zelensky rằng nếu Triều Tiên nhận được viện trợ từ Nga và có thể thu thập được kinh nghiệm và kiến thức quân sự từ sự can dự của mình vào cuộc chiến, thì điều đó sẽ gây ra "mối đe dọa lớn" đối với an ninh của Hàn Quốc, theo văn phòng của ông cho biết.

Hàn Quốc cho biết họ có thể bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu quân đội Triều Tiên tham gia cuộc chiến của Nga. Ông Putin không phủ nhận sự hiện diện của quân đội Triều Tiên tại quốc gia này.

Mang tính biểu tượng ?

Vai trò của quân đội Triều Tiên vẫn chưa được biết rõ ràng.

"Những con số cho thấy nỗ lực này không chỉ mang tính biểu tượng, nhưng quân đội có thể sẽ đóng vai trò hỗ trợ và chiếm chưa đến 1 phần trăm lực lượng của Nga", nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết trong một lưu ý.

"Nga đang rất cần thêm nhân lực và đây là một yếu tố trong nỗ lực của Nga nhằm lấp đầy hàng ngũ mà không cần huy động thêm quân", nhóm nghiên cứu của trung tâm có trụ sở ở Mỹ nói thêm và lưu ý rằng sự hiện diện có thể tăng lên.

Các nhà ngoại giao và nhà phân tích phương Tây cho biết quân đội cũng có thể đóng vai trò chính trị đối với Nga và Triều Tiên, củng cố vị thế của họ trong quan hệ với Trung Quốc, quốc gia có mối quan hệ đối tác không mấy dễ chịu với cả hai nước, và gửi thông điệp tới Washington và các đồng minh của họ.

"Mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng càng gần gũi thì họ càng kỳ vọng có nhiều đòn bẩy hơn đối với các đồng minh của Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc", theo Gilbert Rozman, của Diễn đàn Asan, nhận định trong bài viết cho chương trình 38 North có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Một vài nghìn quân Triều Tiên sẽ không thay đổi được tiến trình của cuộc chiến, vì vậy đây có thể là nỗ lực của Nga nhằm nhấn mạnh với Hoa Kỳ rằng Moscow có thể gây rối loạn như thế nào nếu họ muốn, theo một nhà ngoại giao giấu tên cho biết.

"Việc đưa quân đội Triều Tiên vào một cỗ máy chiến tranh vốn rất phức tạp không phải là điều dễ dàng. Nhưng việc sử dụng sự hiện diện của họ để đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này ở Châu Á lại khá đơn giản", nhà ngoại giao này cho biết.

Huấn luyện lực lượng

Xung đột Ukraine nổ ra khi Nga xâm lược nước láng giềng vào tháng 2/2022 và kể từ đó đã phát triển thành một cuộc chiến tranh tiêu hao chủ yếu diễn ra dọc theo các tuyến đầu ở miền đông Ukraine, với số lượng thương vong lớn ở cả hai bên.

Lầu Năm Góc ước tính 10.000 quân Triều Tiên đã được triển khai đến miền đông nước Nga để huấn luyện, một con số tăng so với ước tính 3.000 quân vào ngày 23/10.

Các nhà lập pháp Hàn Quốc được cơ quan tình báo của nước này thông báo hôm 29/10 cho biết rằng quân đội Nga đang cố gắng dạy thuật ngữ quân sự cho binh lính Triều Tiên.

Moscow cũng đang tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nỗ lực của Triều Tiên nhằm triển khai một đội vệ tinh do thám, theo các nhà lập pháp cho biết.

Các quan chức tình báo ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Ukraine nói rằng trong nhiều tháng qua, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo tầm ngắn, đạn pháo và các loại vũ khí khác.

Reuters

*************************

Mỹ cho phép Ukraine dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga

Phan Minh, RFI, 29/10/2024

Bộ Quốc phòng Mỹ, hôm qua 28/10/2024, tuyên bố sẽ không áp đặt những giới hạn mới với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp, nếu binh sĩ Bắc Triều Tiên hỗ trợ quân đội Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine.

bachan5

Hình ảnh truyền hình về các binh sĩ được cho là người Bắc Triều Tiên tham gia cuộc chiến của Nga chống Ukraine, chương trình thời sự tại một ga xe lửa ở Seoul, Hàn Quốc, 21/10/2024. AP - Ahn Young-joon

Theo hãng tin Anh Reuters, việc binh lính Bắc Triều Tiên xuất hiện ở Nga khiến phương Tây lo ngại cuộc xung đột, vốn đã kéo dài 2 năm rưỡi ở Ukraine, có thể sẽ lan rộng. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy điện Kremlin đang cố gắng bù đắp những tổn thất ngày càng gia tăng trên chiến trường.

Theo Lầu Năm Góc, dường như có 10.000 binh sĩ Bắc Triều Tiên được triển khai tới miền đông nước Nga, tăng 7.000 người so với ước tính trước đó, cách đây gần một tuần.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

"Tình hình rất nguy hiểm". Đó là nhận định của tổng thống Mỹ Joe Biden khi được hỏi về sự hiện diện của binh lính Bắc Triều Tiên ở Nga. Tuần trước, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ ước tính có 3.000 lính Bắc Triều Tiên trong các trại huấn luyện trên lãnh thổ Nga. Theo thống kê của Lầu Năm Góc, công bố hôm qua, con số này đã tăng lên 10.000 người. Và thậm chí là 12.000 người, theo tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông cũng cho biết một số binh sĩ này có thể sẽ ra mặt trận trong vài ngày tới.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte nhấn mạnh hoạt động này dường như được thực hiện ở khu vực Kursk của Nga, nơi quân đội Ukraine đã tiến vào từ nhiều tháng qua. Cách đây mấy hôm, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby giải thích nếu binh sĩ Bắc Triều Tiên thực sự xuất hiện trên chiến trường, thì đương nhiên họ sẽ trở thành mục tiêu. Theo ông Kirby, đó cũng là dấu hiệu bộc lộ điểm yếu của Nga.

Ngoài ra, nếu thông tin lính Bắc Triều Tiên có mặt tại Nga được xác nhận, điều đó sẽ đồng nghĩa với sự lan rộng nguy hiểm của xung đột. Ngành ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại với Trung Quốc, được biết đến là một trong những quốc gia hiếm hoi được các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên lắng nghe. Washington kêu gọi Bắc Kinh nên tỏ ra quan ngại trước hành động gây bất ổn của hai nước láng giềng và đồng minh.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Phan Minh, Reuters
Read 119 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)