Người dân kêu gọi Đổi Mới lần hai để khai thông "điểm nghẽn thể chế"
RFA, 05/11/2024
38 năm sau ngày Đổi Mới, xóa bỏ bao cấp và chuyển sang mở cửa kinh tế, hội nhập với thế giới, người dân Việt Nam tiếp tục kêu gọi một cuộc Đổi Mới lần thứ hai, trong lúc ông Tô Lâm chỉ ra "kỷ nguyên vươn mình" của dân tộc.
Một tấm panô tuyên truyền về Đại hội Đảng trên đường phố Hà Nội vào tháng 1/2021 - AP/Hau Dinh
Bảy tổ chức xã hội dân sự trong nước và 32 cá nhân ngày 3/11 đồng ký thư kiến nghị gửi Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, trong đó kêu gọi xây dựng một lộ trình Đổi Mới lần thứ hai về chính trị sau Cải cách kinh tế năm 1986, gồm các chương trình hành động cụ thể với mục tiêu thời gian thực hiện rõ ràng.
Theo những người khởi xướng, điều này sẽ tạo điều kiện cho công chúng và các tổ chức xã hội có thể giám sát, ủng hộ và đồng hành cùng chế độ trong quá trình Đổi Mới.
"Lộ trình Đổi Mới lần thứ hai cần ưu tiên đến các vấn đề cải cách thể chế, bao gồm xây dựng một hệ thống pháp luật công bằng, bảo vệ quyền lợi của công dân, và đảm bảo tính minh bạch trong quản lý.
Điều này không chỉ giúp giải quyết những điểm nghẽn hiện tại mà còn đặt nền móng vững chắc cho một xã hội ổn định và phát triển bền vững trong tương lai".
Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một người từng có thời gian dài làm việc cho danh nghiệp Nhà nước nói với RFA trong ngày 05/11 :
"Lần Đổi Mới này không phải là ý muốn của ai cả, tình thế bắt buộc phải làm chứ không phải là ý muốn của ông A bà B. Không thay đổi là chết, tất nhiên dân chết thì Đảng cũng chết, không có cách gì khác !"
Ông Lê Thân cho biết Cải cách kinh tế năm 1986 đã giúp cho đất nước phát triển kinh tế và thoát khỏi tình trạng nghèo đói do nền kinh tế tập trung gây ra, còn cải cách thể chế lần này giúp cho đất nước thoát khỏi tình trạng nghẽn thể chế như Tổng bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu gần đây.
Ông cho biết những hành động và biểu hiện gần đây cho thấy ông Tô Lâm và lực lượng tiến bộ trong Đảng đang có sự thay đổi, rất nhanh và mạnh. Tuy nhiên, theo ông "vấn đề là lực lượng tiến bộ trong Đảng có thể chi phối được lực lượng lạc hậu hay không ?"
Các nhân sĩ trí thức trong kiến nghị thư cũng đồng thời kêu gọi Chính phủ tôn trọng cam kết về quyền con người, rà soát và sửa đổi các quy định vi hiến và vi phạm cam kết quốc tế, cũng như cải cách hệ thống bầu cử để bảo đảm tính công bằng và minh bạch.
Nguồn : RFA, 05/11/2024
**************************
Bị công an trả thù vì gửi báo cáo cho Liên Hiệp Quốc
RFA, 04/11/2024
Công an Việt Nam tăng cường đàn áp những tín đồ theo các hội thánh Tin lành độc lập ở Tây Nguyên sau khi họ hợp tác với Liên Hiệp Quốc. Nạn nhân khẳng định sẽ không dừng lại một khi họ còn bị xâm phạm quyền tự do tôn giáo.
Nhà hoạt động nhân quyền Y Quynh BDap. Ảnh : Fb Y Quynh BDap.
Chính quyền Việt Nam quyết trả thù
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Đỗ Hùng Việt, vào cuối tháng 9 đã tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng Việt Nam sẽ từ chối 49 trong tổng số 320 khuyến nghị từ các quốc gia thành viên.
Trong số những khuyến nghị bị bác bỏ, bao gồm khuyến nghị yêu cầu ngừng trả đũa những cá nhân hợp tác với Liên Hiệp Quốc về nhân quyền.
"Điều này minh chứng rõ cho động cơ thực sự của chính quyền là duy trì sự kiểm soát bằng mọi giá và không chấp nhận bất kỳ sự thay đổi nào". Ông Y Phic, sáng lập viên của tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ), từ Hoa Kỳ, nói với RFA.
Nhà nước không muốn bất kỳ sự giám sát nào từ bên ngoài đối với hành vi "đàn áp tàn bạo" mà họ đang áp đặt lên người dân bản địa và các cá nhân dũng cảm đứng lên tố cáo vi phạm nhân quyền, ông Y Phic nói thêm.
Nạn nhân lên tiếng
Lý do chính được phía Việt Nam nêu ra trong văn bản giải trình về việc từ chối khuyến nghị là : "Một số khuyến nghị không phản ánh thực tế tại Việt Nam hoặc chứa đựng những đánh giá không chính xác và vô căn cứ về tình hình tại Việt Nam".
Dù vậy, RFA đã xác nhận với ít nhất ba người, và được thông báo họ bị sách nhiễu, đàn áp nhiều hơn sau khi chính quyền phát hiện họ gửi báo cáo cho Liên Hiệp Quốc. Hai trong số đó đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình với RFA với điều kiện thay đổi tên vì lo ngại bị tiếp tục trả thù từ phía công an Việt Nam.
Y Ping Bdap, một tín đồ thuộc Hội thánh tư gia độc lập ở huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, đã phải chịu đựng các hành vi sách nhiễu và đe dọa từ lực lượng công an suốt gần 20 năm qua chỉ vì ông là tín đồ của các hội thánh Tin lành độc lập, không được nhà nước công nhận.
Người này kể đã bị công an triệu tập nhiều lần để đe dọa và ép buộc từ bỏ sinh hoạt ở hội thánh độc lập. Nặng nề nhất, vào tháng 4 vừa qua, ông bị cưỡng ép lên đồn công an làm việc liên tục trong hai ngày ba đêm. Trong thời gian này, ông bị đánh đập và đe dọa, buộc phải từ bỏ Hội thánh tư gia độc lập để theo Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam, do nhà nước kiểm soát. Tuy nhiên, ông đã từ chối yêu cầu này.
Từ năm 2016, ông Y Ping đã gửi báo cáo về những lần chính quyền Việt Nam đàn áp và vi phạm quyền tự do tôn giáo đối với gia đình mình. Theo ông chính hành động này đã khiến ông trở thành đối tượng bị trả đũa từ chính quyền :
"Chính quyền biết tôi gửi báo cáo cho Liên Hiệp Quốc, nên công an mời lên mời xuống nhiều lần. Họ không cho chúng tôi gửi báo cáo cho Liên Hiệp Quốc nữa. Công an nói nếu tiếp tục gửi báo cáo thì sẽ bắt nhốt chúng tôi vào tù".
Ông Y Ping cho biết lực lượng công an liên tục canh gác ngày đêm quanh nhà các tín đồ và tại các ngã tư từ ngày 5/9 đến nay, nhằm ngăn chặn họ đến nhà nguyện để thờ phượng. Điều này không chỉ cản trở quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng mà còn tạo ra bầu không khí sợ hãi và bất an cho các tín đồ và gia đình họ.
Cũng theo lời ông Y Ping, từ ngày 5 đến 11 tháng 9, công an đã triệu tập tất cả các tín đồ lên đồn để ép họ ký giấy từ bỏ các hội thánh Tin lành tư gia độc lập.
Không dừng lại ở đó, vào ngày 16/10, công an triệu tập khoảng 80 tín đồ đến ủy ban xã để công bố rằng sẽ "dập tắt tất cả hội thánh tư gia độc lập". Những ai tiếp tục sinh hoạt tôn giáo mà không được sự cho phép của chính quyền sẽ bị bắt giam.
Ông Y Hun, một tín đồ khác hiện sống ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, không muốn tiết lộ danh tính vì sợ bị trả thù, cũng phải chịu hoàn cảnh tương tự.
"Công an dùng đủ mọi cách để ngăn chúng tôi. Ví dụ như gần nhà của tôi, họ đặt camera để theo dõi, họ canh gác ở các ngã tư để ngăn chúng tôi đến địa điểm sinh hoạt tôn giáo.
Công an nói rằng chúng tôi theo đạo Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên là lợi dụng tôn giáo để chống Nhà nước, nhưng điều đó không đúng. Chúng tôi chỉ tin theo Chúa và không làm gì phạm pháp. Chúng tôi sinh hoạt tôn giáo nhưng vẫn tuân thủ pháp luật của Việt Nam". Ông Y Hun nói.
Là tín đồ của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên , một tổ chức tôn giáo bị nhà nước cấm hoạt động…, ông Y Hun đã gửi báo cáo lên Liên Hiệp Quốc vài năm trước để kêu gọi sự giúp đỡ từ quốc tế vì bị đàn áp tôn giáo.
Ông này cho biết tình hình càng căng thẳng hơn từ khi chính quyền Việt Nam phát hiện ông gửi thông tin về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam cho Liên Hiệp Quốc :
"Họ gây khó khăn rất nhiều. Nhiều lúc tôi không dám đi làm rẫy trong vài tháng vì công an liên tục canh giữ và theo dõi, nên không dám đi làm rẫy một mình, phải ở nhà".
Tuy vậy, ông khẳng định sẽ tiếp tục gửi báo cáo để quốc tế hiểu hơn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam : "Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục gửi báo cáo cho Liên Hiệp Quốc. Tôi sẽ không bao giờ dừng lại".
Trả thù xuyên quốc gia
Một điều đặc biệt mà ông Y Phic muốn nhấn mạnh là không chỉ các tín đồ hợp tác với Liên Hiệp Quốc ở trong nước bị trả thù, mà chính quyền Hà Nội còn thực hiện đàn áp xuyên quốc gia, nhắm vào cả những người đang tị nạn ở nước ngoài.
Trường hợp đặc biệt mà ông Y Phic dẫn chứng là vụ nhà hoạt động Y Quynh Bdap, hiện đang tị nạn tại Thái Lan, đứng trước nguy cơ bị dẫn độ theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.
"Y Quynh là điều phối viên và cũng là đồng sáng lập viên của MSFJ. Anh ấy thường xuyên gửi nhiều báo cáo cho Liên Hiệp Quốc, nên chính quyền Việt Nam đã tức giận và gán tội cho anh".
Vào cuối tháng 9, Tòa án Hình sự Bangkok phán quyết rằng Chính phủ Thái Lan có thể trục xuất ông Y Quynh Bdap về Việt Nam, mặc dù ông đã được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cấp quy chế tị nạn từ năm 2018.
Ông Y Quynh Bdap, thành viên sáng lập của tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ), chuyên báo cáo vi phạm nhân quyền của Việt Nam ra quốc tế, bị một tòa án ở Việt Nam kết tội vắng mặt vì bị cho rằng liên quan đến vụ xả súng ở tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023, một cáo buộc mà ông luôn phủ nhận.
Bà Biap Krong, thường xuyên cộng tác với Liên Hiệp Quốc về vấn đề tự do tôn giáo của người Thượng, từ Thuỵ Sỹ, cho rằng Nhà nước Việt Nam cương quyết đưa ông Y Quynh Bdap về cho bằng được rõ ràng là sự trả thù đối với một người hoạt động bảo vệ nhân quyền :
"Hay nói đúng hơn là bản án hận thù, Nhà nước Việt Nam căm ghét ông ấy vì ông ấy có được lòng tin của người Thượng. Ông ấy và tổ chức của ông ấy đã gửi hơn 200 báo cáo vi phạm cho Liên Hiệp Quốc. Cho nên người không nắm rõ về tình hình chính trị thì cũng đủ hiểu đây là bản án hận thù mà nhà nước áp đặt lên nạn nhân".
Theo bà Biap Krong, nếu Hà Nội thành công trong việc dẫn độ ông Y Quynh về Việt Nam thì sè gây ra nhiều rủi ro về sau cho người Việt hiện đang tị nạn tại Thái Lan :
"Về an ninh của người tị nạn, nơi ở của họ đã bị phát hiện. Các hoạt động của người tị nạn đều được nhà nước Việt nam nắm rõ. Chính phủ Thailand sẽ truy quét người tị nạn gắt gao hơn, một khi cảnh sát và chính phủ Thái Lan truy quét thì người tị nạn sẽ khó có thể đi làm như trước đây hơn".
Sự việc nhà hoạt động nhân quyền người Thượng bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ khiến nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lo ngại về tình trạng đàn áp xuyên quốc gia của Chính phủ Việt Nam.
Ông Phil Robertson, Giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao Động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA), bày tỏ lo ngại rằng Y Quynh Bdap sẽ phải đối mặt với việc bị bắt, tra tấn khi giam giữ và án tù dài hạn nếu trở về Việt Nam.
Ông Josef Benedict, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) cho rằng vụ việc này nêu bật xu hướng đàn áp xuyên quốc gia ngày càng tăng của Việt Nam khi các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến tìm nơi ẩn náu ở Thái Lan phải đối mặt với sự bắt giữ, quấy rối, giám sát và bạo lực thể xác, thường có sự hợp tác của chính quyền Thái Lan.
Vụ án này cũng khiến một Nghị sỹ Quốc hội Thái Lan, ông Kanawee Suebsaeng kêu gọi chính phủ nước này giám sát chặt chẽ việc hồi hương đối với ông Y Quynh Bdap.
Nguồn : RFA, 04/11/2024