Thế nào là một ‘anh hùng bàn phím’ ?
Đó là những người (thường) giấu mặt, sử dụng bàn phím và mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân một cách cực đoan bất chấp mọi lý luận.
Anh hùng bàn phím là những người (thường) giấu mặt - Ảnh minh họa
Đặc điểm chung của các ‘anh hùng bàn phím’ là :
1. Giấu mặt.
Trên mạng xã hội thì các tài khoản cá nhân có thể lập ra mà không cần khai tên thật. Điều này có ưu điểm là để bảo vệ những tiếng nói trái chiều với chính quyền trong các nước độc tài. Mặt trái của việc giấu tên là rất nhiều kẻ ủng hộ chính quyền (thường được gọi là ‘dư luận viên’) và một thiểu số cực đoan tha hồ chửi bới, chụp mũ, lăng mạ những người bất đồng chính kiến. Những người có tên tuổi hẳn hoi thường kiềm chế, bình tĩnh và có trách nhiệm hơn trong việc phát ngôn.
Một số người hoạt động chính trị, có thể phải dùng bí danh để viết bài nhưng không thể xem đó là sự giấu mặt nếu họ tham gia vào một tổ chức chính trị nào đó.
2. Viết những điều tào lao, nhăng cuội, cực đoan nhằm gây phân tâm cho người khác.
Chính vì giấu mặt nên các ‘anh hùng bàn phím’ tha hồ nói, viết và đẩy những sự việc bình thường thành nghiêm trọng hoặc phiến diện khiến dư luận, nhất là những người thiếu thông tin bị hoang mang khiến họ bị phân tâm một cách tiêu cực. Ví dụ trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nhiều ‘anh hùng bàn phím’ vì bênh vực chính quyền Việt Nam nên đã lên mạng chửi bới nước Đức thậm tệ bất chấp sự thật, bất chấp những ảnh hưởng mà cộng đồng người Việt tại Đức phải gánh chịu.
3. Kích bác, chụp mũ và tấn công những người không cùng chính kiến.
Một đặc điểm để nhận ra các ‘anh hùng bàn phím’ là ngôn ngữ hằn học, chợ búa, tục tĩu, bất dung mà họ dành cho những người ‘bất đồng chính kiến’ đối với họ. Những người này không ngần ngại sử dụng ‘bạo lực ngôn ngữ’ để tấn công người khác thay vì tranh luận có tình có lý. Với họ khái niệm ‘tự do ngôn luận’ là mặc sức chửi bới người khác.
4. Đánh bóng bản thân để nổi tiếng, câu like, câu view…
Đặc điểm ít nguy hiểm nhất nhưng gây không ít khó chịu cho người khác của các ‘anh hùng bàn phím’ đó là thích nổ, tạo scandal, đưa tin giật gân để nổi tiếng. Các nghệ sĩ nửa mùa và các ‘nhân sĩ’ là hay dùng cách này nhất.
5. Ngụy biện.
Phương pháp thường dùng của các ‘anh hùng bàn phím’ là sự ngụy biện. Điều này không khó để nhận ra khi chúng ta bình tĩnh để đánh giá mục đích của bài viết. Nếu là để học hỏi, khai dân trí, mở mang kiến thức và góp phần vào sự nghiệp dân chủ hóa đất nước thì không sao, còn nếu họ cứ nằng nặc bênh vực chế độ, ca ngợi kẻ cầm quyền và đổ hết trách nhiệm cho người dân thì rõ ràng đấy là sự ngụy biện nhằm bao che cho chế độ.
Ngôn ngữ là công cụ để chuyên chở và truyền tải tư tưởng của con người. Cũng là nói, là viết nhưng nói cái gì, viết cái gì thì lại hoàn toàn khác nhau. Ai cũng có thể nói, cũng có thể viết nhưng có người viết-nói ra thì bị chê cười nhưng có người nói ra, viết ra thì người khác có thể cảm nhận ngay được sự uyên bác và thông minh. Lý do ! Tư duy và trí tuệ của con người khác nhau. Luôn có người thông minh-người kém hiểu biết, người khôn-người dại, người sáng suốt-người tối dạ, người là tỉ phú-người bần hàn, người cao sang-người hèn kém…Sự chênh lệch về hiểu biết này luôn tồn tại trong mọi xã hội nhưng mức độ và sự khác biệt đó sẽ giảm thiểu đáng kể dưới các quốc gia cởi mở, dân chủ và tự do.
Có ý kiến cho rằng ‘nói thì dễ, ai nói cũng được, làm mới khó’, sự thực không phải lúc nào cũng vậy. Có những người suốt đời họ chỉ ‘nói và viết’ như các chính trị gia, luật sư, giáo viên, các chuyên gia tâm lý, tư vấn, các nhà nghiên cứu và khoa học, các tu sĩ…Chúng ta có thể nhớ lại việc ông Obama sau khi vừa rời nhà Trắng, được mời đến nói chuyện tại một cuộc hội thảo và tiền thù lao cho buổi nói chuyện đó lên đến 400.000 USD.
Trong lịch sử Trung Quốc cũng có những nhà thuyết khách nổi tiếng như Trương Lương, Tôn Tử, Gia Cát Lượng…Họ cũng chỉ dùng lời nói để chiến thắng kẻ thù, lưu danh thiên cổ và đạt được đỉnh cao quyền lực. Chuyện ‘chém gió’ sau bàn phím cũng như vậy, có người nhanh chóng nổi tiếng vì sự uyên bác của mình nhưng cũng có người phát ngôn để chọc cho thiên hạ chửi.
Chúng ta hay nghe câu ‘nói dễ, làm khó’ nhưng đã có bao giờ bạn thấy ông sếp trong các công ty hay các chính trị gia đụng tay đụng chân vào việc gì chưa ? Ông bà ta có câu ‘một người lo bằng cả kho người làm’. Người suy nghĩ và làm việc bằng đầu óc mới là giỏi và được trả lương cao nhất. Người công nhân và nông dân vất vả làm lụng suốt ngày nhưng thu nhấp luôn thấp nhất. Khả năng của con người là khác nhau vì thế mọi người sẽ làm công việc phù hợp nhất với bản thân để đem lại kết quả cuối cùng tốt nhất cho bản thân và xã hội. Không thể bắt một ông luật sư đi làm cửu vạn để ông cửu vạn đi làm luật sư.
Ngôn ngữ là sản phẩm của tư tưởng nên mới có câu ‘đọc văn biết người’. Tư tưởng của con người sinh ra những nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà chính trị nổi tiếng. Tư tưởng và trí tuệ của con người được khai phóng trong thế kỷ 18 đã tạo ra các cuộc cách mạng công nghệ khiến nền văn minh nhân loại thay đổi ngoạn mục. Loài người đã khám phá ra rằng tự do suy nghĩ, tự do diễn đạt và tự do ngôn luận là nhân tố tạo ra các phát minh và sáng kiến mới để thay đổi thế giới. Nhờ tự do suy nghĩ, tự do tư tưởng mà nước Mỹ đã sinh ra Bill Gate (Microsorf), Mark Zuckerberg (Facebook), Steve Jobs (Apple)…
Một nguyên nhân khiến Việt Nam thua thiệt và tụt hậu với thế giới là do người dân bị mất tự do dưới chế độ cộng sản, một chế độ độc quyền về tư tưởng, ngăn cấm và đàn áp các tiếng nói độc lập và bất đồng chính kiến. Cũng vì sống lâu dưới chế độ hà khắc đó mà người Việt cũng trở nên bất dung với những tiếng nói cổ vũ cho tự do và dân chủ. Lý do thứ hai khiến người Việt dị ứng với những tiếng nói bất đồng là thói quen tôn sùng bạo lực. Văn hóa tôn thờ bạo lực có nguồn gốc từ văn hóa Khổng giáo và được chế độ cộng sản đẩy lên đỉnh điểm. Xã hội Việt Nam đang bị khủng hoảng nặng nề về văn hóa và đạo đức mà bạo lực là một biểu hiện nguy hiểm của nó. Bạo lực từ đường phố đã lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong cuộc sống của con người và tràn lên cả mạng xã hội bằng một thứ được gọi là ‘bạo lực ngôn ngữ’. Một bài phân tích khá đầy đủ về tình trạng bạo lực của người người Việt Nam mà độc giả có thể tham khảo là bài viết của tác giả Phạm Vũ Mai ‘Có những người Việt hung hãn, độc ác…’ (1).
‘Trung ngôn nghịch nhĩ’, những lời nói không đúng ý mình thường khó nghe. Không những chỉ mỗi đảng cộng sản khó chịu vì điều đó mà ngay cả một số trí thức Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Một số cựu quan chức cộng sản đã ly khai nhưng vẫn bày tỏ sự không đồng tình với những ý kiến chỉ trích giới trí thức Việt Nam vì theo họ, trí thức Việt Nam như thế là tốt, là tuyệt vời, là đã hoàn thành bổn phận của mình và không đáng bị chê trách, chỉ trích…Những người này quên mất câu ‘đất nước lâm nguy, thất phu hữu trách’, trí thức luôn phải là bộ não, là tư tưởng, là sự phát ngôn của đất nước để dẫn đường chỉ lối cho người dân. Cách mạng Tháng 8 với việc lên ngôi, lãnh đạo và dẫn dắt của tầng lớp ‘bần cố nông’ đã gây ra một thảm kịch cho Việt Nam đến tận ngày hôm nay hình như vẫn chưa làm trí thức Việt Nam tỉnh thức để nhận lãnh trách nhiệm của mình.
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng từng nói ‘Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước ? Chưa làm gì cả…’ Bà quên mất câu ‘Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra’ rồi chăng ? Mọi người dân đều có quyền chất vấn, chỉ trích chính phủ và chính phủ phải có trách nhiệm giải trình vì chính phủ ăn lương của dân để làm việc cho dân. Không hiểu bà Ngân muốn người dân và các tổ chức phải ‘làm gì ?’ Bạo động, biểu tình chăng ? Quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức dân chủ đối lập là đấu tranh ôn hòa bằng cách đưa ra một ‘Dự án chính trị’ để làm ‘giải pháp thay thế’ cho ‘giải pháp cộng sản’ đã được thực tế chứng minh là thất bại hoàn toàn. Chúng tôi cố gắng để thuyết phục người dân và trí thức Việt Nam để họ chọn giải pháp của chúng tôi và chúng tôi sẽ làm đúng như những gì đã đề nghị trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai dưới sự giám sát của người dân thông qua báo chí và các đảng đối lập.
Quay trở lại chuyện các ‘anh hùng bàn phím’. Vậy ‘anh hùng bàn phím’ có nguy hiểm không ? Và nên đối phó với các ‘anh hùng bàn phím’ bằng cách nào ?
Ai cũng biết sự ra đời của internet và các trang mạng xã hội là một bước tiến vĩ đại của con người. Sản phẩm mới này đã cho phép con người tương tác và kết nối với nhau trên diện rộng, đồng thời giúp con người bày tỏ chính kiến của mình một cách ngay lập tức mà không bị ai kiểm duyệt. Tất nhiên cũng như mọi thứ trên đời, mạng xã hội cũng có hai mặt tốt và xấu. Có thể hình dung mạng xã hội giống như một cái chợ, thượng vàng hạ cám, tốt xấu, hay dở, văn minh-hủ lậu, trí tuệ-bất lương…tất tật đều có cả trong đó. Mỗi người vào chợ (cũng như vào mạng) để tìm thứ mình cần và trên mạng thì luôn có tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người. Cái xấu trên mạng không ít nhưng không thể vì thế mà ‘không họp chợ’ hay đóng cửa các trang mạng.
Các ‘anh hùng bàn phím’ trên mạng cũng giống như mấy tên say rượi mò vào chợ gây gỗ và chửi bậy. Tốt nhất là không cần tranh cãi với những kẻ cực đoan, bất chấp lý luận vì ‘nói với thằng say như vay không trả’. Mỗi người phải tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu về xã hội để có thể nhận biết được đâu là thông tin đứng đắn, đâu là thông tin độc hại để không bị các thế lực hắc ám dẫn dắt và chi phối. Cũng như người đi chợ thông minh, nên biết mình cần cái gì, mua cái gì, chọn cái gì, mua ở đâu và mua của ai ? Thực tình thì mỗi người hay mỗi tổ chức đều có một cuộc sống cũng như một tương lai tương xứng với trí tuệ và hiểu biết của chính mình.
Việt Hoàng
(28/8/2017)
(1) https://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/3378-co-nh-ng-ng-i-vi-t-hung-han-d-c-ac