Sự kiện do Viện Hòa Bình Mỹ (USIP) tổ chức và quy tụ một số hội thảo viên gồm những người có mối liên quan đặc biệt đến việc giải quyết hậu quả chất da cam, còn được gọi là thuốc diệt cỏ với chất dioxin bị cho là tàn phá môi trường và tác động đến sức khỏe của rất nhiều binh lính cũng như thường dân Việt Nam.
AFP
Số liệu từ USIP khẳng định lại từ 1961-1971, bốn năm trước khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, quân đội Mỹ đã rải một số lượng lớn thuốc diệt cỏ trên một vùng rộng hơn 26 ngàn kilomet vuông tại các khu vực giao tranh giữa hai phía.
Ông Andrew Wells-Dang, chuyên gia cao cấp về Việt Nam trong Viện Hòa Bình Mỹ, lên tiếng mở đầu buổi hội thảo như vậy :
"Khoảng một triệu đến 4,8 triệu người Việt cùng hàng trăm ngàn binh lính Mỹ bị phơi nhiễm trực tiếp. Theo Đạo Luật có tên Agent Orange năm 1991, nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ đã được hỗ trợ về tình trạng sức khỏe yếu kém liên quan đến chất da cam.
Khi chiến tranh chấm dứt, người lính Bắc Việt trở về quê nhà đã mang theo hiệu ứng dioxin trong cơ thể. Điều này có nghĩa là những người tiếp xúc với chất cam có thể được tìm thấy trên toàn đất nước Việt Nam. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ước tính ba triệu người Việt đã bị ảnh hưởng bởi dioxin, trong đó có ít nhất 150.000 trẻ em sinh ra sau chiến tranh với dị tật bẩm sinh nghiêm trọng".
Vẫn lời ông Andrew Wells-Dang, năm 2006 Hoa Kỳ khởi sự hợp tác với Việt Nam khắc phục hậu quả chất da cam. Chính phủ Mỹ đã đóng góp hơn 125 triệu USD hỗ trợ cho người bị khuyết tật do nhiễm dioxin tại Việt Nam. Có 10 tổ chức Việt Nam và quốc tế hiện đang cung cấp dịch vụ tài trợ cho người khuyết tật nặng ở tám tỉnh miền Trung và miền Nam, những nơi bị phơi nhiễn dioxin nhiều nhất.
Một trong những công việc quan trọng nhất là hợp tác tiến tới việc làm sạch môi trường :
"Hoa Kỳ đã chi ra 112 triệu đô la cho công tác cải tạo môi trường bị nhiễm dioxin tại Việt Nam cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Dự án dọn sạch thứ hai bắt đầu hồi năm 2020 tại căn cứ không quân Biên Hòa, điểm nóng chất da cam còn lại".
Bước vào phần trình bày của các diễn giả chính. Vị thứ nhất, ông Charles Bailey từ Viện Aspen, từng là đại diện Quỹ Ford (Ford Foundation) tại Hà Nội từ năm 1997, tiếp đó là nguyên Giám đốc Chương trình da cam tại Việt Nam.
Ông Bailey cho biết từ 1997 khi đến Việt Nam, ông đã nhanh chóng nhận ra chất da cam là cả một vấn đề mà chưa có biện pháp gì để giải quyết.
"Tôi đã cảm thấy thực sự nên làm điều gì đó về chất da cam, chính phủ của chúng ta nên chủ động có biện pháp. Thế nhưng mọi thứ như dậm chân tại chỗ, vì vậy chúng tôi đã cố sức loại bỏ mọi chướng ngại.
Tôi đã đề xuất và Ford Foundation chấp thuận các khoản tài trợ nhằm trực tiếp giúp các nạn nhân bị nhiễm dioxin. Chúng tôi cố gắng nói với người Mỹ về tác động của chất da cam dioxin đang gây nên cho người Việt. Ngoài ra, chúng tôi có ý tưởng sẽ rất tốt khi có một kênh liên lạc hai chiều giữa hai nước, qua đó người Mỹ và người Việt có thể chia sẻ, đề xuất công việc mới và một hướng giải quyết trước mắt".
Ý tưởng này đã giúp hình thành Nhóm Đối Thoại Việt Nam Hoa Kỳ về chất da cam. Nhóm Đối Thoại Việt Mỹ về chất da cam hoạt động trong bảy năm, từ 2007 đến 2014. Thành viên và chuyên gia của nhóm được tự do tìm hiểu, thảo luận, thăm viếng nạn nhân chất da cam dioxin và gia đình họ cũng như tham quan các điểm nóng dioxin ở Việt Nam.
Biển báo khu vực có dioxin gần sân bay Đà Nẵng vốn là căn cứ của Mỹ trước đây, một điểm nóng chất độc da cam ở Việt Nam. Hình chụp hôm 9/8/2012. AFP
Tiếp đó, vẫn lời ông Charles Bailey, một lộ đồ giải pháp được thiết lập, trở thành bản tuyên bố và kế hoạch hành động với hai mục tiêu làm sạch (Cleanup) và hỗ trợ người khuyết tật bao gồm nhiều biện pháp ưu tiên trong ba giai đoạn 10 năm với 300 triệu đô la chi phí. Đó là điểm khởi đầu.
"Quốc hội Mỹ đã chuẩn thuận hơn 400 triệu USD cho vấn đề chất da cam, 30% trong số đó dành cho y tế và sức khỏe người tật bệnh, 70% cho việc tẩy sạch dioxin".
Các tổ chức như Ford Foundation, Rockefeller, UNDP Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, UNICEF Quĩ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng HSBC là một loạt các nhà tài trợ những khoản tiền lớn cho nạn nhân chất da cam dioxin, cho việc làm sạch môi trường sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa.
"Từ năm 2015, chúng tôi đi xa hơn trong việc xác định rõ ai là nạn nhân bị thương tật nghiêm trọng vì dioxin để ưu tiên hỗ trợ cho họ. Nguồn tài trợ này đòi hỏi sự suy nghĩ và thảo luận giữa cả hai quốc gia. Làm thế nào để việc hỗ trợ sức khỏe và khuyết tật của Mỹ có tác động tốt nhất và có ý nghĩa nhất đối với người Việt Nam là mục tiêu của chúng tôi".
Tiếp lời ông Charles Bailey, bà Susan Berresford, nguyên Chủ tịch Ford Foundation, từng giữ vai trò triệu tập Nhóm Đối Thoại Mỹ Việt về độc chất da cam, nhân cơ hội này trình bày những trải nghiệm khó khăn và tế nhị trong tiến trình làm việc của Nhóm Đối Thoại Chất Độc Da Cam :
"Chúng tôi từng gặp phải sự hoài nghi rằng hai quốc gia khó có thể, hoặc thậm chí có nên làm việc cùng nhau hay không, và đó là động lực tạo ra Nhóm Đối Thoại Về Chất Da Cam Dioxin. Chúng tôi mời những người có uy tín từ cả hai quốc gia và tôi được yêu cầu làm người triệu tập. Trong vai trò đó, tôi đã tổ chức các cuộc họp, dẫn dắt các cuộc thảo luận, viết thư hoặc nói chuyện với bất cứ ai mà chúng tôi nghĩ có thể giúp đỡ".
Trong 14 năm qua, cho tới lúc rời Ford Foundation, bà Susan Berresford nói tiếp, bà vẫn tiếp tục giúp đỡ nhiều nhất có thể và nhìn lại trải nghiệm của mình :
"Tôi muốn đưa ra ba quan sát và suy nghĩ của mình dưới 3 từ Kế Hoạch, Áp Lực, và Nguyên Tắc. Một thiếu sót trong nỗ lực của chúng tôi là không có khả năng củng cố một khung làm việc mà cả hai bên có thể tiến tới một giải pháp chấp nhận khả dĩ".
Chính phủ Hoa Kỳ, bà Berresford giải thích, luôn hỏi chúng tôi làm thế nào gọi là đủ. Những người cộng sự với chúng tôi ở Việt Nam dường như không thoải mái lắm trong một cuộc đối thoại nhằm định nghĩa những điều gọi là có thể chấp nhận được liên quan đến nạn nhân chất độc da cam dioxin :
"Chúng tôi cần một định nghĩa rất rõ rệt nạn nhân da cam dioxin là thế nào, kế hoạch tốt nhất có thể thực hiện được cho tất cả những điều đó.
Thứ hai là trong việc huy động để tìm ra giải pháp thì chúng tôi cũng không bị nhiều sức ép cho lắm. Chắc chắn có những người quan tâm vì vậy các bước đột phá đã xảy ra. Tôi không nghĩ rằng có bất cứ điều gì sai với từng quy trình đó, nhưng một giải pháp lớn hơn là điều cần thiết cũng bởi vấn đề dioxin còn khá là nhạy cảm tính tới lúc này. Vì vậy, tôi hy vọng nỗ lực đổi mới có thể được tổ chức xung quanh một kế hoạch với áp lực đằng sau nó là nguyên tắc tài trợ một lần và mãi mãi. Tôi tin và hy vọng có thể tiếp tục hữu hiệu theo một cách nào đó".
Vị diễn giả thứ ba, ông Phan Xuân Dũng, chuyên gia Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof- Ishak ở Singapore :
"Tôi được sinh ra rất lâu sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng tôi học được khá nhiều qua những câu chuyện mà cha tôi, một người lính miền Bắc được điều vào chiến trường miền Nam cuối thập niên 1960. Ông kể là một ngày nọ, ông nhìn thấy một chiếc máy bay phun thuốc diệt cỏ rất gần nơi ông đóng quân. Đến giờ cha vẫn nhớ rõ hình ảnh đó với nỗi sợ mình đang hít thở thứ gì độc hại lắm. Rất may cha tôi không bị bất kỳ ảnh hưởng sức khỏe nào liên quan đến chất khói đó, thế nhưng hàng triệu người Việt Nam và hàng trăm ngàn người Mỹ trưởng thành tiếp xúc với dioxin đã không may mắn như cha tôi, cả nhiều trẻ em cũng vậy".
Các nạn nhân chất độc da cam tại một lớp học ở Đà Nẵng hôm 16/6/2011. Reuters
Hậu quả mà chúng ta có thể thấy, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, rằng việc phun thuốc đã ngưng 50 năm rồi, nhưng di lụy khủng khiếp của chất độc da cam vẫn nán lại, vẫn vang vọng qua nhiều thế hệ :
"Nhưng chúng ta có thể làm điều gì đó về chuyện này, như chúng ta đã nghe từ Charles và Susan rằng Việt Nam và Hoa Kỳ, đã đi một chặng đường dài trên vấn đề da cam dioxin.
Chính nhờ những nỗ lực không ngừng của một số người chủ chốt, bao gồm Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy, nhờ sự hỗ trợ kinh nghiệm của người Mỹ tại Việt Nam, giải pháp khắc phục da cam dioxin đã trở thành hiện thực".
Giải quyết hậu quả của chất độc da cam, nhà nghiên cứu Phan Xuân Dũng từ Viện ISEAS-Yusof Ishak khẳng định, là một khía cạnh hệ trọng của quan hệ song phương Mỹ- Việt, tạo điều kiện cho sự tin tưởng, xây dựng và chữa lành vết thương chiến tranh.
"Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác lâu dài, rằng nếu không có sự hợp tác này thì sẽ không có nền tảng cho quan hệ hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh rằng vẫn còn ba thách thức cản trở sự hòa giải. Thách thức đầu tiên là có một số thiếu sót trong các chương trình y tế được tài trợ hiện tại của Hoa Kỳ. Các chương trình này bị hạn chế về phạm vi, chỉ bao gồm các tỉnh ưu tiên lớn. Hiệp hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam đã nhấn mạnh rằng có nhiều tỉnh có nạn nhân cần được hỗ trợ. Hơn nữa, các chương trình này tập trung nhiều vào việc xây dựng năng lực hơn là hỗ trợ trực tiếp, trong lúc hỗ trợ trực tiếp là cách tốt nhất để tiếp cận và biến đổi cuộc sống của người bị tan tật bởi chất da cam".
Một số tiền tài trợ lớn hơn là cần thiết nếu chúng ta muốn cung cấp hỗ trợ trực tiếp hơn, ông nói, thế nhưng không rõ Hoa Kỳ có sẵn sàng tăng vốn tài trợ hàng năm cho các hoạt động y tế tại Việt Nam hay không.
"Thách thức thứ hai là ‘ngôn ngữ phòng ngừa rủi ro’ của Hoa Kỳ đối với những ảnh hưởng sức khỏe do chất da cam dioxin gây ra cho người Việt Nam. Những ngôn từ cẩn thận quá đáng này cho phép Hoa Kỳ làm việc với Việt Nam về tác động sức khỏe từ chất da cam mà không thừa nhận bất kỳ trách nhiệm chính thức nào".
Các công ty sản xuất thuốc khai quang được đề cập đến cho rằng họ không chịu trách nhiệm vì bị chính phủ Hoa Kỳ buộc phải sản xuất thuốc diệt cỏ cho cuộc chiến. Thế nhưng vào năm 1984, họ phải trả 150 triệu đô la cho một số cựu chiến binh Mỹ, trái ngược với quyết định không bồi thường cho nạn nhân da cam Việt Nam.
Đây là những điều mà người quan tâm phải suy gẫm, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh :
"Không có gì là không thể trong việc hòa giải. Hai bài học quan trọng mà tôi nghĩ có thể được áp dụng cho vấn đề khắc phục hậu quả chất độc da cam để thúc đẩy sự hòa giải sâu hơn".
Vì vậy, những gì cần làm là xây dựng các mối quan hệ tích cực, tham gia vào các cuộc đối thoại với các nạn nhân và những người đại diện cho họ. Chúng ta cần hiểu quan điểm và kinh nghiệm đó để cung cấp hỗ trợ hiệu quả và có ý nghĩa hơn, ông Phan Xuân Dũng kết luận.
Cuộc hội thảo trực tuyến kết thúc sau một tiếng đồng hồ vừa thảo luận vừa hỏi đáp xoay quanh tiến trình khắc phục hậu quả chất da cam dioxin cho Việt Nam cũng như hướng đi tới của chương trình trong năm 2022 này.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 26/01/2022