Thanh Hà, RFI, 29/04/2021
Phát biểu lần đầu tiên trướcQuốc hội Lưỡng Viện, hôm qua 28/04/2021, đánh dấu 100 ngày đầu nhiệm kỳ,tổng thống Mỹ Joe Biden chủ yếu tập trung vào chương trình phục hưng kinh tế cho nước Mỹ.Về đối ngoại, Nhà Trắng nói rõ ý định"tránh gây thêm căng thẳng với Nga và xung đột với Trung Quốc".
Lần đầu tiên trong lịch sử, người ta trông thấy hình ảnh một vị tổng thống Mỹ phát biểu trước Quốc hội Lưỡng Viện, sau lưng ông là hai phụ nữ, đó là phó tổng thống Kamala Harris và chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Nguyên thủ Mỹ khẳng định"sau 100 ngày cầm quyền, Hoa Kỳ lại tiến bước" và đưa ra hình ảnh một đất nước đang vượt qua rất nhiều khủng hoảng để thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Bên cạnh những thông báo được đánh giá là mang tính lịch sử về chương trình phục hồi kinh tế Mỹ, Joe Biden nhắc lại : Trong quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ không gây sự để dẫn đến"xung đột", nhưng Washington luôn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ, bảo vệ các"hoạt động mậu dịch công bằng". Ông Biden cảnh báo : Washington"bảo vệ mô hình mậu dịch công bằng, bảo vệ quyền lợi của người lao động Mỹ, bảo vệ nền công nghiệp của Hoa Kỳ trước những hành vi đánh cắp công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ".
Về chiến lược, nước Mỹ dưới chính quyền Biden cũng sẽ"duy trì sự hiện diện quân sự trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, tương tự như tại châu Âu trong khuôn khổ khối NATO", không "t ừ bỏ công cuộc đấu tranh bảo vệ nhân quyền" và "M ỹ cạnh tranh với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác để giành phần thắng trong thế kỷ 21".Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, phát biểu trước Quốc hội Lưỡng Viện, cũng đã nhắc lại rằng các chế độ toàn trị đã sai lầm khi cho rằng các nền dân chủ không có khả năng cạnh tranh nhưng"cạnh tranhkhông có nghĩa là Hoa Kỳ muốn lao vào một cuộc xung đột".
Với nước Nga của tổng thống Putin, nguyên thủ Mỹ nhấn mạnh Washington tránh để căng thẳng"leo thang" nhưng Moskva sẽ phải"trả lời" về những hành động đã can thiệp vào bầu cử Mỹ, và về trách nhiệm của nước Nga trong các vụ tấn công tin học nhắm vào các cơ quan Nhà nước vào các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lãnh đạo Nhà Trắng không loại trừ khả năng hợptác "vì quyền lợi của cả đôi bên".
Thanh Hà
*********************
Thụy My, RFI, 29/04/2021
Trong bài diễn văn đầu tiên trước Quốc hội nhân 100 ngày nhậm chức, hôm qua 28/04/2021 tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định chủ trương chống bất bình đẳng xã hội trong kế hoạch đầy tham vọng của mình.
Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve tường trình :
"Có hai người phụ nữ ở phía sau Joe Biden khi ông đọc bài diễn văn trước Quốc hội, đó là bà Kamala Harris và Nancy Pelosi. "Thưa bà phó tổng thống, thưa bà chủ tịch Hạ Viện…". Chưa có tổng thống nào nói những lời này, nhưng theo Joe Biden thì đã đến lúc.
Sự kiện mang tính lịch sử khác là kế hoạch tái thúc đẩy khổng lồ để đối phó với đại dịch Covid-19 mà tổng thống vừa ca ngợi trước Quốc hội, với quy mô chưa từng thấy kể từ New Deal thời Roosevelt. Nhà nước chi ra đến 6.000 tỉ đô la để kích thích nền kinh tế, và 220 triệu liều vac-xin đã được phân phối. Tổng thống Biden hứa hẹn với Quốc hội về sự phục hưng của Hoa Kỳ.
Ông nói : "Nước Mỹ luôn trỗi dậy. Đó là điều mà chúng ta làm hôm nay, hy vọng thay vì sợ hãi, sự thật thay cho dối trá và ánh sáng thay cho bóng tối. Sau 100 ngày của kế hoạch cứu vãn, nước Mỹ sẵn sàng cất cánh".
Và Joe Biden xác nhận chiến lược rất thiên tả để chống lại bất bình đẳng. Ông hứa sẽ giảm nạn nghèo khó còn phân nửa và phúc lợi y tế tốt hơn cho những người đau yếu, đòi hỏi Quốc hội thông qua việc cải cách ngành cảnh sát.
Còn về kế hoạch cơ sở hạ tầng và khí hậu đầy tham vọng, Biden muốn tài trợ bằng cách tăng thuế, nhưng không áp dụng cho giai cấp trung lưu. Không chỉ có thuế dành cho số người giàu nhất vốn dĩ chiếm 1% dân số và các đại công ty mới tăng lên, tổng thống Mỹ nói rằng đã đến lúc họ cũng phải đóng góp phần của mình".
Riêng về nỗ lực giảm nghèo, một ngân khoản 200 tỉ đô la được dành cho các trường mẫu giáo miễn phí đối với trẻ 3 và 4 tuổi, 109 tỉ đô la cho các trường trung học cộng đồng, 225 tỉ đô la trợ cấp giữ trẻ, 45 tỉ đô la tài trợ bữa ăn miễn phí tại trường đối với con em các gia đình thu nhập thấp.
Thụy My
Nguồn : RFI, 29/04/2021
******************
Mai Vân, RFI, 28/04/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 28/4/2021 có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội lưỡng viện. Theo giới quan sát, một hôm trước mốc 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Biden sẽ cho thấy quyết tâm cải cách, đặc biệt là trong vấn đề thuế.
Theo hãng tin Pháp AFP, tổng thống Mỹ sẽ nêu bật "Dự án dành cho các gia đình Mỹ", được Nhà Trắng trình bày như một nỗ lực "đầu tư lịch sử" cho giáo dục và trẻ em. Mọi người háo hức chờ đợi ông trên vấn đề tìm nguồn tài chính cho các dự án đầy tham vọng : Ông sẽ đặc biệt đề xuất việc tăng thuế đánh vào lợi tức đầu tư đối với 0,3% số người Mỹ giàu nhất. Theo một số phương tiện truyền thông, mức thuế này sẽ tăng gần gấp đôi, từ 20% lên 39,6%.
Phát biểu hôm nay cũng sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến gay gắt tại Quốc hội : Nếu kế hoạch hỗ trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ đô la đã được thông qua tương đối dễ dàng, thì các cuộc thảo luận về kế hoạch đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng và giáo dục hứa hẹn nhiều bão tố.
Từ trên bục phát biểu, tổng thống thuộc Dân Chủ sẽ ca ngợi "tiến bộ phi thường", theo cách nói của ông, đạt được ở Hoa Kỳ trong những tháng gần đây khi đối mặt với Covid-19, đặc biệt là tốc độ tiêm chủng tăng nhanh một cách chóng mặt. Hơn 96 triệu người, tức gần 30% dân số, đã được chích ngừa đầy đủ.
Riêng trong lãnh vực ngoại giao, theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, ông Biden "đã làm việc, soạn thảo bài phát biểu này từ mấy tuần qua" và "sẽ nhắc lại quyết tâm của Mỹ trong việc tham gia trở lại một cách hoàn toàn vào các vấn đề thế giới", đặc biệt là về quan hệ với Trung Quốc.
Theo giới quan sát, việc tổng thống phát biểu tại Quốc hội lưỡng viện - Đồi Capitol - là một nghi thức thường lệ của nền chính trị Mỹ, nhưng bài phát biểu năm nay sẽ diễn ra trong một bầu không khí đặc biệt vì dịch Covid-19.
Cử tọa sẽ chỉ gồm khoảng 200 người, so với hơn 1.600 người như thường lệ. Ông John Roberts là thẩm phán Tòa án Tối cao duy nhất có mặt, cũng như ngoại trưởng Antony Blinken và lãnh đạo Lầu Năm Góc Lloyd Austin. Những người còn lại trong chính phủ sẽ theo dõi bài phát biểu của tổng thống trên truyền hình.
Lần đầu tiên trong lịch sử, hai phụ nữ sẽ ngồi phía sau tổng thống Biden : bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện và bà Kamala Harris, nữ phó tổng thống đầu tiên.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 28/04/2021