Sau khi sự kiện cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy - chủ nhiệm lớp 6/2 (trường Trung học cơ sở Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) yêu cầu học sinh trong lớp tát bạn 230 cái vì ‘nói tục’. Thay vì lắng nghe và cầu thị, thì Ban giám hiệu trường này lại tìm cách ‘lấy lời khai’ học sinh trong lớp để làm giảm nhẹ tính chất vấn đề, nhưng điều mà lãnh đạo trường này không hình dung tới được, là nó càng đẩy sự việc đi quá xa, và nhấn mạnh nguyên tắc ‘thành tích nhà trường cao hơn danh dự học sinh’.
Tờ khai của một học sinh về vụ 231 cái tát - Ảnh minh họa
Học sinh lớp 6/2 đã phải tham gia trả lời phải ghi rõ họ tên, cuối mỗi tờ giấy phải ghi : ‘Lời khai của em…’ và ký tên. Sau khi điều tra, nhà trường báo cáo rằng sự việc là có thật nhưng ‘có 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh’.
Đây là kết quả để bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng nhà trường Báo cáo đến Huyện ủy, UBND và Phòng Giáo dục và đào tạo Quảng Ninh.
Chiêu trò mà nhà báo Vũ Kim Hạnh phải thốt lên : tội ác không có điểm dừng. Và bà cũng đặt câu hỏi : Ban giám hiệu mất dạy. Với người viết, đó vừa là một hành vi hèn hạ trên cương vị lãnh đạo ngành giáo dục, vừa là một hành vi đê hèn với học sinh nhằm cứu vớt danh hiệu ‘chuẩn quốc gia’, một điển hình nhất của cái nền giáo dục mà lương tri, đạo đức nghề nghiệp bị bón rẻ hoàn toàn.
Nói như nhà báo Vũ Kim Hạnh, bằng phương thức ‘tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh’, lãnh đạo trường Trung học cơ sở Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) muốn xã hội Việt Nam, muốn ông Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, và cả ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ phải khoanh tay xin lỗi.
‘Lấy lời khai’, vừa vi phạm quyền trẻ em (khi các em khai mà không có người giám hộ) và cho thấy sự coi thường pháp luật của lãnh đạo nhà trường. Nó tạo ra một tấn bi hài đầy nước mắt, khi một ngôi trường với đầy khẩu hiệu lớn lao, nhưng giáo viên và lãnh đạo thiếu sự đạo đức và gương mẫu, trong khi thừa chiêu trò khủng bố tinh thần và bịt miệng học. Trẻ em vốn cần được dung dưỡng sự thẳng thắn và thật thà, nay bị ‘bản lấy lời khai’ làm cong vẹo mọi giá trị.
Liệu bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh, hay các ‘nhà giáo’ nằm trong Ban giám hiệu trường có ngượng ngùng không khi rao giảng về đạo đức, cách sống lẫn những bài trong Giáo dục công dân. Bởi bản chất các ông bà giáo dục này không hiểu được rằng, 230 cái tát nó không nằm ở mức độ nặng hay nhẹ, mà bản chất nó là một hành vi phi giáo dục.
Liệu ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo có tiếp tục lên tiếng về trường hợp này ? Và đến bao giờ ông mới hiện thực được cái quan điểm của Bộ là ‘không thể chấp nhận trong đội ngũ những giáo viên này’ ?. Và liệu việc ông có áp dụng quan điểm ‘không chấp nhận’ đó cho bà Hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh cùng ban giám hiệu trường Trung học cơ sở Duy Ninh, những người tiếp tục tìm cách ‘dung dưỡng bạo lực’ thông qua ‘bản lời khai’, những người hoàn toàn đi ngược lại với cái gọi là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo ?
Phương thức giáo dục dựa trên thành tích nhà trường đã xóa sổ toàn bộ triết lý giáo dục hư ảo mà nhà trường này đặt ra, khi nhân tính giáo dục đã không còn tồn tại.
Facebooker Minh An Nguyen Kinh, một nhà giáo về hưu bày tỏ sự ngạc nhiên về cách hành xử của Ban giám hiệu trường, theo bà, đây là ‘tội ác không điểm dừng’. Và bà, không biết nói gì ngoài lời xin lỗi nếu có thể gởi tới được các em học sinh đã phải làm cái bản chối tội điên khùng của người lớn này.
Nhà giáo này cũng lo ngại rằng, khi các em bị ‘khủng bố’ như thế này, thì nó dễ dàng mở ra một tương lai, nơi mà các em sẽ trở thành những con người luôn biết luồn lách.
Nhưng câu chuyện của trường Trung học cơ sở Duy Ninh và cách hành xử ‘mất dạy’ của ban giám hiệu trường này thực ra cũng chỉ là một ví dụ điển hình của nền giáo dục hiện tại, một nền giáo dục cải cách vì đồng tiền và thành tích cho người lớn. Chính vì vậy, mà không phải ngẫu nhiên khi Facebooker cho rằng, đó chính là ‘sản phẩm đào tạo của chủ nghĩa xã hội, những sản phẩm chỉ ‘lo kết bè kết đảng kiếm ăn và chạy tội là giỏi thôi. Bất kể nhân tâm, đạo đức. Làm giàu và hãnh tiến, chà đạp người khác khi có dịp’.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm trong một trao đổi với báo giới đã đề xuất một giải pháp giải quyết tình trạng cùng quẫn đạo đức tại ngôi trường Trung học cơ sở này. Đó là, kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Quảng Ninh nên bãi chức vị Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Duy Ninh, khi bắt các học sinh trả lời phiếu điều tra như bị hỏi cung. Và tất nhiên, tập thể ban giám hiệu phải gánh chịu hình thức kiểm điểm có liên quan vì dung túng, tiến hành hành vi sai trái nêu trên, trong khi đó tiếp tục thực hiện tố tụng hình sự đối với giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy.
Trước đó, trong một sự kiện, người đứng đầu Nhà nước và Đcộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố : Giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 04/12/2018
*********************
Trường bắt học sinh viết lời khai vụ cô giáo phạt 231 cái tát (Một Thế Giới, 03/12/2018)
Không có hành vi cầu thị sau vụ 1 học sinh lớp 6 bị cô giáo phát động phạt 231 cái tát, ban giám hiệu trường Trung học cơ sở Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) lại bắt học trò viết lời khai. Các câu hỏi như bản hỏi cung nhưng lãnh đạo nhà trường nói đó là... phiếu điều tra.
19 câu hỏi cung và cấm kể chuyện tát
Chiều muộn ngày 23/11, báo chí đưa tin học sinh H.L.N bị cô giáo T huy động 23 bạn trong lớp 6.2 tát phạt cùng 1 tát của cô giáo thành 231 cái. Các cấp lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Bình và huyện Quảng Ninh chỉ đạo xử lý nghiêm. Thay vì trấn an tinh thần học sinh, động viên các cháu từng bị cô T xử phạt tát rất bạo lực bằng cách mượn tay học trò đánh bạn, thì ban giám hiệu nhà trường lại đưa ra khoảng 19 câu hỏi liên quan đến 231 cái tát cực kỳ chi li cặn kẽ với lớp 6.2.
Bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh bìa phải và Phó hiệu trưởng chủ trương lấy lời khai học sinh như hỏi cung mà không có phụ huynh hay người giám hộ
Toàn bộ có 23 tờ giấy trắng được phát ra, mỗi em được phát 1/2 tờ giấy A4 do nhà trường đưa đến. Một bộ câu hỏi 19 câu gồm :
1. Cô T quy định phạt tát thời gian nào ?
2. Bạn N bị tát vào thời gian nào ?
3. Khi tát bạn N cô T có mặt ở lớp không ?
4. Em tát vào mặt bạn N bao nhiêu cái ?
5. Em tát vào bạn N mạnh hay nhẹ ?
6. Bạn N có nói tục không ?
7. Khi tát bạn N có khóc không ?
8. Sau khi tát má bạn N có đỏ không ?
9. Cô T vào đã tát được mấy bạn ?
10. Cô T có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không ?
12. Cô T tát bạn N mấy cái ?
13. Sau khi tát bạn N có bị chảy máu không ?
14. Sau khi tát bạn N cả lớp có sợ hãi bật khóc không ?
15. Trước khi tát bạn N cô T có ra lệnh tát phạt mấy bạn ?
16. Khi tát bạn N cô T ra lệnh hay tự ý ?
17. Cô T có phải là người cuối cùng tát bạn N không ?
18. Cô T đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N ?
19. Sau khi tát bạn N có ở lại học không ?
Lời khai như hỏi cung của học sinh ngày 24/11
Một học sinh trong lớp phản ánh với tinh thần lo lắng cho biết, nhà trường quán triệt cấm kể chuyện cô huy động các bạn trong lớp phạt tát với bất cứ ai. Vì sợ nên các câu hỏi được trả lời có lợi nhất cho cô T. Mỗi học sinh hoàn thành trả lời bộ câu hỏi này đều ghi bên dưới là : "Lời khai của em…", một số khác ghi họ tên đầy đủ nộp lại cho nhà trường. Việc có câu hỏi cung này, học sinh cũng không được nói với bất cứ ai ngoài khuôn viên nhà trường.
Một phụ huynh khi biết chuyện nói : "Danh dự nhà trường không lẽ lại hơn nhân phẩm học trò ? Không ai hủy hoại danh dự nhà trường bằng việc sử dụng hình phạt tát mà tàn nhẫn ở chỗ cho học sinh tát nhau. Cũng không ai hủy hoại danh dự của nhà trường bằng cách bắt học sinh lớp 6 mới 11 tuổi viết lời khai như hỏi cung".
Trên mỗi tờ khai ấy, các em ghi rõ họ tên và ghi rõ giới tính từng em.
Bản thống kê kỳ lạ về 231 cái tát
Từ bản khai của 23 học sinh, bà hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh đã làm một báo cáo số 46/BC-THCSDN gửi lên Huyện ủy Quảng Ninh, UBND huyện Quảng Ninh, phòng Giáo dục và đào tạo Quảng Ninh vào ngày 26/11 có đoạn :
"Chiều 24/11/2018, nhà trường đã điều tra học sinh bằng phiếu điều tra. Kết quả phiếu lấy ý kiến từ 23 học sinh như sau : Sự việc xảy ra học sinh bị các bạn tát 231 cái tát là có thật nhưng trong đó có 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh. Cô T có chứng kiến 1 bạn tát sau đó mới rời khỏi lớp (11/23 em trả lời), 1 em trả lời chứng kiến 4 bạn tát, 1 em trả lời chứng kiến 3 bạn tát, 3 em không để ý). Cô T không ra lệnh tát nếu ai tát nhẹ thị bị tát (23/23 em). Khi bị các bạn tát em N có khóc (23/23 em trả lời), khi bị tát má em N không bị chảy máu (23/23 em trả lời), cô T tát em N 1 cái (23/23 em trả lời), cô T không phải là người cuối cùng tát em N (16/23 em trả lời ; còn lại không có câu trả lời). Khi tát em N các bạn trong lớp không có ai sợ hãi và khóc (23/23 em trả lời), cô T đứng cùng chiều tát em N (23/23 em trả lời), sau khi bị tát N vẫn ở lại học bình thường đến cuối buổi học (23/23 em trả lời). Em N vào viện khám và điều trị chứ không phải cấp cứu".
Một bản viết của học sinh ghi lời khai của em
Đấy là những thống kê sau khi hỏi cung của nhà trường. Văn bản bà Anh ký gửi còn nêu : "Chị họ của N cùng lớp tát N nhưng không khóc (23/23 em trả lời). Đây là thống kê vô cảm, muốn đánh tráo dư luận. Những thông tin chúng tôi tiếp nhận vào ngày 23/11 thì sự thật khác xa với những gì bà Anh phát động lấy khai cung.
Trong biên bản lập ngày 21/11 về 231 cái tát này cô Nguyễn Thị Ái Vân, tổng phụ trách đội của trường Trung học cơ sở Duy Ninh bao biện :
"Vì áp lực thi đua do Đội. Đội quy định nếu lớp học có em học sinh nói tục là bị trừ 5 điểm, nên đã tạo áp lực cho giáo viên chủ nhiệm. Vì muốn lớp tiến bộ nên cô T đã có biện pháp giáo dục học sinh, nhưng biện pháp của cô đưa ra không đúng, mong phụ huynh thông cảm".
Còn bà Anh, Hiệu trưởng khẳng định :
"Sẽ có biện pháp xử lý thích đáng đối với cô T trong thời gian gần nhất. Phụ huynh động viên học sinh, sớm cho em N đến lại trường học. Đề nghị cô T thay đổi lại cách giáo dục học sinh, nhà trường sẽ giám sát về quá trình giáo dục, dạy dỗ học sinh của cô T".
Phớt lờ những em bị tát trước đó
Trong biên bản phản ánh lời bà Anh như thế, nhưng báo cáo số 46/BC-Trung học cơ sởDN cũng do bà Anh ký lại phớt lờ việc trước đó đã có ít nhất 10 học sinh bị phạt tát bởi cô T huy động. Lớp trưởng N.T.N khi được các nhà báo phỏng vấn cũng khẳng định đã có 10 bạn bị phạt trước khi H.L.N bị phạt tát. Điều này cũng trùng khớp với việc N kể với chúng tôi vào hôm 23/11/2018.
Nhưng không hiểu vì sao trong bản khai của lớp trưởng N, đến việc trả lời có bao nhiêu bạn từng bị phạt tát trước N thì cậu lớp trưởng đã phải sửa lại số 10 thành một con số không rõ ràng. Tuy nhiên, có khá nhiều các bạn khác trả lời là 7 hoặc 8 bạn từng bị phạt tát do cô T quy định.
Trong bản khai này có một tờ khai ghi tên H.L.N là nạn nhân của 231 cái tát, cũng phải khai, nhưng vì áp lực rất lớn, N đã phải khai ngược lại những gì đã khẳng định trước đó như trước N có bao nhiêu bạn bị phạt tát thì N ghi là 0.
Việc phân loại tát như thế nào sau ngày N bị phạt của trường Trung học cơ sở Duy Ninh đã làm cho học sinh rúm ró, phải trả lời theo mớm cung, tất cả đều nói tát nhẹ, chỉ 2 bạn tát mạnh. Nhưng trước đó, lớp trưởng, hay N cũng khẳng định bị tát rất nặng. N cũng nhiều lần nói là bạn nào tát nhẹ thì bị phạt ngược lại gấp đôi. N cũng đã tham gia tát bạn khác sau khi cô phát động và N cũng thật lực tát nếu không sẽ bị phạt tát ngược.
Hiệu trưởng Anh đã bỏ qua việc trước đó nhiều học sinh bị cô T phạt tát mà không báo cáo lên cấp trên, làm việc với chúng tôi bà Anh cho rằng đó là phiếu điều tra của nhà trường, không phải hỏi cung.
Hoàng Long
Chuyện trở nên "đáng bàn" từ việc cô giáo Thủy, chủ nhiệm lớp 6/2 ở trường trung học cơ sở Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bắt 23 học sinh trong lớp, mỗi em tát bạn 10 cái và sau khi nhận 230 cái tát vì "tội văng tục" thì cô giáo tiếp tục tát bồi một cái "ân huệ" khiến em phải đi bệnh viện.
Cơ quan điều tra Công an huyện Quảng Ninh đã khởi tố vụ án Hành hạ và làm nhục người khác để làm rõ việc cô giáo Thủy áp dụng hình phạt tát vào má của học sinh.
Vụ việc chưa dừng ở đó, hiệu trưởng nhà trường còn kêu gọi báo chí đừng làm lớn chuyện vì trường đang đón nhận "chuẩn quốc gia cấp độ II" !
Đến đây thì mọi chuyện trở nên hãi hùng hơn người ta tưởng, bởi nó khiến cho ai từng học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đều phải suy nghĩ về cách dạy và học, về các chỉ tiêu thi đua, bệnh thành tích đang tràn lan từ mọi ngõ ngách.
Và những cái tát kia không đơn thuần là cái tát của những học sinh tát vào mặt bạn mình trong lớp học mà là những cái tát vào nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Em học sinh bị tổn thương bởi những cái tát cũng không đơn giản là một tổn thương cá nhân mà là một tổn thương thế hệ, tổn thương chung của học trò thời xã hội chủ nghĩa. Liệu nói vậy có quá đáng ? Và vì sao lại "nâng quan điểm" lên như vậy ?
Có thể nói rằng hoàn toàn không có chuyện nâng quan điểm ở đây. Bởi người viết cũng từng là một học sinh xã hội chủ nghĩa, từng trải qua quá trình học, có năm làm lớp trưởng, có năm làm lớp phó học tập, rồi làm sao đỏ (bây giờ gọi là cờ đỏ). Có thể nói rằng trong lớp học, hiền nhất là lớp phó học tập, sau đó là lớp trưởng, còn đội trưởng đội sao đỏ là đáng sợ nhất, quyền lực nhất, một kiểu quyền lực đấu tố được người ta ký thác vào những đứa trẻ non nớt, chưa biết gì và khiến chúng xem đó là việc tốt, là điều gương mẫu, đạo đức…
Chúng được đấu tố ra sao ? Đơn giản, đội trưởng đội Sao Đỏ (tức cờ đỏ bây giờ) không cần học giỏi, chỉ cần nhanh nhẹn, to con một chút và chịu soi mói. Đội trưởng và các thành viên đội sao đỏ sẽ đi từng lớp, soi xem lớp này quét lớp sạch sẽ chưa, góc bàn nào còn dính bụi, có cái rác nào sót lại dưới chân bàn, lớp nào có học sinh không mang khăn quàng, nếu đã mang đầy đủ thì soi tiếp đã mang đúng hướng dẫn chưa… Rồi chuyện bạn nào nói tục, bạn nào nói chuyện phản động (chỉ cần xưng "ông Hồ" thay vì xưng Bác Hồ hoặc chỉ cần nói Mỹ tốt hơn Liên Xô, tốt hơn Trung Quốc thì bị cờ đỏ, sao đỏ xếp vào loại phản động, ghi vào sổ). Tất cả những ghi chép của Sao Đỏ (cờ đỏ) sẽ được mang về văn phòng, giao cho Hội đồng thi đua của trường (lúc tôi học thì Chủ tịch hội đồng thi đua là một ông cà ngất, làm thủ thư kiêm Chủ tịch hồi đồng thi đua, không có chuyên môn dạy học, hình như chưa tốt nghiệp cấp 2 nhưng là đảng viên cộng sản. Và vị trí Chủ tịch hội đồng thi đua phải là đảng viên), hội này sẽ chấm điểm thi đua từng lớp và đưa kết quả này ra trước lễ chào cờ vào đầu tuần sau. Thường thì các lớp từ khá đến trung bình được điểm sơ qua, riêng lớp nào bị chê, bị kỉ luật thì hội đồng thi đua sẽ không tiếc lời giáo huấn. Những lúc như vậy, cô giáo chủ nhiệm của lớp bị giáo huấn sẽ ngồi như trời trồng, thậm chí không biết giấu mặt vào đâu.
Tôi còn nhớ chuyện một thằng bạn thân năm tôi học lớp 8, vì tội đi trễ nhiều lần nên nó bị "giáng chức" từ lớp phó học tập xuống đội trưởng sao đỏ. Từ việc chỉ biết học và theo dõi các chương trình thi đua học tốt của trường để phổ biến cho lớp, nó buộc chuyển sang đi soi mói người khác. Nhưng được tuần đầu tiên soi mói theo ‘đúng chuẩn’, qua tuần thứ hai, tuần thứ ba và những tuần sau đó, nó bảo hình như nó không có khả năng làm sao đỏ nên cứ tới buổi trực của nó thì hầu hết các lớp đều khăn quàng xộc xệch, quét lớp sơ sài cho có quét nhưng trong sổ trực luôn ghi điểm Tốt cho mọi lớp. Có lẽ vì vậy mà anh em lớp trưởng các lớp khoái nó nên cứ mỗi lần nó trực thì cách gì họ cũng lén rủ mai mốt đá banh, đi bơi hoặc vào vườn nhà bạn nào đó hái trái cây… Chuyện trở nên phức tạp khi nó được nước cứ như vậy mà ghi Tốt tất tần tật. Và rồi đi đêm nhiều cũng gặp ma, có một ông thầy mới ra trường, vừa nhận lớp, rất hăng say thi đua… chiếu tướng nó mà nó không biết.
Một bữa nọ không thấy nó đi học, hỏi ra tôi mới hay là hôm trước nó tuyên bố bỏ học. Ra là ông thầy nọ bắt nó dùng tay hốt rác của một lớp dọn chưa sạch. Lý do là vì nó hoàn thành không tốt chức năng của sao đỏ, không đôn thúc, bắt ép các lớp dọn sạch rác, vậy nên chính nó phải hốt. Nó bảo không có cái hốt rác thì nó không hốt, thầy trò lời qua tiếng lại vì chuyện hốt rác bằng tay và ki hốt rác, cuối cùng thầy đòi đánh nó, đuổi học nó, nó bực quá tuyên bố bỏ học luôn.
Nói là làm thật, nó nghỉ học đến tận gần hai tuần lễ và sau này đi học lại sau vài lời xin lỗi gượng gạo của ông thầy mê thành tích kia.
Chuyện gần 30 năm nhưng giờ lâu lâu gặp lại, ngồi nhâm nhi ly cà phê, thi thoảng bàn về chuyện giáo dục, nó cũng còn nhắc lại bởi theo nó thì gương mặt vừa lạnh lùng vừa có chút gì đó hèn hèn khi xuống nước đến nhà nó xin cho nó đi học lại khiến nó không thể nào quên, mãi cho đến bây giờ, mỗi khi nghe chuyện gì liên quan đến tiêu cực trong giáo dục, nó vẫn thấy gương mặt của ông thầy kia.
Nói như vậy để thấy mức độ kinh khủng cũng như sức ép của thành tích giáng xuống đầu giáo viên, học sinh ra sao. Miễn bàn về hành vi thú tính của cô giáo Thủy, người đã ra lệnh tát học sinh 231 cái. Mà vấn đề đáng bàn ở đây là hiệu trưởng nhà trường, ban thi đua nhà trường đã làm gì, đã thúc đẩy thi đua để đạt chuẩn quốc gia cấp độ II ra sao để đến mức một giáo viên chủ nhiệm ngang nhiên ra lệnh các học sinh thay phiên nhau mỗi đứa tát bạn mình 10 cái. Thiết nghĩ, thời lượng diễn ra 10 cái tát không thể là tích tắt và 230 cái tát không thể diễn ra trong vài phút để qua mặt nhà trường, ban giám hiệu. Trong khi đó, chức năng của ban giám hiệu theo luật giáo dục hiện hành, ngoài việc quản lý hành chính thì quản lý chuyên môn được đặt lên hàng đầu. Trong quản lý chuyên môn, có phần chống bạo lực học đường và cấm đánh đập học sinh.
Ở phần quản lý chuyên môn, bất kì giáo viên nào đánh học sinh mà bị phản ánh đến hiệu trưởng thì bắt buộc hiệu trưởng phải mang ra cuộc họp hội đồng nhà trường (vào thứ Năm, tuần thứ 4 mỗi tháng) để răn đe, kỉ luật. Nhưng ở đây, trong cậu học sinh bị tát 231 cái ở trường Duy Ninh, thay vì Hiệu trưởng đứng ra xin lỗi cha mẹ học sinh, xin lỗi trước công luận và kỉ luật giáo viên, thậm chí phải từ chức hiệu trưởng vì tự thấy mình quản lý kém, làm ảnh hưởng đến số phận của một học sinh… Thì bà ta lại kêu gọi báo chí đừng nói nhiều để được "công nhận chuẩn quốc gia". Vậy cái chuẩn quốc gia này là cái gì mà bà hiệu trưởng dám đạp qua dư luận, đạp qua lương tri, đạp qua số phận, tương lai của người khác để đoạt cho bằng được ?!
Mọi thứ cũng bắt đầu từ cái "chuẩn quốc gia" ngớ ngẩn kia, khi đạt chuẩn quốc gia thì lương bổng cũng được khá hơn, chính sách bảo trợ nhà trường từ phía nhà nước cũng khá hơn, nhận thưởng thi đua hằng năm cũng tốt hơn… Nhìn chung là béo bở hơn. Chính cái miếng mồi béo bở mang tên chuẩn này chuẩn nọ, danh hiệu này danh hiệu kia đã đẩy cả một nền giáo dục vào chỗ thi đua, thi đua và thi đua, điểm số học sinh thì cứ nâng khống giỏi, xuất sắc cho dù học sinh lớp 5 vẫn chưa đánh vần được để đọc, giáo viên thì bất chấp mọi thứ để đạt danh hiệu, đạt thành tích. Mà cái thành tích thì lại chẳng liên quan gì đến giáo dục, đến nhân cách, đạo đức của học sinh, thậm chí cũng không liên quan đến cả chuyên môn dạy và học !
Thiết nghĩ, đã đến lúc ông Chủ tịch nước kiếm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải vào cuộc, phải xóa bỏ gấp những cái chuẩn vớ vẩn cũng như bệnh thành tích điên rồ này đi. Vì muốn cho tương lai tốt thì phải có giáo dục tốt, muốn có giáo dục tốt thì giáo dục phải mang tính người, muốn giáo dục mang tính người thì phải dẹp bỏ mọi thứ bệnh hoạn trong ngành giáo dục. Có như vậy thì đội ngũ thầy cô sẽ bớt suy thoái, ngừng suy thoái và níu kéo được chút lương tri còn sống sót trong mỗi người !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 24/11/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Ngoài bóng đá, mạng xã hội vừa râm ran vụcô giáo lệnh cho 23 học sinh tát một bạn học cùng lớp sáu cả thảy 230 cái. Rồi cô bồi thêm cái thứ 231. Quảng Bình quê ta ơi, nếu ai hỏi vì sao thì ta biết trả lời thế nào ?
Cô giáo chỉ đạo 900 cái tát và trò chỉ biết... im lặng
Thì cô giáo Thuỷ ấm đầu đã giải thích rồi đấy. Cô chịu "áp lực thi đua quá lớn" nên phải tát thôi. Lớp cô phụ trách đứng cuối bảng xếp hạng của trường và cô nghĩ phải tát học sinh để còn lên hạng. Cô hiệu trưởng cũng được báo chí dẫn lời nói cô mong báo chí đừng đưa tin vụ này vì trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Còn một học sinh cùng lớp với bạn bị tát nói trước đó đã có tới gần 10 bạn khác bị tát như thế rồi.
Bạo lực học đường, dù là từ thầy cô hay từ bạn bè, đáng tiếc đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Không ăn à. Bốp. Biếng học à. Bốp. Bướng à. Bốp.
Thời tôi đi học, chuyện cô giáo dùng thước kẻ vụt vào tay học sinh, véo tai nhấc lên hay ném phấn vào mặt là điều bình thường. Dĩ nhiên không phải trường nào cũng thế và thầy cô nào cũng thế. Nhưng nó không phải là điều gì hiếm hoi. Có lẽ chính các thầy cô cũng được giáo dục bằng những cái vụt, cái tát, cú ném. Cả ở nhà, ở trường và trong xã hội. Vậy mong gì hơn họ sẽ hành xử khác đi.
Cùng lúc thiên hạ ồn ào vụ cô giáo Thuỷ, ở Thanh Hoá ba thanh niên đã đánh và đạp ngã một nữ nhân viên ở sân bay Thọ Xuân trong vụ đòi chụp ảnh chung với nhân viên hàng không mà không được đáp ứng. Báo Người lao động đưa tin một trong ba tên côn đồ là con trai cựu chủ tịch huyện Thọ Xuân Lê Văn Biền.
Chuỗi vụ việc này làm tôi nhớ lại chuyện mà một anh bạn tôi bảo là mặt người biểu tình đập hỏng dép Biti’s "nâng niu bàn chân Việt" của một đại uý công an. Chính quyền Hà Nội sau đó kết luận "không có căn cứ xác định anh Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp khi tham gia biểu tình".
Còn chính anh Nguyễn Chí Đức được Đài Á châu Tự do dẫn lời nói : "[S]au sự việc này thì tôi quá buồn. Tôi chả còn gì để mất cả. Họ đã xúc phạm danh dự của tôi, mà họ lại là đồng chí của tôi. Họ đổi trắng thành đen, làm tôi rất buồn. Tôi đã muốn giảm nhẹ sự việc nhưng mà bây giờ họ viết lên báo khẳng định tôi không bị đánh".
"Mình không muốn mơ mộng vì ở hoàn cảnh thế này, một đất nước như thế này ở mặt bằng thế giới, mình cũng chỉ là người bình thường thôi", anh Đức được dẫn lời nói tiếp. Anh cũng nói thêm bố mẹ anh đã thốt lên "quân phát-xít" khi xem video quay cảnh anh bị đạp vào mặt.
Ông Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp khi tham gia biểu tình
Và vấn đề chính là ở chỗ "quân phát-xít" đấy đấy. Trong một xã hội mà người ta chỉ được phép lên đồng về những vấn đề nhất định, trong một khoảng thời gian và không gian nhất định, xã hội đó luôn có nhiều vấn đề bị đắp chiếu. Những người tài cũng không muốn tham gia hoặc không được trọng dụng để giải quyết những vấn đề mà người ta muốn che đậy.
Hãy nhìn lãnh đạo ngành giáo dục "nờ nờ nẫn nộn" mà người ta vẫn hay trêu "ăn thì nắm, nàm thì nười mà suốt ngày cứ ní nuận, ní nuận". Từ đầu năm nay ông Phùng Xuân Nhạ đã bị cáo buộc dối trá trong khoa học. Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, người đưa ra cáo buộc, nói với VOA hồi tháng Hai năm 2018 : "Theo tôi, một người đã là giả khoa học thì không xứng đáng với một chức vụ nào hết. Nếu hội đồng thẩm định công nhận chuyện ông Phùng Xuân Nhạ là một người giả khoa học, thì theo tôi ông ta sẽ không đủ tư cách để giữ một chức vụ quản lý nào hết".
Thậm chí còn có cáo buộc người ta làm giả giấy tờ để đủ tuổi ở lại Bộ Chính trị và rồi từ bộ trưởng công an leo lên chủ tịch nước. Cáo buộc này đầy rẫy trên không gian mạng nhưng báo chí cũng không được và không dám vào cuộc để làm rõ trắng đen hay minh oan cho ông chủ tịch nay đã lìa trần. Trong một xã hội có những chuyện tày đình như thế mà người ta nhắm mắt làm ngơ thì việc làm bậy ở học đường và nhiều chuyện chướng tai gai mắt khác đương nhiên có thể xảy ra. Nhà đã dột từ nóc rồi làm sao có thể chỉ đem xô, chậu đi hứng mà mong nóc sẽ tự lành.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 26/11/2018