Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ông tổng Trọng chiều hôm qua 29/3 được nhận huy hiệu 50 năm tuổi đảng, được trao từ tay ông Trần Quốc Vượng. Tin này được BBC giật tít "Giáo sư Nguyễn Phú Trọng Tấm gương sáng của đảng". Trang Vietnamnet thì giật tít "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng". Ngoài các trang báo này thì trong nước ít thấy báo nào đăng tin. Nhưng cái tít của BBC đặt quả nhiên là "hoành tráng" hơn các bạn đồng nghiệp trong nước.

cutong1

Ông Trần Quốc Vượng trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

BBC dẫn ý kiến của "cụ" Tổng, biểu lộ qua hai câu thơ của Tố Hữu : "Đã vay dòng máu thơm thiên cổ, Phải trả ta cho mạch giống nòi !". Ý kiến của ông Trọng qua hai câu thơ, được BBC diễn giải, là "để nói rằng ông chưa làm được gì nhiều".

Tra Google, ta thấy hai câu thơ này trích trong bài "Đi" của Tố Hữu, viết năm 1944. Bài thơ này ra đời vào thời kỳ "tiền khởi nghĩa", từ 1941 đến 1945. Hai đoạn liên quan dẫn lại như sau :

Đi, bạn ơi, đi ! Cả cuộc đời 
Của ta nào chỉ của ta thôi ! 
Đã vay dòng máu thơm thiên cổ 
Phải trả ta cho mạch giống nòi !

Trả hết, không quyền tiếc mảy may 
Trả ngay không hề khất rày mai 
Nước non rên xiết trong xiềng xích 
Đã giục ta ra giữa chiến đài !

Ý tứ bài thơ như vậy vừa hay vừa hợp thời cuộc. Mục đích thúc giục tuổi trẻ lên đường, bởi vì "Nước non rên xiết trong xiềng xích Đã giục ta ra giữa chiến đài !".

Nhưng có lẽ ông Tổng Trọng diễn giải chỉ đúng ở chỗ ông chưa làm được gì nhiều. Bởi vì ý tứ của bài thơ là giục giã tuổi trẻ lên đường.

Mà bản thân của ông Trọng thì không có lên đường đi đâu hết cả !

Theo BBC thì ông Trọng sinh năm 1944, được kết nạp đảng cộng sản Việt Nam ngày 19/12/1967.

Thế hệ lãnh đạo Việt Nam trước ông Trọng, không ngoại lệ, đều là những người "vào sinh ra tử", những người lập công trạng "trên đầu ngọn súng". Những thanh niên sinh ra cùng năm, cùng thời kỳ với ông Trọng, hầu hết đều "lên đường", "sinh bắc tử nam", đúng như "nghĩa vụ" thanh niên được xác lập trong các bản hiến pháp. Dĩ nhiên đúng theo nội dung kêu gọi của bài thơ Tố Hữu.

Thời kỳ "dầu sôi lửa bỏng" ông Trọng ở đâu ? Nhiều người đặt nghi vấn này, đến nay không thấy câu trả lời nào thuyết phục.

"Công lao" không có. Vậy ông Trọng dựa vào cái gì để "ngoi lên" chức tổng bí thư, "lãnh đạo đảng", đồng nghĩa với việc "lãnh dạo nhà nước và xã hội" ?

Tài năng ? Đọc bài tường thuật trên Vietnamnet, qua ý kiến của Trần Quốc Vượng nói về Nguyễn Phú Trọng :

"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân ; giữ vững bản lĩnh người cộng sản, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, luôn nêu cao tiền phong, gương mẫu, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện".

Những "tài năng" của ông Trọng có thể giúp gì cho việc phát triển đất nước ?

Không có gì hết cả ! Mà ngược lại.

Việc "kiên định chủ nghĩa Mác Lênin" của ông Trọng sẽ giúp gì cho Việt Nam hội nhập vào quốc tế ? hay chỉ khiến cho Việt Nam bị cô lập trước trường quốc tế ?.

Cái gọi là "phẩm chất đạo đức cách mạng" của ông Trọng là cái "phẩm chất" gì ?

Nói tới "cách mạng" là nói tới việc "đập phá" và "xây dựng". Đập bỏ cái cũ xấu xa và xây dựng cái mới tốt đẹp hơn.

VN hôm nay đang trong thời kỳ "đập phá" hay trong thời kỳ "xây dựng" ? Tính từ 1975, đã bao nhiêu lần "đập phá", bao nhiêu lần "xây dựng" ?

Việc "kiến thiết quốc gia", như các nước Nhật, Đức… hay các nước Đông Nam Á sau Thế chiến thứ II, là một nỗ lực dài hơi "xây dựng" liên tục, với sự đóng góp công của của toàn thể quốc dân, cùng với mọi của cải, tài nguyên của xứ sở. Lớp sau tiếp nhận và phát huy di sản của lớp trước, mục tiêu hoàn thiện những gì của lớp trước để lại.

Đất nước người ta ngày một phát triển, ngày một giàu mạnh hơn.

Trong đầu óc ông Trọng, một người lãnh đạo quốc gia tối cao, mà chỉ thấy đập phá và đập phá. "Cách mạng" bản chất là đập phá. Xây dựng lên rồi đập phá là đập phá chớ không phải xây dựng.

Vậy thì bao giờ đất nước mới khá được ?

Còn việc "kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".

Nếu "độc lập dân tộc" được "kiên định" thì không có các vụ chia rẽ "địch ta". Những người Việt chống cộng sản thì họ cũng thuộc về khối dân tộc. Nếu kiên định độc lập (chủ quyền) thì không có vụ (hai ông Trọng, Lịch) bỏ phiếu rút lui ở giàn khoan Repsol ở lô 136-02. Nếu kiên định độc lập thì không có ký Tuyên bố chung với Trung Quốc cam kết "Việt Nam và Trung Quốc cùng chia sẻ tương lai".

Nếu kiên định chủ nghĩa xã hội thì nhà nước Việt Nam tại sao phải lạy lục với các nước để được nhìn nhận "kinh tế thị trường" ?

Ông Trọng đã bước qua một nhiệm kỳ lãnh đạo, nay đã bước gần qua ngưỡng 1/2 nhiệm kỳ.

Thành quả gì của ông Trọng, cho đất nước, cho dân tộc, trong quảng thời gian này ?

Đọc báo sáng nay thấy là Việt Nam đã bị Lào qua mặt.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 30/01/2018

Published in Diễn đàn