Tín nhiệm vượt trội hơn nguyên tắc đồng thuận khi ASEAN cố duy trì chỗ đứng trên trường quốc tế
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 được tổ chức tại Brunei ngày 27/10/2021
Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á được tổ chức lần này ở Brunei. Với một nhóm như ASEAN, thì đây là dịp có tầm quan trọng quyết định. Tuần này đến lượt Brunei đăng cai. Trong những năm không xảy ra đại dịch, luôn có một toà nhà lớn – một trung tâm hội nghị hào nhoáng nào đó, được xây mới. Và tín điều mà mọi quốc gia trong khu vực này đều tin theo, đó là "đường lối ASEAN".
Giống như hầu hết các hệ thống giáo điều cứng nhắc, càng đi sau vào cốt lõi càng thấy khó đứng vững hơn – nhưng đường lối của ASEAN lại là không đụng chạm đến đó. Một phần của giáo điều là về trật tự, văn minh và hòa thuận : "sự đồng thuận" thiêng liêng của ASEAN. Nỗi ám ảnh về việc tỏ ra đồng thuận có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên ở một khu vực có lịch sử hiện đại đầy những mâu thuẫn, và có nhiều hệ thống chính trị khác nhau từ chế độ quân chủ tuyệt đối (chính Brunei, nước chủ nhà) đến nền dân chủ nhiều khiếm khuyết (Philippines). Lịch sử hiện đại của khu vực có nhiều chiến tranh (cuộc chiến không được tuyên bố của Indonesia chống lại Malaysia) và cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam. Đã có đảo chính ở Thái Lan, nội chiến ở Việt Nam và hỗn chiến sắc tộc hoặc tôn giáo ở Indonesia ; Myanmar đã có cả ba thứ này. Tất cả những điều này làm cho sự đồng thuận dù là bề ngoài, trở nên quan trọng hơn trong một khu vực đầy những mâu thuẫn. Mặt trái của sự đồng thuận được cho là cam kết nhất quyết "không can thiệp" vào công việc nội bộ của các thành viên khác.
Kiên quyết, ít nhất, cho đến bây giờ. Vào giữa tháng 10, sau các cuộc thảo luận căng thẳng ở hậu trường, ASEAN đã quyết định không cho Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Myanmar đã lật đổ bà Aung San Suu Kyi và chính phủ dân sự trong cuộc đảo chính hồi tháng 2, tham gia hội nghị thượng đỉnh của khối này. Ở những nơi khác trên thế giới, một hành động tương tự đối với một nhà lãnh đạo quân đội đã bỏ tù một chính phủ dân cử, gây ra đổ máu và đưa nền kinh tế đến chỗ sụp đổ là một hành động tồi tệ nhất. Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, đó là "hình thức trừng phạt nghiêm khắc nhất mà ASEAN đã áp dụng đối với một quốc gia thành viên trong hơn 5 thập kỷ ngoại giao", Aaron Connelly thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một trung tâm nghiên cứu ở Singapore, nhận xét.
Không can thiệp, một đại sứ của ASEAN giải thích, "không có nghĩa là ngoảnh mặt làm ngơ". Chính quyền quân sự Miến Điện, đang rất cần sự hợp pháp ở nước ngoài và sự tôn trọng ở trong nước, đã hoảng sợ. Họ tuyên bố, khước từ tướng Min Aung Hlaing là đi ngược lại với "các quy tắc, mục tiêu và nguyên tắc luôn được trân trọng" của ASEAN.
Đối với ASEAN, cách các vị thượng tế giải thích quyết định của họ cho thấy họ hiểu biết thành thạo về các vấn đề phụng vụ. Họ tuyên bố rằng việc khước từ vị tướng không phải là một hành động vi phạm quy tắc đồng thuận, mà là hệ quả của "thỏa thuận năm điểm" trước đó đã được Myanmar đồng ý tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào tháng Tư. Thoả thuận gồm có đối thoại với "tất cả các bên", chấm dứt bạo lực và cho phép một đặc phái viên của ASEAN đến Myanmar. Chính quyền quân sự Myanmar đã không thực hiện những điều này - đặc phái viên ASEAN không được phép gặp bà Suu Kyi, dù chỉ 15 phút. Khi thỏa thuận này chưa được thực hiện, chưa thể có đồng thuận trong việc mời Min Aung Hlaing.
Sự khước từ này không đến mức mời gọi chính phủ lưu vong đại diện cho chính phủ dân chủ bị lật đổ. Không rõ là ngay cả những quốc gia ở Châu Á chỉ trích cuộc đảo chính gay gắt nhất - cụ thể là Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore - muốn đi xa như vậy hay không. Tuy nhiên, việc không có hành động gì với Myanmar, như Teodoro Locsin, Ngoại trưởng Philippines, nói, sẽ có nghĩa là "uy tín của chúng ta với tư cách là một tổ chức khu vực thực sự biến mất". Nó sẽ chỉ cho thấy ASEAN là "một nhóm những quốc gia luôn đồng ý với nhau về những thứ vô giá trị".
Mặc dù một số nhà phê bình cho rằng hành động khước từ này chủ yếu chỉ có tác dụng tượng trưng, ông Connelly cho ra ngược lại. Ông nói : Việc không hành động sẽ làm "giảm sút đáng kể giá trị của tổ chức các quốc gia Đông Nam Á trong mắt các nhà ngoại giao trên toàn thế giới và có lẽ quan trọng hơn, trước chính người dân ở các quốc gia đó". Hơn nữa, bất chấp sự phản đối của Myanmar, các thành viên còn lại đã đạt được một thỏa thuận, một sự đồng thuận đã kéo nhiều quốc gia độc tài hơn như Thái Lan (do một lãnh đạo đảo chính điều hành), Campuchia, Lào và Việt Nam tiến gần đến lập trường mà các quốc gia còn lại của vùng muốn. Điều đó, ngược lại, đã giúp thu hẹp khoảng cách đáng báo động và đang tăng lên giữa khối ASEAN quá mềm yếu và các nước khác trên thế giới về vấn đề Myanmar - vào tháng 6, chỉ có Belarus phản đối một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Myanmar có ngôn ngữ mạnh mẽ hơn nhiều so với quyết định mà ASEAN đã cố đưa ra. Với việc khước từ tướng Min Aung Hlaing, ASEAN đã tránh được việc rơi vào tình trạng mất chỗ đứng trên trường quốc tế.
Mong muốn về chỗ đứng liên quan đến phần thứ hai của hệ thống tín điều trên, nguyên tắc lấy ASEAN làm "trung tâm". Đây là biệt ngữ dùng để nói rằng ASEAN là nơi đầu tiên giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á. Cho dù điều này hầu như chỉ có giá trị danh nghĩa, để các cường quốc bên ngoài chấp nhận nguyên tắc này, các quốc gia ASEAN phải tôn trọng quyền lợi của chính họ. Mục tiêu chính của nguyên tắc này là giữ một khoảng cách an toàn với các siêu cường, để ngăn sự can thiệp của các siêu cường vào vùng này hay tránh biến Đông Nam Á thành đấu trường của các cường quốc. Đó là nguyên tắc được các thành viên sáng lập của ASEAN đặt ra nhằm chống lại ảnh hưởng của Liên Xô vào thời kỳ căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Cho đến gần đây, nguyên tắc trung tâm dường như có hiệu quả trên thực tế khi giúp ASEAN triệu tập nhiều hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới và khu vực - tuần này, Tổng thống Joe Biden của Mỹ, cùng với Narendra Modi và Lý Khắc Cường, các thủ tướng của Ấn Độ và Trung Quốc, đã tham gia Hội nghị cấp cao Châu Á thường niên do ASEAN tổ chức trực tuyến. Cho dù thường mang tính hình thức thường hơn chất lượng, những cuộc họp kiểu này lại là những cuộc họp duy nhất trong một khu vực rất thiếu thể chế. Và những cuộc họp này đã giúp nâng tầm quan trọng của ASEAN lên.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh giữa các cường quốc lại bùng phát ở Đông Nam Á, lần này là giữa Mỹ và Trung Quốc. nguyên tắc trung tâm không ngăn cản Trung Quốc mở rộng sự hiện diện vào sâu ở Biển Đông, xâm phạm vùng biển của các nước láng giềng ASEAN. Gần đây hơn, khối này cũng không ngăn cản Mỹ tìm cách cân bằng chống lại nỗ lực củng cố quân sự của Trung Quốc thông qua các liên minh "nhỏ" như Bộ Tứ, một nhóm gồm Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, và AUKUS, cùng với Anh, sẽ giúp Úc trang bị các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có tầm hoạt động xa đến mức có thể tuần tra các vùng biển Đông Nam Á. Mặc dù luôn tuyên bố tôn trọng nguyên tắc trung tâm của ASEAN, cả Trung Quốc và Mỹ đều không tìm kiếm sự cho phép của khối ASEAN trong những vấn đề này. Do đó, nguyên tắc này đang phơi bày nhiều giới hạn.
Một số nhà ngoại giao ASEAN, rất tán thành sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở Đông Nam Á, cho rằng nguyên tắc trung tâm không còn phục vụ lợi ích Đông Nam Á trong thời đại cần phải chống lại sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc. Giới xây dựng chính sách đối ngoại của Singapore, Philippines và Việt Nam nói chung hoan nghênh AUKUS vì đã giúp khôi phục cân bằng quyền lực trong khu vực. Thái Lan, một đồng minh hiệp ước của Mỹ nhưng gần gũi với Trung Quốc, im lặng. Có lẽ vì sợ rằng ANKUS có thể làm cho Trung Quốc phật lòng, tân thủ tướng của Malaysia, Ismail Sabri Yaakob, nhắc lại Đông Nam Á là một "khu vực hòa bình, tự do và trung lập" hoặc theo khuynh hướng dùng từ viết tắt trong vùng là ZOPFAN (Zone Of Peace, Freedom And Neutrality). Nhiều nhà hoạch định chính sách Malaysia gọi những phát biểu từ trước đến nay của các bậc thầy chính trị về chủ đề này là "vô nghĩa".
Chiến lược gia người Singapore lập luận rằng nếu ASEAN vẫn muốn duy trì nguyên tắc trung tâm trên thực tế, thì họ phải rõ ràng hơn về những gì họ chuẩn bị làm và không làm với Mỹ – và với Trung Quốc. Điều đó sẽ đòi hỏi một sự đồng thuận mới về nguyên tắc trung tâm, một sự đồng thuận sẽ khó đạt được hơn nhiều so với sự đồng thuận mới về Myanmar. thời khắc quyết định sự tồn tại của ASEAN đang đến.
The Economist
Nguyên tác : South-East Asia’s regional club faces its greatest tests yet, The Economist, 30/10/2021
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 02/11/2021