Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cốc nước nửa đầy hay nửa vơi ? Tokyo khá thành công trong những mục tiêu chấm dứt giảm phát, thúc đẩy tăng trưởng, dùng tự do mậu dịch làm đòn bẩy. Nhưng tám năm cải tổ chưa đủ sức đưa Nhật Bản vĩnh viễn thoát khỏi khủng hoảng và những nỗ lực của Abenomics bị virus corona hủy hoại.

abomics1

Thành tích kinh tế trong tám năm thủ tướng Shinzo Abe cầm quyền : cốc nước nửa đầy hay nửa vơi ?  Pool/AFP/File

Từ 2013 kế hoạch Abenomics mang tên thủ tướng Shinzo Abe đi vào lịch sử kinh tế toàn cầu. Ngay từ năm đầu nhiệm kỳ thứ hai, vị thủ tướng thuộc cánh bảo thủ này đã xem nhiệm vụ đem lại một làn sinh khí mới cho kinh tế Nhật là ưu tiên.

Tạp chí của RFI mời giáo sư Brieuc Monfort giảng dậy tại đại học Sophia-Tokyo kiêm cộng tác viên quỹ nghiên cứu Fondation France-Japon thuộc trường Cao Đẳng Khoa Học Xã Hội EHESS của Pháp nhìn lại những thành công và thất bại của chính sách kinh tế mang tên thủ tướng Abe. Giáo sư Monfort là đồng tác giả cuốn sách được phát hành năm 2016 : Những bài học từ kinh nghiệm Nhật Bản hướng tới một chính sách kinh tế khác, tủ sách CEPREMAP.

Trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes cuối năm 1989, bốn nhà tỷ phú giàu nhất thế giới đều là người Nhật. Nhưng từ năm 1990 kinh tế Nhật liên tục đổ dốc và đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng từ vụ vỡ bong bóng địa ốc năm 1991 đến khủng hoảng tài chính Á Châu 1997, khủng hoảng 2008...

Năm 2012 lãnh đạo đảng Dân Chủ Tự Do thuộc cánh bảo thủ trở lại cầm quyền và bên cạnh dự án chính trị tham vọng nhất là cải tổ bản Hiến Pháp chủ hòa, Shinzo Abe đã bất ngờ công bố kế hoạch với "ba mũi tên" để ông khổng lồ kinh tế của Châu Á này thức dậy sau gần 20 năm "vùi đầu trong giấc ngủ đông", tê liệt vì nạn giảm phát.

Ngay trong báo cáo được công bố vào mùa xuân 2013, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế phấn khởi xem kế hoạch vực dậy kinh tế mang tên thủ tướng Abe là "cơ hội sang trang giai đoạn giảm phát với một tỷ lệ tăng trưởng èo uột" đã kéo dài.

Chiến lược "ba mũi tên" trong chương trình cải tổ kinh tế của thủ tướng Shinzo Abe gồm những gì ? Giáo sư Monfort nhắc lại :

Brieuc Monfort : Ngược thời gian nhìn lại 7 - 8 năm trước, chính sách kinh tế mang tên thủ tướng Abe bao gồm 3 mũi tên : một là đưa Nhật Bản thoát khỏi nạn giảm phát ; hai là tận dụng ngân sách để kích cầu và ba là đem lại những thay đổi về mặt cơ bản trong xã hội để cởi trói kinh tế. Về điểm thứ nhất Tokyo đề ra mục tiêu đẩy lạm phát lên thành 2%. Hiện tại, lạm phát ở Nhật là khoảng từ 0,5 đến 1%, tức là ở mức tương đương với Châu Âu. Có thể nói chính quyền Abe phần nào đạt được mục tiêu thứ nhất. Đây là một điểm hết sức quan trọng.

Mũi tên thứ nhất của thủ tướng Abe bắn vào nạn giảm phát và để đạt được mục tiêu này, ông đã trực tiếp can thiệp vào chính sách tiền tệ của Nhật. Thủ tướng Abe chỉ định một nhân vật thân tín vào chức vụ thống đốc Ngân Hàng Trung Ương. Haruhiko Kuroda không ngần ngại nới lỏng van tín dụng, mua vào công trái phiếu với mục đích đẩy chỉ số lên cao. Với lãi suất ngân hàng rất thấp, trong vài tháng đồng yen mất giá 20% tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Nhật.

Gần như cùng lúc ban hành các biện pháp tiền tệ, chính phủ tung ra vế thứ nhì trong chính sách Abenomics : đó là huy động luôn ngân sách Nhà nước để kích cầu, bơm thêm nhựa sống cho các doanh nghiệp.

Cuối năm 2012 ông Shinzo Abe trở lại với chức vụ thủ tướng vào lúc Nhật Bản vừa thoát khỏi giai đoạn 3 năm đình đốn, nhưng tiêu thụ nội địa vẫn dậm chân tại chỗ và xuất khẩu vẫn chịu tác động dây chuyền từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Thế còn về mục tiêu thứ nhì là đẩy tỷ lệ tăng trưởng lên 2% ? Giáo sư Brieuc Monfort phân tích :

Brieuc Monfort : Về mục tiêu tăng trưởng, trung bình trong bảy năm qua GDP của Nhật tăng 1% hàng năm, tương đương với nhịp độ của Châu Âu. Trong bối cảnh dấn số đang bị lão hóa, tôi thấy đây là dấu hiệu chứng tỏ kinh tế Nhật rất năng động. Về tài chính công : trong tám năm cầm quyền ông Abe đã hai lần tăng thuế TVA, thâm hụt ngân sách chung của chính phủ Nhật ở đầu nhiệm kỳ của ông là 8% GDP. Đến năm 2019 đã giảm xuống còn 3%. Đây là một nỗ lực lớn của nội các Shinzo Abe. Có điều virus corona đã hủy hoại những cố gắng đó. Dịch Covid-19 bắt Nhật Bản phải bơm thêm hàng ngàn tỷ đô la để kích thích kinh tế. Tổng nợ công lên tới gần 240% GDP và đây thực sự là gánh nặng nho người kế nhiệm ông Abe. Có nhiều khả năng chính sách kinh tế mang tên thủ tướng Shinzo Abe sẽ được tiếp tục áp dụng. 

Liên quan đến "mũi tên thứ ba" nhằm cải tổ sâu rộng cơ cấu xã hội Nhật Bản để tạo đà cho tăng trưởng, giáo sư Monfort sống và làm việc tại Tokyo từ hơn chục năm nay đơn cử một vài thí dụ : về mục tiêu huy động nữ giới tham gia thị trường lao động vào lúc dân số bị lão hóa, đúng là từ 2013 đã có nhiều phụ nữ đi làm, nhưng chưa thể nói là số này thực sự nhanh chóng thăng tiến trong xã hội và lại càng chưa có một sự thăng tiến có thể so sánh với nam giới. Ngược lại chuyên gia Pháp đánh giá tích cực về những cải cách hưu bổng, hay liên quan đến quy chế của các doanh nghiệp...

Tăng cường chiến lược quốc tế hóa kinh tế Nhật Bản

Nhưng thành công rõ rệt nhất của kinh tế Nhật Bản tám năm qua là vai trò đầu tàu của Tokyo trong các hiệp định tự do mậu dịch. Giáo sư Brieuc Monfort nhấn mạnh đến "những nỗ lực để kinh tế Nhật tiếp tục tỏa sáng trên bàn cờ quốc tế".

Từ năm 2019 hiệp định tự do mậu dịch giữa Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu đã chính thức đi vào hoạt động, nhưng hơn thế nữa dưới chính quyền của thủ tướng Shinzo Abe Tokyo đã đóng vai trò đầu tầu cứu dự án xây dựng khu vực tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương, TPP và ở mỗi giai đoạn đàm phán, thủ tướng Abe đều đã phải vượt qua được những trở ngại phát sinh từ ngay trong nước, và thậm chí là ngay trong hàng ngũ nội bộ đảng bảo thủ Dân Chủ Tự Do do ông lãnh đạo. 

Brieuc Monfort : Chính quyền Abe thuộc cánh bảo thủ, mọi người chờ đợi chính quyền này có đường lối bảo hộ. Nhưng Shinzo Abe hoàn toàn tin tưởng rằng các hiệp định tự do mậu dịch là đòn bẩy kích thích kinh tế Nhật. Ông ý thức được rằng đất nước đang trên đà lão hóa và kinh tế cần các thị trường quốc tế để phát triển. Tokyo ban đầu đã chậm trễ trong dự án xây dựng khu vực tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương, nhưng rồi với chính phủ của ông Abe, Nhật đã tích cực tham gia vào dự án chung này để rồi đóng vai trò đầu tàu khi mà Mỹ, dưới chính quyền Trump, rút khỏi hiệp định TPP. Cần nói thêm để tham gia vào TPP Nhật Bản đã phải tiến hành nhiều cuộc cải tổ nội bộ, chẳng hạn như là cải cách chính sách trợ giá nông nghiệp … Đây là hồ sơ rất nhậy cảm với công luận. Vậy mà ông Abe đã vượt qua được những chống đối ở trong nước để đẩy mạnh vai trò của Nhật trên trường quốc tế. Một dấu hiệu khác cho thấy Nhật Bản cởi mở hơn với thế giới đó là trong bảy năm qua lượng du khách ngoại quốc tham quan Nhật Bản cao hơn gấp ba, gấp bốn lần so với trước đồng thời số người lao động nhập cư cũng đã tăng lên gấp đôi.

Ngày 28/08/2020 ông Abe thông báo từ chức vì lý do sức khỏe sau khi vừa phá kỷ lục ở chức vụ thủ tướng Nhật Bản lâu nhất. Giới phân tích đồng loạt cho rằng ông để lại cho người kế nhiệm nhiều "hồ sơ còn dang dở". Brian Kelly đồng giám đốc quỹ đầu tư Asian Century Quest trụ sở tại New York gay gắt cho rằng các biện pháp trong chính sách Abenomics "thất bại trong mục tiêu tạo cơ hội để Nhật Bản có được tỷ lệ tăng trưởng cao hơn và giảm bớt mức độ lệ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của ngoại quốc". Kinh tế trưởng chi nhánh của tập đoàn bảo hiểm Daichi, Yoshiki Shinke được Reuters trích dẫn dè dặt hơn khi cho rằng : "Có thể là kinh tế Nhật khả quan hơn nhờ các biện pháp Abenomics nhưng điều đó chưa đủ để làm thay đổi hẳn quan điểm của công luận" trên xứ hoa anh đào.

Còn trong nhãn quan của giáo sư Monfort đại học Sophia, Tokyo ông trông thấy "nửa đầy" mà các biện pháp cải tổ mang tên thủ tướng Abe đem lại, nhất là trong điều kiện Nhật Bản đã liên tục trải qua nhiều khủng hoảng tài chính trong ba thập niên qua, nước Nhật phải đối mặt với hai trận động đất tai hại hồi năm 1995 và 2011 với thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đô la. Lần này đến lượt đại dịch Covid-19 làm tiêu tan những nỗ lực mà chính quyền Abe dày công xâp đắp ngày từ những ngày cuối 2012 :

Brieuc Monfort : Có ba điểm nổi bật khi nhìn lại chính sách kinh tế của ông Abe. Thứ nhất bản tổng kết hiện tại không hoàn toàn như thủ tướng Nhật mong muốn. Dự án chính ông theo đuổi là chương trình cải tổ về chính trị. Chẳng vậy mà khi thông báo từ chức, Shinzo Abe chỉ tập trung vào kế hoạch cải tổ Hiến Pháp. Tuy nhiên trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, vế kinh tế đã bắt buộc thủ tướng Nhật phải quan tâm và công luận đã khá ngạc nhiên về chương trình cải tổ kinh tế đầy tham vọng ông Abe đề xuất. Điểm thứ nhì là virus corona đang xóa nhòa phần nào những thành quả kinh tế chính sách Abenomics đem lại trong 7 năm vừa qua và sau cùng thì đây là một công trình còn dang dở.

Doanh thu trong ngành du lịch Nhật Bản sụt giảm hơn 90% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong hai tháng 3 và 4/2020 thu nhập của các cửa hàng trên toàn quốc giảm 60 và 80%. Cung thời kỳ chỉ số tiêu thụ của các hộ gia đình giảm hơn 11%.

Từ đầu mùa dịch, Tokyo đã liên tiếp ban hành hai gói hỗ trợ kinh tế, tổng trị giá tương đương với 2000 tỷ đô la tức là bằng 40% GDP của Nhật. Hơn một nửa trong số này là các khoản tín dụng được chính phủ bảo trợ.

Đến ngày 14/09/2020 đảng Dân Chủ Tự Do sẽ chỉ định thủ tướng mới. Cho dù là ai đi chăng nữa, thì người kế nhiệm Shinzo Abe cũng sẽ lên điều hành đất nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang ảm đạm, công nghiệp và công nghệ cao của Nhật ngày càng bị một số nước cạnh tranh. Ngoài Trung Quốc Hàn Quốc và trong một chừng mực nào đó là Ấn Độ là những đối thủ có nguy cơ soán ngôi của Nhật Bản.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 08/09/2020

Additional Info

  • Author Brieuc Monfort, Thanh Hà
Published in Diễn đàn