Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dân biểu Hoa Kỳ sẵn sàng bảo trợ cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa

Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal hôm 12/12 cho Đài Á Châu Tự Do biết ông rất sẵn lòng bảo trợ cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, người đang phải thụ án tù 7 năm với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Trước đó, vào ngày 10/12, thân nhân của anh Nguyễn Văn Hóa cho biết gia đình đã gửi thư cho dân biểu Lowenthal, đề nghị ông bảo trợ cho Hóa. Nhân dịp này, Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn với Dân biểu Alan Lowenthal về đề nghị của gia đình Hóa và tình hình nhân quyền tại Việt Nam, cũng như những dự định mà ông định làm để gây sức ép lên Việt Nam nhằm cải thiện tình trạng nhân quyền. Trước hết, nói về tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, Dân biểu Alan Lowenthal cho biết :

hoa1

Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal tại một buổi điều trần ở Quốc hội Mỹ về nhân quyền Việt Nam hôm 11/6/2015 - AP - Hình minh họa.

Alan Lowenthal : Hồi tháng 6 năm nay tôi và Thượng Nghị sĩ Ed Markey đã viết một bức thư, tức là một bức thư thuộc hai Viện (Thượng viện và Hạ viện) gửi cho Ngoại trưởng Pompeo để cảnh báo về tình hình tự do báo chí (ở Việt Nam) và (Nguyễn Văn) Hóa cũng là một trong những trường hợp được đề cập. Tôi đã nói rất nhiều về việc Hóa đã bị bắt như thế nào và bị kết án tù 7 năm ra sao, chính phủ Việt Nam đã sử dụng điều 88 Bộ luật Hình sự (cũ) cáo buộc Hóa tuyên truyền chống nhà nước. Tôi biết khá nhiều về Hóa, tôi biết Hóa là một nhà báo và Hóa đã đưa thông tin về ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Tôi cũng biết là Hóa phản đối việc thắt chặt kiểm soát tự do trên internet. Hóa chỉ làm công việc của một nhà báo, một nhà báo tự do và anh ấy bị bắt giữ và không may bị kết án.

Thanh Trúc : Mới đây người chị của Nguyễn Văn Hóa cho Đài Á Châu Tự Do biết là Nguyễn Văn Hóa mong muốn được một vị dân biểu Hoa Kỳ bảo trợ mà qua đó tên ông được nhắc đến. Ông nghĩ sao khi nghe về đề nghị này?

Alan Lowenthal : Tôi rất vui nhận việc này. Tôi đã nghe về Hóa, về việc anh ấy bị bỏ tù bất công. Tôi đã bảo trợ một số tù nhân lương tâm. Tôi nằm trong Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos. Những người được tôi bảo trợ đã được trả tự do và những người khác đều qua Ủy ban này. Tôi sẵn sàng nhận bảo trợ cho anh ấy và tôi sẽ thu xếp. Tôi nghĩ là chị gái của Hóa nên liên hệ với văn phòng của chúng tôi để bắt đầu quá trình này. Tôi cần một giấy tờ hoặc nói chuyện chính thức với chị gái Hóa để bắt đầu quá trình bảo trợ.

Thanh Trúc : Trước đây một trong những tù nhân chính trị ở Việt Nam, tên là Nguyễn Tiến Trung, từng được ông bảo trợ. Xin cho biết ông đã làm gì để giúp đỡ Nguyễn Tiến Trung? Tính đến lúc này ông có nghe tin tức gì về người này không?

Alan Lowenthal : Tôi có nhận được tin tức về Trung. Tôi đã lên tiếng cho Trung với các đồng nghiệp của mình, với Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam là đại sứ Kritenbrink. Tôi đã nói về Trung công khai và trước Quốc hội. Tôi rất vui là Trung đã được tự do. Chúng tôi có liên hệ với Trung hồi năm ngoái khi Trung xin vào học ở trường đại học Oregon để lấy bằng thạc sĩ. Tôi đã viết thư giới thiệu cho Trung và anh ấy đã bắt đầu vào học từ tháng 9. Anh ấy có nói với chúng tôi là anh sẽ xin học lên Tiến sĩ.

Thanh Trúc : Thưa ông ngoài trường hợp Nguyễn Văn Hóa thì hiện tại hơn 100 tù chính trị hãy còn bị giam giữ ở Việt Nam. Ông và những người đồng nhiệm trong quốc hội đã làm gì để gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, đòi trả tự do cho họ. Mặt khác, trong khi họ vẫn đang bị cầm tù thì ông có yêu cầu gì hầu giúp đỡ họ không?

Alan Lowenthal : Cả Caucus về Việt Nam ở Hạ Viện và Ủy ban quan hệ đối ngoại, cùng Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos đã thực hiện nhiều buổi điều trần về vấn đề này. Bất cứ khi nào tôi gặp các quan chức Việt Nam hay Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao, tôi đều kêu gọi chú ý vào các trường hợp tù nhân lương tâm. Tôi đề cập vấn đề này với Đại sứ Mỹ. Trong lần gặp đầu tiên của tôi với Đại sứ  Dan Kritenbrink, các đồng nghiệp của tôi trong Caucus về Việt Nam đã trao cho ông ấy một danh sách các tù nhân lương tâm mà chúng tôi muốn ông ấy quan tâm cùng làm việc với chúng tôi. Tôi sẽ tiếp tục làm việc này. Tôi đã viết thư cho Ngoại trưởng Pompeo. Khi chúng tôi quay lại làm việc vào tháng tới, chúng tôi sẽ liên hệ với Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, yêu cầu trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc này và chúng tôi cũng đã có những thành công trong việc đòi trả tự do cho một số tù nhân lương tâm. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục bắt giữ thêm tù nhân lương tâm nên đây công việc liên tục.

Thanh Trúc : Hồ sơ nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ  những năm qua, theo ông tại sao tình hình  tiếp tục xấu đi như vậy, chính phủ Mỹ có phần nào trách nhiệm trong chuyện tiêu cực này không?

Alan Lowenthal : Tôi không muốn dùng cơ hội này để đổ lỗi lên chính quyền Mỹ. Điều tôi muốn nói là chính quyền Mỹ bây giờ có những ưu tiên khác hơn so với chính quyền trước. Thời của chính quyền Mỹ trước khi tôi được bầu vào Quốc hội, trong quan hệ song phương với Việt Nam, chúng ta nói về vấn đề này khi Việt Nam muốn gia nhập Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương rằng nhân quyền là quan ngại chính. Nếu họ muốn làm việc với Mỹ thì họ phải có cải thiện trong hồ sơ nhân quyền. Cho nên nhân quyền nằm ở trong danh sách ưu tiên rất cao. Bây giờ, chính quyền mới vẫn coi nhân quyền là vấn đề quan trọng nhưng Hoa Kỳ giờ quan ngại nhiều hơn về vấn đề an ninh hàng hải, thương mại, và không gây sức ép mạnh về vấn đề nhân quyền. Không phải họ không làm mà chúng ta không thấy là vấn đề nhân quyền được đặt ưu tiên cao. Ở Hạ viện, tôi tin là vấn đề nhân quyền và vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam cũng quan trọng. Bất cứ ai (ở Việt Nam) lên tiếng về tự do tôn giáo, tự do bày tỏ ý kiến, các blogger, những người hoạt động báo chí đều là những người mà chính quyền Việt Nam đang đàn áp. Đó là điều mà tôi cho rằng quan trọng nhất. Tôi vẫn luôn đưa vấn đề này ra và tôi hy vọng là Đại sứ Kritenbrink hiểu được tại sao tôi làm điều này. Tôi nói chuyện với Đại sứ Kritenbrink mỗi tuần hoặc 2 tuần một lần về việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Gần đây chúng tôi đang nói về trường hợp của ông Michael Nguyen, người vừa bị kết án tù 12 năm. Ông ấy là cư dân ở Orange County, là công dân Mỹ. Trước đó tôi có làm việc cho trường hợp của anh Will Nguyen, cố gắng để anh ấy được trả tự do. Anh ấy bị kết án nhưng rất may là anh được trả về Mỹ ngay. Đây là công việc liên tục. Tôi thường xuyên thách thức chính phủ Việt Nam, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã rất nhiệt tình hợp tác giúp đỡ chúng tôi qua ngài đại sứ. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thực sự thành công nhiều. Chúng tôi hy vọng chính quyền Mỹ và Tổng thống Mỹ (chúng tôi thường xuyên viết thư cho Tổng thống) sẽ coi vấn đề nhân quyền là ưu tiên số 1.

Thanh Trúc : Thưa ông Luật Magnitsky Toàn Cầu xem chừng chưa tác động gì tới những người vi phạm quyền con người ở Việt Nam. Theo ông thì Hoa Kỳ cần làm gì để có thể áp dụng Đạo luật này với Việt Nam?

Alan Lowenthal : Theo tôi, điều mà chúng ta cần làm trước tiên là xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC), và sau đó áp dụng Đạo luật Magnitsky. Việt Nam đã từng trong CPC nhưng sau đó chúng ta nói rằng họ đã có tiến bộ. Khoảng 10 hay 15 năm về trước họ được rút khỏi danh sách này. Vì tình trạng vi phạm nhân quyền vô cùng tồi tệ ở Việt Nam. Chúng tôi gần đây cũng có đưa ra Đạo luật Nhân quyền cho Campuchia, đạo luật đó đã được Hạ viện thông qua và chính phủ Mỹ đã xác định 2 người ở Campuchia theo đạo luật Magnitsky. Tôi muốn thấy Đạo luật Magnitsky được áp dụng ở Việt Nam và những người tham gia vi phạm nhân quyền sẽ bị đưa vào danh sách này. Nhưng để làm được này chúng ta cần làm hai việc. Thứ nhất là đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Thứ hai là đạo luật Nhân quyền Việt Nam mà tôi đồng ủng hộ cùng Dân biểu Chris Smith. Sau đó chúng ta có thể áp dụng Đạo luật Magnitsky.

Thanh Trúc : Xin cảm ơn Dân biểu Alan Lowenthal về bài phỏng vấn này.

Thanh Trúc thực hiện

Nguồn : RFA, 13/12/2019

Published in Diễn đàn

Nhân việc Dân biểu Alan Lowenthal thuộc Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos ở Hạ viện Hoa Kỳ chính thức bảo trợ cho Người tù vì lương thức (prisoner of conscience) Tăng thống Thích Quảng Độ, chúng tôi tìm gặp dân biểu để hỏi cụ thể việc bảo trợ này thực hiện ra sao, theo những kế hoạch nào để đạt mục tiêu trả tự do cho vị Tăng thống. Đồng thời qua việc bảo trợ này dân biểu muốn gửi đến Nhà cầm quyền Việt Nam thông điệp gì ? Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây.

tang1

Dân biểu Alan Lowenthal (phải) và Tăng thống Thích Quảng Độ (trái) tại Thanh Minh Thiền Viện năm 2015 - Courtesy of Ỷ Lan

Ỷ Lan : Thưa Dân biểu Alan Lowenthal, ông vừa chính thức bảo trợ Người tù vì lương thức Tăng thống Thích Quảng Độ, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, theo Kế hoạch Bảo vệ Tự do của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Hoa Kỳ. Ông có cảm tưởng như thế nào khi đưa ra quyết định này ?

Alan Lowenthal : Tôi rất, rất vui lòng thấy chúng tôi đang có bước tiến mới cho Tăng thống, Người Tù vì Lương thức. Nay tôi có thể cùng với tất cả các thành viên thuộc Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos vận động trả tự do cho Đức Tăng thống.

Ỷ Lan : Dân biểu vui lòng cho biết tiến trình bảo trợ sẽ thưc hiện ra sao ? Kế hoạch hoạt động như thế nào kể từ khi Tăng thống Thích Quảng Độ chính thức được bảo trợ như Người Tù vì lương thức ?

Alan Lowenthal : Tôi nghĩ rằng việc bảo trợ này chính thức cho phép tiến hành bước thứ hai. Năm 2015, tôi là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ và Phân Ủy ban Châu Á, phái đoàn chúng tôi viếng thăm Việt Nam và tìm cơ hội gặp gỡ Tăng thống tại Thanh Minh Thiền viện nơi ngài bị quản chế. Chúng tôi có cuộc trao đổi dài với ngài, lúc ấy tôi mới nhận thức đến tầm vóc quốc tế của nhà lãnh đạo tôn giáo này, và ý nghĩa kỳ vĩ của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ cho tất cả những ai quan tâm tới tôn giáo bất cứ ở đâu.

Bây giờ, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos chính thức công nhận như Người tù vì lương thức, và chính thức bảo trợ ngài theo Kế hoạch Bảo vệ Tự do, là lúc chúng tôi có thể thực hiện mạnh mẽ. Điều này cho phép chúng tôi hành động chính thức cho ngài Thích Quảng Độ. Ví dụ, tháng trước đây tôi có dịp nói chuyện với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Dan Kritenbrink, tôi đã nêu trường hợp ưu tiên tối hậu cho ngài Thích Quảng Độ. Trong hai tuần lễ tới, Đại sứ sẽ có mặt ở Hoa Thịnh Đốn, tôi sẽ tìm gặp Đại sứ. Việt Nam Caucus của Hạ viện cũng sẽ gặp Đại sứ. Một trong những điều chúng tôi muốn nêu rõ với Đại sứ là vấn nạn Tù nhân vì lương thức, xem Đại sứ có thể làm gì trong cương vị Tân Đại sứ để mang tới thông điệp mạnh mẽ cho nhà cầm quyền Việt Nam. Tuần tới tôi sẽ gặp bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới, bà cũng đã chính thức bảo trợ cho Tăng thống Thích Quảng Độ, để bàn tới một chiến lược hoạt động chung.

Nay ngài đã được chính thức công nhận như Người Tù vì lương thức, Hạ viện sẽ có cơ hội tập họp quanh ngài, bởi vì ngài là một cá nhân độc đáo. Trả tự do cho ngài là điều nhân đạo phải thực hiện ngoài những vấn đề chính trị khác. Tôi không hiểu vì sao nhà cầm quyền Việt Nam lại sợ hãi ngài đến thế.

Tăng thống Thích Quảng Độ năm nay 90 tuổi ; nhân dân trên khắp địa cầu ngưỡng mộ và âu lo cho ngài. Đã đến lúc nên hành động theo đường lối từ bi. Chúng tôi đã có một số kế hoạch sẽ thực hiện. Một Nghị quyết đã được Dân biểu Randy Hultgreen đệ nạp Hạ viện, đề nghị tổ chức một "Ngày Tù nhân vì lương thức" trên toàn quốc, tôi tin rằng Tăng thống sẽ là gương mặt trung tâm cho ngày này - đương nhiên không chỉ có một người, vì chúng tôi quan tâm cho nhiều Tù nhân vì lương thức - nhưng Tăng thống chiếm một không gian duy nhất.

Ỷ Lan : Dân biểu bảo trợ Tăng thống vào lúc Việt Nam mở những cuộc đàn áp mạnh nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến tôn giáo và chính trị cũng như những nhà hoạt động nhân quyền. Riêng trong tháng này đã có một loạt xử án bất công với những án tù 12 đến 15 năm. Như ông đã từng nói, Tăng thống Thích Quảng Độ là biểu tượng cho phong trào đang lên, đòi hỏi tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Như vậy khi bảo trợ cho Đức Tăng thống, phải chăng ông muốn gửi một thông điệp đến nhà cầm quyền Cộng sản ?

Alan Lowenthal : Tuyệt đối là như vậy. Đây là Thông điệp cho việc ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi đã từng thấy những cuộc đàn áp khi lên khi xuống tại Việt Nam. Khi tôi có mặt tại Việt Nam năm 2015, chúng tôi thảo luận với Việt Nam về việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thế là trong một thời gian ngắn, Việt Nam giảm thiểu các cuộc bắt bớ, rồi trả tự do cho một vài tù nhân. Lý do hiển nhiên là họ muốn có quan hệ tốt với Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Hoa Kỳ và Hạ viện, trong quan hệ với Việt Nam, nhận thức ra điều này. Như chị nói, đang có những cuộc đàn áp lớn đối với các nhà hoạt động nhân quyền, những ai đòi hỏi tự do cá nhân và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đáng tiếc không chỉ ở Việt Nam thôi đâu - tại Campuchia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, chúng tôi thấy rõ những kiểm soát độc đoán, và sự gia tăng của chính quyền chống dân chủ. Nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam đang bị kẹt giữa sự mong ước Hoa Kỳ tăng trưởng viện trợ kinh tế, đồng thời lại muốn quyết liệt đàn áp giới bất đồng chính kiến. Thì đây là lúc để nói thẳng rằng :

Nếu quý vị muốn viện trợ kinh tế gia tăng, quý vị phải tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo.

Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng tốt đẹp nhất Hoa Kỳ có thể mang lại là như thế. Chúng ta phải có chung một lịch trình bao gồm hai vấn đề kinh tế và nhân quyền. Nhân quyền phải là ưu tiên tối cao. Hiện nay điều này chưa xẩy ra, nhưng tôi nghĩ rằng sự kiện bảo trợ Tăng thống Thích Quảng Độ là một bước tiến nâng cao sự giải quyết vấn nạn, và cũng là nâng cao sự giải quyết những hiểm nguy đang xẩy ra trong thực tế ở Đông Nam Á với hiện tượng xa lìa dân chủ.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Alan Lowenthal.

Ỷ Lan thực hiện

Nguồn : RFA, 16/04/2018

Published in Diễn đàn