Sau khi thử thành công cuộc gọi qua mạng 5G ngày 10/05/2019, Việt Nam gia nhập câu lạc bộ những nước đầu tiên thử mạng điện thoại di động thế hệ mới nhất, mạnh nhất cùng với Hàn Quốc và Mỹ. Tốc độ triển khai dự án, từ tiếp nhận thiết bị ngày 25/03 đến thời điểm tích hợp và phát sóng chỉ mất một tháng tại điểm thử nghiệm đầu tiên quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngày 25/04.
Logo của Hoa Vi tại sân bay Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh minh họa. Reuters/Aly Song
Rút kinh nghiệm từ mạng 4G bị triển khai khá chậm, chính phủ Việt Nam muốn tạo điều kiện, khẩn trương thúc đẩy triển khai mạng 5G để phục vụ cho việc chuyển đổi số của Việt Nam, sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong khi một số nước Đông Nam Á, như Thái Lan, Philippines, Indonesia nghiêng về phía tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc, các nhà mạng Việt Nam lại muốn dựa vào công nghệ tự phát triển hoặc của phương Tây để cho ra đời dịch vụ 5G.
Trang Nikkei (10/04/2019) của Nhật Bản từng nhận xét : "Việt Nam không tin Hoa Vi một inch". Còn tờ New York Times (20/07) viết : "Trong khi thế giới bị chia rẽ vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, các công ty viễn thông ở Việt Nam dường như kín đáo tránh tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc trong các dự án mạng 5G".
Riêng tập đoàn viễn thông Viettel, khi trả lời hãng tin Nikkei, đặt mục tiêu sản xuất "80% thiết bị cho hệ thống cơ sở hạ tầng mạng viễn thông" từ giờ đến năm 2020. Và để thực hiện được kế hoạch này, "Viettel đã đầu tư hàng triệu đô la để phát triển chip công nghệ 5G và đang phát triển các thiết bị sử dụng chip 5G". Một đại diện của Viettel cho biết : "Song song với việc tự phát triển chip mạng 5G, Viettel tiếp tục tìm kiếm những cơ hội hợp tác, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia và các đối tác trong nước cũng như quốc tế".
Tại sao chính phủ Việt Nam thúc đẩy việc triển khai mạng 5G ? Tại sao các tập đoàn viễn thông Việt Nam đều tránh Hoa Vi ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Center for Security Studies, APCSS), Hawai.
RFI : Việt Nam tiếp tục thử nghiệm 5G năm 2019, dự kiến triển khai thương mại năm 2020. Dựa vào những điều kiện và tiềm năng nào, Việt Nam có thể thực hiện được kế hoạch này một cách nhanh chóng ?
Alexander Vuving : Tôi nghĩ là về mặt công nghệ, Việt Nam đi sau các nước khác. Nhiều nước khác đã thử nghiệm và sử dụng mạng 5G rồi nên về mặt công nghệ, Việt Nam đi sau nên không có gì là quá khó, chỉ cần có tiềm năng về tài chính, có một số người tài. Ở Việt Nam, trên thực tế, một số công ty lớn như Viettel, họ cũng có đủ tiềm năng tài chính để nhập công nghệ cao từ nước ngoài. Việt Nam cũng có một số người tài, đủ khả năng làm chủ công nghệ, thậm chí là cải tiến công nghệ.
Tiếp theo, những kiến thức về công nghệ bây giờ rất mở, không như ngày xưa là chỉ một vài người biết, rồi tiếp cận kiến thức rất khó. Bây giờ kiến thức gần như có trên mạng hết. Cộng đồng làm những công nghệ mới, họ để mở trên toàn thế giới. Cho nên chỉ cần có những người tài, có nhiệt huyết và có cơ chế để họ chịu khó làm việc, chịu khó sáng tạo, tận dụng khối kiến thức công nghệ mở trên thế giới là có thể làm chủ được công nghệ và cải tiến được công nghệ.
Một vấn đề nữa về hạ tầng, bản thân một số công ty lớn của Việt Nam, đặc biệt là Viettel, họ có hạ tầng, máy phát ở khá nhiều nơi, giờ họ chỉ phải bổ sung thêm. Vậy tôi nghĩ rằng một trong những điều kiện Việt Nam có thể làm được là vì họ đã có công nghệ, không phải là quá khó, người tài và hạ tầng cũng tương đối.
Nhưng điểm chính là chính sách ! Bộ trưởng hiện nay là ông Nguyễn Mạnh Hùng, là người đi lên từ chính công ty viễn thông, làm về công nghệ, và ông rất am hiểu vấn đề công nghệ và kinh doanh. Cho nên, ông biết phải là gì, thúc đẩy cái gì. Bản thân ông cũng có chính sách rất phù hợp, rất mở để thực hiện, đặc biệt là ông có quyết tâm chính trị. Cho nên, tôi nghĩ đấy là những điều kiện để Việt Nam có thể thực hiện được kế hoạch này.
RFI : Gần đây chính phủ Việt Nam thường nhắc tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Mạng 5G có vai trò như thế nào trong cuộc cách mạng mà chính phủ Việt Nam hướng đến ?
Alexander Vuving : Những công nghệ mũi nhọn của cách mạng công nghiệp 4.0 đều sử dụng dữ liệu lớn, rồi sử dụng trí tuệ nhân tạo và kết nối vạn vật. Tất cả những công nghệ đó đòi hỏi có đường truyền không dây, băng thông cực kỳ rộng và tốc độ cực kỳ cao. Mạng 5G đáp ứng được công việc đó.
Những mạng trước đây, như 4G chẳng hạn, chủ yếu mới chỉ là mạng của điện thoại thông minh, kết nối giữa các điện thoại thông minh. Những mạng đó truyền dữ liệu nhưng tốc độ không được cao và không được nhiều. Nhưng bây giờ, mạng 5G truyền được dữ liệu lớn, với tốc độ gần như tức thì với băng thông rộng, tốc độ cao. Như vậy, nó không chỉ kết nối các điện thoại thông minh mà nó kết nối vạn vật. Chẳng hạn giải pháp về ngôi nhà thông minh hoặc thành phố thông minh, hoặc sau này có xe tự lái, internet kết nối vạn vật. Những "kết nối vạn vật" này được truyền qua mạng không dây và phải sử dụng mạng 5G. Do đó, mạng 5G đóng vai trò giống như xương sống của những công nghệ hàng đầu của cách mạng công nghiệp 4.0.
RFI : Viettel chọn hợp tác với Ericsson Việt Nam, Vinaphone chuẩn bị hợp tác với Nokia, Vietnam Mobile Telecom có thể sẽ làm việc với Samsung Electronics. Hoa Vi từng tự tin được chọn làm đối tác nhưng cuối cùng bị loại. Phải chăng Hoa Vi là mối đe dọa cho an ninh quốc gia Việt Nam ?
Alexander Vuving : Vâng, tôi nghĩ rằng nếu sống ở những nước như Việt Nam, Trung Quốc, cũng có thể tạm hiểu là Hoa Vi là một loại doanh nghiệp bình phong của Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, đồng thời cũng là một loại sân sau của một số tập đoàn "thái tử đỏ". Về điểm này, bên ngoài không nói được vì người ta không có bằng chứng đầy đủ. Nhưng khi hiểu cách làm ăn của Trung Quốc, thì có thể hiểu như thế.
Hơn nữa, bất kỳ công ty nào của Trung Quốc, kể cả của tư nhân, họ cũng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với chính phủ và đảng Cộng sản Trung Quốc. Cho nên một khi họ đã có được những dữ liệu, ví dụ vào Việt Nam cung cấp mạng và lấy được những dữ liệu, thì những dữ liệu đó được đưa về Trung Quốc xử lý. Đó cũng là chuyện bình thường !
Còn chuyện "ảnh hưởng" đến an ninh, đương nhiên là có. Vào thời bình, có thể không có vấn đề gì, nhưng vào thời chiến, đương nhiên những dữ liệu đó đóng vai trò "con ngựa thành Troie" hoặc là công cụ gây áp lực, thậm chí để gây chiến tranh mạng. Cho nên, tôi thấy chuyện đó là hoàn toàn hợp lý.
RFI : Liệu những cáo buộc của chính quyền tổng thống Trump rằng thiết bị của Hoa Vi có thể bị sử dụng làm tình báo cho Bắc Kinh, có ảnh hưởng đến quyết định của các nhà cung cấp viễn thông Việt Nam ?
Alexander Vuving : Tôi nghĩ rằng chẳng cần đến chính quyền tổng thống Trump nói như vậy. Ở Việt Nam, nhiều người cũng đã nghi ngờ, thậm chí tin rằng thiết bị của Hoa Vi có thể được sử dụng làm tình báo cho Trung Quốc. Và Việt Nam cũng đã bị những cuộc tấn công mạng vào thời kỳ Trung Quốc đưa giàn khoan năm 2014. Tiếp theo là những vụ tấn công mạng, chẳng hạn vụ tấn công vào mạng của Vietnam Airlines. Cho nên, Việt Nam bây giờ cũng rất cân nhắc vấn đề an ninh mạng.
Tôi nghĩ là không cần sự cáo buộc của chính quyền Mỹ, bản thân Việt Nam ý thức được nguy cơ đối với an ninh quốc gia trong việc sử dụng Hoa Vi cho những dự án gọi là xương sống của công nghệ mới, của cách mạng 4.0.
RFI : Tránh Hoa Vi, phải chăng Việt Nam cố không làm ảnh hưởng, tác động tới khả năng hợp tác về quốc phòng trong tương lai với Hoa Kỳ, cũng như với các đồng minh của Mỹ ?
Alexander Vuving : Điều này cũng là một yếu tố. Tức là Việt Nam cũng biết rằng nếu sử dụng Hoa Vi, chắc chắn Mỹ sẽ không chia sẽ và sẽ không hợp tác mạnh mẽ trong tương lai về nhiều mặt an ninh quốc phòng.
Nhưng mà, như đã nói ở trên, kể cả trong trường hợp Mỹ không có áp lực đó, bản thân Việt Nam cũng e ngại và tìm cách loại bỏ thiết bị của Hoa Vi ra khỏi những mạng có tính chất "nhạy cảm" đối với an ninh quốc gia. Ví dụ, đối với những mạng nhỏ nhỏ mà có thể cô lập được, không quá ảnh hưởng đến toàn quốc về an ninh quốc gia, thì họ vẫn có thể cho phép, như là một hình thức xoa dịu Trung Quốc, như để chứng tỏ cho Trung Quốc thấy Việt Nam không hề phân biệt đối xử.
Nhưng đối với những thiết bị có tính chất toàn quốc, có sử dụng đến quân sự, như mạng của Viettel, hoặc những thiết bị trong thời chiến có thể trở nên rất nhạy cảm, đương nhiên Việt Nam không thể nào để cho một "con ngựa thành Troy" vào như thế được.
RFI : RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Alexander Vuving, từ Hawai.
Nguồn RFI, 02/09/2019