Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tấn công những người như bác sĩ Anthony Fauci sẽ không thắng được cuộc chiến chống Covid-19

Xã luận

Những người có suy luận có thể bất đồng về những lệnh an trú tại gia nên kéo dài bao lâu và liệu việc sử dụng thuốc chưa chính thức như hydroxychloroquine chống lại đại dịch Covid-19 có mang lại hiệu quả như nhiều người hy vọng, kể cả Tổng thống Donald Trump hay không

fauci1

Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, Tiến sĩ Anthony Fauci phát biểu trong cuộc họp báo về coronavirus tại Nhà Trắng, Thứ Sáu, ngày 10 tháng 4 năm 2020, tại Washington. (Ảnh AP / Evan Vucci) (Evan Vucci)

Nhưng điều mà tất cả chúng ta phải đồng ý là đừng đổ lỗi oan cho những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ như bác sĩ Anthony Fauci, vì ông đã đưa ra những ý kiến ​​có căn cứ, dựa trên nhiều thập niên kinh nghiệm và dữ liệu thực nghiệm tốt nhất, có thể làm phật lòng những người không muốn nghe theo. 

Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh rằng đó là những gì mà một số người lến tiếng chỉ trích và một vài chính khách đang làm. Trong những tuần gần đây, đã có một nỗ lực sai trái và vô trách nhiệm đầy nguy hiểm nhằm đào sâu hố ngăn cách giữa tổng thống (Trump) và bác sĩ Fauci, một cố vấn y tế cộng đồng khả tín qua sáu đời tổng thống, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia từ năm 1984. Ông bị gọi là "người chơi trội" và tệ hơn nữa những người chỉ trích ông về việc kêu gọi giãn cách là làm suy giảm nền kinh tế và dẫn đến một cuộc "tự tử quốc gia".

Thật là trớ trêu khi người được chính tổng thống (Donald Trump) lựa chọn để làm cố vấn với kiến thức chuyên môn và hướng dẫn có giá trị của mình trong một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng chưa từng có, lại nhận những lời hăm dọa thủ tiêu và, đặc biệt là trong cái vòng lẩn quẩn, hiện thân của tất cả những gì sai trái trong phản ứng của chính phủ đối với đại dịch. Điều này đúng như người ta thường nói "làm ơn mắc oán".

Lý do nào khiến Trump dựa vào bác sĩ Fauci - người mà ông đã nhiều lần gọi là một "người tốt" - ngay từ đầu cuộc khủng hoảng này khi bổ nhiệm ông vào nhóm đặc nhiệm chống coronavirus của Bạch Ốc vào ngày 29/1 ? Lý do đó có thể được tóm tắt trong ba danh từ là : chuyên môn, khả tín và lòng tin. Không có chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nào trên thế giới đáng tín cẩn hơn bác sĩ Fauci. Và niềm tin, dựa trên những sự thật của khoa học, là đồng minh lớn nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống lại đại dịch này, mà đôi khi không cần phải giải thích dong dài.

Không thể nói rằng người Mỹ chúng ta mù quáng tuân theo "vị đại đế" Covid-19, hoặc không chất vấn chính phủ khi  hạn chế các quyền tự do dân sự cơ bản của chúng ta một cách vô hạn. Rõ ràng là cần phải có một sự cân bằng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Và các chính trị gia và các chuyên gia y tế công cộng phải cùng nhau làm việc để đạt được sự cân bằng đó. Thật vậy, hệ lụy của việc không hợp tác này có thể được tính bằng bao nhiêu sinh mạng bị cướp đi, cũng như bao nhiêu sinh kế bị mất nếu nền kinh tế của chúng ta vẫn bị tê liệt vô thời hạn.

Tin tốt là, theo như lời bác sĩ Deborah Birx, điều phối viên của nhóm đặc nhiệm coronavirus Tòa Bạch Ốc đã chỉ rõ trong tuần qua, dữ liệu mới cho thấy việc phát đồ chống lây nhiễm đang được thực hiện ở một số khu vực nước Mỹ đã mang lại một tín hiệu "cổ vũ lớn lao".

Bác sĩ Fauci, trong cuộc họp báo cùng với Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Năm tuần qua, đã nhắc lại tiến trình đó và giải thích lý do tại sao việc đó cần phải thực hiện rằng : "Khi chúng ta chứng kiến ​​cùng một lúc sự gia tăng về số tử vong và sự sụt giảm đáng kể về số người phải nhập viện, điều này có nghĩa là những gì chúng ta đang làm đã mang lại hiệu quả và do đó chúng ta cần tiếp tục duy trì điều này".

Những gì chúng ta đang làm là giãn cách xã hội, ở nhà và trong hàng triệu trường hợp nếu không thể làm việc tại nhà thì buộc phải đến hãng xưởng làm, nếu không sẽ bị mất việc. Do đó chính sách kích thích kinh tế khổng lồ của chính phủ sẽ giúp thu hẹp khoảng cách khủng khiếp này đối với nhiều người.

Nhưng với việc xét nghiệm rộng rãi hơn, các chiến lược giảm dịch tốt hơn như việc tăng cường sản xuất và phân phối khẩu trang cùng các thiết bị bảo hộ cá nhân khác đến không chỉ cho nhân viên y tế mà còn cho cả đại chúng, là chìa khóa để đưa mọi người trở lại làm việc và tái hoạt động nền kinh tế.

Một lần nữa, chúng ta thấy sự tiến bộ trên tất cả các mặt trận này. Như bác sĩ Birx đã nói với các phóng viên trong tuần qua, chúng ta hiện đang xét nghiệm virus từ 118 ngàn đến 120 ngàn người mỗi ngày. Và sản xuất khẩu trang, với sự giúp đỡ của những công ty Texas như Prestige Ameritech hợp tác với Vệ binh Quốc gia Texas, đang tăng vọt trên cả nước.

Thay vì bắn vào các sứ giả, chúng ta nên lắng nghe các chuyên gia như các bác sĩ Fauci và Birx để hiểu rằng chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc chiến này. Không nên bắn tỉa hay phỉ nhổ chính trị vào một số thành viên của nhóm đặc nhiệm Tòa Bạch Ốc có ý kiến khác biệt, mà bằng sự phân tích dữ liệu thực tế một cách nhanh chóng, an toàn và khoa học nhất có thể, cũng như bởi sự điều chỉnh chung các chiến lược y tế cộng đồng của chúng ta sao cho phù hợp nhất.

Dallas Morning News

Nguyên tác : Shooting messengers like Dr. Anthony Fauci won’t win the war on Covid-19, The Dallas Morning News, 13/04/2020

Nhã Duy chuyển dịch

(14/04/2020)

https://www.dallasnews.com/opinion/editorials/2020/04/13/shooting-messengers-like-dr-anthony-fauci-wont-win-the-war-on-covid-19/?fbclid=IwAR0hMVOw_tudZZ6T4suGj4dXKRLVeTjONoH9b7YKGd3aLvtj-DECv2EBtQc

Additional Info

  • Author Dallas Morning News, Nhã Duy
Published in Diễn đàn

Dr. Anthony Fauci, người góp phần tạo nên sự vĩ đại cho nước Mỹ

Tháng 9 năm 2014, bịnh nhân đầu tiên trên đất Mỹ bị nhiễm trong trận dịch Ebola là Nina Phạm, một y tá gốc Việt 26 tuổi làm việc tại một bịnh viện thuộc thành phố Dallas, Texas. Nina bị lây nhiễm khi chăm sóc cho Thomas Duncan, một bịnh nhân đã nhiễm Ebola đến từ Liberia bên Châu Phi. Nina Phạm vô tình trở thành tâm điểm của truyền thông và thu hút sự quan tâm trên khắp nước Mỹ lúc bấy giờ.

fauci1

Nữ y tá Nina Phạm là một trong hai y tá được Bác sĩ Anthony Fauci chữa khỏi bệnh sau khi bị nhiễm Ebola virus

Theo đề nghị từ bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bịnh truyền nhiễm quốc gia (National Institute of Allergy and Infectious Diseases - NIAID) và là người đang nằm trong ban đặc nhiệm chống coronavirus tại Mỹ hiện nay, Nina Phạm được chuyển tới Khoa Nghiên cứu lâm sàng đặc biệt tại Rockville, Maryland trực thuộc NIAID. Đây là một chuyên khoa đặc biệt với các dụng cụ, phương tiện nghiên cứu tân tiến hàng đầu thế giới trong vấn đề kiểm soát bịnh truyền nhiễm và nguy cơ vũ khí vi trùng sinh học, có khoảng 60 khoa học gia, bác sĩ và chuyên viên y tế làm việc.

Chính bác sĩ Fauci là vị bác sĩ đã tham gia nhóm chữa trị trực tiếp cho Nina, cũng như là người đứng ra trả lời các cuộc họp báo về tình trạng sức khỏe của Nina cho đến khi cô xuất viện. Hình ảnh Bác sĩ Fauci ôm Nina Phạm trong ngày xuất viện là một hình ảnh mang cảm xúc cho nhiều người. Nó gợi sự liên tưởng đến vòng tay độ lượng của một nước Mỹ và thế giới đã từng dang tay đón người tị nạn Việt Nam ngày nào.

Sinh năm 1940 tại Brooklyn, New York trong một gia đình di dân gốc Ý, có cha là một dược sĩ, bác sĩ Fauci theo học các trường công giáo ở cả hai bậc trung học và đại học, chú trọng ngành học cổ điển, từ thần học, lịch sử cổ đại, xã hội học đến tiếng Hy Lạp, La Tinh và tiếng Pháp. Dù vậy bác sĩ Fauci đã đi theo con đường y khoa, mà theo ông kể là đã nằm trong máu mình từ rất sớm. Sau khi tốt nghiệp đầu khóa tại Đại học y khoa Cornell, ông về làm việc cho Viện Y tế quốc gia (National Institutes of Health - NIH) từ năm 1968 đến nay. 

Ngoại trừ một đôi năm ông về lại Cornell trong vai trò một y sĩ trưởng và nghiên cứu hậu tiến sĩ, ông đã làm việc với NIH và đứng đầu cơ quan NIAID từ năm 1984 đến bây giờ. Là một nhà khoa học về y tế cộng đồng, y học lâm sàng, miễn dịch và dịch tễ học, với vô số bằng tưởng lục, huân chương cao quý quốc gia và quốc tế cho đóng góp của mình, Bác sĩ Fauci đã nhiều lần từ chối chức vụ lãnh đạo Viện Y tế quốc gia để chỉ chuyên tâm nghiên cứu và dẫn dắt cơ quan NIAID phòng chống dịch bịnh truyền nhiễm. Từ sốt rét, kiết lỵ, tiêu chảy, các bịnh đường hô hấp, hen suyển... cho đến HIV, SARS, cúm H1N1, MERS, Ebola rồi Covid-19 hiện nay. Và trên hết là những nghiên cứu liên quan đến chiến lược phòng thủ trước nguy cơ vũ khí sinh học, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và sự an nguy cho người dân Mỹ cùng thế giới tự do nói chung. 

Điểm lại tinh thần và quá trình phụng vụ quốc gia của bác sĩ Fauci trong hơn 50 năm qua để thấy vai trò của ông trong cuộc chiến chống dịch bịnh hiện nay quan trọng đến mức nào. Di chuyển như con thoi để họp bàn cùng nhóm đặc nhiệm chống dịch của phủ tổng thống, giải trình với các nhà lập pháp, làm việc với các chuyên gia y tế, rồi trả lời phỏng vấn để đưa thông tin dịch bịnh xác thực đến đại chúng, theo dõi các cuộc họp báo trong những ngày qua thì người dân cũng thấy giọng ông đã bị khàn đi rất nhiều. Ở tuổi 79, độ tuổi lẽ ra đã về hưu từ rất lâu và mang nhiều rủi ro cao nếu bị lây nhiễm virus, các tin tức cho biết ông chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày hiện nay, còn dành hết thời gian và tâm sức cho cuộc chiến chống dịch bịnh. 

Với cung cách điều hành quốc gia hiện nay, cơ hội cho giới chức chuyên gia y tế Hoa Kỳ có thể công bố minh bạch về thực trạng và nguy cơ dịch bịnh bị giới hạn rất nhiều, nước Mỹ lại cần những người như Bác sĩ Fauci hơn bao giờ hết. Bởi từ giữa tháng Hai, khi những người đứng đầu của cơ quan CDC (Centers for Disease Control and Prevention - Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) cảnh báo tình hình có thể tệ hại hơn thì đã bị Bạch Ốc chặn lại, không cho phép phát biểu về dịch bịnh với truyền thông hay trước công chúng vì e ngại sẽ tạo ra sự xáo trộn cho thị trường chứng khoán và kinh tế nói chung. 

Chỉ có ông là người can trực, thẳng thắn phát biểu về tình trạng dịch bịnh, những rủi ro cùng các biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt nó ra sao. Bằng một thái độ nghiêm túc, chính xác của một nhà khoa học và tâm thức của một lương y luôn đặt sinh mạng người dân lên hàng đầu. Một cách nhã nhặn, trí thức nhưng không e dè, né tránh trước bất cứ áp lực chính trị nào. 

Người ta ngỡ rằng câu nói của bác sĩ Fauci, "Khi bạn đối diện trong sự đan chéo của chính trị, chính sách và y học, điều mà tôi dựa vào một cách rất hiệu quả là hãy nhất quán, hãy hoàn toàn thành thật và đừng nói với người khác những gì mà bạn nghĩ là họ có thể muốn nghe" là để diễn đạt tình cảnh hay ngụ ý điều gì đó trong vai trò hiện nay. Nhưng không, đó là trả lời phỏng vấn của ông trên đài truyền hình C-PAN hồi năm 2015 và xem ra ứng nghiệm hơn bao giờ hết.

Dù đã làm việc qua nhiều đời tổng thống, có lẽ chưa bao giờ nguyên tắc sống và làm việc vừa kể cũng như tinh thần phụng vụ quốc gia của ông lại bị thách đố nhiều như trong giai đoạn hiện nay. Ông bị dăm nhóm truyền thông cánh hữu tấn công, chỉ trích rồi bị những kẻ cực đoan đe dọa. Bởi lời nói và thái độ của ông vô tình đi ngược lại sự ngoa ngôn của những kẻ đặt quyền lợi chính trị lên trên sinh mạng của người dân. Liệu người dân nghĩ gì khi một mẫu mực đáng kính của nước Mỹ đang phải đối diện với sự hăm dọa, nguy hiểm như vậy ? Có phải nó tương tự việc một nền tảng cùng những giá trị lâu đời của nước Mỹ đang bị tấn công nặng nề ? 

Nhắc lại câu chuyện về bác sĩ Fauci hiện nay vì có những tranh luận đó đây về "sự vĩ đại" của nước Mỹ với lắm điều ngộ nhận. Dù không phải lúc để phân định rạch ròi giữa khi nước Mỹ và thế giới đang gặp cơn khổ nạn và những người dân đang nằm xuống hàng giờ khắp thế giới. Nhưng để thấy một điều rằng, những người can trực và hy sinh cho quốc gia như bác sĩ Anthony Fauci mới đích thực là những người đã góp phần tạo nên giá trị và sự vĩ đại của nước Mỹ mà người dân nhìn tới và cần bảo vệ. 

Nhã Duy

06/04/2020

Additional Info

  • Author Nhã Duy
Published in Diễn đàn