Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Apple bị thúc ép phải phản đối Việt Nam bắt giữ các nhà hoạt động môi trường

Hơn 60 tổ chức nhân quyền quốc tế thúc giục công ty Apple phải có hành động đối với việc Chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống đối với giới hoạt động chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, cho rằng họ nên cân nhắc vì Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của nhà sản xuất iPhone.

apple1

Bốn nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng (ảnh trên, trái), Ngô Thị Tố Nhiên (trên, phải), Nguỵ Thị Khanh (dưới, trái) và Đặng Đình Bách – RFA editted

Trong thư ngỏ chung gửi cho công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ vào ngày 11/4, các tổ chức nhắc lại việc nhà nước độc đảng ở Hà Nội bắt giữ hoặc kết án tù sáu nhà hoạt động môi trường trong thời gian gần đây trong đó có luật gia Đặng Đình Bách, chuyên gia về năng lượng sạch Ngô Thị Tố Nhiên, khôi nguyên của giải thưởng danh giá về môi trường Goldman Nguỵ Thị Khanh, và học giả Quỹ Obama Hoàng Thị Minh Hồng.

Bức thư nhấn mạnh xu hướng đáng lo ngại của việc chính phủ sử dụng các điều luật mơ hồ để giam giữ những người ủng hộ môi trường với những cáo buộc vô căn cứ, cản trở tiến trình hướng tới các giải pháp năng lượng sạch mà Việt Nam đã cam kết vào tháng 12 năm 2022.

Chính phủ đã thông qua Tuyên bố Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) hồi năm 2022 và các đối tác quốc tế cam kết huy động số tiền ban đầu 15,5 tỷ USD giúp Hà Nội thực hiện chương trình này.

Trong khi đó, Việt Nam cũng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại hội nghị COP26 nhưng lại bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên – giám đốc điều hành của Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam một tổ chức tư vấn độc lập tập trung vào chính sách năng lượng xanh, vào ngày 15/9 năm ngoái với cáo buộc "chiếm đoạt tài liệu".

apple0

Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc với các sản phẩm như iPad, AirPods và Apple Watch

Các tổ chức nhân quyền và môi trường chỉ ra nỗ lực hình sự hóa của Chính phủ Việt Nam liên quan đến việc tiếp cận thông tin về JETP, đi ngược lại các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và xã hội của dự án.

"Vì Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc và đã cam kết đảm bảo nhân quyền cũng như ‘công bằng và công lý trong các giải pháp khí hậu’, chúng tôi tin rằng quý vị có trách nhiệm phải cân nhắc", thư ngỏ viết tới ban giám đốc của Apple, một hãng công nghệ đang có các sản phẩm như iPad, AirPods và Apple Watch sản xuất tại Việt Nam.

Họ kêu gọi Apple tận dụng ảnh hưởng của mình thay vì trở thành người ngoài cuộc đồng lõa, vận động cho việc trả tự do cho các nhà lãnh đạo khí hậu bị bỏ tù oan, và đảm bảo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của xã hội dân sự vào lời hứa của Việt Nam về quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và công bằng.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của Theo dõi Nhân quyền (HRW)- tổ chức có tham gia ký tên, phát biểu với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong tin nhắn ngày 11/4 :

"Apple và các nhà sản xuất lớn khác của phương Tây đang giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng của họ bằng cách chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam cần nhận ra tình hình nhân quyền ở Việt Nam tồi tệ đến mức nào.

Nhiều người hoạt động về biến đổi khí hậu và lãnh đạo tổ chức phi chính phủ đang ở tù, công nhân bị cấm thành lập công đoàn độc lập, và phong trào nhân quyền và dân chủ trên thực tế đã bị xóa sổ".

Đại diện của tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới cho rằng, "Nếu Apple không lên tiếng phản đối điều này thì họ đồng lõa và cần phải đối mặt với hậu quả từ người tiêu dùng ở Mỹ và Châu Âu".

Trong khi đó, ông Michael Caster, Giám đốc Chương trình kỹ thuật số Châu Á của tổ chức Hiến chương 19 (Article 19) kêu gọi công ty của Hoa Kỳ không phạm phải sai lầm ở Việt Nam, như đã đồng lõa với chính quyền cộng sản Trung Quốc trong việc kiểm duyệt và giám sát.

Ông nói trong tin nhắn gửi RFA :

"Apple nên nghiêm túc xem xét việc Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động vì khí hậu, các nhà báo độc lập và những người hoạt động khác, đồng thời xem xét sử dụng đòn bẩy kinh tế tiềm năng của mình để công khai lên án những hành động đó".

Theo danh sách nhà cung ứng toàn cầu năm 2022 của Apple, tập đoàn này hiện có 25 nhà cung ứng đang đặt nhà máy tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam để lắp ráp iPhone, iPad, đồng hồ, tai nghe, linh kiện khác…

Trong khi đó, Foxconn, công ty của Đài Loan là nhà thầu lớn nhất của Apple, từng bước thực hiện kế hoạch phân bổ sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam.

Trong cuộc gặp Giám đốc điều hành Tim Cook vào tháng 11/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kêu gọi Apple tăng cường đầu tư vào các tỉnh thành và cũng có thể tham gia vào phát triển và ứng dụng công nghệ 5G tại Việt Nam. 

Thư ngỏ của các tổ chức viết "Apple, một công ty có tầm quan trọng ngày càng tăng đối với nền kinh tế Việt Nam, đang ở một vị trí đặc biệt để đưa vấn đề này lên hàng đầu" và "Chỉ nói rằng quý vị ủng hộ các giải pháp khí hậu và nhân quyền công bằng và chính đáng là chưa đủ. Những cam kết của quý vị đòi hỏi phải hành động và bây giờ là lúc để thực hiện nó".

"Thật vậy, nếu không đưa ra tuyên bố công khai về vấn đề này, quý vị có nguy cơ vi phạm các chính sách về môi trường và nhân quyền của chính mình, đồng thời làm mất tính hợp pháp của hoạt động tích cực của Apple trong lĩnh vực này", các tổ chức nói.

Ông Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88 (Project 88) thì thúc giục :

"Apple, công ty tuyên bố quan tâm đến biến đổi khí hậu và nhân quyền, không nên đầu tư thêm vào sản xuất chuyên sâu ở Việt Nam trong khi quốc gia thiếu nguồn năng lượng sạch và Chính phủ tiếp tục bỏ tù các nhà hoạt động khí hậu với cáo buộc hình sự sai trái".

Từ Đức, nhà văn Võ Thị Hảo, người thường xuyên lên tiếng phản đối Việt Nam đàn áp giới hoạt động, nói với RFA qua điện thoại :

"Chính quyền Việt Nam đã bắt giữ các nhà hoạt động môi trường, và đó là hoàn toàn là phi lý. Các nhà hoạt động môi trường đã bảo vệ môi trường sống chung cho toàn đất nước và cho cả những người đã bắt họ vào tù phải chịu những bản án hết sức oan ức".

Bà kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đồng thời bồi thường danh dự và tổn hại kinh tế cho những người bị tù oan, bị kết tội oan, trong đó có các nhà hoạt động môi trường.

Tuy nhiên, bà cho rằng đây là một thách thức đặt ra đối với Apple, công ty này sẽ phải lựa chọn một bên là dân chủ, nhân quyền còn bên kia là lợi ích kinh tế từ thị trường Việt Nam mang lại.

"Mỹ là một trong những nước mà đã tự đặt cho mình nhiệm vụ bảo vệ tự do dân chủ không chỉ ở nước Mỹ mà là trên toàn cầu thì Apple cũng có những nhiệm vụ như vậy.

Một hãng lớn, một đế chế kinh doanh thực sự có uy tín thì họ phải có những hành động để bảo vệ môi trường và nhân quyền tại bất cứ đâu mà hãng của họ đã đặt tại đó", bà nói.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Công ty Apple với đề nghị bình luận về thư ngỏ của 61 tổ chức nhân quyền quốc tế nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Nguồn : RFA, 11/04/2024

Published in Việt Nam
mercredi, 09 janvier 2019 17:41

Kinh nghiệm của Apple và Việt Nam

Tuần qua, việc tập đoàn Apple sự báo số doanh thu sa sút trong quý một năm nay đã gây chấn động cho các thị trường cổ phiếu toàn cầu. Việt Nam có thể học gì từ kinh nghiệm của một doanh nghiệp thuộc loại tiên tiến nhất thế giới như vậy ? Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu câu trả lời cho bài tóan bất ngờ này…

apple1

Kinh nghiệm cho Việt Nam từ Apple -  AFP

Kinh nghiệm từ Apple

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, tuần qua, tập đoàn Apple vừa thông báo cho giới đầu tư dự phóng bi quan của họ về số doanh thu sắp tới khiến trị giá cổ phiếu của họ bị sụt và biến cố đó gây hốt hoảng cho các thị trường tài chính thế giới. Ông nghĩ gì về vụ này và cho rằng chúng ta có thể rút tỉa kinh nghiệm gì cho Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến hiện tượng xin tạm gọi là "sự thảm khốc của đổi mới" nếu chúng ta nhìn vào một bối cảnh trường kỳ, có thể tới trăm năm.

Trước hết là sự sáng tạo về kỹ thuật - hay "thuật lý" là chữ tôi dùng để phiên dịch từ "technology". Nhân loại thường xuyên phát minh ra các phương pháp sản xuất mới, với hậu quả là khả năng đảo lộn trật tự cũ. Trăm năm trước, người ta phát minh ra máy nổ, nó đảo lộn công nghệ vận tải, nôm na cụ thể là chiếc xe hơi. Việc sản xuất xe hơi hàng loạt trong các nhà máy đã làm thay đổi xã hội Hoa Kỳ rồi các quốc gia khác trên địa cầu kể từ đầu thế kỷ 20. Nhưng, chỉ nửa thế kỷ sau thôi thì kỹ nghệ sản xuất và buôn bán xe hơi cùng các phụ tùng từ đỉnh cao nhất đã suy giảm dần. Nếu nhìn vào sự biến đổi của trăm năm qua, chúng ta thấy ra tính chất đào thải của thuật lý, nó gây ra những thay đổi có thể làm sụp đổ trật tự cũ nhưng rồi chính nó, cái thuật lý mới, cũng thành cũ và sẽ bị đào thải.

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta đã quen với phương pháp phân tích của ông, nhưng vẫn hơi bị bất ngờ. Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày lại từng bước cho mọi người có thể hiểu ra.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến năm 1915, khi ông Henry Ford phát minh cách tổ chức hệ thống sản xuất xe hơi trong nhà máy tại Hoa Kỳ, với hàng ngàn nhân công, mỗi người phụ trách một phần nhỏ của một chu trình sản xuất lớn. Ít ai để ý rằng hệ thống sản xuất đó ảnh hưởng đến tư tưởng cách mạng của Liên bang Xô viết sau này, trong khi thế giới dân chủ của Tây phương than vãn về sự nhàm chán của lao động trong động tác rập khuôn. Yếu tố đáng nhớ là cái xe hơi đã trở thành một loại hàng hóa, sản phẩm, hay "thương phẩm". Nhưng 50 năm sau, sản phẩm thông dụng đó bị đào thải, thậm chí lãng quên khi có ai phát minh ra cái máy tính cầm tay.

Thời đó, tôi nhớ là khi phục vụ trong lĩnh vực ngân hàng, mình cần cả chục nhân viên làm công việc tính ra hiện giá của một sản phẩm tính theo chiết khấu suất trong vài chục năm tới, gọi là "discount cash flow" trong các dự án đầu tư. Cái máy tính cầm tay ấy giúp người ta tính ra nhanh hơn mà lại làm nhân viên mất việc, y như chiếc xe hơi đã làm người đánh xe ngựa mất việc. Cái được ở nơi này có thể là cái mất ở nơi khác. Nói về cái mất, người ta gọi là sự thảm khốc hay bóc lột ; nói về cái được, ta gọi đó là đổi mới, với hàm ý là cái mới hay hơn cái cũ.

Nguyên Lam : Nguyên Lam hiểu ra chuỗi lý luận hàm ý so sánh của ông, từ cái xe hơi tới cái máy tính cầm tay. Xin đề nghị ông trình bày tiếp sự thể đó, khi ta nói đến doanh thu sa sút của hãng Apple.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chỉ ngẫu nhiên thôi, khi cái máy tính cầm tay trở thành sản phẩm thông dụng cách nay 50 năm thì các tổ hợp sản xuất xe hơi cũng hết dẫn đầu thị trường vì người ta nói đến các con bọ điện toán rồi máy vi tính. Sản phẩm bé tí này cải thiện năng suất con người và báo hiệu sự xuất hiện của máy điện toán nhỏ hơn, có bộ nhớ dày hơn và chạy nhanh hơn. Cái điện thoại cầm tay hay điện thoại khôn của Apple đã đảo lộn công nghiệp viễn thông và đào thải nhiều nhân công, nhưng cũng đi vào chu kỳ bị đào thải. Nói nôm na là sản phẩm đó hết đem lại doanh lợi cao nhất cho Apple và lãnh đạo công ty này vừa thông báo sự thật phũ phàng đó.

Nếu nhìn trên toàn cảnh thay vì chỉ chú ý tới số doanh thu sa sút của Apple trên thị trường Trung Quốc, người ta hiểu ra vì sao trước đó, Samsung mất thị phần tại Trung Quốc và chuyển dịch cơ sở đầu tư qua xứ khác, thí dụ như Việt Nam. Cái mất của Samsung tại Trung Quốc là cái được cho Việt Nam.

apple2

Hà Nội phải nghĩ tới giáo dục và đào tạo để khỏi bị đào thải. AFP

Nguyên Lam : Ông vừa nêu một lúc hai nhận xét. Thứ nhất là tập đoàn Apple có vẻ thiếu tiên liệu nên bị bất ngờ khi mà sản phẩm điện thoại cầm tay của họ hết chiếm lĩnh thị trường như trước. Thứ hai là Việt Nam lại nhận nguồn đầu tư của tập đoàn Samsung từ Hàn Quốc và nhờ đó công nhân Việt Nam có thêm việc làm. Ông kết luận thế nào từ hai nhận xét đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn từ Hoa Kỳ và các xã hội trù phú ta thấy là giới tiêu thụ rất say mê các sản phẩm mới nhưng lại dễ quên vì họ có sản phẩm mới hơn.

Các doanh nghiệp sản xuất cần hiểu ra sự phũ phàng đó và sẽ bị lỗ nếu không kịp đổi mới. Nhìn từ các xứ nhược tiểu sống nhờ sự sáng tạo của thiên hạ - là trường hợp của Việt Nam và nhiều quốc gia khác - ta thấy ra bài toán của việc nâng cao năng suất. Từ chiếc xe thổ mộ hay khu vực nông nghiệp tới công nghiệp sản xuất xe hơi, và nay là công nghiệp cao cấp với máy điện thoại khôn - như sản phẩm của Apple và Samsung - chúng ta nên rút tỉa bài học của đổi mới.

- Xứ nào cũng vậy, nếu không kịp đổi mới một lần nữa, lần thứ nhì hay thứ ba, thì sẽ bị lãng quên hay bị đào thải. Vấn đề của Việt Nam còn nguy ngập hơn vậy vì sự hiện hữu của khu vực nông nghiệp, tới nay vẫn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân.

Cảnh báo cho Việt nam

Nguyên Lam : Hình như là từ chuyện Apple, ông vừa nêu ra một cảnh báo cho Việt Nam. Xin đề nghị ông nói rõ hơn về cánh báo đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin trở lại phát minh của Henry Ford vào năm 1915 và những lý luận nhảm nhí loại Mác-Lê về sự bóc lột, khi Việt Nam ngày nay lại mong được các nước tiên tiến bóc lột qua dự án đầu tư trực tiếp ! Xã hội con người tiến hóa là nhờ phát minh, càng nhiều phát minh thì càng tiến xa hơn dù mỗi sáng kiến hay phát minh lại đảo lộn trật tự cũ và gây ra nhiều đào thải phũ phàng bên trong.

Sau khi giác ngộ và từ bỏ chủ trương tập trung quản lý kinh tế bằng kế hoạch, Việt Nam có một bước nhảy vọt về sản xuất kinh tế nhờ công trình đổi mới. Nhưng nhìn trên cái trục thời gian, nếu Việt Nam cho là đã khá hơn xưa thì nhìn theo trục không gian, Việt Nam vẫn là nước nghèo và lạc hậu nếu so với các nước Đông Nam Á giàu mạnh hơn, ví dụ như Indonesia, Malaysia, Philippines Singapore, Thái Lan chưa nói tới các nước Đông Bắc Á là Nam Hàn Đài Loan.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn có khu vực nông nghiệp với thành phần lao động rất đông đảo. Đã có lúc Việt Nam mơ rằng Apple có thể đầu tư một tỷ đô là vào ngành nghiên cứu và phát triển, Research & Development, để nâng cao năng suất lao động. Vụ Apple tuần qua nhắc nhở rằng Việt Nam cần một lúc hai chuyện, thứ nhất là theo kịp năng suất công nghiệp của các nước đi trước ; chuyện thứ hai là khu vực nông nghiệp của mình cũng cần cải thiện, nếu không xã hội sẽ bị chia ba, là một thành phần chạy ra ngoài đem theo tư bản, một thành phần sẽ thao túng thị trường trong các đô thị và thành phần thứ ba là dân nghèo tại thôn quê. Họ chết kẹt khi mất đất và coi như mất cả tương lai. Việt Nam cần một đợt đổi mới khác, như mọi quốc gia đi trước, kể cả Trung Quốc là mẫu mực của Hà Nội.

Nguyên Lam : Không ngờ là kinh nghiệm của Apple có thể dẫn chúng ta đi xa như vậy. Ông kết luận thế nào về chuyện này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu kinh tế tăng trưởng, hay đà sản xuất gia tăng, bằng số nhập lượng ở đầu vào thì chắc chắn là đà tăng trưởng ấy có lúc sút giảm là trường hợp đang thấy tại Trung Quốc và sẽ thấy tại Việt Nam. Karl Marx diễn giài sai về hiện tượng sút giảm này mà lãnh đạo Việt Nam chưa dám công nhận.

Yếu tố then chốt là năng suất, hay số lượng sản xuất gia tăng với cùng một đơn vị nhập lượng ở đầu vào. Các nước đi trước đều hiểu ra điều ấy và cố gắng tiến tới một trình độ sản xuất cao hơn nhờ thuật lý tân tiến. Họ làm được khi có tự do sáng tạo, dù sáng tạo lại có mặt trái là đào thải. Kỹ nghệ điện toán đã đào thải kỹ nghệ xe hơi trong các nước ta gọi là hậu công nghiệp và Apple đang ở trong tiến trình sẽ bị đào thải nếu không có sáng tạo mới. Bài học cho Việt Nam là làm sao cải tiến năng suất như thiên hạ để khỏi bị đào thải ? Bài học đó phải khiến Hà Nội nghĩ tới giáo dục và đào tạo, thay vì triệt phá sự sáng tạo bằng đạo luật kiểm soát an ninh mạng vừa ban hành khi Apple thất thanh báo động sự đào thải của họ.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về kết luận bất ngờ này.

Nguyen Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 09/01/2019

Published in Diễn đàn