Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thời gian gần đây, không quân Mỹ thường xuyên huy động kỵ binh ném bom B-1B. Với tầm bay ở độ cao hơn 9.000 km, tải trọng vũ khí đạt mức 56 tấn bom đạn các loại, máy bay ném bom B-1B Lancer có thể tấn công ở bất kỳ đâu trên thế giới và được đánh giá là "kỳ quan công nghệ" của Mỹ. Máy bay ném bom chủ chốt của quân đội Mỹ với tên gọi khác là ‘bóng ma bầu trời’ được hy vọng là có khả năng kiềm chế được Trung Quốc ở Biển Đông.

lancer1

Máy bay ném bom B1-B Lancer

Máy bay ném bom B-1 của Mỹ gần đây đã tham gia ba sứ mệnh đáng chú ý nhằm thách thức, răn đe Trung Quốc và Nga.

Ba chiến dịch quân sự lớn mà quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng máy bay B-1 là cuộc thao dượt nhắm vào các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, nhắm vào Nga tại vùng biển Okhotsk (nằm giữa Nga và Nhật Bản) và phối hợp với không quân Ukraina tại vùng Hắc Hải.

Cả ba phi vụ này nằm trong khuôn khổ một mô hình mà Không lực Mỹ gọi là "Sử dụng Lực lượng Năng động", có nghĩa là Hoa Kỳ có thể chọn khi nào và bằng cách nào họ sẽ sử dụng lực lượng chiến lược để ổn định lại cán cân chiến lược ở Châu Âu, Trung Đông, Châu Á và những nơi khác trên thế giới.

Đóng vai trò chủ lực trong lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Mỹ là B-1B "Lancer", loại máy bay ném bom tầm xa có thể mang nhiều loại vũ khí.

Hoa Kỳ hiện có 11 không đoàn B-1B đóng tại 7 bang và có thể triển khai oanh tạc cơ này từ căn cứ không quân Ellsworth trên đảo Guam và căn cứ không quân Fairford ở Anh Quốc.

Ngoài ra, không lực Mỹ cũng có thể sử dụng các căn cứ khác cho việc triển khai B-1, như căn cứ Diego Garcia trên vùng Ấn Độ Dương.

62 chiếc B-1 đã được hiện đại hóa trong một chương trình hoàn tất vào năm ngoái.

Không như máy bay B-2, B-1 không tàng hình nhưng có thể mang vũ khí tầm xa tàng hình.

B-1B cũng dự trù được sử dụng để chở theo một tên lửa siêu thanh của Mỹ hiện đang được phát triển, mang tên Air-Launched Rapid Response Weapon (ARRW).

Trong hai phi vụ gần đây ở vùng Thái Bình Dương, oanh tạc cơ B-1B còn được trang bị tên lửa không đối địa tầm xa Joint Air to Surface Standoff Missiles ( JASSM-ER ). Có tầm bắn 925km, tên lửa này có thể phá hủy các mục tiêu kiên cố trên bộ và tấn công các chiến hạm, và như vậy có thể thách thức các hạm đội của Nga và Trung Quốc, kể cả các hàng không mẫu hạm của Trung Quốc.

B-1 phải chăng sẽ là vũ khí răn đe hiệu quả của đối với Trung Quốc tại Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh liên tục thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi pháp khiến Washington thường xuyên tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ?

Hai chiếc B-1B Lancer thuộc Đội Oanh tạc Viễn chinh tại Căn cứ Không quân Dyess ở bang Texas đã được triển khai từ đảo Guam trong một phi vụ ngày 26/5 vừa qua trên Biển Đông.

lancer02

Hai máy bay B-1B Lancer hướng đến biển Đông hôm 26/5

Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương đưa ra tuyên bố nhấn mạnh : "Đây là sứ mệnh thuộc nhiệm vụ của Lực lượng Tác chiến Máy bay ném bom nhằm biểu dương năng lực bay, tuần tra và hoạt động ở bất cứ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép theo thời gian và cường độ không quân Mỹ lựa chọn".

Căn cứ không quân Dyess hiện là nơi hoạt động của các oanh tạc cơ B-1B thuộc Phi đội cánh bom số 7. Không quân Mỹ đã cho triển khai 4 oanh tạc cơ B-1B cùng 200 nhân viên từ Texas tới căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam vào ngày 1/5 với mục đích hỗ trợ Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương và tiến hành huấn luyện cũng như hoạt động với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương khẳng định sứ mệnh trên Biển Đông "thể hiện năng lực của không quân Mỹ trong môi trường an ninh bất ổn và đa dạng".

Chuyến bay của B-1B Lancer diễn ra trong bối cảnh, không quân và hải quân Mỹ tăng cường hoạt động trên Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và Hoàng Hải trong năm nay. Nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc cảnh báo hoạt động quân sự tăng cường của quân đội Mỹ có thể làm bùng nổ xung đột với Trung Quốc.

Đây là phi vụ thứ hai của oanh tạc cơ B-1B Lancer sau phi vụ đầu tiên ngày 29/4, xuất phát từ Căn cứ Không quân Ellsworth ở bang South Dakota. Chuyến làm nhiệm vụ đến Biển Đông kéo dài 32 giờ.

Không quân Mỹ đã chứng minh khả năng làm nhiệm vụ xuyên lục địa, với việc điều động máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer bay thẳng từ Mỹ đến Châu Á để tuần tra trên Biển Đông.

Việc máy bay ném bom B-1B tuần tra Biển Đông hôm 29/4 diễn ra cùng thời điểm Hải quân Mỹ liên tiếp điều động 2 chiến hạm thuộc Hạm đội 7 áp sát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong các hoạt động tuần hành tự do hàng hải vào ngày 28-29/4.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng cáo buộc Trung Quốc lợi dụng hoàn cảnh để "bắt nạt" các láng giềng ở Biển Đông, quan ngại trước "cách hành xử khiêu khích" và "đơn phương" của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hoạt động này thể hiện mô hình xây dựng Không quân chiến lược Mỹ trở nên năng động hơn, phù hợp với các mục tiêu của chiến lược quốc phòng quốc gia về sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom chiến lược Mỹ, thể hiện cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Đây cũng là lần hiếm hoi Mỹ thực hiện tuần hành tự do hàng hải ở Biển Đông cả trên biển lẫn trên không. Giới phân tích cho rằng các nhiệm vụ tăng cường là dấu hiệu chiến lược mới của Lầu Năm Góc.

Việc điều động máy bay ném bom bay thẳng từ Mỹ đến Châu Á là một phần trong chiến lược "không thể đoán trước được", giúp cho lực lượng quân sự Mỹ trở nên linh hoạt và khó đoán hơn.

Tiếp sau sự xuất hiện của hai oanh tạc cơ chiến lược B-1B bay từ Mỹ tới Biển Đông hôm 26/5 thì ngày 28/5/2020, một khu trục hạm của Hải Quân Mỹ lại tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam.

Trong một thông cáo, Trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Hải Quân Mỹ, cho biết : "Ngày 28/05 (giờ địa phương), tàu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền và quyền tự do hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Khi tiến hành chiến dịch trên, Hoa Kỳ đã chứng tỏ rằng vùng biển này không nằm trong đòi hỏi chủ quyền vùng biển quốc gia của Trung Quốc".

Theo một quan chức Hải Quân Mỹ, được trang CNN trích dẫn, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Mustin lớp Arleigh Burke đã đi vào vùng 12 hải lý của đảo Phú Lâm (Woody Island) và đá Tháp (Pyramid Rock) thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Phía Trung Quốc cho biết đã điều tàu đến nhận dạng, theo dõi và cảnh báo tàu USS Mustin. Trong một thông cáo được trang China Daily trích dẫn, phát ngôn viên Chiến khu Nam Bộ Trung Quốc lên án "Quân đội Mỹ là nguồn gốc của những rắc rối và hỗn loạn ở Biển Đông".

Đây là không phải là lần đầu Hải quân Mỹ thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông trong một tháng trở lại đây.

Trước đó, trong một thông cáo đăng trên trang web của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ vào ngày 12/5/2020, lực lượng Hải quân Mỹ cho biết là một chiến hạm Mỹ đã được phái đến làm nhiệm vụ ngay trong khu vực ở Biển Đông nơi có tàu thăm dò dầu khí cho Malaysia hoạt động và một chiếc tàu khảo sát Trung Quốc gần đấy.

Bản thông cáo nói rõ là tàu cận chiến duyên hải USS Gabrielle Giffords (LCS 10) đã thực hiện những hoạt động "hiện diện" gần tầu khoan dò dầu khí West Capella, treo cờ Panama ở Biển Đông ngày 12/5.

West Capella là tàu khoan dò được tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia thuê để thăm dò trong vùng biển mà nước này tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Thông cáo kèm theo một bức ảnh chụp chiếc Gabrielle Giffords di chuyển sát tàu khoan của Malaysia, và trích lời Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tác chiến viễn chinh số 7 xác định rằng hoạt động của chiến hạm Mỹ cho thấy khả năng to lớn của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực và là tín hiệu tốt nhất thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Thông cáo cũng nhắc lại rằng đây là lần thứ hai trong không đầy một tuần mà một chiến hạm Mỹ đến hoạt động gần tàu khoan Malaysia. Ngày 07/05 vừa qua, tàu cận chiến duyên hải USS Montgomery (LCS-8) cùng tàu tiếp liệu USNS Cesar Chavez (T-AKE 14) cũng đã đến vùng biển này.

Tàu chiến Mỹ hiện diện trong khu vực vào lúc Trung Quốc cũng cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu hải cảnh hộ tống đến hoạt động trong khu vực, vừa bám đuôi tàu Malaysia, vừa làm công việc khảo sát như từng làm vào năm ngoái tại khu vực Bãi Tư Chính và bờ biển miền Trung Việt Nam, sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Trung Kiên

Nguồn : Thoibao.de, 06/06/2020

Additional Info

  • Author Trung Kiên
Published in Diễn đàn