BOT đặt sai vị trí là ăn cướp
FB Nho Vu
BOT đặt sai vị trí là ăn cướp
Tôi tạt ngang qua Kuala Lumpur đôi ba lần. Lần nào cũng ngụ ở Phố Tầu vì giá nhà trọ rẻ, lại cạnh bến xe, rất tiện cho việc đi lại và ăn uống. Gần cuối con đường lớn có tiệm Nam Heong Chicken Rice Chinatown, khai trương từ năm 1938, khách khứa lúc nào cũng ra/vào tấp nập.
"Chắc ngon, ngon chắc". Tôi tưởng vậy. Thiệt là Tưởng Tầm Bậy. Cũng tạm được thôi, chớ thua cơm gà Hải Nam (San Jose) hay Nam An và Tasty Garden (Westminster) ở California xa lắc. Chỉ được cái là tiền bạc rất nhẹ nhàng : mỗi phần ăn chỉ cỡ 3 Mỹ kim thôi là no chết mẹ luôn !
Chợ Nhà Lồng, tên chính thức là International Foods Center, cách đó chừng vài trăm mét cũng vậy. Mọi thứ cũng rẻ rề hà. Họ có khoảng hai chục quầy thức ăn của nhiều quốc gia lân cận : Thai, India, Indonesia, China, Pakistan… đủ mặt. Bia bốc thì đủ loại (Tiger, Leo, Heineken, Carlsberg, Chang, Singha, Asahi...) với giá cả vô cùng nhân nhượng.
Với cái nóng ngày hè ở Kuala Lumpur, tôi có thể ngồi trong cái chợ bình dân này và uống (tì tì) từ chiều cho tới khuya luôn. Sau vài năm "cải tạo", tôi trở nên rất tiện tặn về thực phẩm. Không bao giờ dám bỏ thừa thức ăn, và cũng chả dám gọi một thứ gì hơi có vẻ mắc tiền (ăn cái gì mà không được, có ăn là quí rồi) nhưng với rượu bia thì vẫn vô cùng hào phóng.
Tuy thế, tôi chưa bị bạn hàng nơi đây "chặt đẹp" lần nào ; "chặt nhẹ" cũng không luôn. Nói chung là không có nạn chặt chém tại xứ sở này, ngay cả ở chợ trời họ cũng không mấy khi nói thách.
Mấy người chạy bàn cũng thế. Họ chỉ vui vẻ nhận tiền số tiền tip hậu hĩnh cho một hay hai chai bia đầu tiên thôi. Sau đó – nam cũng như nữ – các em đều (cười cười) thân mật rồi nhẹ nhàng đút lại mấy tờ giấy bạc vào túi áo của tôi, với ánh mắt có thể đọc thành lời : "Thôi về ngủ đi cho khỏe tía ơi, ông say hết biết luôn rồi, tiền chớ bộ giấy sao mà cho hoài và cho nhiều dữ vậy !".
Tôi yêu quí nước Mã Lai không chỉ vì ông Thủ tướng Mahathir Mohamad (người vừa dõng dạc yêu cầu Trung Quốc xác định "cái gọi là quyền sở hữu" nhận vơ của họ ở Biển Đông) mà còn vì những công dân thuần hậu và bao dung của họ. Hồi cuối thế kỷ trước, 250 ngàn người Việt Nam tị nạn cộng sản đã tìm đến đất nước này và tất cả đều được đón chào. Tôi đã định sẽ viết vài trang sổ tay để tỏ chút lòng tri ân nhưng chỉ mới "định" thế thôi thì đã xẩy ra một "sự cố" đáng buồn – theo bản tin của báo Tuổi Trẻ, đọc được hôm 9 tháng 2 năm 2019 :
"Đoàn khách Malaysia bị 'chém' 500.000 đồng/phần trứng xào cà chua tại Nha Trang… Trong hai ngày qua trên mạng xã hội lan truyền một hóa đơn của nhà hàng này với mức giá ‘cắt cổ’. Theo hóa đơn này, món trứng xào cà chua giá đến 500.000 đồng/phần, đậu bắp luộc 300.000 đồng/phần, cơm trắng 200.000 đồng/phần...".
Nói nào ngay thì Nha Trang không phải là nơi duy nhất có những vụ cướp bóc trắng trợn giữa ban ngày như thế. Du khách ở bất đâu, đến địa phương nào thì cũng vậy – nếu không "lãnh búa" thì cũng "lãnh dao" thôi :
- Táo tợn nạn trấn lột du khách nước ngoài tại trung tâm Thủ đô Hà Nội
- Du khách khốn khổ vì nhóm 'đánh giày trấn lột' giữa Sài Gòn
- Huế : Nạn "chặt chém" làm xấu môi trường du lịch Cố đô
- Tài xế taxi chặt chém du khách 6 triệu đồng cho quãng đường 4km
- Thành phố Hạ Long là điểm du lịch hàng đầu miền Bắc, tuy nhiên … nhiều du khách phản ánh tình trạng bị chặt chém
Ảnh : Soha
Mọi người Việt (ông chủ tiệm ăn, bác tài xế taxi, chú đạp xích lô, bà bán hàng rong, em bé đánh giầy…) đều hành sử y hệt như nhau : chém thẳng tay. Tại sao vậy ?
Tôi trộm nghĩ đây chả qua là một cách "trả thù đời". Người dân Việt bị nhà nước hiện hành bóc lột kỹ quá nên xoay ra trấn lột du khách để... kiếm thêm chút đỉnh, bù đắp cho sự thiếu hụt thường xuyên của họ. Hậu quả, nhãn tiền, theo báo cáo Tổng Cục Du Lịch Việt Nam : "80% du khách đi luôn, không dám quay trở lại !"
Tệ trạng này không xẩy ra ở Malaysia vì nhiều lẽ :
Lợi tức trung bình của dân Mã Lai (vào năm 2018) là 10.703 Mỹ kim, nhiều gấp bốn lần dân Việt. Một quả trứng gà ở Malaysia cũng không phải cõng đến 14 thứ phí, như ở Việt Nam. Người Việt còn phải chịu hằng trăm loại thuế má rất nặng nề qua từng lít xăng, từng cái bóng điện thắp sáng hằng đêm, từng hạt gạo trong bữa cơm hằng ngày... Khi đã bị dồn vào cảnh bần cùng thì dân tộc nào cũng có thể trở nên đạo tặc cả.
Thêm một "lẽ" nữa : BOT bẩn.
Đoạn đường từ Kuala Lumpur sang đến Singapore dài 350 km, và phải qua hai trạm thu phí. Mỗi lần 5 RM – gần 2 USD – nhưng tài xế chìa thẻ nên không có cái vụ đếm tiền lẻ, và dựng bảng ("Cấm ngừng quá 5 phút") như ở Việt Nam. Tính ra thì cứ trung bình 125 km xa lộ thì giới xe đò phải trả thêm cho nhà nước Mã Lai thêm 65 xu (theo đơn vị Mỹ kim) dù họ đã đóng thuế lưu hành.
Tuy nhiên, số tiền phụ thu này đã được chi dùng hết sức đàng hoàng và ai cũng nhìn thấy được nên không ai phản đối hay phàn nàn gì ráo. Xa lộ rộng đến sáu làn. Xe chạy êm ru. Dải phân cách, ở nhiều đoạn, được trang điểm bởi đủ thứ loài hoa : phượng đỏ, phượng vàng, hoa giấy trắng, hoa giấy mầu xác pháo, hoa giấy mầu cá vàng …
BOT ở Việt Nam thì "vận hành" kiểu khác – theo (nguyên văn) lời của Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao :
"Các dự án BOT của chúng ta chủ yếu là làm trên nền đường cũ, láng lại theo kiểu ‘tráng men’, mở rộng ra một chút rồi thu phí của dân. Mức phí đặt ra cao ngất ngưởng, kéo dài hàng chục năm nhưng người dân không biết, không kiểm soát được mức độ đóng góp của nhà đầu tư như thế nào. Cái đó dường như nằm trong hợp đồng bí mật giữa Bộ Giao thông và vận tải và chủ đầu tư".
Loại "hợp đồng bí mật" này được FB Nguyễn Tiến Tường mô tả là sự "giao duyên hắc ám" giữa hai thế lực đen và đỏ để "đánh thẳng vào dân với những cái BOT vô lý từ vị trí đến giá cả và thời hạn, chặn dân mãi lộ một cách công khai và tự đặt cho mình quyền riêng cao hơn cả pháp luật".
Khi nhà nước đã mặt dầy mày dạn chống lưng cho thế lực đen để thiết lập "những cái BOT vô lý từ vị trí đến giá cả và thời hạn, chặn dân mãi lộ một cách công khai" như thế thì nhà hàng ngại gì mà không trấn lột khách du lịch đến tự nước ngoài ? Đám tài xế taxi, xích lô, bán hàng rong, đánh giầy … cũng chả dại gì mà không nhẩy vô kiếm (thêm) chút cháo ?
Ảnh : nhanammedia
May mà dân Việt vẫn còn nhiều người tỉnh táo, can đảm, và họ đã hành sử theo cách khác – tích cực hơn nhiều. Hiện đang có phong trào giám sát và truy tầm BOT bẩn, theo tường trình của blogger Mặc Lâm :
"Tập trung thành nhiều nhóm nhỏ chia ra theo dõi suốt ngày đêm bằng cách ‘đếm’ số lượng xe chạy ngang trạm BOT và ghi xuống nhằm đối chiếu, làm căn cứ gửi thẳng cho Bộ Giao thông và vận tải. Việc làm cực kỳ khó khăn và không kém phần gian khổ của họ đã khiến xã hội quan tâm và động viên bằng cách tham gia tùy theo giờ giấc rảnh rỗi của từng người, nấu ăn mang tới cho người ngồi đếm xe, đưa tin hàng ngày lên mạng xã hội cho mọi người theo dõi"…
Tất nhiên, cả thế lực đen lẫn thế lực đỏ đều có những phản ứng quyết liệt vì quyền lợi của họ đã bị dòm ngó và đụng chạm. Blogger Từ Thức mỉa mai : "Mất thêm biển đảo sẽ ‘quan ngại’ sau. Chuyện khẩn cấp bây giờ là chiến đấu chống kẻ thù đang đe dọa mấy cái BOT". Blogger Pham Doan Trang báo động :
Từ việc đổ cho đảng Việt Tân tổ chức hoạt động đếm xe ở BOT Ninh Lộc, đến việc hành hung lái xe Hà Văn Nam và sáng nay (05/3/2019) là bắt giữ anh Nam với tội danh ngụy tạo ‘gây rối trật tự công cộng’, công an đang cho thấy một số thực trạng nguy hiểm :
- Sự hợp tác chặt chẽ, sâu rộng giữa chính quyền và nhóm lợi ích (tư bản đỏ).
Công an, viện kiểm sát, tòa án, báo chí sẵn sàng trở thành lính đánh thuê cho phe nhóm nào có tiền …
Cuộc chiến chống BOT bẩn, chống nhóm lợi ích đỏ hẳn sẽ phải kéo dài".
Đúng thế. Rất dài, và rất gian nan vì để sinh tồn dân Việt đang phải chống lại cả một bộ máy nhà nước bẩn thỉu đang dung dưỡng đủ loại tệ trạng xã hội – chứ chả riêng gì BOT.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 18/03/2019 (tuongnangtien's blog)
Việt Nam đã chi trả gần 95% số tiền Formosa đền bù (RFA, 22/08/2017)
Chính phủ Việt Nam cho hay đã chi trả gần 95% số tiền dùng để đền bù thiệt hại cho những người bị thiệt hại bởi thảm họa Formosa tại bốn tỉnh Bắc Trung bộ là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.
Chính phủ Việt Nam cho hay đã chi trả gần 95% số tiền dùng để đền bù thiệt hại cho những người bị thiệt hại bởi thảm họa Formosa tại bốn tỉnh Bắc Trung bộ là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế. Courtesy VTC
Bản tin của Chính phủ cho biết là 5% còn lại chưa được chi trả là do có những nạn nhân đi khỏi địa phương mình cư trú.
Tổng số tiền đã được chi trả là gần 6.000 tỉ đồng.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đại việc đền bù thì đến nay môi trường biển đã an toàn để nhân dân yên tâm sản xuất. Những việc chưa giải quyết xong liên quan đến việc đền bù sẽ giao cho các tỉnh giải quyết.
Xin nhắc lại là tai họa môi trường Formosa Vũng Áng bùng nổ vào tháng Tứ năm 2016, khi nhà máy luyện thép này xả nước thải ra biển làm cá chết hàng loạt gây ra rất nhiều thiệt hại cho ngư dân bốn tỉnh miền Trung.
Sự việc này kéo theo hàng chục cuộc biểu tình đòi bồi thường tại vùng này, có khi lên đến 10 ngàn người.
Công ty Formosa đã nhận lỗi và bồi thường một số tiền trị giá 500 triệu đô la Mỹ. Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thì Chính phủ Việt Nam đã dùng toàn bộ số tiền này để chi trả cho người dân, chứ không giữ lại đồng nào.
Nhà máy Formosa đã được phép hoạt động trở lại, sau khi được nói là đã khắc phục xong các lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên theo ông Trương Hòa Bình thì phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc hoạt động của Formosa, để nếu nhà máy này có vi phạm thì sẽ cương quyết xử lý.
****************
Việt Nam : Học càng cao, càng thất nghiệp ? (BBC, 22/08/2017)
Sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong số những người từ 15-24 tuổi ở Việt Nam, theo Bloomberg.
Nhiều sinh viên đang lựa chọn phương án du học nước ngoài mong muốn tìm được việc làm tốt
Nguyễn Văn Đức tốt nghiệp hai năm trước với bằng cử nhân kinh tế từ một trong những trường đại học tốt nhất Việt Nam. Nhưng giờ anh đang chạy xe ôm, kiếm khoảng 250 đôla, tức hơn năm triệu một tháng.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước chỉ 2.3% nhưng theo thống kê của Bloomberg về tình trạng thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi, cho thấy sinh viên đại học gặp nhiều khó khăn nhất khi tìm kiếm việc làm, với 17% tỷ lệ thất nghiệp.
Trong khi đó những người theo học khóa Đào tạo nghề Ngắn hạn lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, với chỉ 6%.
Nặng về các môn tư tưởng, chính trị
"Ở đại học, chúng tôi nặng về các môn học lý thuyết và rất nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh với lịch sử về Đảng Cộng Sản", Bloomberg dẫn lời Đức, 25 tuổi.
Báo này cũng nhận định "Sinh viên Việt Nam thường phải dành hầu hết hai năm đầu học về lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội và lịch sử Đảng - làm lãng phí khoảng thời gian nên dành cho các kỹ năng như tư duy phản biện và các kỹ năng khác mà các nhà tuyển dụng đòi hỏi".
Giáo trình đại học còn quá nặng về lý thuyết, tư tưởng ?
Nền kinh tếphát triển cần giáo dục chất lượng cao
Scott Rozelle, nhà kinh tế học từ Stanford University nói "Những quốc gia đã thành công trong việc chuyển tiếp kinh tế vốn đã có một nền giáo dục chất lượng tương đương các nước phát triển, khi họ vẫn còn là một nền kinh tế thu nhập trung bình".
Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã phát triển các trường đại học chất lượng cao trước khi nền kinh tế cần một lực lượng lao động bằng cấp cao. Ngược lại, các nước như Argentina, Brazil và Mexico đã bị chậm lại sau khi đạt được vị trí mức thu nhập trung bình một phần là vì thiếu sự đầu tư vào giáo dục, chuyên gia Rozella nói.
Việt Nam là một trong những nước có năng suất công nghiệp thấp nhất trong ASEAN. Singapore có năng suất cao gấp 26 lần Việt Nam ; Malaysia gấp 6,5 lần, còn Thái Lan và Philippines gấp khoảng 1,5 lần.
"Chính phủ đang cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo đại học và cao đẳng", Tổng chủ biên chương trình giảng dạy mới của Bộ giáo dục Nguyễn Minh Thuyết nói với Bloomberg. "Chúng ta cần cải tổ chương trình giảng dạy để giảm đào tạo các môn không thực tế. Tuy nhiên, tiến độ vẫn còn rất chậm".
Đại học : cần chất hơn lượng
Hơn một thập kỷ qua, số lượng trường đại học ở Việt Nam tăng nhanh chóng, với khoảng 450 trường. Chính phủ mong đợi rằng 560.000 sinh viên sẽ nhập học trong năm 2020.
Cần nhiều trường đại học hay cần gia tăng chất lượng giáo dục ?
Nhưng câu hỏi nằm ở chất lượng chứ không phải số lượng.
Trong chương trình Bàn tròn Thứ năm của BBC Tiếng Việt ngày 17/8, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, từ Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, cho rằng :
"Số trường đại học cao đẳng ở Việt Nam mở ra quá nhiều. Các trường cần có người vào học nên họ muốn tuyển sinh sao cho đơn giản nhất, ai cũng có thể vào được.
Những trường có uy tín cũng rất cần sinh viên vì nguồn thu học phí. Họ cần cạnh tranh để lấy sinh viên. Điều đó là bất hợp lý nhưng hình như không ai muốn thay đổi".
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư toán trường Đại học Toulouse, Pháp, cũng đề cập đến hiện tượng nhiều trường được mở ra để đào tạo "không phải vì mục đích giáo dục mà là vì mục đích kiếm tiền" :
"Các trường này đào tạo ra những người tuy có bằng đại học nhưng không có kiến thức. Phần lớn sinh viên Việt Nam học ra kiến thức lõm bõm và không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, kể cả ngành sư phạm".
"Các trường mở ra như nấm, cần giảm ra số lượng đầu vào là điều cần thiết".
Tiến sĩ Dũng cũng nhận xét nếu Việt Nam cần nhiều thợ hơn thì nên mở ra nhiều trường trung cấp kỹ thuật, như kinh nghiệm của một nước phát triển là nước Đức.
**********************
Việt Nam : Nhiều dự án BOT ‘có vấn đề’ (BBC, 22/08/2017)
Thanh tra Chính phủ nói hầu hết các dự án BOT trong giao thông và môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh ‘chậm và lãng phí’.
Dự án BOT cầu Phú Mỹ được cho là có nhiều sai phạm.
Được biết tổng cộng có 13 dự án với giá trị gần 33.000 tỷ đồng trong đó 5 dự án (7.000 tỷ đồng ) đã hoàn thành và 8 dự án (26.000 tỷ đồng) còn đang được triển khai.
Sáu dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại Thành phố Hồ Chí Minh được mô tả là có sai phạm lên tới 2.200 tỷ đồng vì "phê duyệt không đúng".
Thanh tra Chính phủ nói các dự án BOT này đều chậm tiến độ, từ đó dẫn đến "giảm doanh thu, tăng chi phí, lãng phí vốn đầu tư".
"Nhiều hợp đồng BOT, BT chưa đủ trình tự, thủ tục, điều khoản mâu thuẫn, sai quy định. Tổng vốn đầu tư tăng sai dẫn đến thời gian khai thác thu phí hoàn vốn không đúng quy định..." kết luận Thanh tra Chính phủ cho biết.
‘Thiếu trách nhiệm’
Kết luận của Thanh tra Chính phủ mô tả UBND Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều sai sót và đã 'ưu ái' chủ đầu tư qua việc chỉ định thầu phần lớn các dự án trong đó có dự án BOT cầu Phú Mỹ.
Được biết ngoài kiến nghị xử lý UBND Thành phố Hồ Chí Minh về trách nhiệm tập thể và cá nhân, Thanh tra Chính phủ cũng nêu trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông Vận tải
Cây bút Huy Đức gần đây nói hàng trăm ngàn tỉ đã được 'ném vào' BOT trong nhiệm kỳ của ông Đinh La Thăng và rằng tác giả của con số khổng lồ này liên quan tới điều ông gọi là "liên minh ma quỷ".
Vào tuần trước, một thứ thứ trưởng Bộ Giao thông mô tả điều ông gọi là 100% dự án chỉ định thầu là do "có tính cấp bách hoặc ít nhà đầu tư tham gia".
Nguyễn Ngọc Đông được truyền thông dẫn lời bình luận về 7 dự án bị thanh tra và nói'' nhiều dự án BOT có tính cấp bách như cải tạo mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được Chính phủ chỉ đạo nên Bộ áp dụng chỉ định thầu.
''Ngoài ra, một số dự án khác khi kêu gọi đấu thầu chỉ có một nhà đầu tư tham gia thì sau đó cũng áp dụng chỉ định thầu.
"Bộ Giao thông sẽ thực hiện nghiêm túc theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các tồn tại sẽ được giải quyết, sai phạm của cá nhân, tổ chức đến đâu sẽ xử lý đến đó", ông Đông khẳng định.
Thanh tra Chính phủ trước đó kết luận rằng Bộ Giao thông thực hiện không đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định hiện hành dẫn tới thực trạng 100% dự án thuộc diện thanh tra đều là chỉ định thầu.
***********************
Hành xử của công chức Việt (RFA, 21/08/2017)
Cơ quan tuyên truyền Việt Nam luôn nhắc nhở cán bộ, viên chức nhà nước là ‘người đầy tớ của nhân dân’. Tuy nhiên, hành xử của nhiều công chức khiến dân chúng bất bình ; và từ đó có nhìn nhận lại về quy trình tuyển chọn trong hệ thống công quyền Việt Nam. Phóng viên RFA ghi nhận một số bình luận về tình trạng liên quan.
Hành xử của một bộ phân công chức khiến cư dân mạng xã hội bất bình. Courtesy of Citizen
Ngay từ khi xảy ra các vụ việc quan chức, công chức chính quyền hành xử không đúng mực, cộng đồng mạng xã hội đã loan tải rộng rãi, kèm theo những bình luận, chê trách và có nhiều người phân tích sự việc dưới những góc độ khác nhau.
Từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định đánh giá những vụ việc này không phải chỉ mới diễn ra, các công chức ở Việt Nam chỉ được đào tạo ra để phục vụ cho chế độ và tuân lệnh các cấp uỷ đảng, chứ không hiểu về quyền hạn, trách nhiệm phục vụ người dân.
Luật sư Lê Công Định :"Do đó, khi họ ngoi lên một chức vụ thì họ lại tỏ vẻ coi là người có uy quyền, để rồi hành xử một cách nhố nhăng như ta thấy qua mạng xã hội"
Nhà hoạt động trẻ Nguyễn Trường Sơn tỏ vẻ lạc quan hơn khi thừa nhận vẫn còn một bộ phận thiểu số trong hệ thống công quyền có hành xử văn minh, hoà nhã và tận tâm phục vụ.
Nguyễn Trường Sơn : "Không phải tất cả ai làm trong bộ máy chính quyền thì đều xấu cả. Tuy nhiên chính những hành vi xấu đã khiến người dân trở nên có ác cảm với họ và hình thành định kiến và cuối cùng có suy nghĩ bao trùm lên tất cả những ai làm cho chính quyền thì đều là xấu".
Đánh giá về việc tuyển dụng công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước, Luật sư Lê Công Định cho rằng, hệ thống tuyển dụng của đảng cộng sản tùy tiện không theo qui định dẫn đến hệ lụy tiêu cực.
Luật sư Lê Công Định : "Vì không dựa trên luật pháp, cho nên cấp dưới luôn luôn tìm cách nịnh cấp trên để được để ý đến, được ưu đãi, được phát triển trong hệ thống của mình. Cho nên, khi họ lên được vị trí nào đó, họ phải tỏ ra uy quyền, bằng cách họ đạp lại những người bên dưới không cùng cánh. Tôi tạm gọi nó là thượng đội hạ đạp. Ở trong hệ thống tổ chức của đảng cộng sản là vậy. Cho nên khi mà đảng giới thiệu người của đảng vào hệ thống bộ máy công quyền, họ tỏ một thái độ không thể chấp nhận được trên phương diện xã hội".
Anh Nguyễn Trường Sơn nêu ra thực tế tuyển dụng tại Việt Nam qua những câu cửa miệng "nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, thứ tư mới là trí tuệ".
Khi họ ngoi lên một chức vụ thì họ lại tỏ vẻ coi là người có uy quyền, để rồi hành xử một cách nhố nhăng như ta thấy qua mạng xã hội-Luật sư Lê Công Định
Nguyễn Trường Sơn : "Chính vì cái quan niệm này, cái lối làm việc như vậy, đã khiến bộ máy hành chính của Việt Nam trở nên hết sức cồng kềnh, thiếu hiệu quả, và nhiều lúc khiến cho người dân cảm thấy bức xúc vì các công việc không được làm đúng như người dân mong đợi, và chất lượng công chức rất kém cỏi so với những gì người dân thực sự kỳ vọng".
Luật sư Lê Công Định nhận xét, các công chức, quan chức Việt Nam không được đào tạo để trở thành những chính trị gia, nhà kỹ trị đúng nghĩa, mà chỉ là những thành phần phục vụ cho đảng cầm quyền.
Luật sư Lê Công Định : "Trong một cái bộ máy đảng trị thế này chỉ có những nô bộc của đảng cộng sản mà thôi, chứ chẳng có một nhà chính trị nào hết. Trước đây, có vài người phong cho nhân vật cải cách này, cải cách nọ là những nhà chính trị, thậm chí gọi họ bằng cái tên rất đẹp là các chính khách. Tôi cho rằng, đó là do chúng ta cố tình gọi thôi. Còn trong hệ thống đảng trị này, chỉ có những tên nô bộc của đảng, suốt đời cúc cung làm việc cho đảng mà thôi".
Theo anh Nguyễn Trường Sơn ở Việt Nam chưa có chính trị gia, chính khách hoạt động chính trị chuyên nghiệp và theo phân tích của anh này là bởi cách vận hành nền chính trị Việt Nam được hình thành từ nhân sự gói gọn trong đảng cộng sản, người dân không có vai trò quyết định trong việc lựa chọn nhân sự của chính quyền.
Nguyễn Trường Sơn : "Thì rõ ràng, khi mà người dân không bầu lên lãnh đạo của mình thì họ sẽ không quan tâm đến người đó làm việc hay hoạt động ra làm sao. Và đối với một người đại diện, một người lãnh đạo mà không được người dân bầu thì người ta sẽ không hoạt động vì lợi ích của người dân mà chỉ vì đảng của người ta mà thôi".
Xét đến nguyên nhân vì sao Việt Nam không có tầng lớp chính trị gia, chính khách đúng nghĩa, Luật sư Lê Công Định nhấn mạnh đến việc nhà nước Việt Nam không theo mô hình "Tam quyền phân lập", chỉ có mô hình đảng lãnh đạo toàn diện, từ trên xuống dưới, không như nhiều quốc gia khác.
Luật sư Lê Công Định : "Tức là anh phải tuân thủ những quy định về vấn đề quyền và trách nhiệm của anh. Những quy định đó luôn đặt ra giới hạn trong hành xử của công chức. Còn tại Việt Nam, hoàn toàn không có quy định như vậy. Cho nên là công chức hoàn toàn hành xử theo cái mà họ nghĩ rằng họ được trao quyền bởi đảng cộng sản mà thôi".
Trên thực tế, trong hệ thống chính trị độc đảng như tại Việt Nam, thì các ứng viên đại biểu quốc hội là đảng viên chiếm tỷ lệ áp đảo, đảng cộng sản Việt Nam không phải cạnh tranh với bất cứ đảng phái nào, đảng viên đảng cộng sản cũng không phải cạnh tranh với ứng viên của đảng khác.
Luật sư Lê Công Định : "Bầu cử thì nói đến những nhà chính trị chuyên nghiệp thực sự. Những nhà chính trị chuyên nghiệp bao giờ họ cũng phải chịu trách nhiệm với lá phiếu của người dân. Nếu hệ thống bầu cử chỉ là hình thức thôi, thì chẳng có ai cảm thấy phải chịu trách nhiệm với lá phiếu của người dân. Họ muốn hành xử thế nào, thì như tôi nói, họ chỉ nghe lời đảng, chiều theo ý đảng".
Do đó, giải pháp để Việt Nam có một tầng lớp quan chức, viên chức điều hành đất nước một cách chuyên nghiệp không tạo nên những tai tiếng như lâu nay ; theo Luật sư Lê Công Định và nhà hoạt động trẻ Nguyễn Trường Sơn thì phải áp dụng mô hình chính trị "tam quyền phân lập", cải cách hệ thống bầu cử và có qui định loại bỏ những người không xứng đáng ra khỏi bộ máy nhà nước.