Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trên mọi ngả đường giao thông đang có của không gian đất nước, đã hình thành những nhóm lợi ích gồm những người có quyền lực quản lí nhà nước về Giao thông vận tải và quyền lực nhà nước quản lí lãnh thổ cấu kết với những kẻ có quyền lực đồng tiền bày trò lừa bịp và cướp cả ngày lẫn đêm.

bot1

Trạm BOT Cai Lậy phải dừng thu phí hơn một năm nay do người dân bất bình phản đối. (Hình : Dân Trí)

Làm đường mới phải tốn nhiều tiền bạc và thời gian. Quyền lực đồng tiền đầu tư làm đường mới thì ít, chủ yếu đầu tư chút tiền còm gia cố thêm lớp thảm mỏng nhựa đường trên nền đường vững chắc đã có từ trăm năm trước của dân của nước. Đầu tư vài chục, vài trăm tỉ đồng được kê vống lên thành chục ngàn, trăm ngàn tỉ đồng rồi lập trạm thu phí ở chỗ chốt chặn, đón lõng được hai, ba ngả đường, thu phí cả những ngả đường họ không tốn một xu đầu tư, nâng cấp, hoặc chỉ tốn chút tiền trang điểm mặt đường. Những con đường đó được gọi là đường BOT.

Quyền lực nhà nước bảo kê cho nhà đầu tư khai vống tiền làm đường, bảo kê cho trạm thu phí bất lương đặt sai vị trí, bảo kê cho thời gian thu phí kéo dài như vô tận theo lòng tham vô tận của băng cướp BOT. Khi người dân phản ứng sự trấn lột của những băng cướp mang tên BOT thì quyền lực nhà nước tồn tại và hoạt động bằng tiền thuế của dân đã không đứng về phía lẽ phải, không đứng về phía công lí, không đứng về phía nhân dân mà đứng về phía băng cướp có tên BOT bất lương. Tranh chấp dân sự không được giải quyết công bằng bằng pháp luật ở tòa án mà giải quyết bằng bạo lực, mạnh được, yếu thua. Quyền lực nhà nước huy động cảnh sát đặc nhiệm trang bị đến tận răng phô trương bạo lực nhà nước đe dọa, đàn áp, khủng bố tinh thần người dân và huy động giang hồ, côn đồ, dùng sức mạnh bạo lực xã hội đen trả lời tiếng nói ôn hòa chính đáng của dân, đánh đổ máu dân.

Ngân sách nhà nước không có tiền hiện đại hóa mạng lưới giao thông quốc gia mới phải huy động đồng vốn của các doanh nghiệp tư nhân bằng hình thức BOT : Đấu thầu công khai, rộng rãi. Nhà đầu tư bỏ thầu thấp nhất, bảo đảm chất lượng công trình tốt nhất được chọn trúng thầu sẽ bỏ tiền làm đường và thu hồi vốn bằng trạm thu phí BOT. Nhà kinh doanh lương thiện, tử tế nào cũng phải có lưng vốn mới tính chuyện kinh doanh bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Chỉ khi con đường được làm bằng đồng tiền trong túi người dân, trong két doanh nghiệp tư nhân thì những con đường BOT mới thực sự cần thiết và có giá trị cho đời sống kinh tế đất nước.

Nhưng những doanh nghiệp đầu tư làm đường phần nhiều là những doanh nghiệp trong bóng tối, là sân sau của quyền lực nhà nước. Vốn liếng kinh doanh của họ không phải là đồng tiền mà là thế lực, là mối quan hệ mafia với quyền lực nhà nước quản lí hệ thống đường giao thông quốc gia. Đồng vốn tiền bạc chủ yếu là vay ngân hàng. Họ chỉ buôn nước bọt, "tay không bắt giặc", kinh doanh bằng vốn của người khác. Một Thị Hến làm ăn đổ bể, nợ nần chồng chất trăm tỉ, ngàn tỉ đồng, liền mon men tìm đường đến cửa sau nhà ông cựu quan đảng cỡ bự vừa góa vợ. Thị Hến thần tốc trở thành vợ kế, trở thành bà mệnh phụ phu nhân của ông cựu quan đảng ngoài 70 tuổi mà đỏm dáng, đầu tóc lúc nào cũng bóng mượt như một anh kép cải lương của gánh hát phố huyện miền rừng. Dù đã về vườn ông cựu quan đảng cũng đủ quyền uy giúp bà vợ bé túi thủng, vốn âm ngàn tỉ trở thành nhà đầu tư chỉ làm một đoạn đường cái quan ở cửa ngõ phía nam thủ đô cũng đủ giúp Thị Hến sạch nợ.

Từ sự việc trên cho thấy những con đường BOT đang hối hả triển khai rầm rộ trên khắp đất nước không phải vì quốc kế dân sinh mà chỉ vì lòng tham của một bộ phận quyền lực nhà nước cấu kết với những kẻ bất lương ngoài xã hội móc túi dân và bóp cổ nền kinh tế đất nước. Mạng lưới BOT giăng dày đặc và rộng khắp đất nước như mạng lưới nhện giăng khắp rừng sâu của lũ nhện vây bắt côn trùng.

Trên dòng thời gian đi tới của dân tộc ta, đảng cộng sản cũng bỏ chút công lao cùng toàn dân chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do. Với hồn văn hóa dân tộc bền vững, với lịch sử dựng nước vẻ vang và với nền độc lập lâu đời, nhân dân ta đã không tiếc xương máu trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc. Nhưng khi có độc lập rồi, đảng cộng sản đã nhận hết công lao về mình và đảng liền lập trạm BOT thu phí nhân dân. Trạm BOT do đảng cộng sản lập ra có tên là Chủ Nghĩa Xã Hội và phí người dân Việt Nam phải nộp cho đảng cộng sản là quyền con người của người dân và đời sống dân chủ của đất nước.

Mỗi con người đều có một hướng riêng để đi tới lí tưởng thẩm mĩ của mình. Vì vậy trong xã hội dân sự nào cũng có nhiều con đường đi tới xã hội lí tưởng. Chọn con đường nào đưa đất nước đi tới là quyền quyết định của người dân. Nhưng BOT Xã Hội Chủ Nghĩa của đảng cộng sản đã thâu tóm mọi con đường đi tới của dân tộc Việt Nam.

Phạm Đình Trọng

(19/12/2018)

Published in Diễn đàn
dimanche, 31 décembre 2017 21:50

Thành trì BOT giao thông liệu có lung lay ?

Sau ba tháng rưỡi đóng cửa vì phản ứng quyết liệt của giới tài xế, ngày 30/11 trạm thu phí dự án BOT Cai Lậy bắt đầu hoạt động trở lại, đồng thời giảm 30% giá vé qua trạm như một động thái nhằm xoa dịu phản ứng của dân chúng.

"Đồng tiền liền khúc ruột"

Tuy nhiên, giới tài xế dứt khoát không chấp nhận giải pháp lừa mị đó. Lý do họ đưa ra là giá vé giảm mà thời hạn thu phí lại kéo dài thì thực chất cũng chẳng khác gì. Trong khi đó, yêu cầu trước sau như một của họ là phải dời trạm thu phí khỏi quốc lộ 1A và đặt trên tuyến đường tránh, và những ai đi vào đường tránh thì mới phải trả tiền.

bot1

Ngày 30/11 trạm thu phí dự án BOT Cai Lậy bắt đầu hoạt động trở lại

Lần này, giới tài xế sáng tạo ra chiêu thức đưa tiền lẻ 25.100 VND rồi đòi nhân viên thu phí thối lại 100 VND, hoặc dùng tiền mệnh giá 500.000 VND để mua vé khiến nhân viên mất nhiều thời gian thối lại. Thậm chí họ còn nhất quyết đứng ì tại trạm, không chịu mua vé. Kết quả là chỉ trong vòng 5 ngày, từ 30/11 đến 4/12, chủ đầu tư đã phải xả trạm tới 24 lần để tránh ách tắc giao thông.

Vụ việc BOT Cai Lậy một lần nữa lại khiến dư luận cả nước lên cơn sốt. Và hầu như mọi tiếng nói đều ủng hộ giới tài xế, phản đối chính quyền và chủ đầu tư.

Thái độ dè dặt của Thủ tướng

Trước áp lực của dư luận, ngày 4/12, Thủ tướng chính phủ đã quyết định dừng thu phí từ 1-2 tháng để các bên làm rõ các vấn đề liên quan và đề xuất phương án xử lý.

Mặc dù dân chúng nói chung hoan nghênh quyết định của người đứng đầu chính phủ, song câu hỏi không thể không đặt ra ở đây là : Tại sao một vụ việc sai phạm rõ rành rành như vậy, công chúng phản đối mạnh mẽ và rộng khắp như vậy, mà Thủ tướng lại không sớm chỉ đạo giải quyết, dù nó đã khiến dư luận nóng sốt từ hơn 3 tháng trước, và khi lên tiếng chỉ đạo ông còn phải "mua" thời gian thêm 1-2 tháng ?

Lời giải đáp cho thắc mắc nói trên nằm trong bài "BOT Cai Lậy, ‘hoạ sỹ’ Hoàng Trung Hải và giao thông Việt Nam" trên VOA ngày 21/8/2017. Nội dung bài báo đã chỉ rõ, Hoàng Trung Hải là người chịu trách nhiệm cao nhất không chỉ trong dự án BOT đường tránh Cai Lậy mà còn trong tất cả các dự án BOT giao thông nói chung, bởi ông ta là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành kiêm Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải từ năm 2007 đến 2016. Ở dự án BOT Cai Lậy, chẳng hạn, ngay cả việc chỉ định thầu cũng phải được ngài (cựu) Phó Thủ tướng chỉ đạo qua công văn số 97/TTg-KTN ngày 15/1/2014 rồi Bộ GT-VT mới được thực hiện. 

Điều đáng nói là, suốt mười mấy năm qua, Hoàng Trung Hải là một cái tên "bất khả xâm phạm" ở Việt Nam, bất chấp thực tế gắn liền với nhân vật này là vô số sai phạm đặc biệt nghiêm trọng và rõ rành rành, là bản lý lịch "made in China" nay đã trở thành một thứ "bí mật" mà ai ai cũng biết, là những đơn thư tố cáo ngập tràn trên không gian mạng

Vì sao Ngô Văn Dụ ?

Hồi đầu tháng, truyền thông "lề trái" đã phơi bày một sự thật : Ông chủ thật sự của BOT Cai Lậy, BOT Hoài Nhân... chính là Ngô Hồng Thắng, con trai của Ngô Văn Dụ, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng khóa từ năm 2011 đến 2016. (Công ty Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái nắm 65% cổ phần trong Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư QL1 Tiền Giang, pháp nhân đầu tư dự án BOT Cai Lậy, còn ông chủ của Bắc Ái lại là Ngô Hồng Thắng.)

Nguồn tin trên cho biết thêm là Bắc Ái còn là chủ đầu tư của nhiều dự án khủng từ bắc chí nam khác, và đặc biệt là "do tất cả các dự án của Bắc Ái thực hiện đều được Chính phủ, mà cụ thể là Hoàng Trung Hải, chỉ định thầu nên Bắc Ái phất lên nhanh chóng".

bot2

Ông Ngô Văn Dụ từng nằm trong Bộ chính trị

Bất kỳ ai là chủ nhân của BOT Cai Lậy thì người đó cũng nằm trong "nhóm lợi ích giao thông" do Hoàng Trung Hải cầm đầu. Dù vậy, người ta vẫn có lý do để "thắc mắc" là tại sao cái tên Ngô Văn Dụ lại xuất hiện ở đây ?

Câu trả lời tưởng như có thể nhìn thấy ngay. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng là địa chỉ quan trọng đầu tiên mà những đơn thư tố cáo bản lý lịch "made in China" cũng như hàng loạt sai phạm nghiêm trọng và có hệ thống của (nguyên) Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tìm đến.

Vậy nhưng, thay vì lẽ ra phải làm đúng chức trách của mình để ngăn chặn vô số thảm hoạ mà "nhóm lợi ích Tàu" Hoàng Trung Hải gây ra cho đất nước, nhân vật đứng đầu bộ máy kiểm tra, kỷ luật của đảng giai đoạn 2011-2016 lại chọn cách "thiết thực" hơn là "ngậm miệng ăn tiền" hay chính xác hơn là "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi".

"Tiếng nói là quyền lực"

Cùng ngày với quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy, Kiểm toán Nhà nước cũng ban hành kế hoạch kiểm toán năm 2017, trong đó có 20 dự án BOT, vốn thuộc phạm vi trách nhiệm của (cựu) Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Những động thái trên đây cho thấy, một phần "di sản" khổng lồ của Hoàng Trung Hải, nhân vật đang thống lĩnh bộ máy dân sự và quân sự của một Hà Nội "ngàn năm văn hiến", bắt đầu được các cơ quan chức năng "soi".

Dù vậy, thiết tưởng cũng cần nhắc lại là sau đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra tháng 4 năm 2016, mặc dù một loạt quan chức Bộ Tài nguyên - Môi trường và tỉnh Hà Tĩnh đã phải nhận những hình thức kỷ luật khác nhau, nhưng riêng cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải – nhân vật đã "khai sinh" và dành cho Formosa Hà Tĩnh những ưu đãi "vô tiền khoáng hậu" – vẫn tiếp tục bình chân như vại.

Liên quan đến sự kiện chấn động dư luận đó, thậm chí không một tờ báo chính thống nào ở Việt Nam dám một lần nhắc đến tên ông ta, chứ đừng nói là đòi kỷ luật.

Như chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, bất kỳ giải pháp nào cho tương lai Việt Nam, nếu muốn khả thi, đều cần kèm theo "lời giải" cho vấn đề Hoàng Trung Hải.

Chỉ có quyền lực mới chống lại được quyền lực. Vì vậy, muốn giúp nước nhà thoát khỏi tình cảnh "thù trong giặc ngoài" đang ngày một bủa vây hiện nay, trước hết chúng ta cần sử dụng quyền lực của tiếng nói chính nghĩa để góp phần xô đổ thành trì quyền lực của "con ngựa thành Troy" Hoàng Trung Hải.

Lê Anh Hùng

Nguồn : VNTB, 31/12/2017

Published in Diễn đàn