Cuối tuần trước (15 tháng 3), chủ đầu tư công trình đường tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chính thức mở lại các quầy thu phí tại Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, tái thu phí cho công trình họ đã đầu tư, cách đó khoảng… 40 cây số. Đầu tuần tới (25 tháng 3), Trạm thu phí Cai Lậy cũng sẽ mở cửa để chủ đầu tư công trình đường tránh thị xã Cai Lậy tiếp tục thu phí.
Năm ngoái, tài xế vui mừng sau khi có lệnh dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy. Đầu tuần tới trạm này sẽ thu phí trở lại.
Cả hai công trình vừa kể có một số điểm chung : Buộc tất cả các phương tiện giao thông phải trả phí cho chủ đầu tư những tuyến đường tránh các khu vực đông dân cư, bất kể người điều khiển những phương tiên giao thông ấy có đi lại trên đường tránh hay không ! Do bị cả dư luận lẫn công luận phản đối kịch liệt, hai trạm thu phí cho hai đường tránh này từng phải tạm ngưng hoạt động.
Ngoài dư luận và công luận, chính quyền các địa phương cũng không tán thành việc đặt trạm, thu phí cho các đường tránh. Năm ngoái, chính quyền thành phố Hà Nội từng yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải (Bộ Giao thông và vận tải) nghiên cứu, đề nghị Thủ tướng Việt Nam dẹp bỏ Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài vì không thể để chủ đầu tư công trình đường tránh Vĩnh Yên trấn lột dân chúng, doanh giới vô lý như vậy (1).
Cũng năm ngoái, do chủ đầu tư tuyến tránh thị xã Cai Lậy từng được Bộ Giao thông và vận tải cho phép… duy tu một đoạn ngắn trên quốc lộ 1, chính quyền tỉnh Tiền Giang đề nghị giảm tối đa mức phí mà Trạm thu phí Cai Lậy sẽ thu để lấy lại vốn duy tu và đặt một trạm thu phí riêng trên đường tránh để thu tiền những phương tiện giao thông sử dụng đường tránh song giải pháp đó không được chấp nhận (2).
***
Phát triển hệ thống giao thông theo hình thức BOT là dùng nguồn vốn ngoài ngân sách mở rộng hạ tầng giao thông, tạo tiền đề thăng tiến kinh tế - xã hội. Tuy nhiên tại Việt Nam, hệ thống công quyền thường chỉ chọn công lộ - xây dựng bằng công quỹ, giao cho các "nhà đầu tư" sửa chữa chút đỉnh rồi thu phí. Chất lượng một số công trình giao thông thật sự là mới, hình thành từ phương thức BOT thì như… mèo mửa.
Cho dù hết Thanh tra của chính phủ Việt Nam (3) đến Kiểm toán của nhà nước Việt Nam (4) cùng xác nhận, trong quá trình phát triển hệ thống giao thông bằng hình thức BOT, hệ thống công quyền đã hành xử hết sức bất thường : Liên tục thay đổi qui mô để các "nhà đầu tư" có cơ hội thu phí cao hơn và lâu hơn. Dễ dãi tới đáng ngờ khi cho phép các "nhà đầu tư" thực hiện dự án BOT ở một nơi rồi đặt trạm thu phí ở một nơi khác.
Đó là chưa kể, cả Kiểm toán lẫn Thanh tra đã vạch mặt, chỉ tên hàng loạt dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT có dấu hiệu phạm pháp : Không tổ chức đấu thầu mà chỉ định "nhà đầu tư". Chọn "nhà đầu tư" không có vốn, không đủ năng lực thi công, thiếu kinh nghiệm và khả năng quản trị, tiền đổ vào các dự án chủ yếu là tiền vay ngân hàng, khiến cả hệ thống ngân hàng lẫn an ninh tài chính quốc gia bị biến thành "con tin"… Tuy nhiên đến nay, vẫn không có bất kỳ cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm !
***
Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án vụ Phan Văn Vĩnh (Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao), đỡ đầu cho Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc qua Internet chỉ xác định, ông Dương dùng thủ thuật nâng khống vốn điều lệ của UIDC để trở thành "nhà đầu tư" dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, sau đó chuyển lợi nhuận thu được từ tổ chức đánh bạc qua Internet vào UIDC, vừa nhằm bù vào khoản vốn đã khai khống, vừa hợp thức hóa khoản tiền do tổ chức đánh bạc mà có (5)… rồi phạt ông Dương năm năm tù do "rửa tiền". Hệ thống tư pháp Việt Nam không bận tâm, điều tra thêm, truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân đã làm ngơ về năng lực tài chính của UIDC, giúp sức cho ông Dương "rửa tiền" qua dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn.
Tương tự, trong qui hoạch nhân sự, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn sắp đặt ông Lê Ngọc Hoa làm "cán bộ chủ chốt". Sau khi gia đình ông Hoa trở thành chủ sở hữu khoảng 10 triệu cổ phiếu của Cienco 4, ông Hoa – Tổng Giám đốc Cienco 4, chủ đầu tư dự án BOT cầu Bến Thủy (nằm trên quốc lộ 1, bắc qua sông Lam, nối Nghệ An với Hà Tĩnh) – được chọn làm Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An. Trước phản ứng dữ dội của dư luận và công luận, tháng 12 năm 2016, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, rụt rè đề nghị chuyển hai trạm thu phí cho dự án BOT cầu Bến Thủy về đúng vị trí của dự án này và giảm 60% mức phí cho các phương tiện giao thông trong vùng, ông Hoa nổi xung, đăng đàn, mắng Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh "vớ vẩn" vì các trạm thu phí cho dự án cầu Bến Thủy nằm trên đất Nghệ An, không liên quan gì đến Hà Tĩnh (6)…
***
Năm ngoái, khi cả dư luận lẫn công luận đồng loạt lên tiếng phản đối sự tùy tiện, đòi làm rõ những dấu hiệu bất minh trong phê duyệt – lựa chọn nhà đầu tư các dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT, nhiều viên chức hữu trách từ địa phương đến trung ương nhắc nhở hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải tích cực "tuyên truyền, thuyết phục nhân dân ủng hộ" 17 trạm thu phí đặt sai chỗ (7) !
Năm nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bắt đầu hành động nhưng không phải là điều tra, truy cứu trách nhiệm những cá nhân liên quan đến việc phê duyệt – lựa chọn nhà đầu tư các dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT vốn đầy dẫy những điểm phi lý, đáng ngờ. Hành động đầu tiên là sử dụng du đãng hành hung những người phản đối, đập phá phương tiện của họ (8).
Đối với những cá nhân cứng đầu, khó bảo, đã dùng du đãng dạy bảo nhưng vẫn khăng khăng đòi minh bạch, gây khó khăn cho hoạt động của các trạm thu phí như tài xế Hà Văn Nam thì dẫu cho Thanh tra của chính phủ Việt Nam, Kiểm toán của nhà nước Việt Nam đã từng xác định là cần xem xét lại sự tồn tại của các trạm thu phí này vẫn cương quyết tống vào tù (9).
Việc chính quyền thành phố Hà Nội từng đề nghị dẹp bỏ Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài là chuyện năm ngoái, nhiệm vụ năm nay của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền là phải giúp "nhà đầu tư" công trình giao thông theo hình thức BOT thu phí trở lại. Cảnh sát giao thông không đủ răn đe thì điều động thêm cảnh sát cơ động, các loại công an khác. Dùi cui chưa đủ để gây ngán ngại thì phát thêm cả AK cho cảnh sát mang (10)…
Sau khi an ninh đã được thắt chặt tại khu vực Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, ông Nguyễn Hữu Trí, Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, loan báo, lực lượng vũ trang của tỉnh này đã hoàn tất "phương án bảo đảm an ninh trật tự" cho Tram thu phí Cai Lậy khi trạm này hoạt động trở lại (11). Theo hướng này, các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT sẽ trở thành nơi thể hiện "sức mạnh chuyên chính vô sản" trên con đường "xây dựng chính phủ liêm chính".
***
Hai từ "liêm chính" vốn không mới. Tuy nhiên do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không chuộng, ít dùng trong một thời gian dài nên "liêm chính" trở thành xa lạ với nhiều người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ. "Liêm chính" chỉ mới trở lại trên môi, miệng của những người cộng sản khi tình thế, nhân tâm buộc họ phải cam kết "tự chỉnh đốn".
Song nghe vậy đừng… tưởng vậy ! Ngữ nghĩa của "liêm chính" trên môi miệng những người cộng sản đã khác hẳn trước. Muốn biết "liêm chính" theo kiểu cộng sản ra sao, hãy nhìn các diễn biến liên quan đến những trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT. Đó cũng là cách để giúp hiểu tường tận hơn về "minh bạch" theo kiểu cộng sản.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/03/2019
Chú thích :
(2) https://news.zing.vn/tien-giang-de-xuat-2-phuong-an-thu-phi-tuyen-tranh-cai-lay-post875157.html
(3) https://nhadautu.vn/phat-hien-hang-loat-sai-pham-tai-cac-du-an-bt-bot-d5060.html
(5) https://vov.vn/phap-luat/trum-co-bac-nguyen-van-duong-rua-nghin-ty-qua-du-an-bot-the-nao-840308.vov
(6) http://soha.vn/tram-bot-tai-tinh-thai-binh-chung-ta-biet-la-bat-hop-ly-roi-20180727105308163.htm
(7) https://news.zing.vn/khoi-to-vu-dap-pha-oto-o-tram-bot-bac-hai-van-post918052.html
(8) https://www.tienphong.vn/phap-luat/tai-xe-ha-van-nam-bi-bat-de-dieu-tra-hanh-vi-gay-roi-1385019.tpo
(11) https://tuoitre.vn/0h-ngay-25-3-tram-bot-cai-lay-thu-phi-tro-lai-20190314100804003.htm
Sự kiện trạm thu phí BOT dự án đường tránh thị xã Cai Lậy buộc phải tạm dừng hoạt động từ ngày 15/8 là một chuyện hy hữu từ trước tới nay ở Việt Nam, khiến dư luận xôn xao bàn tán. Giới truyền thông trong nước thậm chí còn đặt cho nó một cái tên đầy ấn tượng : "Cai Lậy thất thủ !".
BOT đang làm giàu cho người giàu và khốn cùng hóa người nghèo ?
Mặc dù không phải là dự án BOT giao thông đầu tiên bị công chúng phản đối gay gắt (trước đó là dự án BOT Bến Thủy từ tháng 12/2016 đến tháng 4/2017), nhưng thắng lợi của giới tài xế đi qua trạm BOT Cai Lậy đã thực sự châm ngòi cho làn sóng phản đối các dự án BOT giao thông trên toàn quốc.
Sau sự kiện "Cai Lậy thất thủ", dự án BOT tuyến đường tránh thành phố Biên Hòa trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận. Trong 4 ngày liên tiếp, bắt đầu từ ngày 2/10, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200-500 VND để mua vé qua trạm thu phí BOT Biên Hòa khiến giao thông khu vực bị ùn ứ, tắc nghẽn nghiêm trọng, kéo dài trên 5 km. Cuối cùng, đến ngày 5/10, chủ đầu tư đã buộc phải cho trạm thu phí BOT Biên Hòa tạm ngừng hoạt động.
BOT Biên Hòa được cộng đồng mạng ví như một BOT Cai Lậy thứ hai. Quả vậy, không chỉ sự phản đối mạnh mẽ cộng với chiến thuật thông minh và bền bỉ của giới tài xế cuối cùng đã dẫn đến sự kiện "Biên Hòa thất thủ", mà sai phạm của dự án BOT giao thông này cũng y chang dự án BOT đường tránh Cai Lậy.
Dự án BOT Cai Lậy bao gồm hai hợp phần là đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1A qua đoạn tránh thị xã Cai Lậy (dài 12 km) và tăng cường mặt đường đoạn km 1987+560 - km 2014+000 (dài 26 km, trong đó khoảng 1/3 tuyến đi qua thị xã Cai Lậy). Dự án BOT Biên Hòa cũng bao gồm hai hợp phần : (i) đầu tư xây dựng tuyến đường tránh thành phố Biên Hòa từ km 1851+714 QL1 đến km 5+000 QL51 (dài 12km), và (ii) tăng cường mặt đường 10 km quốc lộ 1A đoạn từ km 1841+000 đến km 1851+714.
Cả hai dự án BOT giao thông ở Cai Lậy và Biên Hòa đều lấy lý do là dự án có hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1A để thu phí tất cả các phương tiện lưu thông trên quốc lộ, thay vì lẽ ra chỉ được thu phí các phương tiện đi vào tuyến đường tránh.
Tuy nhiên, các tài xế qua hai trạm thu phí BOT này lại không chấp nhận sự áp đặt phi lý đó, vì hai lý do : (i) họ không đi vào tuyến đường tránh (hoặc nếu đi vào thì mức phí cũng không cao như hiện tại, bởi không tương xứng với chi phí mà chủ đầu tư đã bỏ ra để xây dựng nó), và (ii) họ đã đều đặn nộp phí bảo trì đường bộ hàng năm nên không thể bắt họ phải trả thêm phí cho cái gọi là "tăng cường mặt đường" kia được. Yêu cầu của giới tài xế là chủ đầu tư phải di dời các trạm thu phí BOT này đến tuyến đường tránh, chứ không được đặt trên quốc lộ 1A.
Sai phạm ở BOT Cai Lậy và BOT Biên Hòa không phải là cá biệt. Ngược lại, đây là thủ đoạn "trấn lột" dân công khai và trắng trợn của nhóm lợi ích giao thông tại một loạt dự án BOT giao thông trên cả nước.
Dưới đây là một vài "thành quả" điển hình khác từ công cuộc "hợp tác" giữa đám tham quan nhũng lại và các tập đoàn mafia kinh tế.
Dự án BOT đường tránh Thành phố Phủ Lý, gồm 2 hợp phần : phần tuyến tránh Thành phố Phủ Lý (điểm đầu tại km 216+874, QL1 ; điểm cuối tại km 235+885, QL1) và phần "tăng cường mặt đường" (điểm đầu tại km 215+775, QL1 ; điểm cuối tại km 235+885, QL1). Với lý do là dự án có hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1A, chủ đầu tư đã đặt trạm thu phí BOT dự án ngay trên quốc lộ 1 (trạm thu phí Nam Cầu Giẽ, km 216+600 quốc lộ 1A), bất kể phương tiện lưu thông bị thu phí có đi vào đường tránh thành phố Phủ Lý hay không. Dự án khởi công ngày 12/10/2014 và bắt đầu thu phí từ ngày 24/11/2016.
Dự án BOT đường tránh thành phố Sóc Trăng, tổng chiều dài 16,22 km, gồm 2 hợp phần, trong đó hợp phần xây dựng tuyến tránh dài 7,68km và hợp phần cải tạo, mở rộng quốc lộ 1A dài 8,54 km. Dự án khởi công ngày 7/2/2015 và bắt đầu thu phí từ ngày 1/6/2017 trong 18 năm 9 tháng. Vị trí đặt trạm thu phí tại đặt tại số 78 quốc lộ 1A, ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành.
Dự án BOT đường tránh thành phố Hà Tĩnh, mặc dù khởi công ngày 19/1/2015 và hoàn thành ngày 4/12/2015, nhưng chủ đầu tư là Tổng công ty Sông Đà đã thu phí từ ngày… 1/1/2009, còn địa điểm đặt trạm thu phí thì cách dự án đến 30km, dĩ nhiên là trên quốc lộ 1A (trạm thu phí Cầu Rác).
Theo tạp chí Nhà Đầu Tư, dự án BOT tuyến tránh thành phố Biên Hòa được đánh giá là "con gà đẻ trứng vàng" của chủ đầu tư. Năm 2016, Cường Thuận IDICO đạt doanh thu thu phí 293 tỷ VND ; trừ đi chi phí hoạt động (103 tỷ VND), doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận ròng 190 tỷ VND từ trạm BOT tuyến tránh Thành phố Biên Hoà, tăng 31% so với năm 2015. Tổng cộng, kể từ khi đi vào vận hành giữa năm 2014 cho đến cuối tháng 6/2017, trạm BOT tuyến tránh Thành phố Biên Hòa đã mang về cho Cường Thuận IDICO 730 tỷ VND doanh thu và gần 500 tỷ VND lãi ròng. (Theo "thông lệ Việt Nam", con số thực tế nằm ngoài sổ sách chắc chắn không chỉ dừng ở mức "khiêm tốn" như thế).
Khi dự án BOT tuyến tránh Biên Hòa tạm ngưng thu phí, một bài báo trên trang Zing News đã chạy hàng tít "Cuộc sống bình yên đến lạ khi BOT tuyến tránh Biên Hòa xả trạm".
Đúng vậy, không chỉ cư dân thành phố Biên Hòa và vùng phụ cận, mà hàng triệu người dân xung quanh vô số trạm thu phí BOT giao thông trên khắp cả nước vẫn đang từng ngày từng giờ bị đám đạo tặc đội lốt "đầy tớ nhân dân" và "doanh nhân" ngang nhiên tước đoạt cả tiền bạc lẫn cuộc sống bình yên của họ.
Họ đã nghèo, mà nào đâu có được bình yên !
Lê Anh Hùng
Nguồn : Việt Nam Thời Báo, 29/10/2017
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, một số nhà đầu tư BOT "tay không bắt giặc", trúng thầu không làm gì, chỉ đem bán lại dự án và nhận một khoản chênh lệch.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, BOT thực hiện tại nước ta rất méo mó và có nhiều tiêu cực (ảnh Kim Yến).
Bên lề buổi Tọa đàm khoa học các dự án hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) - Chính sách và giải pháp, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng : "Chủ trương phát triển hạ tầng bằng các dự án BOT sử dụng vốn xã hội là cần thiết.
Tuy nhiên, ở nước ta toàn bộ quá trình đưa BOT vào thực hiện đã và đang rất méo mó và có quá nhiều tiêu cực tồn tại như Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 5 vấn đề chính.
Không công khai, minh bạch, dự án BOT diễn ra khá bí mật và người dân không được biết để giám sát. Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng không trực tiếp giám sát.
Chính vì lẽ đó dẫn đến những hệ lụy xấu gây ra cho xã hội và nó trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận.
Thống kê cho thấy, từ Bắc vào Nam có đến 82 trạm BOT, chi phí vận tải có nơi tăng từ 300 - 500%.
Hay từ Đồng bằng sông Cửu long vận tải về Thành phố Hồ Chí Minh thì cứ 10 kilomet lại có một trạm BOT.
Phí BOT vượt cả chi phí về xăng dầu, điều này tác động đến người dân, đặc biệt người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Chính phủ cần có sự rà soát lại một cách nghiêm túc đối với các dự án BOT".
Liên quan đến quốc lộ 5 cũ, nhưng ngày gần đây nhiều phương tiện đi qua tuyến đường này cũng đã phản ứng bằng cách trả phí bằng tiền lẻ khiến tình hình giao thông rất khó khăn, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Về tuyến đường này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết : "Đó là cách người dân phản ứng đúng pháp luật để các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát lại các dự án liên quan đến BOT.
Người dân trả tiền lẻ tại các trạm thu phí BOT trên đường quốc lộ 5 là có lý do.
Con đường này vay của ngân hàng thế giới, người dân đã đóng thuế phí về xăng dầu, phí đường bộ rồi thì nên dừng thu phí tuyến đường này.
Một ví dụ rất cụ thể là những người dân sống ở khu vực này, sáng chiều đưa đón con, rồi còn bao nhiêu việc phải đi qua, mỗi lần đi qua lại bị thu phí BOT. Như thế người dân chịu sao nổi, họ phản ứng là chuyện rất bình thường.
Rõ ràng ở đây là vấn đề kinh tế, năng lực cạnh tranh, vấn đề xã hội chúng ta cần phải nhận thức đúng và giải quyết sớm.
Thực tế, chúng ta không kiểm soát được chi phí, không kiểm soát được hợp đồng BOT tính như thế nào, nhà thầu có đủ tư cách hay không.
Có thể nói BOT như miếng bánh mầu mỡ cho lợi ích nhóm. Cần thiết phải có những giải pháp quyết liệt để minh bạch các dự án BOT.
Thực tế, một số nhà đầu tư BOT "tay không bắt giặc", tức họ không cần làm gì chỉ đem bán lại dự án và nhận được một khoản chênh lệch. Điều này dẫn đến nhiều dự án BOT đội giá lên hàng ngàn tỷ đồng.
Hàng loạt các dự án BOT được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhà đầu tư năng lực yếu kém, nhưng vẫn được chỉ định thầu. Điều này sẽ vô cùng nguy hại và đó chính là nguyên nhân đường BOT thu phí cao và kéo dài".
Nhiều tài xế phản ứng bằng cách trả tiền lẻ nên trạm thu phí quốc lộ 5 phải xả trạm vì tắc nghẽn kéo dài. ảnh : vov.
Phân tích sâu hơn về việc lựa chọn nhà đầu tư, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết : "Đối với các nhà đầu tư không có năng lực làm BOT đi vay vốn ngân hàng sẽ gây ra những hệ lụy vô khó lường đối với xã hội.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các dự án BOT là chỉ định thầu chứ không đấu thầu. Điều này dẫn tới những hệ lụy khó lường bởi giao trứng cho ác.
Ngân hàng huy động vốn của người dân, nếu chủ đầu tư năng lực yếu kém mà không trả được ngân hàng thì rủi ro sẽ chuyển từ ngân hàng sang người dân. Điều này gây ra hệ lụy cho toàn xã hội".
Lâu nay khi vấn đề xảy ra các bộ ngành vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Cần thiết phải quy trách nhiệm cơ quan nào chịu trách nhiệm chính để tránh tình trạng cha chung không ai khóc và người nghèo là người chịu thiệt nhất.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thẳng thắn cho rằng : "Trách nhiệm chính đương thuộc về Bộ Giao thông Vận tải, còn Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải liên đới trách nhiệm.
BOT tác động trực tiếp đến người nghèo, bởi chi phí vận tải tăng lên thì mớ rau, quả trứng cũng phải tăng giá.
Một đồng của người nghèo phải chi thêm có tỷ trọng lớn hơn nhiều một đồng của người giàu.
Nói người dân đi xe máy không phải đóng phí, nhưng khi đi đường xa phải đi ô tô thì giá vé phải tăng thêm. Rõ ràng tác động của BOT lên người nghèo nặng nề hơn rất nhiều so với người giàu".
Vũ Phương
Nhiều dự án BOT, BT được chỉ định thầu dẫn đến rủi ro về tính minh bạch, công khai, đặc biệt nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước và lợi ích nhóm...
Liên quan đến con số 20 ngân hàng cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông tính đến cuối năm 2016, Tiến sĩ Bùi Quang Tín, khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh lý giải, điều này xuất phát từ những lợi ích trong việc cho vay dự án BOT, BT.
Theo đó, xét ở góc độ lãi suất, nếu ngân hàng cho vay trong sản xuất kinh doanh thì lãi suất thấp và khách hàng thường kỳ kèo từng đồng bởi việc kinh doanh của doanh nghiệp và nguồn thu của họ không hề đơn giản, dễ dàng.
Trong khi đó, cho vay bất động sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và phải cạnh tranh. Tương tự, cho vay trong lĩnh vực chứng khoán lãi suất cũng phải cạnh tranh vì nhiều ngân hàng tham gia vào trong khi điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam cứ chập chờn.
Riêng đối với việc cho vay dự án BOT, BT, nguồn thu của các dự án này rất dồi dào, liên tục và thường xuyên. Chẳng hạn, đối với dự án BOT giao thông, có người dân nào không phải đi đường ? Cho nên, dòng tiền của dự án thấy rất rõ, lãi suất hấp dẫn.
Trạm BOT Cai Lậy gây bức xúc dư luận trong thời gian qua. Ảnh : TBKTSG
"Phần lớn ở các dự án BOT, BT nguồn tiền để trả nợ rất rõ, tỷ lệ nợ xấu không nhiều vì chúng gần như đã được Nhà nước, các cơ quan trung ương và địa phương thống nhất thực hiện, sau khi triển khai xây dựng xong thì đưa vào hoạt động, trừ một vài dự án có khúc mắc, không có nguồn thu ổn định.
Chính vì thế, xét về lãi suất, dòng tiền trả nợ... của các dự án BOT, BT, tất cả đều rất hấp dẫn và các ngân hàng đều mong muốn cho vay", Tiến sĩ Bùi Quang Tín chỉ rõ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng chỉ ra thực trạng ở nhiều dự án BOT, BT, đó là không đấu thầu mà tiến hành chỉ định thầu dẫn tới nhiều rủi ro về tính minh bạch, công khai, đặc biệt là nguy cơ thất thoát nguồn vốn của Nhà nước cũng như lợi ích nhóm...
"Không loại trừ trường hợp một số ngân hàng được chỉ định cho vay. Nếu chỉ định cho vay mà phù hợp để đáp ứng cho lợi ích xã hội thì không nói làm gì nhưng nhiều khi nó bị nghiêng qua ngả lại và có liên quan đến lợi ích nhóm", Tiến sĩ Bùi Quang Tín nhấn mạnh.
Ông khẳng định, cho vay các dự án BOT, BT đầy rủi ro và những rủi ro này xuất phát từ chính bản thân dự án, từ việc đấu thầu không công khai, chỉ định thầu tới việc giá dự toán cao lên quá nhiều so với giá quyết toán.
"Nhiều khi dự án chưa quyết toán xong đã cho hoạt động để thu tiền của người dân. Mà thu tiền của người dân dựa vào giá dự toán thì rất rủi ro và người dân chịu thiệt thòi nhiều vì phần lớn giá dự toán cao hơn giá quyết toán.
Ấy là chưa tính đến việc dự án chậm tiến độ hoặc sau khi một doanh nghiệp nhận thầu rồi còn giao cho bao nhiêu nhà thầu khác.
Những nhà thầu sau chưa chắc đã được thẩm định một cách kỹ lưỡng về năng lực và các vấn đề khác. Đó là rủi ro rất lớn. Từ rủi ro của dự án kéo theo rủi ro trong hoạt động cho vay của ngân hàng.
Bề ngoài có thể thấy tỷ lệ nợ xấu của các dự án BOT, BT thấp và không phát sinh phần lớn do xuất phát từ dòng tiền trả nợ ổn định, thanh khoản tốt. Nhưng không thể nói là không có rủi ro. Phải gắn rủi ro của hoạt động cho vay đến rủi ro của dự án", Tiến sĩ Tín phân tích.
Vị chuyên gia khẳng định, để giảm thiểu rủi ro khi cho vay dự án BOT, BT chỉ có cách thẩm định kỹ các dự án.
"Thực chất hiện nay các ngân hàng đã thẩm định khá kỹ các dự án, theo đúng quy trình của Nhà nước và quy chế của ngân hàng. Nhưng như đã nói, rủi ro của việc cho vay này xuất phát từ chính rủi ro của các dự án.
Ngoài ra nó còn liên quan đến nhóm lợi ích, không chỉ giữa ngân hàng với doanh nghiệp mà có thể cả Nhà nước", Tiến sĩ Bùi Quang Tín lưu ý.
Thành Luân
Việt Nam không đặc xá cho tù nhân dịp Quốc khánh năm nay (RFA, 24/08/2017)
Trung tướng công an Nguyễn Ngọc Bằng cho báo chí biết như vậy, và ông nói rằng sẽ có một đợt đặc xá vào tháng Giêng năm sau, 2018.
Các nữ tù nhân nhận quyết định ân xá từ Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại một nhà tù ở Hà Nội vào ngày 31 tháng 8 năm 2015. AFP photo
Việc đặc xá tại Việt Nam cũng dựa trên những điều kiện như ở các quốc gia khác như là người tù nhân chấp hành tốt những qui định khi thi hành án, tù nhân là người tàn tật, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, người già …
Ngoài ra còn có những điểm đặc biệt như người có công với cách mạng, hoặc thân nhân của người có công với cách mạng đã thi hành 1 phần ba thời gian của bản án, hoặc 12 năm trong trường hợp án chung thân, có thể được đặc xá.
Các tội được xếp vào loại xâm phạm an ninh quốc gia, án 10 năm trở lên đối với tội xâm phạm nhân phẩm, 7 năm trở lên đối với tội cướp tài sản, hoặc bắt cóc, sẽ không được ân xá.
****************
BOT nơi nhiều rủi ro tham nhũng nhất (RFA, 23/08/2017)
Các dự án giao thông BOT là nơi có nhiều rủi ro tham nhũng nhất.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư nói như vậy trong một cuộc tọa đàm mang tên "Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển" do Cổng thông tin điện tử của chính phủ tổ chức.
Một nhân viên ngân hàng thương mại tại Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2017. (Ảnh minh họa) - AFP
BOT có nghĩa là chủ đầu tư bỏ tiền ra xây dựng cầu đường, thu tiền trong một thời gian được quy định để lấy lại vốn lẫn lời, rồi sau đó chuyển giao cho nhà nước.
Theo ông Đông việc phê duyệt các dự án BOT phần nhiều dựa trên những quan hệ quen biết, và được nhận xét rất chung chung. Ông đặt câu hỏi là tại sao người dân bình thường có thể tính toán được chi phí xây dựng một đoạn đường nào đó, trong khi nhà nước thì không ? Chuyện này dẫn đến việc cho phép thu phí rất cao trong một khoảng thời gian rất dài.
Ngoài ra ông Đông cũng nói là trong khi phê duyệt các dự án, các thông tin về chi phí, cũng như tiền thu được từ các trạm thu phí dựa trên số lượng xe lưu thông cũng không bao giờ được công bố.
Xin nhắc lại là trong thời gian qua dân chúng đã phản ứng rất mạnh mẽ chuyện các trạm thu phí đường bộ BOT thu tiền quá cao và đặt quá gần nhau.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có hai vụ phản ứng rất lớn là tại trạm thu phí BOT Cầu Giẽ gần thành phố Vinh ở Nghệ An, và trạm Cai Lậy tại Tiền Giang. Trong cả hai trường hợp này người dân đã dùng tiền lẻ để trả phí, gây chậm trễ dẫn tới kẹt xe nhiều giờ liền, do đó chính quyền đã phải ra lệnh không thu phí để tính toán lại giá cả.
Sau khi xảy ra chuyện phản ứng ở Cai Lậy, báo chí trong nước đưa tin nói rằng nhiều dự án BOT đã và đang được thực hiện có rất nhiều sai phạm.
Trong cuộc tọa đàm Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng nói rằng các loại phí BOT đang là gánh nặng mà người dân và doanh nghiệp đang phải gánh chịu.