Sau Đại hội XII, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp, với hơn 99% cử tri đi bầu cử. Sau đó, Quốc hội kiện toàn ngay các cơ quan và các nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ trong sự đoàn kết, đồng thuận. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP đạt 6,21%, chính trị-xã hội ổn định, đất nước thanh bình. Đầu tư nước ngoài đạt gần 15 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối lần đầu tiên đạt 41 tỷ USD. Lần đầu tiên có đến 10 triệu lượt khách du lịch nước ngoài và 62 triệu lượt khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 20 tỷ USD. Vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng cao, lần đầu tiên Đại hội Đảng toàn quốc có đến 252 điện chúc mừng từ các nước, các tổ chức quốc tế, nhiều nhất từ trước tới nay... Việc Đảng ta tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thu hút cả hệ thống chính trị chúng ta vào cuộc, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao".
Bỏ qua những chuyện rườm rà "nghe rồi khổ lắm nói mãi", hãy chỉ bàn sơ về thành tích của "cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp, với hơn 99% cử tri đi bầu cử".
Không phải là lần đầu tiên trong lịch sử của "đảng cử dân bầu" mà có trên 99% người đi bầu (đúng hơn là 99,35%). Hãy thử hỏi có ai ở Việt Nam không đi bầu mà được yên thân ? Hơn nữa số người đi bầu không quan trọng bằng việc bầu cho ai, và người thắng cử là của dân hay của đảng ?
Ai cũng biết chỉ có đảng viên hay người được đảng chấm cho ra ứng cử mới được Mặt trận Tổ quốc chọn. Cũng Mặt trận này lại tổ chức bầu cử và tuyên bố người đắc cử theo tiêu chuẩn của đảng thì có phải "vừa đá bóng vừa thổi còi" không ?
Vì vậy, các cuộc bầu bán ở Việt Nam chỉ được coi như một thủ tục đến hẹn lại lên rất tẻ nhạt. Không có các cuộc vận động tranh cử và tranh luận dân chủ giữa cử tri và ứng cử viên, hay giữa các ứng cử viên với nhau. Ứng viên độc lập, tự do và tuyên truyền quyền bầu cử cũng tự do chỉ để khoe khoang cho mầu mè.
Phần đông các lãnh đạo đảng đều đắc cử vào Quốc hội nên hàng loạt người vừa đóng hai vai hành pháp vừa đóng vai lập pháp. Có người còn đóng thêm vai tư pháp nữa, thế là huề cả làng !
Tổng bí thư đảng, người có quyền cao nhất trong thực tế lại cũng là Đại biểu quốc hội, giống như Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và Thủ tướng chính phủ thì chuyện dân chủ hay không dân chủ đã rõ như ban ngày.
Mọi quyết định của Quốc hội phải được sự đồng ý của Bộ Chính trị nên Quốc hội chỉ là cơ quan "đóng dấu" cho những văn kiện về luật của đảng, nghĩa là hoàn toàn bị đảng sai khiến. Bằng chứng là Quốc hội thời ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch đã không dám đưa ra Nghị quyết lên án Trung Quốc trong vụ tầu Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm nhập và đào kiếm dầu bên trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 2/5 đến 17/05/2014.
Quốc hội cũng không được bàn bạc về quyết định để cho Trung Quốc vào khai thác Bauxite trên Tây Nguyên, hay vụ Formosa Hà Tĩnh và các dự án kinh tế của nước ngoài, đa phần của Trung Quốc, tại những vùng chiến lược quốc phòng.
Ngoài ra Quốc hội cũng chẳng được giữ vai trò gì quan trọng trong việc hoàn tất "Hiệp ước ngày 30 tháng 12 năm 1999 về biên giới trên bộ Việt – Trung" và "Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ là thoả hiệp ký ngày 25 tháng 12 năm 2000".
Khoe khoang rỗng tuếch
Được đà tiến lên như đi vào vùng đất không người, tuyên truyền viên Công Minh hồ hởi viết rằng : "Báo cáo của Ngân hàng Thế giới gần đây nhận định : "Ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là môi trường thuận lợi để các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu, đây là điều kiện thiết yếu để tiến tới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất… Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, vừa được Quốc hội thông qua, sẽ xử lý được một số bất cập phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế… Không thể có được nhận xét khách quan ấy nếu như đất nước không có một bộ máy quản lý, điều hành tốt và không thể có bộ máy tốt nếu không có thành công trong công tác xây dựng Đảng".
Như cái máy nước, cán bộ tuyên giáo chỉ biết nói nhiều mà nghĩ không bao nhiêu nên Công Minh không biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những tuyên bố không mấy phấn khởi về tình hình kinh tế hiện nay.
Khi đến thăm và làm việc Ban Kinh tế trung ương ngày 11/02/2017, ông Trọng nói : "Khó khăn, thách thức trên con đường phát triển vẫn rất nặng nề và gay gắt. Tình hình đất nước, thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ; nợ xấu, nợ công tăng cao ; việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn phân tán, dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp ; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại còn nhiều hạn chế, yếu kém". (Sài Gòn Giải Phóng, 12/02/2017).
Chi tiết hơn, ông Trọng thừa nhận : "Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả ; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn nhiều bất cập ; vi phạm về môi trường xảy ra nghiêm trọng, gây tác hại lớn và bức xúc trong xã hội trong khi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra sớm và nặng nề hơn so với dự báo…".
Ông Trọng đã yêu cầu Ban Kinh tế trung ương hãy tìm câu trả lời xem :
1. "Thực tế đến nay kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển nhanh và bền vững chưa ? Nhanh và bền vững ở mức nào ? Nếu chưa nhanh, chưa bền vững thì nguyên nhân do đâu" ?
2. "Vì sao việc thực hiện Nghị quyết trung ương 3 khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra ; vì sao nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn với những công trình hàng ngàn tỷ đồng "bị đắp chiếu" ?
Vì vậy, chính ông cũng thắc mắc : "Vừa qua, một loạt những doanh nghiệp, những cơ quan, đơn vị có vi phạm, làm ăn thua lỗ, nhiều dự án, công trình "đắp chiếu", nhưng hầu như không thấy Ban Kinh tế trung ương có ý kiến gì. Đây là do không phát hiện được hay phát hiện được mà không có dũng khí báo cáo, đề xuất xử lý" ?
Đồng thời ông cũng yêu cầu : "Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân".
Tái cái gì ? Tiền đâu ra ?
Về chuyện "tái cơ cấu kinh tế lần 2", dự trù đưa ra tại Hội nghị trung ương 5, tháng 5/2017, các chuyên gia trù tính Việt Nam cần có 10,5 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 480 tỷ USD) để "tái cơ cấu kinh tế" lần thứ hai cho giai đoạn 2016-2020.
Báo VietnamNet đưa tin ngày 24/10/2016 : "Phát biểu gần đây tại hội thảo chuyên đề về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – Tiến sĩ Trần Đình Thiên đánh giá kinh tế thời gian qua tiếp tục "mở" theo chiều rộng thay vì mục tiêu chiều sâu, trong khi cả 3 trụ cột tái cơ cấu đều chuyển biến chậm chạp, trì trệ".
Ba trụ cột chính của Việt Nam gồm : "Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường ; Thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội ; Tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước".
VietnamNet viết tiếp : "Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) – Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung thì cho rằng, cách tiếp cận theo bề rộng dựa vào gia tăng khối lượng, số lượng đầu vào, khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ đã không thể tiếp tục do nguồn lực đã huy động tới hạn. "Trong thời gian dài, Nhà nước đã đặt trọng tâm là luôn huy động, chứ không phải phân bổ nguồn lực hiệu quả. Cách thức tăng trưởng như thế chắc chắn tạo rủi ro bất ổn kinh tế và bỏ qua các cải cách thị trường", ông Cung cảnh báo".
Ông Cung nói : "Vấn đề bây giờ không phải là huy động nguồn lực, mà quan trọng hơn là phân bổ lại để sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có. Từ đó khơi thông dòng chảy các nguồn lực xã hội".
Chuyên gia này cho rằng : "Việc huy động nguồn lực của Việt Nam hiện đang ở mức cao, đặc biệt là có tới 400 tỷ USD đang nằm trong khu vực Nhà nước nhưng lại không được sử dụng hiệu quả. Nếu mải mê huy động, nền kinh tế sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên".
Ông Cung nói thẳng : "Khi nói đến tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều người thường băn khoăn lấy nguồn lực ở đâu. Từ đó, người ta mới bắt đầu hô hào "Huy động, huy động và huy động !" nhưng tôi nghĩ cách đó không phải. Cùng với huy động, điều quan trọng hơn là phân bổ lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để khơi thông các dòng chảy của nền kinh tế. Còn nếu cứ đi huy động mãi thì chúng ta sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên nữa" !
Khôn mà không ngoan
Cuối cùng, Dư luận viên Công Minh tự phô trương rằng : "Nhìn vào thực tế công tác xây dựng Đảng hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước rất đồng tình, ủng hộ trước quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc triển khai nghị quyết trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Ngay tiêu đề của nghị quyết và những hành động quyết liệt của Đảng ta thời gian qua đã thể hiện rất rõ tính chiến đấu, tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, nói rõ sự thật".
Tất nhiên, khi hiện tượng nhân dân ngày một xa đảng và cán bộ, đảng viên không còn muốn "liên hệ máu thịt với nhân dân" nữa thì mọi sự thật đã tự chúng phơi ra, không thể giấu được nữa.
Tham nhũng thì suốt năm này qua năm khác lúc nào cũng "vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi". Các vụ tham nhũng bị phát giác hay các "nhóm lợi ích" bị phanh phui là do báo chí và người dân tố cáo chứ các cơ quan đảng có phát giác được đứa nào đâu ?
Ngay cả Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc có quyền giám sát mà cứ để cho kẻ tham nhũng ăn nhậu trước mặt thì chỉ thấy xẩy ra ở Việt Nam.
Chuyện "cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước rất đồng tình, ủng hộ" việc thi hành Nghị quyết trung ương 4/XII về xây dựng đảng không có nghĩa là đảng đã thành công hay sẽ thành công trong tương lai.
Bằng chứng chưa làm nên cơm cháo gì đã được Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh chứng minh tại "Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 được tổ chức ngày 4/3/2017 tại Hà Nội.
Ông Huynh nói : "Có một thực tế là, hiện tại, nhiều nơi 100% cá nhân được đánh giá là hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng tập thể của những cá nhân ấy chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở mức trung bình, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ được giao... Nếu làm tốt công tác đánh giá cán bộ thì sẽ khắc phục được sự bất hợp lý giữa đánh giá cán bộ, xếp loại cá nhân với đánh giá tập thể" (theo Website Đảng Cộng sản Việt Nam).
Chữ "nếu" của Đinh Thế Huynh không dễ thực hiện vì đảng đã "nếu" nhiều lắm rồi. Cứ tiếp tục "nếu" mãi thì tan hàng lúc nào không hay.
Theo báo đảng, ông Đinh Thế Huynh nhìn nhận : "Cũng cần phải nghiêm túc thấy rằng, công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần phải kiên quyết khắc phục. Công tác cán bộ và quản lý cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém ; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm ; bệnh thành tích trong đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên ; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng chưa cao...".
Tình trạng cán bộ, đảng viên còn thờ ơ với việc thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị đảng không mới mà vẫn y như cũ từ thời Đổi mới bắt đầu năm 1986.
Từ 30 năm qua, lúc nào cũng "quyết tâm làm cho bằng được" mà vẫn còn những chuyện ngổn ngang năm sau cao hơn năm trước.
Vì vậy, sau Hội nghị trung ương 5 (tháng 5/2017) bàn về "tái cơ cấu kinh tế đợt 2", các vấn đề như : xây dựng "hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" ; "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng" ; "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" sẽ tiếp tục được bàn tại hai Hội nghị trung ương 6 và 7.
Chưa biết đảng của hai cán bộ tuyên giáo Hồng Quang và Công Minh sẽ làm được gì sau 3 Hội nghị quan trọng vừa kể, nhưng ông Phạm Minh Chính , Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức trung ương cũng đã nhìn nhận tại Hội nghị ngày 4/3/2017 rằng : "công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém ; nhiều việc chưa làm được, dư luận xã hội còn những bức xúc, nhân dân chưa yên lòng".
Như vậy thì Đảng và Nhà nước có cần thêm loại cán bộ tuyên giáo như Hồng Quang và Công Minh để bảo vệ đảng không hay, họ chỉ biết bới bèo ra bọ thêm mà thôi ?
Phạm Trần
(09/03/2017)
-----------------
Sau Đại hội XII của Đảng, hệ thống chính trị nước ta có nhiều chuyển biến mới, hoạt động hiệu quả hơn, được nhân dân ghi nhận. Trong thành tựu chung của đất nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định : "Có sự đóng góp rất quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ. Đây là một thực tế khách quan". Vậy nhưng, để hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, các thế lực phản động, cơ hội chính trị vẫn xuyên tạc rằng : Đảng ta đang thất bại, thụt lùi về công tác xây dựng Đảng.
Cố tình đánh tráo khái niệm
Phạm Trần, một cây bút phản động lưu vong thường xuyên có những bài viết chống phá Đảng và Nhà nước ta gần đây đã có "phân tích" kiểu chụp mũ, "thầy bói xem voi" khi cho rằng : Đảng không còn kiểm soát được đảng viên nữa, "xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh" chỉ là khẩu hiệu… Nguyễn Quang Duy, một tác giả hải ngoại khác thì có cái nhìn thiên kiến, lệch lạc, chỉ ra "5 thất bại", trong đó có hai điểm nói về công tác tổ chức, cán bộ, "củng cố bộ máy và duy trì tính trong sạch của bộ máy". BBC, trên trang điện tử, thì đưa ra phân tích hồ đồ : Trong Đảng "xuất hiện nhiều dấu hiệu mâu thuẫn nội bộ sau một năm kể từ Đại hội XII"… Trên một số trang điện tử khác, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị gần đây lại "cảnh báo" về công tác tổ chức, cán bộ khi tung hỏa mù Đảng không chỉ "khủng hoảng về đường lối" mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) còn thừa nhận thất bại về công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ ; tình trạng "lãn Đảng, thoái Đảng" gia tăng.
Ảnh minh họa
Với những luận điệu trên, họ đã cố tình đánh tráo khái niệm giữa việc Đảng ta chủ động thường xuyên tự xây dựng, tự chỉnh đốn, coi đó là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, coi phê bình và tự phê bình như đánh răng, rửa mặt hằng ngày với việc bị động trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thái độ "nhìn thẳng vào sự thật", chủ động "phòng bệnh hơn chữa bệnh" hoàn toàn khác và không phải "tình hình đã rất nguy", "bệnh đã nặng hết thuốc chữa" như họ rêu rao, bịa đặt.
Tổ chức có mạnh, con người có tốt thì mới làm được
Thực tế thời gian qua cho thấy, sau Đại hội XII của Đảng, hệ thống chính trị nước ta có nhiều chuyển biến mới, hoạt động hiệu quả hơn, bức tranh kinh tế-xã hội của đất nước có những khởi sắc, được nhân dân ghi nhận.
Sau Đại hội XII, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp, với hơn 99% cử tri đi bầu cử. Sau đó, Quốc hội kiện toàn ngay các cơ quan và các nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ trong sự đoàn kết, đồng thuận. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP đạt 6,21%, chính trị-xã hội ổn định, đất nước thanh bình. Đầu tư nước ngoài đạt gần 15 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối lần đầu tiên đạt 41 tỷ USD. Lần đầu tiên có đến 10 triệu lượt khách du lịch nước ngoài và 62 triệu lượt khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 20 tỷ USD. Vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng cao, lần đầu tiên Đại hội Đảng toàn quốc có đến 252 điện chúc mừng từ các nước, các tổ chức quốc tế, nhiều nhất từ trước tới nay... Việc Đảng ta tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thu hút cả hệ thống chính trị chúng ta vào cuộc, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới gần đây nhận định : "Ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là môi trường thuận lợi để các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu, đây là điều kiện thiết yếu để tiến tới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất"… "Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, vừa được Quốc hội thông qua, sẽ xử lý được một số bất cập phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế".
Không thể có được nhận xét khách quan ấy nếu như đất nước không có một bộ máy quản lý, điều hành tốt và không thể có bộ máy tốt nếu không có thành công trong công tác xây dựng Đảng. Hiện nay, toàn Đảng có 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương, gồm 58 Đảng bộ tỉnh, 5 Đảng bộ thành phố, 4 Đảng bộ trực thuộc Trung ương. Đảng có gần 1.300 Đảng bộ cấp huyện và tương đương (gần 700 Đảng bộ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và gần 600 Đảng bộ cấp trên cơ sở). Toàn Đảng có gần 57.000 tổ chức cơ sở Đảng, với hơn 23.000 Đảng bộ cơ sở và hơn 33.000 chi bộ cơ sở ; gần 1.700 Đảng bộ bộ phận, hơn 254.000 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với tổng số gần 3,8 triệu đảng viên, chiếm hơn 4% dân số cả nước. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện sâu rộng trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Phải khẳng định rằng, những thành tựu trên không phải là đột biến, bất thường mà bắt nguồn từ mạch nguồn không ngừng chảy trong công cuộc xây dựng Đảng của Đảng ta. Đảng ta từ khi ra đời đến nay luôn chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để đáp ứng vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình.
Hiến pháp năm 2013 và nhiều bản hiến pháp trước đó của nước ta đều hiến định : "Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Để đáp ứng sứ mệnh ấy, Đảng ta luôn coi trọng, phát huy vai trò công tác tổ chức xây dựng Đảng như quan điểm từng được Lê-nin nhấn mạnh : "Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng và chúng tôi sẽ đảo ngược nước Nga". Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn trong cuốn "Đường Cách mệnh" : "Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy".
Vai trò của công tác tổ chức, cán bộ đối với sự phát triển của đất nước thời gian qua đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ghi nhận tại Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2016 : "Tổ chức có mạnh, con người có tốt, cán bộ có giỏi, thông minh, sáng tạo, được nhân dân ủng hộ, đồng lòng thì chúng ta mới làm được. Nói cách khác, trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp rất quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ. Đây là một thực tế khách quan".
Những đổi mới mạnh mẽ
Tiến sĩ Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) trong một bài viết về nguyên nhân thất bại của Đảng Cộng sản Liên Xô đã nhấn mạnh việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng. Đi liền với đó là các bệnh tật : Độc đoán, chuyên quyền, không chấp nhận những ý kiến khác với mình ; coi thường tập thể, coi thường cấp dưới khiến cho sinh hoạt đảng mất hết sinh khí, mất hết tính chiến đấu. Cơ quan lãnh đạo cấp cao quan liêu, xa rời thực tiễn, để mất quan hệ máu thịt giữa đảng và nhân dân. Những suy thoái về đạo đức, lối sống của một số lãnh đạo cấp cao gia tăng. Và khi sự thoái hóa, biến chất diễn ra tại trung tâm quyền lực của đảng thì đó chính là nguy cơ lớn, là đêm trước của sự tan rã, sụp đổ như đã xảy ra ở Liên Xô và các đảng cộng sản khác tại Đông Âu. Nguyên tắc tập trung dân chủ được ghi rõ trong Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga từ năm 1903 nhưng chưa có cơ chế thực thi hiệu quả. Chính vì vậy, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững và phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ nói riêng, vai trò của công tác tổ chức, cán bộ nói chung vô cùng quan trọng.
Từ bài học đó nhìn vào thực tế công tác xây dựng Đảng hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước rất đồng tình, ủng hộ trước quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc triển khai nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Ngay tiêu đề của nghị quyết và những hành động quyết liệt của Đảng ta thời gian qua đã thể hiện rất rõ tính chiến đấu, tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, nói rõ sự thật".
Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 được tổ chức ngày 4/3/2017 vừa qua cho thấy, Đảng ta đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chỉ ra nhiều định hướng mới trong công tác tổ chức xây dựng Đảng như : Tham mưu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để "một nhiệm vụ chỉ một cơ quan, một tổ chức đảm nhiệm", "một tổ chức, một cơ quan có thể làm nhiều nhiệm vụ", "một việc chỉ một người làm", "một người làm nhiều việc" ; bổ sung các quy định, quy chế, hướng dẫn... bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa hệ thống Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt, năm 2017, ngành tổ chức xây dựng Đảng đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng "4 hóa" : Hạt nhân hóa cán bộ lãnh đạo ; chuẩn hóa các văn bản pháp quy ; đơn giản hóa các thủ tục hành chính ; tự động hóa tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, tại hội nghị đã có bản báo cáo giới thiệu hàng loạt mô hình, sáng kiến, cách làm mới trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Có thể kể ra hàng loạt mô hình, cách làm hiệu quả như : Đề án 25 về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế ở Quảng Ninh ; rà soát sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở Thành phố Hà Nội, giảm được hàng chục phòng, hàng trăm đơn vị sự nghiệp… Nhiều cấp bộ Đảng đã có những mô hình rất hay trong công tác cán bộ như : Chương trình đào tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và chương trình công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh ; Đề án 500 tuyển chọn, tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường ở Quảng Nam ; đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Đà Nẵng ; chương trình về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất, kinh doanh ; quy định và cam kết xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở Quảng Ngãi ; tổ chức bồi dưỡng tiếng Việt và trình độ lý luận chính trị cho cán bộ nước bạn Lào ở Quảng Trị ; hỗ trợ sinh phí 2 triệu đồng/năm cho chi bộ thôn, khu phố và mua tặng bảo hiểm y tế cho đảng viên 30 tuổi Đảng trở lên ở Hưng Yên… Trong công tác tổ chức cơ sở Đảng xuất hiện nhiều mô hình phong phú như : Kế hoạch kiện toàn các tổ chức Đảng, phát triển đảng viên và thành lập tổ chức Đảng ở các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Đắc Lắc ; đề án xây dựng chi bộ kiểu mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị ở Hà Giang ; chi bộ sinh hoạt theo chuyên đề hằng năm ở Phú Yên ; phân công cán bộ trong thường vụ và cấp ủy về sinh hoạt Đảng ở vùng đồng bào dân tộc khó khăn tại Thừa Thiên-Huế, Gia Lai, Đắc Nông, Đắc Lắc ; đảng viên Bộ đội Biên phòng về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ vùng biên giới ở Quảng Trị ; quy định ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện ít nhất hằng quý phải có 10 ngày đi cơ sở ở Vĩnh Long ; "Sổ tay điện tử trong công tác xây dựng Đảng" tại Tỉnh ủy Bình Thuận…
Những thông tin chỉ đạo và dẫn chứng sinh động trên thêm một lần nữa minh chứng công tác tổ chức xây dựng Đảng của Đảng ta đang ngày càng đổi mới, thành công (dù vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm) nhưng thực sự đã ăn sâu bám rễ vào thực tiễn cuộc sống. Vai trò của Đảng trong công cuộc Đổi mới ngày càng được phát huy tích cực, hoàn toàn không có chuyện thất bại, thụt lùi trong công tác xây dựng Đảng như những thông tin xuyên tạc, bịa đặt.
Công Minh/QĐND