‘Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai’
Lịch sử, văn hóa và thể chế chính trị mỗi quốc gia có sự khác biệt, nhưng những nguyên nhân căn bản dẫn đến các biến động lớn tại Bangladesh đều xuất phát từ những cái gốc phổ quát.
Sinh viên Bangladesh trở lại trường lần đầu tiên sau nhiều tuần gián đoạn việc học do biểu tình chống chính phủ thủ tướng Sheikh Hasina. Hình chụp tại Viqarunnisa Noon School and College, Dhaka, 18 tháng Tám.
Cảm giác ‘sợ thay’ xuất hiện khi nghĩ về Cambodia và Việt Nam… Nếu tình huống trên các đường phố tại thủ đô Dhaka, Bangladesh, tái diễn ở hai nước Đông Dương này, liệu các chính quyền có mạnh tay đàn áp người biểu tình, như Đảng cộng sản Trung Quốc từng làm với sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn năm xưa? Còn ‘mừng thầm’, rõ ràng là mừng cho người dân Bangladesh và những quốc gia có chung cảnh ngộ, trong đó có người dân Việt Nam và Cambodia… những người đang chịu cảnh áp bức bởi ‘giai cấp mới’ từ các thể chế độc tài toàn trị, bị tước đoạt mọi quyền dân sự, nhưng chưa bao giờ đánh mất hy vọng vào tương lai.
Một số ít thanh niên, sinh viên từng thán phục các bạn trẻ Hong Kong những năm trước, nay lại tiếp tục ngưỡng mộ những người biểu tình trên đường phố Dhaka, lực lượng đã khiến bà Thủ tướng Sheikh Hasina phải bỏ chạy sang Ấn Độ. Dù bà Thủ tướng Bangladesh này mới cai trị gần 20 năm, và ông Hun Sen gần 40 năm, so với gần 80 năm kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam cướp được chính quyền. Tuy xét về mặt thể chế, các quốc gia này đều có nhiều điểm khác nhau. Việt Nam là một chế độ độc tài đảng trị, trong khi Cambodia dù bị gia đình Hun Sen thao túng, vẫn duy trì được hình thức quân chủ lập hiến. Còn Bangladesh lại là một xã hội hoàn toàn đa nguyên, với chính thể tổng thống chế.
Vì vậy, từ Dhaka nghĩ về Hà Nội và Phnom Penh, mọi sự so sánh có thể không hoàn toàn tương đồng. Tuy nhiên, thật phấn khích khi nghe toàn bộ buổi hội luận của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (1). Buổi hội luận đã mổ xẻ khá chi tiết nhân tố ‘sợ thay’, đó chính là lực cản của Đảng cộng sản Việt Nam – ‘con lạc đà’ đang chặn đứng lối phát triển của dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu thật nghiêm túc sẽ thấy hết mọi hiểm họa tiềm ẩn và công khai từ khi Đảng cộng sản này, vốn do Quốc tế Cộng sản sáng lập, đã và đang áp đặt sự thống trị lên cả trăm triệu người dân Việt Nam.
Trong khi đó, từ thủ đô Phnom Penh tuần qua, chúng ta đã nghe lời trấn an dân chúng từ Bộ trưởng Nội vụ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Sar Sokha đã ra lệnh cho Cảnh sát trưởng Quốc gia và các thống đốc tỉnh thắt chặt an ninh trong bối cảnh các nhóm đối lập có ý định tổ chức biểu tình phản đối Khu vực Tam giác Phát triển Cambodia – Lào – Việt Nam (Cambodia-Laos-Vietnam Development Triangle Area, CLV-DTA) (2).
Trong đoạn ghi âm được công bố vào ngày 14/8, Phó Thủ tướng Sokha đã xác nhận rằng các nhóm đối lập đang chuẩn bị vận động người dân từ các tỉnh đổ về Phnom Penh vào ngày 18/8 để cùng tham gia cuộc biểu tình phản đối CLV-DTA (3). Trong khi đó, Ban Tuyên giáo Việt Nam đã chỉ đạo truyền thông và dư luận viên tiếp tục sử dụng luận điệu cũ. Họ vẫn nhấn mạnh rằng, các quốc gia bị cuốn vào ‘cách mạng màu’ là do không có một đảng độc quyền lãnh đạo như Đảng cộng sản Việt Nam, dẫn đến tình trạng người dân, thanh niên và sinh viên mất phương hướng và xã hội rơi vào hỗn loạn, như báo chí thế giới đã đưa tin trong những tuần qua (4).
Muốn biết ‘cơn lốc chính trị’ từ Bangladesh thổi đến Hà Nội ra sao, chỉ cần theo dõi những chủ trương gần đây của chính quyền Việt Nam. Từ nửa tháng nay, Công an đã yêu cầu tất cả nam phụ lão ấu ở các quận, xã từ thành thị đến nông thôn tham gia cái gọi là ‘diễn tập khu vực phòng thủ’ (5). Điều này thực chất là những cuộc biểu tình giả định, nơi Công an huấn luyện người dân cách đàn áp chính đồng bào mình.
Trở lại phóng sự ngày 13/8 của nữ giảng viên Intifar Chowdhury, từ Đại học Flinders (Úc), đột phá ở Bangladesh xảy ra khi các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo trên toàn quốc chống lại ‘hạn ngạch việc làm’ không công bằng của chính phủ đã chuyển thành phong trào thách thức lật đổ Thủ tướng Hasina. Người đoạt giải Nobel và doanh nhân 84 tuổi Muhammad Yunus hiện đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính quyền chuyển tiếp. Chính phủ lâm thời bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền, giáo sư, luật sư, cựu quan chức chính phủ và các thành viên nổi bật của xã hội dân sự Bangladesh. Điều hứa hẹn là có sự tham gia của hai thủ lĩnh sinh viên 26 tuổi – Nahid Islam và Asif Mahmud. Động thái này nâng cao tiếng nói của giới trẻ vào vị trí ra quyết định (6).
Theo một quan sát ngày 16/8 của ‘National Public Radio’ (NPR), đã hơn hai tuần nay, các phong trào trên đường phố phần lớn do sinh viên đại học, học sinh trung học và thanh thiếu niên (Thế hệ Z) lãnh đạo. Trên khắp thành phố, những thanh thiếu niên trai trẻ tụ tập trên vỉa hè, vẽ lên tường thành những bức tranh tường kỷ niệm phong trào của họ. Mumtahana Monu Miti, 19 tuổi, cùng chị gái và bạn của mình vẽ một lá cờ Bangladesh trên tường, màu xanh lá cây với tâm màu đỏ. ‘Thành phố này là thành phố của tuổi trẻ,' cô mỉm cười. Hơn một phần tư dân số Bangladesh ở độ tuổi từ 10 đến 24, phần lớn thuộc nhóm tuổi ‘Thế hệ Z’. Cô nói : ‘Giới trẻ chúng tôi không chỉ là thế hệ của Facebook, YouTube và Instagram. Chúng tôi yêu đất nước của mình. Và chúng tôi cũng muốn tham gia vào việc xây dựng lại đất nước của mình’. Miti cho biết họ sẽ trang trí bức tranh tường của mình với dòng chữ ‘Không sợ hãi, hãy là người Bangladesh !’ (7).
Cũng theo phóng sự trên NPR, khắp thị trấn, các học sinh cuối cấp trung học dẫn đầu nỗ lực dọn dẹp ‘Trung tâm Văn hóa Indira Gandhi’ bị đốt cháy, do Cao ủy Ấn Độ điều hành. Nó đã bị đốt cháy vài giờ sau khi bà Sheikh Hasina trốn sang Ấn Độ. Họ có thể đã tức giận vì Ấn Độ đang che chở cho cựu lãnh đạo đáng ghét. Tình hình căng thẳng về việc tới đây ai là người nắm quyền đang diễn ra trong nền chính trị Bangladesh, nơi cả quân đội và chính phủ lâm thời mới đều nắm giữ quyền lực. Xét cho cùng, lịch sử gần đây đầy rẫy những cuộc cách mạng do thanh niên, sinh viên lãnh đạo nhưng rồi họ cũng mắc những sai lầm. Shahidul Alam, một nhà hoạt động nhân quyền, nhiếp ảnh gia và nhà văn nổi tiếng, cho biết : ‘Giờ đây là thời gian khó khăn, phải đối mặt với quá trình chuyển đổi mà chưa ai trong chúng tôi từng gặp trước đây’. Tuy nhiên, Alam nói thêm : ‘Chúng tôi, với tư cách là một quốc gia, không thể chấp nhận thất bại. Đây là khoảnh khắc lịch sử không thể lặp lại’ (8).
Dù lịch sử, văn hóa và thể chế chính trị mỗi quốc gia có sự khác biệt, nhưng những nguyên nhân căn bản dẫn đến các biến động lớn tại Bangladesh, hay trước đây là ‘Mùa Xuân Ả Rập’ và hiện nay còn có cả ‘Mùa Xuân Phi Châu’ (9), đều xuất phát từ những cái gốc phổ quát. Khi người dân nhận ra chính quyền của họ thiếu tính chính danh, sự bất công xã hội đè nặng lên cá nhân và gia đình, và cuộc sống trở nên ngột ngạt, việc họ hướng tới những luồng gió dân chủ là điều tất yếu. Tuy nhiên, ở các chế độ độc tài toàn trị như Việt Nam hay Cambodia, những phong trào dân chủ thường bị đàn áp từ trong trứng nước. Chính quyền sử dụng mọi biện pháp để duy trì quyền lực, từ việc kiểm soát thông tin đến việc áp chế biểu tình và bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Điều này khiến con đường đến với tự do và dân chủ trở nên gian nan hơn nhiều, tuy cũng không thể dập tắt hoàn toàn khát vọng thay đổi trong lòng người dân.
Cũng cần thừa nhận rằng ở Việt Nam, lý do chính khiến ‘cách mạng đường phố’ chưa thể diễn ra là do đa số người dân, thanh niên và sinh viên thiếu nhận thức sâu rộng về chính trị, cùng với dân trí nhìn chung còn quá thấp. Sống trong một ‘nhà tù khổng lồ’ tại Việt Nam, người dân, thanh niên và sinh viên hầu như không ý thức hết được những quyền lợi mà luật pháp quốc tế, thậm chí ngay cả Hiến pháp Việt Nam, đã quy định từ thế kỷ trước. Sau bảy thập kỷ bị kìm kẹp và thao túng, Đảng cộng sản đã đạt được điều họ mong muốn : phần lớn dân không còn quan tâm đến đời sống chính trị của đất nước. Quan niệm phổ biến trong dân là ‘chính trị đã có Đảng và Nhà nước lo’. Dưới thời tân Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm, guồng máy công an được dự báo sẽ còn cứng rắn hơn cả thời Nguyễn Phú Trọng (10).
Hoàng Trường
Nguồn : VOA, 19/08/2024
Tham khảo :
(1) https://www.voatiengviet.com/a/7741352.html?withmediaplayer=1
(4) https://nghiencuuchienluoc.org/dau-hieu-cach-mang-mau-trong-khung-hoang-chinh-tri-o-bangladesh/
(7 & 8) https://www.npr.org/2024/08/16/g-s1-17112/bangladesh-students-protests-gen-z-new-government
(9) https://www.aljazeera.com/features/2024/8/12/is-africa-experiencing-a-protest-led-revolution
Cách mạng đường phố ở Bangladesh
Ngày 5/8 vừa qua, chính phủ của bà Thủ tướng Sheikh Hasina, thuộc đảng Bangladesh Awami League (BAL) – một đảng chính trị cầm quyền liên tục nhiều năm qua – đã bất ngờ sụp đổ, bản thân bà Sheikh Hasina thì phải vội vã lên phi cơ tháo chạy sang nước láng giềng Ấn độ. Người được đưa lên lãnh đạo chính phủ lâm thời là Muhammad Yunus, một doanh nhân, chủ ngân hàng, nhà lãnh đạo xã hội dân sự, đồng thời là người đã được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2006 vì sáng kiến thành lập "ngân hàng cho người nghèo", theo như báo chí quốc tế đưa tin. Quan trọng hơn, ông Muhammad Yunus được khá nhiều người dân Bangladesh yêu thích, kính trọng, và không thực sự dính dáng đến các đảng phái chính trị.
Cảnh sát cơ động chống Bangladesh dùng gậy đánh một nữ sinh viên biểu tình - Ảnh : UNWatch
Đây là kết quả chỉ sau vài tuần xuống đường đấu tranh của sinh viên, giới trẻ Bangladesh, ban đầu chỉ là chống lại hệ thống hạn ngạch viên chức, trong đó ưu tiên tuyển mộ con cháu cựu chiến binh, mà họ cho là bất công. Nhưng rồi cách đối phó của chính phủ bà Sheikh Hasina là đàn áp, theo báo chí quốc tế gần 11.000 người đã bị bắt, khoảng 300-400 người bị giết trong các cuộc biểu tình, và thế là đám đông phẫn nộ. Cho dù sau đó tòa án đã thay đổi mức phân bổ này thì cũng đã là quá trễ. Cuộc biểu tình biến thành đòi công lý cho những người đã bị giết, chống chính phủ tham nhũng, rồi đòi bà Sheikh Hasina phải từ chức. Và kết cuộc như thế nào thì chúng ta đã thấy.
Sheikh Hasina là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Bangladesh và là nữ nguyên thủ quốc gia tại vị lâu nhất thế giới, nắm quyền từ năm 2009-2024 và trước đó vào giai đoạn 1996-2001, tổng cộng 20 năm.
Như thường thấy ở một số quốc gia nghèo, đang phát triển, đó là những người đã từng có công với đất nước sau đó khi nắm quyền lại phản bội người dân và trở thành độc tài. Cha bà Sheikh Hanisa là nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Sheikh Mujibur Rahman – được gọi là "Cha già dân tộc" (Father of the Nation) ở Bangladesh, đã lãnh đạo Bangladesh giành lại độc lập từ Pakistan vào năm 1971 và trở thành tổng thống đầu tiên của Bangladesh.
Bản thân bà Sheikh Hanisa trong những năm cầm quyền của bà, Bangladesh đã có những bước chuyển mình đáng kể, xây dựng thêm nhiều đường sá, cầu cống, nhà máy, hệ thống đường sắt đô thị… Thu nhập bình quân đầu người ở Bangladesh tăng gấp đôi gấp ba, phần lớn nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may.
Nhưng chính phủ của bà Sheikh Hanisa cũng bị cáo buộc là tham nhũng và mạnh tay đàn áp, cũng như quá phục tùng Ấn độ. Việc bà Sheikh Hasina từ chức và trốn sang Ấn Độ đã nêu bật mối quan hệ giữa Bangladesh và Ấn Độ.
Có một thực tế là khi nắm quyền quá lâu, thì nhiều chính trị gia, người lãnh đạo có xu hướng quen với quyền lực, không muốn từ bỏ quyền lực, họ bị tách rời khỏi quần chúng và dễ trở nên độc tài. Thế là từ có công nhiều hơn trở thành có tội nhiều hơn.
Nếu bà Sheikh Hanisa biết lắng nghe tiếng nói của sinh viên, người dân, không "tham quyền cố vị", không ra lệnh cho cảnh sát thẳng tay đàn áp khiến mấy trăm người thiệt mạng thì có lẽ giờ này bà vẫn đang ung dung tại vị.
Sự sụp đổ của chính phủ bà Sheikh Hanisa khiến cho từ các nước láng giềng chung quanh có quyền lợi liên quan đến tình hình chính trị ở Bangladesh như Ấn độ chẳng hạn, cho tới chính bà Sheikh Hanisa và có lẽ ngay đại đa số người dân Bangladesh cũng bất ngờ. Nhưng mặt khác, đối với những quốc gia không được xem là có nền dân chủ lành mạnh thì luôn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, bất công xã hội khiến người dân bất mãn như nạn tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo, nạn thất nghiệp, đời sống khó khăn…và những sự bất mãn, tức giận này cứ tích tụ theo năm tháng cho tới lúc gặp cơ hội là bùng nổ. Và thật ra thì từ năm 2022-2024 cũng đã có một loạt các cuộc biểu tình chống lại chính phủ của Sheikh Hasina, được khởi xướng bởi phe đối lập Bangladesh.
Những người biểu tình chống chính phủ cố gắng phá hoại bức tượng của Sheikh Mujibur Rahman - người sáng lập ra đất nước Bangladesh - tại Dhaka ngày 5/8/2024 - Ảnh : AFP
Từ Bangladesh rồi nhìn về Việt Nam, chúng ta có rút ra được điều gì không ?
Việt Nam, Bangladesh đều là những quốc gia nghèo, đang phát triển, dân số đông (Việt Nam khoảng 100 triệu, Bangladesh 170 triệu), thu nhập quốc gia chủ yếu đến từ nông nghiệp và làm thuê gia công cho nước ngoài, chưa có những thương hiệu lớn trong mọi lĩnh vực, và đều nằm cạnh những nước láng giềng to, mạnh hơn gấp nhiều lần (Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc, Bangladesh nằm cạnh Ấn Độ). Mâu thuẫn xã hội dưới các chế độ lãnh đạo kéo dài đã trở thành lực cản đối với xã hội.
Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Bangladesh rất khác nhau, từ lịch sử, văn hóa, mô hình thể chế chính trị, v.v…
Một vài so sánh, đối chiếu :
1. Bangladesh theo mô hình dân chủ nghị viện. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia nhưng là một chức vụ có tính nghi lễ, quyền lực thực sự nằm trong tay Thủ tướng, là lãnh đạo chính phủ. So với Việt Nam chỉ có độc đảng, Bangladesh vẫn có đa đảng, hai đảng chính là Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) và Liên đoàn Awami Bangladesh tức là đảng của bà Sheikh Hanisa. Ở Bangladesh vẫn có những cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày và lên đến hàng trăm ngàn người, có sự thực tập về hoạt động đối lập chính trị. Ở Việt Nam không có đảng đối lập nào có thể tồn tại, vẫn chưa có quyền lập hội, chưa có quyền biểu tình và vẫn chỉ là những cá nhân đơn lẻ lên tiếng mà thôi.
Ở Việt Nam, Đảng cộng sản đã cầm quyền rất lâu và họ đã tạo được cả một hệ thống những con người gắn bó quyền lợi với chế độ cũng như mạng lưới công an, an ninh dày đặc tới tận cấp cơ sở. Và họ có chính sách tinh vi hơn nhiều chế độ khác để triệt tiêu từ trong mầm mống tất cả những gì có thể thách thức sự cầm quyền của chế độ.
Quan trọng hơn Đảng cộng sản sau này đã rút ra bài học không chỉ sử dụng thuần túy bạo lực đàn áp. Một mặt, nhà nước đàn áp dã man những người có ý thức phản biện, phản kháng, gây cho họ vô vàn khó khăn nếu họ dám lên tiếng, cho tới bắt giam và kết án tù hàng chục năm ; nhưng mặt khác từ vài thập niên gần đây Đảng cộng sản "đổi mới" chuyển sang kinh tế thị trường, kinh tế phát triển hơn, tạo ra một xã hội tiêu thụ không thua gì xã hội tư bản, thế là số đông người dân cảm thấy hài lòng, thỏa mãn. Chúng ta thường nghe những câu quen thuộc ở nhiều người như : "Ở Việt Nam bây giờ khá lắm", "Việt Nam bây giờ cái gì cũng có"… Bởi vì rõ ràng đối với những quốc gia nghèo đang phát triển, tự do dân chủ vẫn là cái gì đó xa vời, đại đa số người dân vẫn quan tâm đến những vấn đề sát sườn như cơm ăn áo mặc, công ăn việc làm. Vì vậy đa số người Việt Nam vẫn cảm thấy hài lòng là hiện tại khá hơn miền Bắc trước năm 1975 hay khá hơn cả nước thời bao cấp. Đó là sự thành công của Đảng cộng sản.
2. Trở lại sự sụp đổ của chính phủ bà Sheikh Hanisa, rõ ràng là do giới trẻ, sinh viên. Như nhiều tờ báo quốc tế gọi đây là cuộc cách mạng đường phố, cuộc cách mạng của thế hệ gen Z (Từ điển Oxford định nghĩa Z generation là "nhóm người sinh vào cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2010, được coi là rất quen thuộc với Internet"). Sinh viên đóng vai chính lật đổ chính phủ của bà Sheikh Hasina, sau đó cũng chính sinh viên, giới trẻ đứng ra giữ trật tự giao thông đường phố bởi vì cảnh sát đã rời bỏ chức vụ, giữ trật tự an toàn tại các ngôi đền, nhà thờ, quét dọn thành phố sạch sẽ. Điều đó cho thấy vai trò và sự trưởng thành của sinh viên Bangladesh. Nhưng điều này không phải từ trên trời rơi xuống. Sinh viên có vai trò chính trị lớn tại Bangladesh. Hầu như tất cả các đảng chính trị đều có cánh sinh viên hoạt động rất mạnh và nhiều sinh viên đã được bầu vào Nghị viện.
Còn Việt Nam, chúng ta phải đặt câu hỏi sự quan tâm và trưởng thành về mặt chính trị, nhận thức…của giới trẻ, sinh viên ở mức nào ? Đừng quên hàng thế hệ người Việt Nam bị nhồi sọ, tuyên truyền một chiều, sai lệch méo mó về lịch sử, chính trị, những người khác thì không quan tâm đến chính trị, chỉ tập trung lo học hành, kiếm suất du học nước ngoài hoặc kiếm bằng cấp, chỗ đứng trong xã hội, kiếm tiền v.v…
3. Vai trò của quân đội : Phong trào đấu tranh vừa qua ở Bangladesh đã thành công vì quân đội không ủng hộ chính phủ, không ủng hộ thủ tướng, không đàn áp người biểu tình, ngược lại, cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc ở Thiên An Môn năm 1989 chẳng hạn, đã kết thúc trong biển máu, hàng ngàn người bị thảm sát khi quân đội theo lịnh của nhà cầm quyền đã đưa xe tăng đến đàn áp. Nếu Việt Nam xảy ra phong trào cách mạng như vậy, liệu quân đội có tham gia ? Chúng ta không biết.
4. Việt Nam chưa có sinh hoạt chính trị đối lập, chưa có cơ hội thực tập chính trị. Ở các nước khác, sự bất ổn chính trị thể hiện bằng những cuộc đảo chính công khai. Ở Trung Quốc và Việt Nam, sự xáo trộn, khủng hoảng diễn ra trong nội bộ đảng dưới hình thức chống tham nhũng, nhưng cái chính là tiêu diệt phe phái của nhau, những cú đảo chính mềm, người này lên người kia xuống, nhưng không có liên quan gì đến người dân và không thể hiện ước muốn của người dân. Người dân vẫn buộc phải đóng vai trò khán giả, theo dõi sân khấu chính trị bất đắc dĩ này. Ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng chính trị nhất vừa qua thì Đảng cộng sản cũng không sụp đổ vì có cái gì thực sự đe dọa đến quyền lực của đảng đâu. Ngay cả những người bị lật, bị cho ngã ngựa hoặc gia đình con cái của những quan chức có những cái chết bất ngờ, đầy bí ẩn thì cũng hoàn toàn im lặng.
Chính vì vậy, trong những năm qua Việt Nam đã lỡ nhiều chuyến tàu dân chủ. Khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, khi các nước Bắc Phi có cách mạng hoa lài, khi người Miến Điện có chính phủ dân sự (tất nhiên sau đó lại bị chính quyền quân phiệt đảo chính giành lại quyền lực) thì ở Việt Nam vẫn không có gì xảy ra.
Việt Nam suốt một thời gian dài vẫn giữ được bề mặt "ổn định chính trị" nhưng đến vài năm gần đây khi công cuộc đốt lò chống tham nhũng trở thành công cụ để tiêu diệt phe phái tranh giành quyền lực thì mới thấy sự bất ổn rõ ràng.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bi quan. So với Bangladesh, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn khá hơn, văn hóa, xã hội của những quốc gia Châu Á có nền tảng Khổng giáo, Phật giáo trong đó có Việt Nam dễ hội nhập và học theo mô hình dân chủ phương Tây hơn các quốc gia Hồi giáo và trên thực tế người dân miền Nam Việt Nam đã từng có cơ hội thực tập mô hình dân chủ và khá thành công về kinh tế, giáo dục, văn hóa… dù đang trong giai đoạn chiến tranh muôn vàn khó khăn. Và cuối cùng, Việt Nam đã từng có kinh nghiệm xương máu của cuộc nội chiến kéo dài 30 năm : máu chảy thành sông, xương chất thành núi ; sau đó bên thắng cuộc thay vì thi hành những chính sách nhân văn, đoàn kết hỏa giải hòa hợp dân tộc để hàn gắn vết thương, bỏ qua quá khứ cùng nhau xây dựng đất nước, thì lại thi hành những chính sách sai lầm, thất nhân tâm, phân biệt đối xử, trả thù… khiến lòng người càng thêm chia rẽ, ly tán, hàng triệu người bỏ nước ra đi, đất nước mất một nguồn lực lớn về tài năng, chất xám… Chính vì vậy, nếu có một cuộc cách mạng xảy ra chắc chắn người Việt sẽ rút ra những bài học đắt giá này.
Tóm lại, từ tình hình hai quốc gia có lịch sử, văn hóa, mộ hình thể chế chính trị… mọi thứ đều khác, nếu có điều gì người Việt Nam có thể học hỏi từ cuộc cách mạng gen Z của Bangladesh thì đó là vai trò của sinh viên, giới trẻ là rất quan trọng. Những người làm truyền thông, những tổ chức chính trị cần phải đầu tư vào thành phần này. Cần phải tiếp tục nâng cao dân trí, để đại đa số người dân hiểu rõ về chế độ, và có khao khát muốn thay đổi thì khi thời cơ đến người Việt sẽ biết chớp lấy, không để lỡ nữa.
Ngược lại về phía nhà cầm quyền Việt Nam cũng nên học từ kinh nghiệm của bao nhiêu chế độ độc tài cộng sản, độc tài quân phiệt, độc tài cá nhân… để suy nghĩ về việc làm sao chủ động chọn lựa con đường dân chủ hóa, đứng về phía nhân dân thay vì để cho "tức nước vỡ bờ", bạo lực, tắm máu xảy ra.
Cuối cùng, làm cách mạng khó, nhưng giữ được những thành quả của cuộc cách mạng đó để chuyển đổi sang một trang sử mới tốt đẹp còn khó hơn. Rất nhiều cuộc cách mạng gần đây từ cách mạng hoa lài ở các nước Bắc Phi, cách mạng chuyển đổi sang chính phủ dân sự ở Myanmar… đều thất bại.
Tại Bangladesh bây giờ, có thể thấy chính phủ lâm thời đang phải đối phó với rất nhiều thử thách : phục hồi trật tự, giải quyết những yêu cầu đòi hỏi trước mắt của người biểu tình, lắng nghe ý kiến của người dân để tìm ra nguyên nhân và làm thế nào thay đổi được một hệ thống trì trệ, tham nhũng nặng nề bao nhiêu năm, đoàn kết mọi cộng đồng, xóa bỏ mọi hận thù, tiến tới một cuộc bầu cử công khai, minh bạch…
Người dân Bangladesh, như báo chí cũng đưa tin, vừa hy vọng, nhưng cũng vừa lo lắng vào sự chuyển giao quyền lực có thể không được êm ả hay chính phủ tương lai sẽ không giữ lời hứa với người dân như chính phủ của bà Sheikh Hasina. Cần phải có thời gian để xây dựng lại niềm tin. Và những người biểu tình cũng hiểu rõ rằng cuộc đấu tranh của họ chỉ mới thắng lợi bước đầu.
Trong khi đó, các nước láng giềng trong khu vực cho tới các cường quốc như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc đều đang theo dõi và không ai mong Bangladesh sẽ bất ổn lâu dài như Myanmar khiến tình hình an ninh khu vực Nam Á, Đông Nam Á trở nên phức tạp và khó lường hơn.
Còn Việt Nam thì vẫn chưa biết đến bao giờ mới có sự thay đổi xảy ra.
Song Chi
Nguồn : RFA, 14/08/2024